01-07-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 7 - giảng ngày 01/07/2012

- quán tưởng Ruộng Phước (tiếp theo)

- hai điểm khác biệt giữa mật điển của Phật giáo và mật điển của ngoại đạo
- lợi ích của việc thực hành phát bồ đề tâm

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

Tuần thứ 7

Như Thị Thất, ngày 01 tháng 07 năm 2012

 

NGÀY THỨ 5

Hôm nay tôi sẽ giảng tiếp Ngày thứ 5, thỉnh cầu Ruộng Phước. Điều quan trọng nhất của việc thỉnh cầu này là để tích tập công đức. Quý vị phải cầu nguyện Ruộng Phước để tích tập công đức. Tích tập công đức có ý nghĩa như sau: Khi tiến hành bất cứ việc gì, nếu quý vị có nhiều công đức thì vạn sự sẽ tiến triển rất thuận lợi, quý vị sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại. Tôi lấy một ví dụ đơn giản, việc quý vị cầu nguyện cho người khác đôi lúc có tác dụng mà cũng có lúc không hiệu nghiệm, bởi hiệu quả cầu nguyện tùy thuộc vào công đức của mỗi người. Thậm chí nếu quý vị tiến hành nhiều thời cầu nguyện tương tự nhau cho một số đối tượng thì đôi lúc rất hiệu quả với người này nhưng lại không có hiệu ứng gì với người khác, bởi điều này phụ thuộc vào công đức của mỗi người. Do đó, cách tích lũy công đức tốt nhất là thực hành cầu nguyện Ruộng Phước. Cầu nguyện Ruộng Phước là cách tích tập công đức tốt nhất và dễ nhất.

Nếu có người cho rằng cần dùng sức để tích tập công đức thì không phải vậy, điều đó không đúng. Để tích tập công đức, cách tốt nhất và dễ dàng nhất là thực hành quán tưởng Ruộng Phước chứ không phải là dụng thân. Do vậy, bất cứ khi nào cảm thấy buồn bã, rối bời, quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện để vượt qua những nỗi ưu phiền đó. Do đó, quán tưởng và cầu nguyện Ruộng Phước chính là pháp hành tốt nhất và dễ nhất giúp quý vị tích tập công đức.

Bây giờ quý vị cần phải biết cách thỉnh cầu Ruộng Phước và cách quán tưởng Ruộng Phước để tích tập công đức. Quý vị có thể thấy mục đích của việc quán tưởng Ruộng Phước chính là để tích tập công đức. Nếu không có công đức mãnh liệt thì quý vị sẽ rất khó giác ngộ và đắc Phật quả. Có một câu chuyện minh họa cho điều này. Khi tổ Tông Khách Ba (Tsongkhapa) không thực chứng được tánh không và vì vậy Tổ chưa đạt được giác ngộ, Tổ mới cầu nguyện thỉnh ý của Đức Văn Thù (Manjushri) xem cần phải làm gì. Trong tiếng Việt quý vị gọi tên “Manjushri” như thế nào? [Người dịch: Văn Thù] Thế còn “Buddha”? [Người dịch: Phật] Thế rồi Đức Văn Thù đã khuyên tổ Tông Khách Ba hãy thực hành thỉnh cầu Ruộng Phước, vì thời điểm đó Tổ chưa tịnh hóa ác nghiệp, nghĩa là tập khí tiêu cực. Do vậy, quý vị phải tịnh hóa ác nghiệp thì mới có thể liễu ngộ được tánh không. Đó cũng là lý do Đức Văn Thù đã khuyên tổ Tông Khách Ba hành trì pháp cầu nguyện Ruộng Phước, chứ không khuyên Tổ phải trì chú. Đức Văn Thù không khuyên tổ Tông Khách Ba trì chú, Ngài không truyền bất kì câu chú nào, trong khi người Việt Nam quý vị luôn nghĩ rằng cần phải có một câu chú để tụng niệm! [Rinpoche cười]. Do đó, quý vị phải biết rõ là khi tổ Tông Khách Ba quán tưởng về Đức Văn Thù, Tổ có thể trông thấy Đức Văn Thù giống như chúng ta thấy nhau vậy, và lúc đó Đức Văn Thù đã khuyên Tổ hãy thực hành cầu nguyện Ruộng Phước để tịnh hóa nghiệp chướng, chỉ như vậy thì Tổ mới có thể trực nhận tánh không và giác ngộ. Tổ Tông Khách Ba đã không được Đức Văn Thù truyền cho bất kì câu chú đặc biệt nào trong suốt cuộc đời của mình.

Do vậy, việc thỉnh cầu Ruộng Phước trở nên quan trọng vì quý vị thường gặp rất nhiều khó khăn trong nghề nghiệp và việc tu tập do chưa tích lũy nhiều công đức, do quý vị còn chất chứa quá nhiều nghiệp bất thiện. Đó là nguyên nhân khiến quý vị phải đối diện với rất nhiều nghịch cảnh trong đời mình, cả trong việc thực hành Pháp cũng hay vướng vào các chướng duyên. Do đó, để tiêu trừ tất cả các chướng ngại thì quý vị phải tịnh hóa ác nghiệp, hoặc tích tập công đức bằng cách quán tưởng và cầu nguyện Ruộng Phước. Quý vị cần phải hành trì như vậy, thực hành cầu nguyện Ruộng Phước.

Bây giờ, quý vị hãy nhìn vào hình Ruộng Phước. Đầu tiên quý vị hãy quán tưởng có một cây bằng vàng. Quý vị đã có hình chưa? Hãy nhìn vào hình. Khi quán tưởng thì đầu tiên quý vị hãy quán tưởng đến một cây bằng vàng, quý vị có thấy cây bằng vàng ở trong hình không? Sau khi quán tưởng cây bằng vàng, tiếp theo là gì? Quý vị thấy có gì? Những bông hoa hay là cái gì? Tóm lại, khi quý vị quán tưởng, hãy bắt đầu từ cây bằng vàng, tiếp đến trên cây là lá cây, lá cây bằng bạc. Tất cả lá cây phải được quán tưởng đều bằng bạc. Sau đó quý vị quán tưởng tiếp đến khu vực trung tâm. Ở khu vực này, trước hết quý vị hãy quán tưởng đến Đạo Sư Gốc trong hình tướng của tổ Tông Khách Ba. Tiếp đến, quý vị quán tưởng có Đức Phật Thích Ca ở chính giữa tim của tổ Tông Khách Ba. Bước tiếp theo, ở ngay tim của Đức Phật Thích Ca, quý vị quán tưởng có Đức Phật Kim Cang Trì (Vajradhara), và ngay tim của Đức Kim Cang Trì là chủng tự HUM. HUM là biểu tượng của tâm chúng ta. “Mind” là “tâm,” còn quý vị gọi “heart” là gì? [Người dịch: Tim] “Tim” phải không? Được rồi. Quý vị có biết về một bản kinh Phật dạy có tên là “Heart Sutra” không? Đó là một bài cầu nguyện. [Người dịch: Bát Nhã Tâm Kinh] Từ bây giờ chúng ta sẽ làm một việc, tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu quý vị đọc Bát Nhã Tâm Kinh trước mỗi lần nghe giảng Pháp. Quý vị hãy đọc Bát Nhã Tâm Kinh trước khi đến nghe giảng Pháp. Đây là một bản kinh rất linh thiêng được truyền từ Đức Phật.

Bây giờ chúng ta trở lại phần quán tưởng Ruộng Phước. Trước hết, quý vị quán tưởng đến cây vàng và tiếp đến là quán tưởng tổ Tông Khách Ba. Ngay tim của tổ Tông Khách Ba, quý vị quán tưởng Đức Phật Thích Ca; ngay tim của Đức Phật Thích Ca, quý vị quán tưởng vị giữ chuông chùy là Đức Phật Kim Cang Trì, và ngay tim của Đức Phật Kim Cang Trì là chủng tự HUM. Ban đầu thì những hình ảnh đó sẽ rất khó cho quý vị quán tưởng, nhưng nếu quý vị thực hành thì việc quán tưởng sẽ ngày một dễ dàng hơn, được chứ?

Bây giờ là năm cột dọc phía sau tổ Tông Khách Ba, quý vị có thấy năm cột đó không? Quý vị hãy nhìn vào cột chính giữa của năm cột. Ở trên đỉnh của cột chính giữa này, có thể trông rất nhỏ, đó là Đức Phật Kim Cang Trì. Bây giờ có một điều chúng ta cần phải biết, bất cứ khi nào Đức Phật Thích Ca giảng mật điển, Ngài sẽ thị hiện dưới hình tướng khác, và hình tướng đó là Đức Phật Kim Cang Trì. Trong tiếng Phạn chúng tôi gọi là Vajradhara Buddha. Quý vị gọi Vajradhara là gì? Trong tiếng Trung Hoa, “vajra” được gọi là “jīngāng,” nghĩa là kim cang, còn một thứ khác là chuông, chúng ta sử dụng hai thứ đó. Như vậy, quý vị cần phải biết là Đức Phật sẽ thay đổi hình tướng của Ngài bất cứ khi nào giảng về mật điển. Trong rất nhiều mật điển khác nhau, có những pháp đã được Phật ban tại cõi này, có những pháp đã được Phật truyền ở cõi khác. Như vậy, Đức Kim Cang Trì là một vị Phật do chính Phật Thích Ca hóa hiện thành để dạy mật pháp ở cõi này, quý vị đã rõ chưa? Do vậy, bất cứ khi nào được nghe về mật điển thì việc xem xét giáo lý ấy có phải do Phật dạy hay không là điều rất quan trọng để giúp quý vị có thể phân biệt. Ở Ấn Độ hiện nay có hai loại mật điển: mật điển Phật giáo và mật điển không phải của Phật giáo. Mật điển phi Phật giáo của ngoại đạo là một phong tục vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay tại xứ Ấn, có những truyền thống và nghi thức được tiến hành rất giống với các mật điển của Phật giáo. Tôi nghĩ quý vị đã từng chứng kiến các buổi lễ hỏa tịnh mà chúng ta đã thực hiện, mật điển của ngoại đạo cũng có lễ hỏa tịnh được làm giống hệt như vậy, chỉ có một chút khác biệt là cách họ nhóm lửa không giống chúng ta, chúng ta đốt một đống lửa khá lớn còn họ chỉ có một cụm lửa nhỏ mà thôi. Do đó, quý vị cần phải phân biệt mật điển của Phật giáo và mật điển của ngoại đạo, dựa vào hai điểm khác biệt. Có hai điểm khác biệt quý vị cần biết để phân biệt, đó là hai giáo lý vô cùng quan trọng. Hai giáo lý được nhấn mạnh trong mật điển của Phật giáo chính là bồ đề tâm và tánh không. Mật điển của ngoại đạo không hề nhắc đến bồ đề tâm, lòng đại bi và tánh không. Do đó, bồ đề tâm và tánh không là hai điểm nổi bật mà quý vị phải biết để có thể phân biệt được mật điển Phật giáo và mật điển phi Phật giáo.

Tổ Atisha có 153 vị thầy, trong đó có một vị đạo sư tên là Sherlingpa mà bất cứ khi nào nghe nhắc đến tên của Ngài thì tổ Atisha bật khóc. Tổ Atisha khóc, chắp hai tay lại và cầu nguyện mỗi khi nghe đến tên vị đạo sư của mình. Trong 153 vị thầy, mỗi lần nghe nhắc đến tên Sherlingpa thì tổ Atisha đều ứa nước mắt, bởi vì chính Sherlingpa là vị đạo sư đã dạy cho tổ Atisha giáo lý về bồ đề tâm. Do đó, tổ Atisha đã xem Sherlingpa là vị đạo sư tôn quý nhất bởi đã trao truyền cho Tổ giáo lý về bồ đề tâm.

Như tôi đã từng nói với quý vị, bồ đề tâm là tâm nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh, là tâm quyết đạt Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Chúng ta gọi tâm đó là bồ đề tâm. Tôi cũng đã từng nói nếu quý vị không có dù chỉ một chút bồ đề tâm hoặc nếu quý vị không hề thực hành bồ đề tâm thì cho dù có nỗ lực tham dự hàng trăm lễ quán đảnh, quý vị sẽ không nhận được gì cả. Điều này không phải do tôi đặt ra, mà chính chư Phật và chư đạo sư đã chỉ dạy như thế. Quý vị đừng nghĩ rằng tôi đang đưa ra một ý tưởng hay giáo huấn gì mới mẻ nhé! [Rinpoche cười] Tóm lại, quý vị cần phải phân biệt rõ ràng mật điển của Phật giáo và mật điển ngoài Phật giáo. Giáo lý về bồ đề tâm không có giá trị trong mật điển phi Phật giáo nhưng lại là một nội dung trọng yếu của các giáo lý mật điển trong đạo Phật. Mật pháp mà thiếu thực hành bồ đề tâm thì hoàn toàn không phải mật pháp của Phật giáo. Quý vị hiểu rõ chưa? Điều này vô cùng quan trọng nên quý vị cần phải nắm rõ! Bởi vì tôi thấy ở Việt Nam, quý vị hiểu việc thực hành pháp chỉ là tiến hành những việc như nhận quán đảnh hay những điều tương tự như thế. Có quá nhiều sự nhầm lẫn do quý vị chưa hiểu đúng Phật pháp. Quý vị cần phải thận trọng. Vì chưa hiểu đúng Phật pháp mà quý vị có quá nhiều sự ngộ nhận.

Như vậy, có hai yếu tố nền tảng trong mật điển của Phật giáo: tư tưởng về tánh không và bồ đề tâm. Mật điển mà không có hai điểm này thì không phải mật điển của Phật giáo mà nó chỉ có thể là mật điển của ngoại đạo mà thôi. Bồ đề tâm là tâm đại bi. Tâm từ bi đối với hết thảy chúng sinh là quan điểm chủ đạo của tất cả mật điển Phật giáo. Nói cách khác, quý vị không nên đánh đồng mật pháp với việc tiến hành các nghi lễ, lắc chuông, hay đốt lửa… bởi đó không phải là mật pháp thật sự. Mật pháp thật sự nên xuất phát từ trong tâm ý của quý vị.

Bây giờ quý vị có thể nhìn thấy trong hình, phía sau tổ Tông Khách Ba có năm cột dọc, có phải không? Ở trên cùng của cột dọc chính giữa trong năm cột là Phật Kim Cang Trì, vị đã tuyên thuyết mật điển Phật giáo trong thế giới này, tuy không phải trong hình tướng của Đức Phật Thích Ca. Như vậy, phần trên cùng của cột chính giữa trong năm cột là Phật Kim Cang Trì, phía dưới là các đạo sư, đạo sư của đạo sư, dòng truyền thừa của bậc thầy của chúng ta. Bên phải của Phật Kim Cang Trì là Phật Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka). Có một điều nữa quý vị cần phải hiểu là trong mật điển có rất nhiều vị bổn tôn. Quý vị chớ nghĩ bổn tôn nào là vị uy lực nhất trong các bổn tôn đó. Tâm quý vị mạnh nhất. Bây giờ quý vị hãy nhìn xem, có rất nhiều vị bổn tôn, có các vị cưỡi hổ, sư tử hoặc chế ngự những con vật dưới chân mình. Quý vị sẽ không thấy các bổn tôn mật điển cưỡi trên người, vì con người mạnh hơn họ [Rinpoche cười]. Do đó, rõ ràng là tâm của con người rất đặc biệt nên tâm trí con người là thứ quan trọng nhất. Nếu quý vị có thể điều phục tâm mình thì mọi thứ sẽ nằm trong tầm tay của quý vị. Nếu quý vị không thể điều phục được tâm mình thì mọi thứ sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của quý vị. Có một câu chuyện về ngài Milarepa khi Ngài thiền định trong hang. Điều gì đã xảy ra trong hang lúc ấy? Có một con ma xuất hiện trong hang của ngài Milarepa và cả hai đã cùng nhau tranh biện. Lúc đầu, ngài Milarepa cảm thấy hơi sợ khi thấy ma, nhưng con ma đã nói với ngài Milarepa, “Tâm của Ngài mới thật sự là ma chứ chẳng phải là tôi đâu. Nếu Ngài hàng phục được tâm của mình thì Ngài có thể hàng phục được mọi loài ma quỷ trên thế gian này.” Sau đó, ngài Milarepa nói với con ma, “Vâng. Điều đó là sự thật. Ông nói rất đúng.” Do đó, ngài Milarepa có nói rằng, “Nếu quý vị tri nhận được mọi loài ma quỷ đều là cha mẹ mình thì sẽ chẳng còn rắc rối gì trên đời nữa.” Ngài Milarepa đã nói như vậy. Do đó, đến đây thì tôi đã cho quý vị thấy rất rõ là mọi điều, sợ hãi, âu lo, tất cả đều phát sinh từ tâm chúng ta. Khi quý vị kiểm soát được tâm thì không còn nỗi sợ hãi, căng thẳng hay lo âu nữa bởi vì tất cả đều là sản phẩm của tâm ta, tất cả đều xuất phát từ tâm của chúng ta mà thôi. Do vậy, nếu không thấu hiểu điều này thì tự bản thân quý vị sẽ tạo ra rất nhiều rắc rối.

Một câu chuyện khác nữa. Có một người đến chùa và để đôi giày của mình ngoài cửa trước khi bước vào trong. Khi tháo giày thì anh có chút lo sợ là giày của mình sẽ bị người khác lấy cắp, do đó anh đã viết một mảnh giấy để cạnh đôi giày của mình rồi đi vào trong điện. Mảnh giấy ghi, “Ai lấy trộm đôi giày này, người đó sẽ hối tiếc bởi vì tôi là võ sĩ quyền anh quốc tế.” Vài phút sau anh ta quay ra cửa thì thấy đôi giày đã bị lấy trộm mất, chỉ còn lại một mẩu giấy khác để ngay vị trí anh đã cất giày. Tên trộm đã nhắn lại cho anh, “Bây giờ thì đừng cố đuổi theo tôi, nếu không ông sẽ phải hối tiếc vì tôi là vận động viên điền kinh quốc tế.” Tương tự như thế, khi quý vị không tự biết mình và biết người khác, không biết chúng ta là ai, quý vị có thể tự gây ra rất nhiều khó khăn nếu không hiểu biết. Vì vậy, giờ đây khi nhìn vào Ruộng Phước, cũng như vậy, quý vị đã biết ai là ai, ai là võ sĩ, ai là vận động viên điền kinh khi chúng ta xem hình này.

Quý vị hãy nhìn vào Ngài Đại Uy Đức Kim Cang. Đại Uy Đức Kim Cang là một trong các vị bổn tôn do Đức Phật hóa hiện thành khi Ngài ban giáo pháp ở một cõi giới khác, không phải thế giới này. Theo quan điểm của Phật giáo, có rất nhiều thế giới, nhiều vũ trụ đang hiện hữu. Đến nay, theo kinh nghiệm của tôi khi tiến hành nhiều nghiên cứu với các khoa học gia, theo quan điểm khoa học thì cũng chưa thật sự rõ ràng trong việc chấp nhận có sự hiện diện của một vũ trụ khác hay không. Giới khoa học cũng không thật rõ về một vũ trụ khác. Tôi thấy có một bài viết trên tờ Newsweek. Bài báo có nguồn gốc từ NASA, họ đã gửi một phi thuyền không gian lên sao Hỏa để lấy mẫu đất mang về xét nghiệm. Kết quả thử mẫu đất cho thấy có dấu hiệu của sự sống trên Sao Hỏa trước đó. Quan điểm Phật giáo cũng cho rằng có nhiều cõi giới khác nhau, có nhiều hành tinh khác nhau mà ở đó có sự sống. Thời điểm hình thành của cõi giới này cũng có thể là thời điểm kết thúc của một cõi giới khác. Năm 2012 không phải là thời điểm kết thúc của thế giới này, tôi không nói như vậy. Có rất nhiều người đã hỏi tôi năm 2012 có phải là tận thế hay không? Quý vị đừng hỏi tôi câu đó nhé [Rinpoche cười]. Nhìn chung, theo quan điểm của Phật giáo, bây giờ không phải là tận thế. Đức Phật từng nói rằng giáo pháp của Ngài sẽ tồn tại trong năm ngàn năm, chúng ta vẫn còn nhiều năm nữa. Có điều là ngay cả khi tận thế thì chúng ta lo lắng điều gì? Tại sao phải lo lắng? Nếu chúng ta chỉ còn vài tháng hoặc vài năm để sống, hãy sống an lạc và hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng nhất. Tôi luôn nói một điều, ngay cả khi quý vị chỉ còn một ngày để sống, hãy sống an bình và hạnh phúc. Nếu ta chỉ còn sống một năm, hay thậm chí mười năm, một trăm năm hay bao nhiêu năm đi nữa thì phải sống hạnh phúc và an lạc, đó mới chính là điều quan trọng nhất. Có một chuyện có thật đã xảy ra. Tôi đã có một buổi nói chuyện về chủ đề tương tự như vậy trong một trường học Tây Tạng, trong đó tôi cũng nhấn mạnh về việc cần phải sống an lạc và hạnh phúc. Có một thầy giáo đã chất vấn tôi trước tất cả học sinh, “Rinpoche, nếu ngài nói với các học sinh là phải sống an lạc và hạnh phúc thì bọn trẻ sẽ không chịu học nữa, chúng sẽ nghĩ sống hạnh phúc và an lạc mới là điều quan trọng chứ không phải là việc học hành!” [Rinpoche cười]

Quay trở lại điểm vừa rồi, có nhiều cõi giới và mỗi cõi giới đều có khởi điểm và kết thúc riêng. Đó chính là lý do, theo quan điểm của mật điển, Đức Phật đã ban giáo lý ở nhiều cõi giới khác nhau chứ không chỉ riêng ở cõi này. Pháp hành Đại Uy Đức Kim Cang đã được Phật dạy ở cõi khác chứ không phải ở cõi này. Khi đó Đức Phật đã thay đổi hình tướng bên ngoài. Tôi vẫn còn giữ bài báo của tờ Newsweek, nếu quý vị nào quan tâm thì tôi sẽ đưa lại bản sao của bài báo. Bài báo cho rằng có những bằng chứng xác thực chứng minh sự sống đã từng tồn tại trên sao Hỏa. Nếu trên sao Hỏa đã từng có sự sống thì rõ ràng là có sự tồn tại của chúng sinh ở những cõi khác, những cõi giới khác với thế giới của chúng ta. Các nhà khoa học đã phóng một phi thuyền lên không gian, tên phi thuyền đó là Pathfinder. Họ đã phóng phi thuyền Pathfinder lên sao Hỏa và lấy mẫu đất ở đó mang về xét nghiệm. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng mạnh mẽ rằng sự sống đã từng tồn tại trên sao Hỏa.

Do vậy những gì tôi nói là theo quan điểm Phật giáo, nhìn từ hệ thống Phật giáo, có nhiều thế giới, có nhiều hệ thống thế giới đang hiện hữu. Đó là lý do mà chúng ta chấp nhận rằng Đức Phật ban giáo pháp không chỉ ở thế giới này mà còn ở nhiều cõi giới khác nữa, và Ngài đã hóa hiện thành nhiều hình tướng khác nhau khi thuyết giảng ở những cõi giới khác nhau. Một trong những hình tướng mà Phật thị hiện khi ban giáo pháp ở một cõi giới khác là ngài Đại Uy Đức Kim Cang. Đức Phật đã hóa hiện thành rất nhiều tướng trạng khác nhau theo cách như vậy.

Quý vị đã rõ chưa? Nói chữ “rõ” như thế này đúng không? [Rinpoche hỏi từ “rõ” bằng tiếng Việt và cười.] Do đó quý vị phải hiểu rõ điểm này, quý vị rõ chưa? [Rinpoche lại hỏi từ “rõ” bằng tiếng Việt] Tôi phát âm có bị lỗi không? [Người dịch: Dạ, không ạ] Có chắc không? Đừng nói dối nhé! Quý vị là những người thực hành Phật pháp, người thực hành Phật pháp luôn luôn nói thật. [Người dịch: Vì con nghe Thầy phát âm và con hiểu được!] Vậy hả, được rồi. [Rinpoche cười].

Như vậy bên tay phải của Phật Kim Cang Trì là Phật Đại Uy Đức Kim Cang và bên tay trái của Phật Kim Cang Trì là tổ Atisha. Quý vị có thấy không, trên cùng của cột chính giữa năm cột là Phật Kim Cang Trì.

Hôm nay có lẽ tôi sẽ dừng tại đây và tuần sau tôi sẽ giải thích phần tiếp theo. Có một điều quan trọng quý vị cần nhớ là khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị cần nghĩ tất cả chư Phật, chư bổn tôn ngự trên Ruộng Phước là một nhất thể với tổ Tông Khách Ba. Chư phật không khác với tổ Tông Khách Ba, chư bổn tôn không khác với tổ Tông Khách Ba, tất cả đều hợp nhất. Quý vị hãy quán tưởng chư Phật, chư bổn tôn và tổ Tông Khách Ba là một thể hợp nhất với nhau.

Bất cứ khi nào quý vị cảm thấy buồn chán, bế tắc trong tâm thì hãy quán tưởng và cầu nguyện Ruộng Phước để vượt qua tất cả những khó khăn đó, được không? Bây giờ tôi sẽ dành ít phút cho phần vấn đáp, nhưng trước hết tôi sẽ có một bài tập nhỏ dành cho quý vị. Hôm nay có một vị yêu cầu tôi cầu nguyện, cho nên khi về nhà thì quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện không chỉ cho bản thân mình, quý vị hãy cầu nguyện cho một người tên là Lý Tuấn Kiệt. Ông ấy đang bị bệnh nặng và quý vị hãy cầu nguyện cho ông sớm vượt qua được khó khăn này. Đây chính là bài tập nhà của quý vị. Quý vị hãy cầu nguyện cho người này và tất cả những người đang bị bệnh. Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông ấy. Tôi không phải là một vị đạo sư yêu cầu người khác làm trong khi bản thân lại không thực hiện điều mình nói. Tôi không phải đạo sư như vậy. Những gì tôi thực hiện nơi đây thì quý vị cũng sẽ thực hiện.

Có một vị thầy và có một bà mẹ đưa đứa con của mình đến chỗ vị thầy đó. Người mẹ nhờ vị thầy khuyên đứa con không ăn ngọt. Vị thầy hẹn người mẹ tuần sau hãy đến. Tuần sau, người mẹ dẫn con đến thì vị thầy lại hẹn thêm một tuần nữa. Như vậy, sau hai tuần người mẹ dẫn đứa con quay lại thì vị thầy vẫn hẹn thêm một tuần nữa mới gặp được. Hết tuần cuối cùng đó thì vị thầy mới khuyên đứa con không nên ăn ngọt. Người mẹ thắc mắc và hỏi vị thầy, “Vì sao ngài không đưa ra lời khuyên ngay từ đầu mà cứ phải hẹn chúng tôi quay lại sau một tuần, rồi sau một tuần và một tuần nữa? Vì sao ba tuần trước ngài không nói luôn?” Vị thầy mới nói với bà mẹ, “Tôi không thể khuyên con bà từ ba tuần trước vì bản thân tôi khi ấy cũng đang ăn ngọt. Tôi đã cố gắng không ăn ngọt nữa nhưng hết tuần đầu và sang tuần thứ hai thì tôi vẫn không làm nổi. Đến tuần thứ ba thì tôi đã thành công nên tôi mới khuyên con bà đừng ăn ngọt nữa.” Tôi cũng giống như vị thầy đó. Tôi sẽ không yêu cầu quý vị thực hiện điều gì mà tôi lại không làm. Tôi yêu cầu quý vị thực hành những gì mà tôi cũng thực hành. Do đó chúng ta sẽ cùng nhau cầu nguyện, được chứ ? Chúng ta sẽ cùng nhau cầu nguyện cho người đang bị bệnh kia và tất cả những người bệnh khác.

Bây giờ, Jade, hãy đọc câu hỏi.

Hỏi: Chúng con có thể trì tụng nhiều chân ngôn của các bổn tôn khác không hay là chỉ có thể trì tụng một câu chân ngôn của một vị bổn tôn thôi? Xin cảm ơn.

Rinpoche: Quý vị có thể trì tụng một câu chú của một bổn tôn, quý vị cũng có thể trì tụng nhiều câu chú của các vị bổn tôn khác, miễn sao quý vị cảm thấy thoải mái là được.

 

Hỏi: Câu hỏi này dành cho mẹ con. Thầy dạy rằng khi chúng con cầu nguyện cho một người thì thỉnh thoảng lời cầu nguyện đó không có hiệu quả bởi vì người đó chưa tích tập đầy đủ công đức để nhận được lời cầu nguyện đó. Như vậy, có cách nào để chúng con giúp cho người đó có thể tăng trưởng công đức, nếu người đó không biết hoặc không tin vào Phật pháp thì mình có cách nào giúp người đó tăng trưởng công đức hay không, để người đó có thể nhận được lời cầu nguyện đó?

Rinpoche: Đây là câu hỏi của Thư đúng không? Tôi có một câu hỏi cho bạn. Tôi sẽ hỏi bạn một câu và đó cũng sẽ là câu trả lời dành cho bạn. Hãy cho tôi biết, bạn sẽ làm gì khi cảm thấy khát nước? 

Thư: Có thể con sẽ uống một chút nước.

Rinpoche: Được. Khi có người khát nước, bạn sẽ làm gì nếu họ khát mà không chịu uống nước? Bạn sẽ phải làm sao?

Thư: Người đó không uống được nước hay sao ạ?

Rinpoche: Người đó không muốn uống nước. Anh ta khát nhưng không muốn uống nước, thì bạn phải làm sao?

Thư: ...

[Rinpoche, mọi người và Thư cùng cười]

Rinpoche: Do đó, vấn đề của bạn tương tự như vậy. Khi một người không tin, không muốn làm bất cứ điều gì cả, bạn hỏi tôi làm cách nào để tăng trưởng công đức cho người ta, thì ngay Đức Phật cũng không thể làm được, làm sao chúng ta có thể? Đức Phật đã rất muốn làm tăng trưởng công đức cho tất cả chúng sinh nhưng Ngài đã không thể làm được. Bởi vì nếu quý vị muốn tăng triển công đức của mình thì tự thân quý vị phải thực hiện. Khi quý vị khát nước thì quý vị phải làm gì? Phải uống nước, được chứ?

Thư: Dạ, con đã hiểu, Rinpoche!

Rinpoche: Do đó điều tốt nhất chúng ta có thể làm là hãy cầu nguyện cho họ. Đó là điều tốt nhất. Từ phía bản thân mình, quý vị hãy làm hết khả năng của mình cho người khác. Do vậy, Thư, khi người ta không có tín ngưỡng, không có niềm tin tôn giáo, thì từ phía bạn, bạn chỉ cần cầu nguyện. Cầu nguyện với chư Phật là những gì chúng ta có thể thực hiện.

Thư: Dạ con hiểu rồi.

Rinpoche: Thật không? [Rinpoche cười]

 

Hỏi: Khi ngồi thiền, chúng con mở mắt và nhìn xuống, nhưng khi quán tưởng thì chúng con mở mắt được không? Nếu mở mắt thì chúng con nên nhìn vào đâu?

Rinpoche: Quý vị có thể nhìn vào bất cứ thứ gì mình muốn. Thiền thì cần thoải mái, cho nên quý vị có thể mở mắt cũng được mà nhắm mắt cũng được. Không có nguyên tắc cố định nào, miễn sao quý vị thấy tiện lợi.

 

Hỏi: Câu hỏi này là về pháp hành thiền cho và nhận mà Ngài đã dạy hôm trước. Câu hỏi là làm sao để có thể quán tưởng trao hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, có phải là nhờ vào năng lực của cây quy y không?

Rinpoche: Ồ, đây là một pháp hành rất cao mà hiện tại quý vị không nên thực hiện vội. Khi quý vị muốn nương nhờ vào năng lực của Ruộng Phước để nhận hết mọi khổ đau của chúng sinh thì đó là cấp độ thứ hai, ngay bây giờ chưa phải lúc quý vị thực hiện pháp hành này. Phong có hiểu ý tôi nói không? Khi quý vị thực hiện pháp hành cho và nhận, hiện tại hãy khoan nương tựa vào Ruộng Phước. Khi chúng ta đi đến cấp độ cao hơn thì quý vị có thể nương vào Ruộng Phước, cầu nguyện Ruộng Phước ban cho quý vị năng lực để có thể nhận về mọi khổ đau của chúng sinh và trao cho chúng sinh tất cả niềm hạnh phúc. Hiện tại thì đừng thực hiện, sau này quý vị có thể thực hiện.

Tôi rất vui khi nghe những câu hỏi của quý vị vì tôi thấy sự hiểu biết của quý vị về Phật pháp đang tiến triển, khác với lần đầu tôi đến Việt Nam, lúc ấy quý vị đặt ra cho tôi rất nhiều câu hỏi kì lạ! [Rinpoche cười] Bây giờ thì sự hiểu biết về Phật pháp của quý vị đã có chút tiến triển rồi.

Tiếp theo sẽ là câu hỏi cuối cùng.

 

Hỏi: Lần trước có người hỏi Thầy về pháp hành tonglen. Khi chúng con thọ lãnh mọi đau khổ của tất cả chúng sinh vào thân mình thì có phải chúng con sẽ quán tưởng những đau khổ đó sẽ làm tiêu tan mọi ác nghiệp của chúng con không?

Rinpoche: Đúng vậy, đúng vậy.

 

Hỏi: Và một câu hỏi đặt ra thêm từ câu trước là nếu khả năng hành trì của người đó chưa đủ mạnh mẽ, không đủ thời gian thực hành thì có phải do người đó chưa có nhiều công đức hay không, và nếu vậy thì anh phải làm sao trong hoàn cảnh này?

Rinpoche: Tốt nhất là anh hãy cầu nguyện Ruộng Phước. Cầu nguyện Ruộng Phước gia trì cho anh có nhiều công đức hơn để anh có khả năng hành trì tốt hơn.

Hôm nay tôi sẽ ngừng ở đây. Quý vị đừng quên làm bài tập về nhà. Hãy cầu nguyện cho vị đang bị bệnh và tất cả những người bệnh khác nữa. Tôi cũng cầu nguyện. Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện. Căn bệnh của người mà chúng ta sắp cầu nguyện đang rất trầm trọng, do đó chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho ông ấy và tất cả những người bệnh khác.

Nói chúc ngủ ngon như thế nào nhỉ? Có phải là “Chúc ngủ ngon” không?

Chúc ngủ ngon! Cám ơn tất cả quý vị

[Rinpoche nói “Chúc ngủ ngon” bằng tiếng Việt. Tất cả mọi người cùng cười.]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 12/09/2014.