Bài giảng Giải thoát trong lòng tay (Ngày 4) - giảng ngày 03/06/2012.
- ý nghĩa cúng dường
- tầm quan trọng của việc tích tập công đức
- quy y và quán tưởng Ruộng Phước
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 4
Như Thị Thất, ngày 03 tháng 06 năm 2012
Tôi nghĩ chúng ta đang ở phần “Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt.” Bây giờ đến phần “bày biện bàn thờ” phải không? Quý vị phải bày biện bàn thờ đẹp mắt, hoặc trang nhã. Trước hết, quý vị phải bày biện bàn thờ. Tôi nghĩ đó là điểm thứ hai hoặc thứ ba. [Người dịch: Trong kinh đó là điểm thứ hai.] Có sáu thực hành chuẩn bị, đó là phần thứ hai phải không? [Người dịch: Thưa phải.] Phần thứ nhất là lau nhà phải không? [Người dịch: Thưa phải, phần thứ nhất là lau nhà.] Phần thứ hai là bày biện đồ cúng dường đẹp mắt phải không? [Người dịch: Thưa phải.]
Ở đây, bày biện đồ cúng dường nghĩa là khi quý vị cúng dường, khi bày biện đồ cúng trên bàn thờ, quý vị phải sắp xếp thật đẹp mắt. Tất cả những thực hành cúng dường là để tích tập công đức. Khi quý vị tích tập chưa đủ công đức, rất khó để nhận gia trì từ chư Phật. Để nhận được gia trì từ chư Phật, trước hết chúng ta phải tích tập công đức. Để tích tập công đức thì khởi đầu quý vị phải cúng dường. Điều quan trọng nhất của việc cúng dường không phải là số lượng. Quý vị cúng dường với số lượng bao nhiêu không quan trọng, cách cúng dường mới là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, dù quý vị dâng cúng vật phẩm nào trước bàn thờ, trước hết quý vị phải bày biện thật đẹp mắt. Ở Việt Nam quý vị có cúng dường chén nước không? [Người dịch: Dạ có, chúng con cũng cúng dường chén nước.] Khi quý vị cúng dường chén nước, có cách để cúng dường chén nước. Khi cúng dường nước, nước tượng trưng cho tính trong sáng của tâm chúng ta. Ví dụ, khi cúng dường nước, trong tâm quý vị phải nghĩ quý vị đang cúng dường cả cõi giới chứa đầy nước. Điểm này trông có vẻ đơn giản, nhưng tôi sẽ nói ý nghĩa sâu xa của pháp hành này.
Ý nghĩ sâu xa của pháp hành này là ở chỗ, khi quý vị cúng dường nước, quý vị sẽ tích tập được công đức. Như tôi đã nói, không có công đức thì quý vị không thể nhận được gia trì từ chư Phật. Lấy một ví dụ đơn giản, rất nhiều người cầu nguyện với chư Phật, nhưng chỉ một phần trong số họ đạt được ước nguyện. Ở đây có một câu hỏi nảy sinh: Tại sao? Hơn nữa, thậm chí khi quý vị cầu nguyện hoặc tiến hành puja, có khi hiệu quả với người này, khi khác lại chẳng hiệu quả với người kia. Cùng một kiểu puja lại hiệu quả với người này và không hiệu quả với người khác. Câu hỏi nảy sinh: Tại sao lại như vậy? Rõ ràng là chúng ta cần có điều gì đó từ bản thân mình, bản thân chúng ta cần có công đức thì puja sẽ ảnh hưởng đến chúng ta tích cực hơn. Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ rất lạ nữa. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi hay tiến hành “mo” để dự đoán tương lai. Quý vị đã từng nghe về “mo” chưa? Nó giống như dự báo chuyện tương lai vậy. Khi chúng tôi tiến hành, đối với một vài người việc tiên đoán diễn ra rất tốt; với vài người khác thì không được tốt lắm. Ở đây nảy sinh một câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Chúng tôi cử hành nghi lễ như nhau nhưng có lúc dự báo không đúng cho vài người, còn lúc khác thì lại rất đúng cho những người khác. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nó phụ thuộc vào công đức của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, hầu hết mọi người nghĩ rằng khi tham dự các lễ quán đảnh thì quý vị sẽ nhận được rất nhiều gia trì từ chư Phật mà tự thân mình không cần phải làm gì cả; chỉ cần đến tham dự buổi cầu nguyện và sẽ được nhận rất nhiều gia trì. Đó là sự hiều lầm rất lớn! Nếu mọi thứ diễn ra theo cách đó thì Đức Phật đã không nói rằng “Các ngươi phải hành trì.” mà Đức Phật chỉ cần ban quán đảnh trong suốt cuộc đời của Ngài mà thôi. Nhưng Đức Phật đã không làm như vậy. Ngài dạy, “Các ngươi phải hành trì. Ta đã chỉ ra con đường, các ngươi phải tự hành trì.” Đức Phật đã dạy rõ như vậy. Vì vậy, từ phía mình thì quý vị phải tích tập thật nhiều công đức, rồi quý vị sẽ nhận được gia trì từ chư Phật và nhận gia trì từ các lễ quán đảnh rất dễ dàng.
Bây giờ, làm sao để chúng ta tích tập công đức? Bước đầu tiên là cúng dường. Cúng dường vật chất không phải là điều quan trọng nhất. Cúng dường bằng tâm ý mới là điều quan trọng nhất. Thời xưa có một vị vua rất nổi tiếng, cũng là một Phật tử người Ấn Độ. Vị vua đó tên là A-Dục (Asoka). Có một thời gian rất nhiều thần dân của vua phải chịu khổ sở trong những chuyến đi biển với hải trình rất dài. Vào thời xa xưa đó người Ấn Độ phải vượt biển trong những chuyến đi rất dài. Nhiều thần dân của vua phải đối mặt với rất nhiều khổ đau trong những chuyến đi đó. Lúc đó, một trong những vị thầy của vua đã khuyên rằng, “Hiện tại công đức của dân chúng đang giảm sút, vì vậy họ phải đối mặt với nhiều trở ngại trong những chuyến đi. Để thoát khỏi sự khổ sở này, điều cần làm là bệ hạ hãy làm tăng trưởng công đức của dân chúng.” Vị thầy đã khuyên như vậy. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là trước khi thực hành bất cứ pháp nào, quý vị phải tăng trưởng công đức.
Hiện tại, quý vị nghĩ rằng có thể đi thẳng vào các pháp hành mà không cần tích tập công đức. Điều đó cũng giống như quý vị uống thuốc liều cao mà lại thiếu vitamin. Bất cứ khi nào quý vị uống thuốc liều cao thì quý vị cũng cần kết hợp bổ sung vitamin. Do đó, việc tích tập công đức cũng giống như các viên vitamin vậy, còn tất cả pháp hành đều như thuốc men chữa lành bệnh của quý vị. Khi cần chữa bệnh, trước hết quý vị phải uống thuốc đúng liều lượng, đúng thuốc, và đúng loại vitamin. Điều này rất quan trọng. Với mọi pháp hành thì quý vị phải đi từng bước một. Hiện tại, đối với người Việt, tôi thấy quý vị nghĩ cứ học mật điển nào đó mà mình thích. Quý vị thích thú mà chẳng hiểu nền tảng của pháp hành. Vì vậy mỗi khi tôi đưa ra tên của mật điển nào đó thì quý vị rất thích. Đó chỉ là mê mẩn tên gọi mà chẳng hề biết thực tại. Các quán đảnh mật điển rất dễ dàng đối với các lạt ma và cũng dễ đối với người học. Quy trình rất dễ. Vị lạt ma chỉ đọc vài điều và người học chỉ cần ngồi xuống đó, nhắm mắt lại; quý vị chẳng cần suy nghĩ gì cả. Đó là quy trình rất dễ dàng [Rinpoche cười] Trong cộng đồng người Tây Tạng, nhất là giới trẻ, khi có vị thầy giảng đạo thì họ hỏi rất nhiều. Họ sẽ hỏi “Tại sao? Như thế nào? …” Chính vì vậy trong cộng đồng người Tây Tạng, lạt ma giả không thể tồn tại vì thái độ của người Tây Tạng. Khi quý vị không thắc mắc, khi quý vị không đặt câu hỏi hoặc không phân tích giáo lý thì lạt ma giả có thể xuất hiện.
Tôi nghĩ bây giờ quý vị đã hiểu được tầm quan trọng của việc tích tập công đức. Do đó điểm thứ hai là cúng dường qua ý. Cúng dường nước qua ý là cách dễ dàng nhất để tích tập công đức. Cúng dường các vật phẩm lên chư Phật bằng tâm ý là một trong những cách dễ nhất để tích tập công đức. Nếu nhìn vào cơ thể vật lý, tôi nghĩ tôi đã nói vài lần trước đây, quý vị cần nhiều loại vitamin A, B, C, D…; rất nhiều loại vitamin. Thực hành tâm linh cũng tương tự, quý vị cần rất nhiều pháp hành. Nếu quý vị nghĩ rằng mình có thể đắc Phật quả chỉ với duy nhất một pháp hành thì quý vị hoàn toàn sai lầm.
Đến đây chúng ta đã hoàn tất điểm thứ hai phải không? Đến đây, trong tâm quý vị phải biết rõ có sáu pháp hành sơ khởi. Khi quý vị nhắm mắt thì bức tranh về sáu pháp hành này phải hiện lên trong tâm quý vị. Như vậy thì quý vị sẽ thực hành dễ hơn. Vào buổi sáng, nếu không có thời gian, ví dụ như quý vị phải đến sở làm, thì hãy cúng dường qua ý. Sau khi lau nhà, quý vị có thể cúng dường bất cứ món gì trong tâm ý. Trước khi ăn, dùng bữa sáng, quý vị có thể cúng dường bữa ăn sáng lên chư Phật. Bây giờ tôi sẽ gửi cho quý vị bài cầu nguyện cúng dường ngắn. Khi cúng dường thì quý vị hãy cầu nguyện. Khi nào quý vị ăn hay uống một tách trà thì quý vị đều có thể cúng dường. Quý vị có thể cúng dường mỗi khi ăn, dù là thức ăn gì đi nữa nó cũng sẽ trở thành sự gia trì. Có điều, tôi không thể yêu cầu quý vị phải làm như vậy bởi vì hiện tại tôi không làm thế [Rinpoche cười]. Tôi không cúng dường thức ăn nên tôi không thể buộc quý vị làm như vậy. Nhưng nếu quý vị làm thì sẽ rất tốt.
Cúng dường qua ý là phương cách tốt nhất. Rất đơn giản. Mỗi khi quý vị về quê, hoặc mỗi khi đi đó đây, quý vị có thể cúng dường bất cứ điều gì tốt đẹp mà mình thấy lên chư Phật, lên Đạo sư. Đó là cúng dường bằng ý. Quý vị sẽ tích lũy được rất nhiều công đức từ đó. Ở đây có một câu hỏi: Quý vị cúng dường cho ai? Cho chư Phật phải không? Có rất nhiều bổn tôn, quý vị nên cúng dường vị nào? Có lẽ vấn đề này sẽ được đề cập ở điểm thứ ba hoặc thứ tư.
Bây giờ chúng ta có thể bàn đến điểm thứ ba. Điểm thứ ba là “Ngồi theo thế (gồm tám sắc thái) của Tỳ-lô-giá-na” hoặc bất cứ tư thế nào quý vị cảm thấy thoải mái. Đến đây kinh văn nói về thế ngồi. Đó là tư thế gồm tám đặc điểm, hoặc bất cứ cách gọi nào tùy quý vị. Nếu buổi sáng quý vị có thể thực hành một chút trong tư thế này thì rất tốt. Bây giờ quý vị hãy mở webcam. Phong có thể ngồi mẫu không? Tôi sẽ hướng dẫn.
Phong hãy tiến lên phía trước và làm mẫu cho mọi người xem. Hướng dẫn cho mọi người xem chứ không phải cho tôi xem [Rinpoche cười].
Vào buổi sáng, trước khi thực hành bất cứ pháp nào, sẽ rất tốt nếu quý vị có thể ngồi trong tư thế này khoảng bốn đến năm phút. Phong, hãy để tay như thế này! Lưng phải thẳng, vai cũng phải thẳng. Quý vị có thể cúi đầu xuống một chút. Lưỡi cần phải chạm vòm họng trên. Trong kinh nói mắt quý vị phải nhìn vào đầu mũi. Đừng làm như vậy. Theo kinh nghiệm của tôi thì làm như vậy rất khó. Quý vị không cần làm như vậy. Bây giờ quý vị rõ thế ngồi rồi phải không?
Người dịch: Thưa thầy, con đặt tay ở đâu? Có phải ngang rốn không?
Rinpoche: Đúng vậy, ngang rốn. Tôi nghĩ quý vị đã từng nghe về thiền nội hỏa. Pháp thiền nội hỏa bắt đầu từ rốn. Vì vậy, tay quý vị cần được đặt ngang rốn. Quý vị nghe về nội hỏa chưa? Nhưng tôi luôn nói rằng đó là pháp hành rất lỗi thời. Chúng ta cần thiền “nội lạnh.” Hiện tại chúng tôi đang ở trong thời tiết nóng bức vùng Nam Ấn [Rinpoche cười]
Tư thế ngồi không mấy quan trọng. Tuy nhiên, nếu quý vị có thể ngồi trong khoảng vài phút thì cũng tốt. Sau đó, quý vị không cần phải duy trì thế ngồi nữa. Thậm chí nếu không có thời gian để ngồi đúng tư thế thì quý vị cũng có thể tiếp tục thực hành. Thế ngồi không quá quan trọng.
Sau đó, quý vị phải thực hành quy y. Chúng ta gọi là thực hành quy y. Ở đây, như tôi từng nói, quý vị phải cầu nguyện với ai? Chúng ta phải thực hành điều gì? Ở đây có một câu hỏi vì có rất nhiều vị Phật, rất nhiều bổn tôn. Ở đây, chúng ta phải cầu nguyện với Ruộng Phước. Tôi nghĩ quý vị có thể lấy hình từ Google. Tôi sẽ gửi quý vị bức hình. Quý vị đã có hình chưa? Chúng ta gọi đây là Ruộng Phước (Phước Điền). Như tôi đã nói, chúng ta thường rất bối rối khi phải cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện với ai? Chư Phật? Chư Bồ tát? Hay ai khác? Chúng ta có rất nhiều điều bối rối. Quý vị có thể thấy ở trung tâm của Ruộng Phước là ảnh tổ Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Ngay tim tổ Tông Khách Ba là Đức Phật Thích Ca. Quý vị sẽ thấy tất cả bổn tôn và hộ pháp… Quý vị cần nghĩ tất cả bổn tôn và hộ pháp đều là sự hiển lộ của Đạo Sư Gốc của quý vị. Sau khi ngồi xuống, quý vị phải bắt đầu bằng bài cầu nguyện quy y. Trước khi thực hành quy y, quý vị phải quán tưởng Ruộng Phước ở phía trước của quý vị. Trong Ruộng Phước quý vị có thể thấy chư Phật và chư Bồ tát. Khi quý vị có hình Ruộng Phước rồi thì không cần nhiều hình khác nữa. Điều này sẽ giúp quý vị tiết kiệm được chi phí [Rinpoche cười], nếu không thì quý vị sẽ phải mua rất nhiều hình bổn tôn. Nếu có một hình Ruộng Phước rồi thì quý vị không cần phải mua thêm nhiều hình bổn tôn nữa, như thế sẽ tiết kiệm được chi phí và ngân quỹ của quý vị.
Mỗi khi quán tưởng một vị Phật, quý vị phải quán tưởng ngay tim vị Phật đó là tổ Tông Khách Ba và Đạo Sư Gốc của quý vị. Quý vị phải nghĩ ba đối tượng gồm Phật, Đạo Sư Gốc của quý vị, tổ Tông Khách Ba là một. Khi quý vị nhận gia trì từ chư Phật, quý vị phải nhận sự gia trì đó qua một phương tiện hay kênh trung gian. Khi cần nhận tiền từ nước ngoài, quý vị cần gì? Quý vị cần có tài khoản ngân hàng. Nếu không có tài khoản ngân hàng thì quý vị không thể nhận tiền gửi từ nước ngoài dù có ai đó gửi tiền cho quý vị. Vì vậy, có lẽ hôm nay quý vị đang mở một tài khoản để nhận gia trì từ chư Phật. Quý vị phải quán tưởng vị Phật và Đạo Sư Gốc của mình đồng thời, vì gia trì của chư Phật đến với quý vị thông qua Đạo Sư Gốc. Quý vị có thể thấy rõ trong hình có rất nhiều bổn tôn mật điển khác nhau và quý vị phải hiểu. Điều đó rất quan trọng.
Phía dưới hình tổ Tông Khách Ba là các bổn tôn mật điển, trong Tạng ngữ chúng tôi gọi là “yidam.” Tôi nghĩ quý vị từng nghe về Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva). Mã Đầu Minh Vương là một vị yidam. Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka) cũng là một vị yidam. Bây giờ quý vị phải hiểu ý nghĩa của từ “yidam” và “deity.” “Yidam” là những hình thức hiển lộ khác nhau của chư Phật trong cõi này hoặc các cõi khác. Đó là “yidam.” Tôi nghĩ quý vị biết Tài Bảo Vương (Dzambala). Tài Bảo Vương không phải là yidam. Tài Bảo Vương và yidam hoàn toàn khác nhau. Quý vị không thể đặt hình của Tài Bảo Vương phía trên hình yidam, như Mã Đầu Minh Vương. Quý vị có từ tiếng Việt cho “yidam” không?
Người dịch: Chúng con không có từ tiếng Việt cho “yidam.”
Rinpoche: Tốt! Vậy hãy dùng từ “yidam.” Tôi nghĩ một ngày kia “yidam” sẽ thành tiếng Việt [Rinpoche cười]. Đây là vấn đề quan trọng quý vị phải hiểu. Hiện tại, khi nhìn vào mật điển, quý vị nghĩ tất cả các vị thần mật điển đều như nhau. Không phải như vậy. Có khác biệt rất lớn. Nếu quý vị hiểu điểm này thì thực hành sẽ khác biệt. Phía dưới tổ Tông Khách Ba là hai hàng yidam. Tôi nghĩ các vị ấy ngồi chật chội quá [Rinpoche cười]. Một điều nữa, trong các yidam mật điển quý vị sẽ thấy các yidam rất đáng sợ. Vài vị yidam đang uống máu ở một vài bức hình. Một câu hỏi nảy sinh: Thực tế thì các vị ấy có uống máu thật không? Nếu thực tế các vị đó uống máu thật thì họ không phải là yidam mà là ma cà rồng [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu các vị yidam uống Pepsi hoặc Coca-Cola thay vì uống máu. Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn [Rinpoche cười]. Nếu quý vị không hiểu rõ điểm này thì đây sẽ là điều bối rối và hoang mang nhất. Nếu quý vị đi nhận quán đảnh mà không hiểu điểm này thì sẽ càng khó hiểu, bối rối hơn nữa.
Điểm thứ hai, vài vị yidam đang cầm vũ khí như gươm… Hãy tưởng tượng xem chúng nặng đến mức nào. Nếu các vị ấy mang vũ khí suốt 24 giờ thì có bị mỏi tay hay không? Có lẽ quý vị nghĩ tôi đang hỏi rất lạ vì thực tế quý vị không có câu trả lời. Đó là vì quý vị không hiểu nền tảng của mật điển. Đây là điểm rất quan trọng. Khi nói về các bổn tôn mật điển, đừng nghĩ rằng các loại vũ khí đó là vũ khí thế tục. Trong mật điển, tất cả bổn tôn, yidam…, tất cả đều có thân cầu vồng. Thân của các vị ấy như cầu vồng. Các vị ấy không giống con người. Trước hết quý vị cần biết điều đó. Quý vị gọi “rainbow” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: Cầu vồng] Khi nhìn cầu vồng thì điều quan trọng nhất quý vị cần là gì? Điều gì là quan trọng nhất quý vị cần có để thấy cầu vồng? Quý vị cần ở đúng vị trí, đúng chỗ. Nếu không ở đúng chỗ thì dù có cầu vồng đi nữa quý vị cũng không thể thấy được. Tương tự, tất cả bổn tôn mật điển đều không có thân vật lý. Các vị ấy có thân cầu vồng. Vì vậy, về phần chúng ta, chúng ta cần ở đúng chỗ, đúng nơi để thấy được các vị ấy. Đúng chỗ có nghĩa là chúng ta phải tịnh hóa nhiều ác hạnh hơn nữa, khi đó chúng ta mới có thể nhìn thấy cầu vồng.
Tiếp theo là các vị daka và dakini. “Daka” và “dakini” là các từ Phạn ngữ, tôi không có từ tiếng Anh tương đương nào cả. Có sự khác biệt rất lớn giữa yidam và daka/dakini. Yidam là hiển lộ của chư Phật trong nhiều hình tướng khác nhau. Daka/dakini là các hành giả chứng đắc cao tột và phát nguyện với chư Phật sẽ hộ trì chánh Pháp và bảo hộ chúng sinh.
Sau đó, trong hình quý vị sẽ thấy chư Phật và chư Bồ tát.
Bây giờ, mỗi khi quy y, quý vị phải quy y Ruộng Phước. Rất đơn giản. Quý vị có thể đọc câu “Con quy y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng.” Quý vị hãy đọc câu quy y đó ba lần. Sau khi đọc như vậy, quý vị hãy quán tưởng có hào quang mạnh mẽ màu trắng đến từ Ruộng Phước hòa tan vào quý vị và tất cả chúng sinh, nhờ đó mà quý vị và tất cả chúng sinh vượt thoát mọi khổ đau. Quý vị đọc lại lời quy y nhiều lần, quán tưởng có hào quang màu vàng đến từ Ruộng Phước hòa tan vào quý vị và tất cả chúng sinh, giúp quý vị và chúng sinh vượt thoát mọi khổ đau. Việc quy y cần phải được thực hiện trước bất cứ pháp hành nào vì chỉ như vậy thì thực hành của quý vị mới là thực hành Phật pháp. Nếu không quy y thì dù quý vị thực hành gì đi nữa cũng không phải là thực hành Phật pháp.
Khi quy y quý vị nói gì? Là “Con quy y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng” phải không . Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi đọc bốn câu, “Con quy y Đạo Sư, con quy y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng.” Đạo Sư được nhắc đến trước tiên. Quý vị nhắc Đạo Sư trước hay nhắc Phật trước cũng không có khác biệt nhiều.
Đến đây quý vị rõ rồi phải không? Nếu rõ rồi thì quý vị phải thực hành nhiều lần. Rõ không? Quý vị nói “Is it clear?” bằng tiếng Việt như thế nào? [Người dịch: Rõ không ạ?]
Hỏi: Vì sao ban đầu chúng con quán tưởng hào quang trắng, sau đó thì quán tưởng hào quang vàng?
Rinpoche: Hào quang vàng dùng cho mục đích làm tăng trưởng. Nếu quý vị muốn tăng trưởng điều gì đó, quý vị cần quán tưởng hào quang vàng. Để điều phục, quý vị quán tưởng hào quang trắng. Hào quang trắng dùng để điều phục tâm quý vị, các vấn đề, hoặc bất cứ thứ gì… Khi cần tăng trưởng điều gì đó như vận may…, quý vị phải quán tưởng hào quang vàng. Không chỉ vậy, quý vị cũng cần phải kết hợp với công đức có được nhờ việc cúng dường. Công đức này rất quan trọng. Chỉ quán tưởng mà không tích tập công đức thì không có ích lắm. Thực hành này cần phải được kết hợp với tích tập công đức thông qua việc cúng dường bằng ý, như tôi đã nói trước đây.
Còn câu hỏi nào nữa không?
Người dịch: Đại chúng xin Thầy hướng dẫn bài cầu nguyện ngắn.
Rinpoche: Được, để tôi nói Marie dịch sang tiếng Việt rồi tôi sẽ gửi cho quý vị.
Hỏi: Trong Ruộng Phước có rất nhiều Phật, Bồ tát, yidam, hộ pháp. Làm sao con có thể nhớ và quán tưởng tất cả?
Rinpoche: Chỉ cần làm một việc. Hiện tại, toàn bộ bức hình không thể hiện rõ trong tâm quý vị. Chỉ cần quán tưởng khái quát, không cần quá chi tiết. Chỉ cần nghĩ tất cả chư Phật, chư Bồ tát, daka, dakini đang ngự trên Ruộng Phước.
Hỏi: Khi chúng con quán tưởng Đạo Sư Gốc thì phải quán tưởng vị ấy ngồi ở đâu và trông như thế nào ạ?
Rinpoche: Quý vị phải nghĩ vị Đạo Sư Gốc trong hình giống như vị Đạo Sư Gốc của quý vị, còn về hình tướng, thì sẽ được đặt ở trung tâm. Quý vị phải quán tưởng Đạo Sư Gốc và Lama Tông Khách Ba cùng là một vị, ngay tại vị trí trung tâm.
Hiện giờ quý vị có thấy hình Ruộng Phước chưa? Quý vị có thể tìm kiếm hình này từ Google. Còn câu hỏi nào khác không?
Hỏi: Sau khi hoàn tất thực hành quy y, làm sao để con quán tưởng Ruộng Phước biến mất?
Rinpoche: Quý vị không cần quán tưởng Ruộng Phước biến mất. Đừng nghĩ đến sự biến mất của Ruộng Phước. Quý vị không cần nghĩ đến việc Ruộng Phước biến mất.
Đến đây, quý vị hiểu rõ lời tôi nói chưa? Từ ngày mai tất cả quý vị thực hành như vậy được không? Khi thực hành quý vị sẽ có kinh nghiệm, và quý vị có thể bàn luận dựa trên kinh nghiệm của mình. Trong Phật giáo có một vài điểm rất quan trọng. Trước hết là phải hiểu, thứ hai là thực hành, và thứ ba là trải nghiệm. Không hiểu đúng thì quý vị không thể thực hành đúng. Khi không thể thực hành đúng thì quý vị không có kinh nghiệm đúng. Chỉ với sự thấu hiểu đúng đắn quý vị mới biết cách thực hành đúng, từ đó mới có được kinh nghiệm đúng. Qua sự trải nghiệm, quý vị có thể kiểm soát tâm mình tốt hơn. Quý vị có thể dễ dàng kiểm soát dòng tâm thức. Bây giờ quý vị có thể hỏi một hoặc hai câu nữa, rồi tôi sẽ ngừng.
Hỏi: Sau khi cúng dường nước lên chư Phật thì chúng con nên làm gì với nước cúng dường đó?
Rinpoche: Bây giờ tôi sẽ nói với quý vị một điều. Tôi đã nói một đệ tử người Mỹ của tôi tiến hành một thí nghiệm. Bây giờ tôi sẽ yêu cầu quý vị tiến hành thí nghiệm với nước. Hãy tưới nước đó vào cây và xem chúng phát triển ra sao. Hãy chọn hai cây giống nhau, cây thứ nhất quý vị tưới bằng nước đã cúng dường lên chư Phật, cây thứ hai quý vị tưới bằng nước thông thường, và xem cây nào phát triển tốt hơn. Đây là thế kỷ 21 và hãy xem, hãy tin một cách khoa học, có được không? Tôi đã yêu cầu vài tu sĩ tiến hành thí nghiệm này trong tu viện. Họ không tiến hành liên tục vì cảm thấy chán quá. Có quý vị nào sẵn lòng làm thí nghiệm này không? Quý vị có thể giơ tay lên không? Tôi không nói quý vị phải làm, chỉ là tự nguyện thôi. Quý vị có thể giơ tay lên không? Quan trọng nhất là quý vị phải duy trì sự liên tục. Quý vị có thể uống nước đó. Không có vấn đề gì về việc uống nước đó, nhưng tôi muốn xem nước đó ảnh hưởng đến cây cối ra sao. Ở Hà Nội tôi thấy có hai hoặc ba người đang giơ tay. Hãy giữ sự liên tục. Quý vị có thể tưới nước đó vào hoa và theo dõi. Hãy làm liên tục và xem nó ảnh hưởng ra sao.
Người dịch: Con muốn nhắc Thầy về bài cầu nguyện trước mỗi thời pháp.
Rinpoche: Ồ, được rồi! Tôi sẽ ban một câu chú. Quý vị có thể tụng câu chú của Đức Phật. Đây là câu chú quý vị có thể tụng trước mỗi thời pháp.
Người dịch: Thưa Thầy chúng con có cần nhận khẩu truyền câu chú không?
Rinpoche: Cần, tôi sẽ truyền khẩu ngay bây giờ. Tương tự, có thể tụng chú và thổi vào nước hoặc hoa để xem câu chú hiệu nghiệm ra sao. Quý vị cũng có thể tiến hành thí nghiệm, được chứ? Tôi nghĩ tôi đã cho quý vị thấy thí nghiệm với gạo. Tôi nghĩ khi ở thành phố Hồ Chí Minh tôi đã cho quý vị xem thí nghiệm đó. Bây giờ quý vị có thể lấy nước cúng dường để tưới cây, tưới hoa và xem thế nào. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu truyền khẩu.
[Rinpoche ban khẩu truyền]
Chủ Nhật tới, có thể tôi sẽ có một bài cầu nguyện nhỏ vì hiện tai đây là tháng linh thiêng. Do đó, tôi sẽ cầu nguyện. Phần quý vị, Jade, tôi sẽ nói vài vật dụng cần chuẩn bị. Tôi sẽ tiến hành cầu nguyện tiêu trừ chướng ngại. Quý vị cần chuẩn bị vài dụng cụ. Tôi sẽ nói sau.
Cảm ơn quý vị! Cảm ơn! Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Cảm ơn!” và “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 27/08/2014.