
Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 36 - Ngày 04/08/2013
- lợi lạc của quy y
- giới quy y: những điều không nên làm và những điều nên làm
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 36
Như Thị Thất, ngày 04 tháng 08 năm 2013
Chúng ta tiếp tục chủ đề của buổi hôm trước về quy y. Quy y có rất nhiều lợi lạc và là nền tảng của mọi pháp hành. Như tôi đã nói lần trước, khi quy y, quý vị quán tưởng Ruộng Phước và tụng bài quy y. Khi tụng bài quy y, quý vị nghĩ không chỉ riêng mình đang cầu nguyện, mà hết thảy chúng sinh cũng đang cùng quý vị cầu nguyện. Nếu quý vị có tín tâm và lòng sùng mộ mãnh liệt đối với Tam Bảo thì mỗi khi gặp khó khăn, pháp hành quy y sẽ tự nhiên đến trong tâm quý vị. Quán tưởng và cầu nguyện Ruộng Phước cũng tương tự với quy y, không có khác biệt lớn. Điều quan trọng là mỗi khi có thời gian rỗi, quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện, “Con quy y Phật; Con quy y Pháp; Con quy y Tăng.” Mỗi khi gặp khó khăn, quý vị có thể thỉnh cầu Ruộng Phước gia trì và ban cho mình sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. Khi pháp hành quy y đã ăn sâu vào tâm quý vị, thậm chí trong giấc mơ, nếu bỗng nhiên quý vị gặp ác mộng thì pháp hành quy y cũng tự nhiên đến. Nếu pháp hành quy y đến trong giấc mơ thì nó sẽ đến vào thời điểm lâm chung. Nếu pháp hành quy y đến vào thời điểm chết thì chắc chắn quý vị sẽ có một kiếp tái sinh rất tốt đẹp. Thông thường, cuộc sống có rất nhiều khó khăn, nhưng thời điểm tồi tệ nhất là lúc chết. Nếu pháp hành quy y có thể đến trong giấc mơ thì nó cũng sẽ đến trong tiến trình chết. Khi pháp hành quy y đến trong lúc chết thì chắc chắn quý vị sẽ có cơ hội rất cao để đạt được một tái sinh tốt hơn.
Bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong thực hành Phật pháp là quy y. Mỗi khi quy y, quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và tụng bài quy y. Khi cầu nguyện cho người khác, quý vị hãy quán tưởng và cầu nguyện Ruộng Phước, và quán tưởng có hào quang từ Ruộng Phước đến hòa tan vào người đó, nhờ vậy người đó có thể vượt qua được mọi khó khăn và trở ngại. Tôi nghĩ tôi đã nói về điểm này vài lần. Có một lần tại một trường đại học ở Đài Bắc, chúng tôi tiến hành nghiên cứu về thiền. Chúng tôi yêu cầu một tu sĩ hành thiền. Trước khi vị tu sĩ hành thiền, chúng tôi đặt một chén nước trước mặt ông ấy và bố trí một thiết bị đo phản ứng sinh học của nước trong chén. Trước khi vị tu sĩ hành thiền, chỉ số của thiết bị vào khoảng 20-40. Khi vị tu sĩ bắt đầu thiền quán Ruộng Phước, chỉ số của thiết bị đột ngột tăng lên hơn 200. Tôi thấy rất ấn tượng vì khi ông ấy bắt đầu hành thiền, chỉ số đột ngột tăng vọt dù thiết bị không được kết nối trực tiếp vào cơ thể ông ấy, mà chỉ tiếp xúc với nước trong chén trước mặt vị tu sĩ mà thôi. Có rất nhiều phương pháp hành thiền, và theo kinh nghiệm của tôi trong khi tiến hành các thử nghiệm thì thiền quán Ruộng Phước là phương pháp mạnh mẽ nhất.
Khi thực hành quy y, quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện. Tôi đã đề cập điểm này vài lần. Khi chú tâm vào Ruộng Phước, đôi lúc Ruộng Phước hiện lên rất rõ, nhưng cũng có lúc không rõ. Ở giai đoạn đầu thực hành, quý vị đừng lo lắng về hình ảnh quán tưởng có rõ hay không, cũng đừng lo lắng khi bị phân tâm. Nhiều khi quý vị cố gắng tập trung nhưng tâm quý vị không thể làm được mà lại nghĩ đến chuyện khác. Tôi chợt nhớ đến một câu nói ở Tây Tạng, “Nếu chúng ta không sử dụng thanh kiếm thường xuyên thì nó sẽ bị cùn.” Nếu người phiên dịch không phiên dịch thường xuyên thì sẽ bị mất kỹ năng dịch thuật [Rinpoche cười]. Khi tập trung vào một điểm, có thể hình ảnh không được rõ nét lắm và quý vị cũng không thể tập trung suốt thời gian dài. Khi tập trung vào Ruộng Phước, điểm quan trọng nhất là Đạo Sư ngự nơi trung tâm, và quý vị cũng hãy cố gắng quán tưởng các vị bổn tôn và hộ pháp gần Đạo Sư. Hãy cố gắng nghĩ chư vị an vị cạnh Đạo Sư, như quý vị có thể thấy trong ảnh. Đôi khi quý vị có thể tập trung rất tốt, nhưng lúc khác thì không được như vậy; điều đó rất bình thường. Nếu hình ảnh quán tưởng không rõ nét thì quý vị cũng đừng lo lắng; nếu không thể tập trung suốt thời gian dài thì đó cũng là điều bình thường. Dần dần khả năng tập trung (định lực) của quý vị sẽ tăng trưởng. Nếu có định lực mạnh mẽ thì khi chú tâm, quý vị không còn cảm nhận được thời gian nữa. Điều này còn tùy thuộc vào lịch làm việc mỗi ngày của quý vị. Đôi khi quý vị có quá nhiều việc phải làm nên ngày hôm ấy quý vị không thể chú tâm và tập trung được. Một dịp nọ tôi đến một ngôi chùa. Ngày hôm đó tôi hoàn toàn rảnh rỗi vào buổi sáng, tôi đã đến một ngôi chùa ở Nam Ấn. Không có ai ở trong chùa vào thời điểm đó, tôi ngồi trước các học trò của tôi, cầu nguyện và hành thiền. Sau đó, tôi nghĩ mình đã thiền được khoảng 4-5 phút và tôi mở mắt, nhưng các học trò của tôi không còn ở đó nữa. Họ đến gần cửa nằm ngủ [Rinpoche cười]. Khi định lực của quý vị dần tăng trưởng, nếu tập trung vào một đối tượng nào đó thì quý vị không cảm nhận được thời gian nữa. Dần dần quý vị sẽ đạt đến mức độ đó. Hiện tại đừng cố gắng chú tâm quá sức! Nếu hình ảnh không hiện lên rõ nét, không sao cả; nếu quý vị không thể tập trung suốt thời gian dài, cũng không sao. Ít nhất là quý vị cố gắng thực hành tới lui nhiều lần, như vậy thì định lực của quý vị sẽ dần tăng trưởng. Khi định lực của quý vị phát triển toàn diện, chúng ta gọi đó là trạng thái định an chỉ (samatha). Phương pháp đạt đến trạng thái định này được đề cập trong chương cuối của sách. Định an chỉ có thể được thành tựu trong vòng 6 tháng nếu quý vị có được sự chỉ dẫn đúng đắn và thực hành chính xác. Định an chỉ là trạng thái trong đó quý vị có thể tập trung vào một đối tượng liên tục trong nhiều giờ mà không bị lạc mất đối tượng. Tất cả mọi chỉ dẫn để đạt đến trạng thái này có ở chương cuối của quyển Giải thoát trong lòng tay.
Sau khi quy y, quý vị phải tuân thủ giới quy y. Quý vị có thể xem phần lời khuyên những gì nên làm và những gì không nên làm. Quý vị cần biết sau khi quy y, có ba điều quý vị không nên làm. Thứ nhất, khi đã quy y Phật, quý vị không được quy y các vị thần thế gian. Như tôi đã nói, quý vị phải tôn trọng tất cả; nhưng quy y và tôn trọng thì khác nhau một chút. Thứ hai, khi đã quy y Pháp, quý vị không được trực tiếp gây tổn hại chúng sinh khác. Có thể chúng ta đã nhiều lần vô tình gây tổn hại, nhưng chúng ta không được trực tiếp gây hại cho loài vật và người khác. Có hai dạng gây tổn hại: trực tiếp và gián tiếp. Chúng ta đã vô tình hãm hại rất nhiều người và loài vật, nhưng chúng ta phải tránh việc trực tiếp hãm hại. Trực tiếp gây tổn hại có nghĩa là chúng ta cố ý hãm hại chúng sinh, chúng ta không được phép làm như vậy. Trong một vài tình huống, để làm lợi cho người khác mà chúng ta hành động gây tổn thương, như nói nặng lời. Để người khác tiến bộ hơn thì chúng ta có thể nói nặng lời, tuy nó gây tổn thương nhưng chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta không được cố ý dùng lời lẽ nặng nề để làm tổn thương người khác. Chúng ta phải tránh việc trực tiếp hãm hại người khác; phần nhiều những hành động đó đến từ động cơ muốn hại người. Trong tu viện, mỗi khi có vị tu sĩ nào phạm giới thì sẽ có hình phạt. Hình phạt tuy gây tổn thương nhưng nó có ích cho họ. Đôi khi hình phạt là lễ lạy trước tăng chúng. Hình phạt có thể khiến vị tu sĩ phạm giới tổn thương, nhưng mục đích của nó không phải gây hại mà chính là để làm lợi lạc cho vị ấy. Chính vì vậy, chúng ta không gọi đó là trực tiếp gây tổn hại. Tôi có nghe một câu chuyện có thật từ một học trò của tôi, một bác sĩ ở Đài Loan. Có một lần trong phòng khám của cô ấy, các y tá cãi nhau. Cô ấy đưa ra hình phạt là các y tá phải đọc một quyển sách của tôi trong một giờ và sau đó phải nêu được vài ý từ quyển sách đó [Rinpoche cười]. Những việc làm đó có mục đích là làm lợi lạc cho người khác, chúng ta không xem đó là trực tiếp gây tổn hại.
[Phật tử hỏi Rinpoche về việc dùng thuốc xịt muỗi.]
Vấn đề liên quan đến muỗi khá phức tạp. Khi quý vị dùng thuốc xịt muỗi với ý định giết muỗi thì hành động đó cần phải được xem là trực tiếp gây tổn hại. Nếu quý vị dùng thuốc xịt muỗi chỉ để ngăn muỗi không bay vào phòng, chứ không có ý định giết chúng, thì chúng ta không xem đó là trực tiếp gây tổn hại. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi quý vị làm điều tốt cho loài muỗi thì chúng cũng không hiểu gì. Dù tôi cho nó hút máu của tôi, hoặc tôi không cho nó hút máu, phản ứng của nó đối với tôi cũng giống nhau, chẳng có gì khác biệt [Rinpoche cười]. Sau này, nhiều người nói với tôi loài muỗi mang rất nhiều mầm bệnh, nên bây giờ tôi không cho chúng hút máu nữa. Dịp nọ, trong một buổi họp nhỏ, có một con muỗi đậu trên cánh tay của tôi và tôi để cho nó hút máu. Đột nhiên có một người đàn ông kêu lên sửng sốt, “Rinpoche, ngài không nên làm thế!” [Rinpoche cười] Ông ấy khuyên tôi đừng làm thế vì muỗi mang rất nhiều mầm bệnh. Chính vì vậy, chúng ta không được giết muỗi, không được cố ý giết chúng, nhưng cũng không cần thiết phải cho chúng hút máu. Trong mọi tình huống, chúng ta phải biết rõ động cơ của mình. Khi chúng ta có động cơ hãm hại người khác, giết chúng sinh khác và hoàn tất hành vi đó, chúng ta xem đó là trực tiếp gây tổn hại.
Thứ ba, sau khi quy y Tăng, quý vị không được mang tà kiến. Khi biết mình phạm lỗi thì quý vị phải cố gắng sửa chữa lỗi lầm. Đối với một số người, dù họ biết mình phạm lỗi nhưng họ vẫn khăng khăng là mình làm đúng, và họ sẽ bị kẹt trong những lỗi lầm đó. Quý vị không nên như vậy. Một số người được cho là theo chủ nghĩa hư vô (nihilistic), họ hiếm khi tin tưởng vào điều gì đó; họ luôn nghi ngờ và nghi ngờ mọi thứ. Mỗi khi có nghi vấn thì điều quan trọng là quý vị phải tiến hành phân tích; sau đó quý vị sẽ hiểu đúng. Mang tà kiến có nghĩa là quý vị tin rằng không có Phật, Pháp và Tăng. Mang tà kiến là một điều rất nguy hiểm. Quý vị phải sửa đổi tà kiến đó. Trước hết quý vị phải biết về tà kiến, rồi mới có thể giảm thiểu chúng. Đặc biệt, khi quý vị nói Tam Bảo không hiện hữu, kiếp quá khứ và tương lai không hiện hữu, đó cũng là tà kiến nặng nề. Khi đã quy y Tam Bảo rồi thì quý vị không nên mang tư tưởng như vậy. Sau khi quy y, quý vị phải tuân thủ những giới luật quan trọng này.
Tôi nghĩ người Việt Nam có truyền thống phóng sinh rất tốt. Điều đó rất tốt. Quý vị có thể thấy ở thế kỷ 21 này, người ta nói nhiều hơn đến quyền động vật, chứ không riêng gì quyền con người. Khi Đức Phật dạy về việc không trực tiếp gây tổn hại đến chúng sinh, Ngài cũng dạy về quyền của loài vật.
Quý vị đã biết về ba điều không được làm sau khi quy y. Bây giờ là những điều nên làm sau khi quy y.
Trước hết, quý vị phải kính trọng tất cả hình ảnh chư Phật. Khi quý vị kính trọng hình ảnh Phật thì sẽ được rất nhiều lợi lạc. Đức Phật có một vị đệ tử là thầy Xá Lợi Phất (Satriputra). Trong đời quá khứ, tiền thân của thầy Xá Lợi Phất nhìn thấy hình Đức Phật trong một ngôi chùa. Khi nhìn thấy hình ảnh đó thì tiền thân của thầy Xá Lợi Phất nghĩ, “Nguyện tôi có cơ hội được nghe giáo lý của Ngài.” Nhờ đó, vị ấy qua đời và tái sinh thành Xá Lợi Phất, và thầy đã có rất nhiều cơ hội lắng nghe giáo lý của Đức Phật. Khi kính trọng tôn ảnh của Đức Phật, quý vị sẽ nhận được nhiều sự gia trì và chúng sẽ giúp chúng ta tích tập nghiệp tương ứng để được sinh ra vào thời có sự hiện diện của một vị Phật tương lai, hoặc tái sinh vào Phật địa. Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta không chấp nhận chỉ có duy nhất một vũ trụ, mà chúng ta thừa nhận có nhiều thế giới. Chúng ta không phải là loài duy nhất, mà có nhiều loài khác hiện diện ở các thế giới khác. Nếu kính trọng hình ảnh chư Phật thì chúng ta sẽ tích tập nhiều thiện nghiệp để được sinh vào một cõi giới có sự hiện diện của chư Phật.
Hôm nay tôi dừng ở đây và chúng ta sẽ tiến hành cầu nguyện.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 22/11/2014.