Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 21 - Ngày 03/03/2013
- các điểm quan trọng khi thực hành thân và tâm
- ôn lại Sáu pháp hành sơ khởi (2 bước đầu)
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 21
Như Thị Thất, ngày 03 tháng 03 năm 2013
Hôm nay tôi sẽ tiếp tục nội dung của buổi trước, phần Nương tựa Bậc Thầy. Tuần trước tôi nói về những phẩm tính của một Đạo Sư Đại thừa. Hôm nay, tôi sẽ nói về điểm khác, đó là đối với bất cứ pháp hành nào, quý vị cũng đều phải kết hợp hai điểm: Một là về tâm, chúng ta cần thực hành như thế nào; hai là về thân, chúng ta phải giữ những giới luật gì. Phật giáo nhấn mạnh cả hai mặt thực hành về thân và về tâm. Quý vị cần chú trọng thực hành về thân lẫn tâm. Về tâm, chúng ta phải biết cách thực hành đúng. Về thân, chúng ta cần tuân thủ một số giới luật để thực hành ngày càng tiến bộ. Những điểm này được đề cập ngay sau phần Nương tựa Bậc Thầy.
Ở đây kinh văn đề cập rằng một hành giả cần tuân thủ bốn điểm về thân.
Điểm thứ nhất, chúng ta phải kiểm soát các căn, kiểm soát mọi hành vi của mình. Tôi sẽ làm rõ điểm này. Khi nổi giận chúng ta thường làm gì? Chúng ta thường la mắng hoặc đánh đấm. Là một người thực hành Phật pháp, trước hết quý vị phải cố gắng kiểm soát mọi hành vi của mình. Khi tức giận, quý vị đừng nói hay làm bất kỳ điều gì, hãy cố gắng kiểm soát hành vi. Quý vị cần kiểm soát bản thân, không nói nặng lời hoặc đánh người khác. Kiểm soát hành vi là thực hành đầu tiên về thân. Hiện tại, chúng ta không thể kiểm soát tất cả ác niệm khi chúng sinh khởi trong tâm. Vì vậy, bước đầu tiên, chúng ta phải cố gắng kiểm soát hành vi. Khi tức giận, quý vị phải kiểm soát hành vi, không nói lời thô ác cũng như không đánh đập người khác. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên (Shantideva) có dạy rằng bất cứ khi nào ác niệm khởi lên, quý vị phải ở yên như một cái cây, không cử động hay nói năng bất cứ điều gì.
Điểm thứ hai, quý vị sẽ làm gì khi nổi giận hoặc suy nghĩ tiêu cực về kẻ thù và những người mình không thích? Quý vị sẽ bắt đầu kể rất nhiều khuyết điểm của họ sau khi đã khởi tâm sân giận hoặc ghét bỏ họ. Vì vậy, mỗi khi khởi tâm ghét bỏ ai đó, quý vị đừng nói hay làm điều gì cả. Quý vị phải kiểm soát như vậy. Điểm thứ hai chính là sự chánh niệm, tỉnh giác. Khi chuẩn bị nói một điều gì đó, trước tiên hãy suy nghĩ và biết rõ mình đang làm gì. Đôi khi quý vị nói rất nhiều mà không hề tỉnh giác. Chánh niệm, tỉnh giác phải luôn được duy trì. Đây là nguyên tắc thứ hai dành cho mọi hành giả. Quý vị phải rất tỉnh giác về hành vi của mình. Khi nói, quý vị cũng phải tỉnh giác về những gì mình đang nói. Nếu tỉnh giác về những gì mình đang nói và đang làm thì quý vị sẽ kiểm soát được chúng. Nếu không, quý vị sẽ không thể nào kiểm soát được bất cứ điều gì. Đó là lý do quý vị cần phải tỉnh giác. Đây là điểm thứ hai.
Điểm thứ ba liên quan đến lượng thức ăn mà quý vị dùng. Quý vị chỉ nên ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều, cũng không nên ăn quá ít. Đây là một vấn đề khá phức tạp! [Rinpoche cười]. Tôi sẽ nói rõ hơn tại sao lại phức tạp. Là một tu sĩ, tôi phải giữ các giới luật của tu sĩ. Bên cạnh đó, tôi cũng có nhiều nguyên tắc riêng cho bản thân mình. Trong những nguyên tắc đó thì vấn đề ăn uống là một điều rất phức tạp đối với tôi [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ quý vị đều biết tôi không bao giờ sử dụng vật dụng cá nhân có giá vượt quá 20 đô-la. Tùy theo tỷ giá, 1000 rupees Ấn Độ đôi lúc là 15 đô-la, đôi lúc là 20 đô-la. Nó cứ lên và xuống. Tôi đã tuân thủ nguyên tắc này nhiều năm rồi. Tất cả vật dụng cá nhân như đồng hồ đeo tay, điện thoại di động hay quần áo v.v... đều không trị giá hơn 20 đô-la. Hiện tại 1000 Rupees Ấn Độ bằng với 15 đô-la, đôi lúc là 20 đô-la; tôi không dùng đồ vật có giá trị vượt quá mức đó. Tôi đã tuân thủ nguyên tắc này nhiều năm và không gặp trở ngại nào, nhưng thức ăn lại là một vấn đề rất phức tạp. Khoảng ba, bốn năm trước, có một lần tôi được mời dùng bữa tối. Vì nghĩ đây là lúc dùng bữa tối nên tôi đã ăn khá nhiều. Nhưng họ nói với tôi đó chỉ là phần khai vị, chưa phải là món chính [Rinpoche cười]. Lần thứ hai, người ta mang lên khá nhiều món và tôi tiếp tục ăn. Sau đó, thức ăn được mang lên lần thứ ba. Lần này cũng có rất nhiều thức ăn được bày lên, nhưng tôi không thể ăn thêm được nữa. Sau buổi hôm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều, liệu một người như tôi có nên ăn nhiều thức ăn hay không? Liệu cơ thể tôi có thật sự cần nhiều loại thức ăn như vậy hay không? Những câu hỏi này cứ nảy sinh trong đầu tôi. Vì vậy, tôi quyết định chỉ dùng tối đa sáu loại thức ăn mà thôi. Kể từ hôm đó, khi được mời dùng bữa, tôi chỉ dùng tối đa sáu món, ngoài ra không dùng hơn nữa. Tôi tuân thủ theo khá thuận lợi nhưng sau vài ngày thì chính nguyên tắc đó lại gây ra rắc rối và lúng túng khác. Một ngày nọ, tôi dùng điểm tâm với bánh mì. Ăn bánh mì phải có mứt và bơ. Vì vậy tôi suy nghĩ xem mình nên tính bơ và mứt là hai món hay một món. Rắc rối là ở chỗ đó. Nếu tôi tính là hai món thì ngay cả khi uống trà, tôi cũng phải tính thành hai món vì trà Ấn Độ phải pha chung với nước và sữa. Nếu tôi chỉ tính thành một món thì có thể tôi ăn đến mười món hay hai mươi món trong một đĩa thức ăn hỗn hợp, điều này làm tôi lúng túng. Sau đó tôi không thể tuân thủ theo nguyên tắc này nữa. Nguyên tắc này chỉ kéo dài được ba ngày và tôi bắt đầu lúng túng [Rinpoche cười]. Vấn đề ăn uống thật sự rất phức tạp. Do đó, Đức Phật không đề cập đến lượng thức ăn chúng ta nên và không nên dùng hoặc chúng ta nên dùng những gì. Ngài chỉ dạy chúng ta nên ăn một lượng thực phẩm vừa đủ để nuôi sống bản thân, không nên ăn quá ít hay quá nhiều. Đó là điểm thứ ba trong những thực hành về thân. Với bất kỳ loại thức ăn nào, quý vị không nên ăn quá nhiều. Ngay cả nếu xem xét trên phương diện sức khỏe, đây cũng là điều quan trọng. Trong tu viện có một chú tiểu ăn rất nhiều. Tôi nói với chú không nên ăn quá nhiều như vậy, khi đã thấy no rồi thì không nên ăn nữa. Chú tiểu đó đã nói với tôi, “Làm sao con biết được khi nào con no?” [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ bộ phận khó kiểm soát nhất của con người chính là cái lưỡi. Do đó rất khó để kiểm soát lời nói của mình, khó kiểm soát được thức ăn mà mình dùng. Đây là điểm thứ ba về những thực hành về thân.
Bây giờ là điểm quan trọng thứ tư, người thực hành Pháp không nên ngủ quá nhiều. Bản thân tôi cũng ngủ rất nhiều nên nếu tôi nói quý vị không được ngủ quá nhiều thì không phù hợp. Cho nên tôi sẽ không bảo quý vị không được ngủ nhiều. Tôi không theo được quy tắc này [Rinpoche cười]. Một bà mẹ dẫn con mình đến gặp một vị thầy. Bà mẹ xin vị thầy một lời khuyên để con bà đừng ăn quá nhiều đồ ngọt nữa. Vị thầy nói với bà mẹ, “Bà hãy dẫn con bà quay lại đây sau một tháng.” Một tháng sau, bà dẫn con mình đến, vị thầy lại nói bà hãy dẫn đứa con trở lại sau một tháng nữa. Một tháng sau, bà mẹ dẫn con mình đến chỗ vị thầy, và một lần nữa vị thầy lại nói bà hãy quay lại sau thêm một tháng nữa. Sau ba tháng như vậy, vị thầy mới chính thức khuyên con của bà không nên ăn quá nhiều đồ ngọt. Bà mẹ hỏi vị thầy, “Lẽ ra thầy có thể cho con lời khuyên này ngay từ lần đầu tiên con đến đây. Vì sao thầy hẹn con cứ mỗi tháng lại đến và qua ba tháng thì thầy mới cho con của con lời khuyên?” Khi đó vị thầy trả lời, “Cách đây ba tháng, khi bà đem con bà đến gặp ta, bản thân ta cũng ăn ngọt nên ta không thể nào đưa ra một lời khuyên đúng đắn cho con của bà. Do đó ta đã hẹn bà một tháng sau quay lại. Sau một tháng ta cố gắng bỏ ăn ngọt nhưng không thành công, ta hẹn bà một tháng nữa. Sau ba tháng thì ta đã không ăn nhiều đồ ngọt nữa. Khi đó ta mới có thể đưa ra lời khuyên cho con của bà không nên ăn nhiều đồ ngọt.” Tương tự, khi nào tôi ngủ ít lại thì tôi sẽ khuyên quý vị không nên ngủ nhiều. Từ đây cho đến lúc đó tôi sẽ không khuyên quý vị đừng nên ngủ quá nhiều. Từ bây giờ đến khi tôi có thể ngủ ít lại thì tôi sẽ không nhắc về nguyên tắc thứ tư này nữa. Đó là bốn nguyên tắc cho người thực hành Pháp.
Tôi nghĩ tôi đã hoàn tất phần sáu pháp hành sơ khởi. Bất cứ khi nào quý vị bắt đầu thực hành về tâm, chẳng hạn như những thực hành chuẩn bị, đầu tiên quý vị phải lên kế hoạch. Quý vị phải biết được bước một mình sẽ thực hành những gì, bước hai mình sẽ thực hành những gì. Quý vị cần lập kế hoạch trước khi bắt đầu những thực hành về tâm. Khi thực hành về tâm hoặc hành thiền, chữ “thiền” có nghĩa là kiểm soát tâm. Quý vị phải hiểu rằng mục đích của thực hành về tâm là để kiểm soát tâm. Đó là mục đích chính của thiền. Hiện giờ chúng ta không thể kiểm soát tâm mà chính tâm đang kiểm soát chúng ta. Qua việc hành thiền, chúng ta có thể làm chủ tâm mình. Hiện tại thì tâm đang làm chủ chúng ta.
Vào thời Đức Phật có một vị vua. Thời đó Ấn Độ có rất nhiều voi, một số vương quốc đã tặng cho vị vua này một con voi tốt. Nhà vua ra lệnh cho vị tướng quân trong triều thuần hóa con voi. Sau sáu tháng, vị tướng đến tâu với đức vua rằng ông đã thuần phục con voi thành công và đức vua có thể cưỡi con voi. Tôi không thấy có nhiều voi ở Việt Nam. Ấn Độ và Nepal có rất nhiều voi. Sau đó nhà vua và vị tướng quân cưỡi con voi đi vào rừng. Khi đang đi dạo trong rừng, đột nhiên con voi hoàn toàn thay đổi hành vi. Nó bắt đầu chạy tán loạn làm cho vị tướng quân không thể nào kiểm soát được con voi. Ông nói với nhà vua hãy chụp một cành cây vắt ngang đường để cứu mạng mình trước, bởi con voi không còn nghe theo lệnh của ông nữa. Khi đó, cả vị vua và tướng quân đều chụp những cành cây vắt ngang để tự cứu mạng mình, còn con voi lúc này hành xử rất điên rồ. Khi cả hai về được cung điện, đức vua mắng vị tướng quân, “Ngươi nói ngươi đã thuần hóa con voi và có thể kiểm soát nó, bây giờ hãy nhìn xem ngươi đã kiểm soát nó như thế nào! Ngươi đã không thuần hóa được nó!” Khi đó, vị tướng quân tâu với nhà vua, “Thần chỉ có thể kiểm soát được thân của con voi. Nhưng thần lại không kiểm soát được tâm của nó.” Đức vua tiếp tục hỏi, “Vậy ai là người có thể kiểm soát được tâm?" Tướng quân trả lời, “Chỉ có Đức Phật mới kiểm soát được tâm.” Nghe câu trả lời này, nhà vua đến gặp Đức Phật và hỏi Ngài, “Ai có thể kiểm soát được tâm của tôi?” Đây là câu hỏi của nhà vua đặt cho Đức Phật, bây giờ tôi hỏi quý vị, “Ai có thể kiểm soát được tâm của quý vị?” [Rinpoche cười]. Khi nhà vua hỏi như vậy, Đức Phật đã trả lời, “Ngài có thể kiểm soát được tâm của ngài. Chỉ có ngài mới có thể kiểm soát tâm của chính mình. Tôi chỉ có thể đưa ra cho ngài con đường để thực hiện điều đó.” Do đó, mục đích chính của việc hành thiền và những thực hành về tâm là để kiểm soát được tâm của chính mình. Hiện tại chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được tâm mình, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được 10%, 20% hoặc 30%. Nếu quý vị kiểm soát được tâm mình 100% thì có lẽ khi đó quý vị đã đạt được Phật quả. Hiện tại tâm chúng ta giống như một con khỉ điên. Quý vị gọi "crazy monkey" là gì? [Người dịch: “Monkey” là “khỉ.” “Crazy” là “điên.” Rinpoche đọc theo tiếng Việt: “Khỉ điên.” “Khỉ điên” có phải không?. Rinpoche nói tiếng Việt: "Tâm là khỉ điên." Đại chúng cười]. Hiện tại tâm chúng ta giống như một con khỉ điên. Ở giai đoạn này, chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được tâm, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được 10%, 20%. Qua thực hành, chúng ta dần dần kiểm soát được tâm mình nhiều hơn. Đây là kinh nghiệm của chính bản thân tôi. So với nhiều năm trước, thật sự đã có rất nhiều thay đổi khi tôi kiểm soát tâm mình. Ngay cả ở giai đoạn này tôi vẫn không thể nào hoàn toàn kiểm soát được tâm mình. Nếu một ngày nào đó chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn tâm mình thì khi đó chúng ta đã tiến rất gần đến Phật quả.
Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa của thuật ngữ “thiền.” Mục đích chính của thiền là để kiểm soát, điều phục được tâm mình. Để kiểm soát tâm, như tôi đã đề cập, bước đầu tiên quý vị cần lập kế hoạch có hệ thống trước khi bắt đầu bất kỳ pháp thực hành nào. Quý vị phải biết được bước thứ nhất mình sẽ làm gì, bước thứ hai mình sẽ làm gì v.v... Có một câu nói, “Khi một người điên biết được anh ta điên thì khi đó anh ta đã tiến rất gần đến Phật quả.” Tâm của chúng ta cũng vậy. Chúng ta đang suy nghĩ điều này lại chuyển qua suy nghĩ điều khác, chúng ta cứ tán loạn như vậy và vẫn không biết được rốt ráo tâm mình vận hành như thế nào. Khi nhìn vào tâm, quý vị sẽ thấy mình không thể nào tập trung chuyên nhất vào một điểm dù chỉ trong một giây. Tâm quý vị luôn nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, buông cái này bắt cái kia. Tâm của chúng ta thật sự rất giống một con khỉ điên.
Do đó, với những thực hành về tâm, ví dụ như thực hành về Ruộng Phước, quý vị phải biết thứ nhất là quán tưởng Ruộng Phước, thứ hai là cầu nguyện, thứ ba là quán hòa tan Ruộng Phước. Đây chỉ là một ví dụ về ba bước. Trước khi bắt đầu, quý vị nên hệ thống hóa các bước mình sẽ thực hành, quý vị nên nghĩ bước một tôi sẽ quán tưởng, bước hai tôi bắt đầu cầu nguyện, và bước ba là quán hòa tan Ruộng Phước. Trước tiên quý vị phải hệ thống hóa các bước thực hành như vậy. Đồng thời quý vị nghĩ rằng tôi sẽ thực hành những bước này một cách chính xác và đúng đắn. Quý vị phải xác quyết mãnh liệt như thế. Đây là một ví dụ tôi đưa ra về thực hành Ruộng Phước. Chúng ta phải có kế hoạch cho việc thực hành, ví dụ, bước một là quán tưởng, bước hai là cầu nguyện và bước ba là quán hòa tan. Đồng thời, vào lúc bắt đầu thực hành, quý vị cũng phải suy nghĩ mạnh mẽ là tôi sẽ thực hành những điều này thật đúng đắn.
Bây giờ, chủ đề của chúng ta là nương tựa và tận tuỵ với Đạo Sư. Ở đề mục này, đầu tiên, quý vị phải quán chiếu về những phẩm tính của Đạo Sư. Quý vị cũng phải khởi tín tâm mãnh liệt đối với Ruộng Phước. Tín tâm và lòng sùng mộ được giải thích như sau. Khi gặp vấn đề khó khăn hay những tình huống cực kỳ nan giải trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi để tin tưởng và nương tựa về mặt tinh thần. Khi quý vị đã có một ai đó để tin tưởng và cầu nguyện, như Ruộng Phước chẳng hạn, thì khi đó quý vị sẽ được nâng đỡ về tinh thần. Như tôi đã đề cập nhiều lần trước đây, khi quý vị khởi tín tâm và nương tựa Đạo Sư thì việc phân tích phẩm tính Đạo Sư, để xem vị ấy có phải là một bậc thầy đích thực mà mình có thể nương tựa hay không, là điều vô cùng quan trọng. Bởi chúng ta nhìn thấy bậc thầy nên chúng ta có thể phân tích bậc thầy. Khi chúng ta khởi tín tâm và nương tựa vào Ruộng Phước thì điều này nằm ngoài khả năng phân tích của chúng ta. Chúng ta không cần phân tích Ruộng phước. Ví dụ như Đức Quán Thế Âm, làm sao quý vị có thể phân tích được phẩm tính của Ngài? Điều này ngoài tầm với của chúng ta. Còn đối với bậc thầy của mình, quý vị có thể thấy được ngài nên quý vị có thể phân tích những phẩm tính của ngài. Bản chất của con người rất kỳ lạ. Chúng ta không tin vào những gì mình thấy nhưng lại tin vào những gì mình không thể trông thấy. Bản chất của con người là như vậy. Chúng ta chỉ tin vào những gì mình không thấy, nhưng những gì chúng ta có thể thấy thì lại không tin. Do đó, chúng ta có thể trông thấy bậc thầy, việc phân tích những phẩm tính của bậc thầy rất quan trọng.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, ngài Xá Lợi Phất (Shariputra) đã đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh những điều Đức Phật thuyết giảng. Trong suốt thời gian giảng Pháp, các đệ tử của Đức Phật đã có rất nhiều cuộc tranh biện với Ngài. Những đệ tử của Đức Phật không hề nghĩ rằng, “Ồ, Ngài là Phật nên tất cả những điều Ngài thuyết đều đúng.” Họ không nghĩ như vậy mà luôn tìm cách tranh luận, đặt câu hỏi để Đức Phật trả lời nhằm tìm ra được cách hiểu đúng đắn. Có một phẩm tính của Đức Phật mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Khi các đệ tử của Phật đặt câu hỏi, Ngài không bao giờ nói “Các ngươi đặt nhiều câu hỏi quá làm ta đau cả đầu!” Đức Phật không hề nói như vậy và tôi thật sự thích phẩm tính này của Ngài [Rinpoche cười]. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã hỏi các vị thầy của tôi rất nhiều câu hỏi. Trong số đó có những câu hỏi rất ngớ ngẩn làm các ngài không thể nhịn cười. Tôi luôn luôn đặt câu hỏi. Thật sự đó là một điều tốt. Nếu là một bậc thầy đích thực thì vị thầy sẽ trả lời tất cả những câu hỏi quý vị đặt ra, giống như cách Đức Phật đã làm. Nếu vị thầy cảm thấy khó khăn khi trả lời quá nhiều câu hỏi thì có nghĩa là vị thầy không biết giải đáp những câu hỏi của quý vị. Do đó, khi thực hành nương tựa và tận tuỵ với Đạo Sư thì phân tích rất quan trọng. Khi quý vị thực hành về Ruộng Phước thì Ruộng Phước vượt khỏi khả năng phân tích của quý vị. Đức Quán Thế Âm cũng vậy, Ngài nằm ngoài khả năng phân tích của quý vị. Quý vị không cần phân tích mà chỉ cần sinh khởi tín tâm và lòng sùng mộ đối với Ruộng Phước hay Đức Quán Thế Âm. Đối với bậc thầy, quý vị có thể thấy được nên hãy phân tích phẩm tính của bậc thầy. Nếu thấy bậc thầy có đầy đủ phẩm tính thì quý vị khởi tín tâm và phụng sự thầy.
Tôi nghĩ tôi đã giảng xong sáu bước thực hành sơ khởi. Trước khi bắt đầu thực hành sáu bước này, quý vị nên biết trình tự từ bước một, bước hai đến bước sáu như thế nào. Quý vị phải hệ thống hóa các bước rồi mới bắt đầu thực hành.
Người dịch: Lớp học có một số người mới chưa được nghe giảng về sáu bước thực hành sơ khởi. Họ thỉnh Rinpoche giảng lại ngắn gọn về sáu bước này.
Rinpoche: Tôi sẽ giải thích một cách chính xác, đó là dipkar.com. Tôi nghĩ quý vị có thể vào trang web để nghe lại.
Tuy nhiên, bây giờ tôi sẽ giải thích ngắn gọn một lần nữa về sáu bước thực hành sơ khởi cho những người mới. Các học viên cũ có thể nhắc lại cho những người mới.
Bước đầu tiên là lau dọn phòng một cách đúng đắn. Quý vị có thể thắc mắc lau dọn phòng thì có gì đặc biệt, quý vị lau dọn phòng suốt đó thôi. Tôi luôn nói rằng để trở thành một người thực hành Phật pháp thực thụ, quý vị không cần làm những điều khác thường, nhưng phải làm những điều bình thường một cách khác biệt. Đây là điểm quan trọng. Người thực hành Phật pháp không cần làm điều khác thường, chúng ta cũng làm những việc như mọi người thường làm, nhưng chúng ta làm một cách khác biệt. Do đó, khi lau dọn, quý vị phải nghĩ rằng mình đang lau dọn bụi bặm bên ngoài cũng chính là đang tẩy trừ mọi cáu bẩn, bụi bặm trong tâm, nói cách khác là tẩy trừ phiền não, tham, sân, si. Khi quý vị lau dọn nhà cửa, thứ nhất, quý vị phải suy nghĩ việc lau dọn này sẽ tẩy trừ tất cả ác niệm của mình; thứ hai là tẩy trừ tất cả khuyết điểm của mình. Quý vị phải tìm ra được khuyết điểm của mình. Bất cứ khi nào lau dọn nhà cửa, hãy nghĩ rằng mình đang tẩy trừ tất cả mọi khuyết điểm. Nếu quý vị không thể tìm ra khuyết điểm của mình, tôi sẽ chỉ cho quý vị một cách rất dễ: hãy hỏi chồng hoặc vợ của quý vị, rồi quý vị sẽ biết. Tôi nghĩ quý vị sẽ tìm ra được nhiều hơn ba điểm, năm điểm hoặc cũng có thể là mười điểm [Rinpoche cười].
Một dịp nọ, tôi đến giảng Pháp cho các bác sĩ ở bệnh viện. Tôi bảo họ hãy tìm năm khuyết điểm của bản thân. Một người phụ nữ không thể tìm ra bất kỳ điểm xấu nào của mình nên đã hỏi tôi liệu cô có thể nhờ người khác chỉ ra được không. Tôi trả lời là có thể hỏi người khác. Rồi cô ta về hỏi chồng mình về khuyết điểm của cô. Sau đó người chồng đã kể ra hai điểm, nhưng cô nói với tôi rằng cô không chấp nhận những điều chồng cô đưa ra. Do đó, bản ngã của chúng ta luôn nói rằng chúng ta đúng, nhưng thực tế thì chúng ta phạm rất nhiều lỗi lầm. Chúng ta phạm lỗi bởi vì chúng ta không tiến bộ. Chúng ta không tiến bộ bởi vì chúng ta không nhận ra khuyết điểm của mình. Khi không nhận ra khuyết điểm thì chúng ta không thể sửa sai. Không sửa sai thì không thể nào tiến bộ được. Nếu không tiến bộ thì chúng ta lại phạm lỗi hết lần này đến lần khác. Vì vậy, chúng ta phải cải thiện để ngày càng tiến bộ hơn. Bất cứ khi nào lau dọn nhà cửa, quý vị hãy nghĩ rằng mình không chỉ lau dọn bụi bẩn bên ngoài mà còn tẩy trừ ác niệm và lỗi lầm của bản thân. Nếu quý vị không tìm được khuyết điểm của mình thì có thể hỏi chồng hoặc vợ, họ sẽ chỉ ra cho quý vị. Đó là bước thực hành sơ khởi thứ nhất, lau dọn nhà cửa.
Sau khi lau dọn nhà cửa, quý vị cần bày biện bàn thờ đúng đắn. Bày biện bàn thờ đúng đắn nghĩa là bố trí tượng Phật, tranh ảnh Phật, kinh sách... một cách hợp lý. Bước thực hành sơ khởi thứ hai là bày biện bàn thờ và đồ cúng dường đẹp mắt. Quý vị có thể sắp xếp đồ cúng dường, chẳng hạn như nước. Nước chính là vật phẩm cúng dường tốt nhất. Quý vị có hiểu không? Bước thực hành thứ hai là cúng dường. Quý vị có thể cúng dường nước. Có vài ý nghĩa vì sao nước là phẩm vật tốt nhất. Đặc tính của nước là trong suốt, do đó nước là biểu tượng cho việc tâm của quý vị ngày càng trong sáng hơn. Điều này rất quan trọng. Một điều quan trọng nữa là ai cũng có thể cúng dường nước, đó không phải là vấn đề lớn. Tôi nghĩ đôi khi ở Nepal việc cúng dường nước khá khó khăn. Một hoặc hai năm trước, Nepal thiếu nước trầm trọng. Bước thứ hai là cúng dường, nước hoặc bất cứ món nào. Quan trọng nhất là cúng dường qua tâm ý. Bước thực hành thứ hai là cúng dường và bày biện phẩm vật cúng dường đẹp mắt.
Có nhiều cách cúng dường, nhưng quan trọng nhất là cúng dường qua tâm ý. Quý vị có thể quán tưởng hàng ngàn, hàng triệu bông hoa để cúng dường lên chư Phật. Có ba loại cúng dường: cúng dường ngoại, cúng dường nội và cúng dường bí mật. Nội cúng dường chính là quán tưởng tất cả những vật phẩm cúng dường để dâng lên chư Phật. Ngoại cúng dường là tất cả phẩm vật chúng ta dâng lên cúng dường, như nước… Cúng dường bí mật nghĩa là cúng dường thực hành tánh không. Quý vị có thể sắp xếp chén nước, đèn bơ hoặc hương trầm... một cách đúng đắn. Nếu không có thời gian để bày biện phẩm vật, quý vị có thể cúng dường qua tâm ý. Đây chính là bước thực hành sơ khởi thứ hai.
Hôm nay tôi dừng ở đây. Tôi sẽ đọc bài cầu nguyện Lhamo. Những lần trước tôi đã nói rằng bất kỳ lúc nào cầu nguyện, chúng ta cũng phải phát bồ đề tâm. Quý vị hãy cầu nguyện để tiêu trừ tất cả chướng ngại. Lần này, chúng ta sẽ thực hiện khác đi một chút so với những lần trước. Lần này chúng ta phải nghĩ rằng chúng ta cầu nguyện để tiêu trừ chướng ngại cho những người khác chứ không phải cho mình. Quý vị đừng lo lắng, người khác cũng đang cầu nguyện cho quý vị ngay cả khi quý vị không cầu nguyện cho mình. Lần đầu tiên quý vị sẽ cảm thấy có chút khó khăn vì không cầu nguyện cho mình, nhưng dần dần sẽ không còn khó khăn nữa. Lần này, hãy cầu nguyện cho người khác, không phải cho bản thân. Những người khác cũng làm như vậy, họ cũng sẽ cầu nguyện cho quý vị. Do đó, ngay cả khi quý vị không cầu nguyện cho bản thân cũng đừng lo lắng, vì người khác đang cầu nguyện cho quý vị. Pháp hành cao nhất của hàng bồ tát chính là quên mình và chỉ nghĩ đến người khác. Hiện tại chúng ta chưa làm được việc đó, nhưng dần dần quý vị sẽ đạt đến trình độ đó. Quý vị có rõ không?
Bây giờ tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện, quý vị hãy nghĩ như vậy. Hãy cầu nguyện để tiêu trừ chướng ngại cho tất cả những người đang ngồi nghe Pháp ở đây. Đừng lo lắng, ở đây có đến khoảng năm mươi hay sáu mươi người, tất cả họ đều đang cầu nguyện cho quý vị. Vì vậy, quý vị hãy nghĩ mình cầu nguyện để tiêu trừ chướng ngại trong năm nay cho tất cả những người khác. Bây giờ tôi bắt đầu cầu nguyện.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 22/10/2014.