Pháp thoại của Khangser Rinpoche, đề tài: Chết và Thân Trung Ấm
Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2015
Pháp thoại của KHANGSER RINPOCHE:
CHẾT VÀ THÂN TRUNG ẤM
Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2015
Đầu tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị.
Chủ đề của ngày hôm nay là thân trung ấm. Nói chung, thân trung ấm là chủ đề liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Thân trung ấm là trạng thái trung gian giữa sự sống và cái chết. Trong cuộc sống của chúng ta, có một chu kỳ từ khi được sinh ra đến khi chết đi. Tất cả những gì chúng ta đang làm đều thuộc vào chu kỳ từ lúc sinh ra đến khi chết. Từ lúc đi học, đến khi đi làm, tất cả mọi việc quý vị làm đều thuộc về chu kỳ từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời. Ngoài ra, còn một chu kỳ nữa, đó là từ lúc chết đến lúc sinh ra đời. Hôm nay, chúng ta nói về chu kỳ từ lúc chết đến khi được sinh ra đời.
Khi nói về chu kỳ từ lúc chết cho đến khi được sinh ra, đạo Phật có đề cập đến vấn đề này. Điểm quan trọng quý vị nên biết là những kiến thức này sẽ làm lợi lạc cho bản thân như thế nào. Hầu hết mọi người đều nghĩ chết là hết. Chính vì vậy, người ta thường sợ hãi cái chết. Điều tốt ở đây là chúng ta không biết khi nào mình chết. Chúng ta biết ngày sinh của mình, nhưng không một ai biết được ngày mình sẽ chết. Nếu biết khi nào mình chết thì chúng ta hoàn toàn không thể tận hưởng cuộc sống. Nếu chúng ta biết thời điểm mình chết thì mỗi giây phút trong cuộc sống đều rất đau khổ. Trong đạo Phật, chúng ta được dạy rằng chết không phải là kết thúc. Sau khi chết, quý vị có thể tái sinh.
Trong cuộc sống, chúng ta phải đối diện rất nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt chính là cái chết, bởi vì ai cũng muốn sống. Mặt khác, cuộc đời rất kỳ lạ. Tôi từng nghe về một việc có thật. Có một người muốn chết và nhảy xuống từ tòa nhà cao tầng. Người đó rơi trúng một công nhân quét dọn dưới đất. Người muốn chết lại không chết, còn người đang quét dọn đường phố đã chết [Rinpoche cười]. Vấn đề là chúng ta không biết khi nào mình chết. Nó có thể ập đến bất cứ lúc nào. Người quét dọn đường phố không bao giờ nghĩ rằng anh ta sẽ chết theo kiểu như vậy. Người muốn tự tử cũng không hề nghĩ rằng anh ta sẽ thoát chết. Có một điều là cái chết chắc chắn sẽ đến. Đạo Phật dạy chúng ta cách đối mặt với cái chết. Đặc biệt trong thế kỷ 21 này, có nhiều chứng bệnh rất đáng sợ. Bây giờ quý vị cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sau khi khám sức khỏe thì phát hiện vài chứng bệnh. Tôi nghe nói nhiều người không muốn đến bệnh viện để khám bệnh vì họ sợ bị bệnh [Rinpoche cười]. Điều đó cho thấy có rất nhiều thử thách trong cuộc sống của chúng ta. Từ góc nhìn của đạo Phật, chết là điều mà chúng ta phải đối mặt, hoàn toàn không thể trốn tránh.
Cái gì sẽ xảy ra sau khi chết? Chết có phải là kết thúc sau cùng hay không, câu hỏi này nảy sinh. Theo quan điểm đạo Phật, chết không phải là kết thúc sau cùng, mà còn rất nhiều điều xảy ra sau cái chết. Trạng thái trung ấm bắt đầu sau khi chết. Có một điều quý vị cần biết về trung ấm, người chết ở phương Tây có thể tái sinh ở phương Đông, và người chết ở phương Đông có thể tái sinh ở phương Tây. Vấn đề là người đó được sinh ra như thế nào? Làm sao anh ta có thể đến phương Tây? Bây giờ đến tư tưởng về thân trung ấm. Khi một người chết ở phương Đông và được sinh ra ở phương Tây, làm sao anh ta có thể sinh ra ở đó? Khi một người qua đời, thân trung ấm sẽ xuất hiện và chính thân trung ấm này di chuyển đến phương Tây và tái sinh ở đó. Bây giờ chúng ta phải hiểu thân trung ấm là gì.
Khi một người qua đời, anh ta sẽ sinh vào một cõi gọi là cõi trung ấm. Khi chết, anh ta sẽ sinh thành thân trung ấm. Thân trung ấm là một dạng chúng sinh có thân, nhưng đó là thân vi tế. Chúng ta không thể nhìn thấy thân vi tế đó, nhưng thân trung ấm có thể nhìn thấy chúng ta. Không chỉ có thể nhìn thấy mà họ còn có thể nghe và hiểu chúng ta. Vào thời khắc đầu tiên chúng ta sinh vào cõi trung ấm, chúng ta vẫn không hề hay biết mình đã chết. Người vừa qua đời và sinh vào cõi trung ấm vẫn hành động như khi vẫn còn sống, và anh ta cảm thấy hoàn toàn giống như lúc còn sống. Khi một người vừa được sinh vào cõi trung ấm, anh ta không hề biết là mình đã chết. Anh ta chỉ biết mình đã chết sau đó vài ngày; và đối với vài người thì họ biết mình chết sau khoảng thời gian ngắn. Khi một người sinh vào cõi trung ấm, anh ta cố gắng nói chuyện với người thân, bạn bè nhưng sẽ không nhận được phản hồi. Sau đó, dần dần anh ta thắc mắc vì sao người thân và bạn bè không trả lời anh ta. Khi không nhận được phản hồi nào, anh ta mới biết mình không phải là người bình thường. Lúc đó anh ta sẽ làm gì? Anh ta trở nên vô cùng sợ hãi vì bấy giờ anh phát hiện ra mình đã chết. Nếu biết mình sắp chết thì quý vị sẽ sợ hãi; nếu biết bản thân đã qua đời thì nỗi sợ hãi cùng cực sẽ đến. Người chết sẽ vô cùng sợ hãi khi biết rằng mình đã chết.
Thông thường, khi sợ hãi người ta sẽ làm gì? Có nhiều mức độ khác nhau. Một số người khi sợ hãi thì họ mất tập trung và không thể suy nghĩ. Vài người khác khi sợ hãi thì ít nhất họ cố gắng cầu nguyện với người có thể bảo vệ họ. Chính vì vậy, khi quý vị cầu nguyện Tam Bảo, lời cầu nguyện đó sẽ đi vào giấc mơ mỗi khi trong mơ quý vị sợ hãi. Nếu lời cầu nguyện có thể đi vào giấc mơ thì nó cũng sẽ đến trong cõi trung ấm. Quý vị phải duy trì việc thực hành cầu nguyện Tam Bảo để nó trở thành thói quen và có thể đi vào giấc mơ của mình. Khi một người quá sợ hãi, anh ta sẽ mất kiểm soát. Tôi để ý các loài thú và thấy rằng khi sợ hãi, chúng không thể đi hoặc chạy bình thường nữa. Trong cõi trung ấm, khi quá sợ hãi, chúng ta phải cố gắng khởi tâm quy y Tam Bảo, cầu nguyện với Tam Bảo. Thực hành quy y chỉ có thể đến trong cõi trung ấm khi quý vị đã từng thực hành lúc còn sống. Như tôi đã nói, nếu quý vị thực hành cầu nguyện với Tam Bảo và việc cầu nguyện đó đi vào giấc mơ của mình, thì chắc chắn nó sẽ đến trong trung ấm. Khi việc cầu nguyện chưa thể đến trong giấc mơ thì rất khó để nó đến trong trung ấm. Trong trung ấm, một người sẽ có nhiều kinh nghiệm khác nhau tùy vào nghiệp lực của người đó. Đặc biệt nếu có ác nghiệp thì anh ta sẽ thấy hoặc cảm nhận rất nhiều điều tiêu cực, ví dụ như cảnh núi đè, quái thú hung tợn, và có cảm giác như bị loài quái thú tấn công. Thật sự thì những cảnh tượng đó không tồn tại, quý vị nhìn thấy hoặc cảm nhận như vậy là do nghiệp của mình.
Trong cuộc sống con người, một số người nhìn thấy và sợ hãi rất nhiều thứ khác nhau mà phần lớn chúng ta đều không thấy nghe được. Đâu là nguyên nhân chính yếu? Bởi vì họ bị nghiệp tác động. Theo quan điểm khoa học, đó có thể là một vài chứng bệnh. Các chứng bệnh đó nảy sinh như thế nào? Một lần nữa, chúng ta phải nhắc đến tư tưởng về nghiệp. Khi chúng ta sinh vào trung ấm, có rất nhiều nỗi sợ và cảm xúc tiêu cực, rất nhiều vấn đề sẽ đến. Điều quan trọng nhất là vào thời điểm đó, bất cứ điều gì xảy đến đều là sự phóng chiếu của tâm ta, chúng không thật sự tồn tại. Chúng ta phải nỗ lực cầu nguyện với chư Phật trong từng khoảnh khắc. Mỗi khi cầu nguyện với Đức Phật, quý vị tích tập được rất nhiều công đức. Khi tích tập được công đức thì công đức sẽ tịnh hóa ác nghiệp. Khi ác nghiệp được tịnh hóa thì tất cả những kinh nghiệm xấu này sẽ không đến.
Nói chung, trong trung ấm người ta trải qua hai loại kinh nghiệm khác nhau. Có người thấy bóng tối, có người thấy ánh sáng. Khi thấy bóng tối có nghĩa là ác nghiệp của quý vị rất nặng nề. Khi thấy ánh sáng nhiều hơn nghĩa là quý vị có nhiều thiện nghiệp. Trong trung ấm, khi thấy bóng tối và sợ hãi giống như đang bị rơi xuống, quý vị nên biết đó chính là kết quả của ác nghiệp. Mỗi khi thấy bóng tối, quý vị phải cố gắng tập trung vào một đối tượng. Trước hết, quý vị phải phát nguyện vãng sinh vào cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà hoặc cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm.
Tôi sẽ cho một ví dụ. Khi ra về, trước khi rời khỏi nơi này, quý vị hãy thử suy nghĩ mãnh liệt về việc mình sẽ đi siêu thị hay về nhà. Sau đó, quý vị hãy rời khỏi nơi này mà đừng nghĩ ngợi gì nữa. Quý vị hãy vừa ra về vừa nói chuyện điện thoại, làm tâm mình mất tập trung, đừng nghĩ ngợi gì ngoài việc nói chuyện điện thoại với ai đó trong khi ra về. Quý vị sẽ tự nhiên bước đi về hướng mà mình muốn đến. Trước khi ngủ, nếu quý vị suy nghĩ mãnh liệt rằng mình sẽ thức dậy vào lúc 5 giờ sáng mai, thì quý vị sẽ có thể thức dậy đúng giờ. Đây chính là sức mạnh của động cơ. Đặc biệt, chúng ta phải phát nguyện vãng sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà hay cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Quý vị cần phát khởi một ước nguyện mãnh liệt rằng “sau khi chết, tôi phải sinh vào cõi tịnh độ.” Quý vị cần ước nguyện như thế. Nhiều người thắc mắc nên sinh vào nơi nào, cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà hay của Đức Quán Thế Âm, vì có rất nhiều cõi tịnh độ. Quý vị tái sinh vào nơi nào cũng không quan trọng. Nếu có thể tái sinh vào cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà thì quý vị có thể sinh vào mọi cõi tịnh độ. Tất cả những nơi đó đều giống nhau, không có gì khác biệt. Do đó, điều chúng ta cần làm là phát nguyện.
Điểm thứ hai, trong cõi trung ấm, quý vị phải thoát khỏi mọi sự bám chấp vào thế giới này. Nếu bám chấp vào thế giới này thì thần thức không thể đến được cõi tịnh độ. Có một câu chuyện kể về một vị tu sĩ sống trong một hang động ở trên một ngọn núi rất cao, không có gì khác ở đó cả. Ông ấy thực hành liên tục và sau khi chết, ông vẫn không thể sinh vào cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Sau đó, mọi người đều rất thắc mắc vì sao ông ấy lại không thể tái sinh vào cõi tịnh độ. Ông thấy thực hành nhiều năm trên núi cao nhưng chẳng có điều gì xảy ra, ông vẫn không thể sinh vào cõi tịnh độ. Có một vị thầy khác biết rằng thần thức của vị tu sĩ đó không thể đến thẳng cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, nên vị thầy đó yêu cầu một người đệ tử đến hang động nơi vị tu sĩ kia qua đời và hét lên một câu. Người học trò của vị cao tăng đó đến gần xác của vị tu sĩ và hét lên: “Ở cõi tịnh độ có trà rất ngon!” Thật ra, vị tu sĩ đó vẫn còn bám chấp vào một tách trà vì ông ta chưa kịp uống xong tách trà trước khi qua đời [Rinpoche cười]. Bám chấp là như thế, thậm chí một vị tu sĩ sống trong hang động vẫn còn bám chấp vào một tách trà. Ở đây, chúng ta phải biết rằng vào thời điểm lâm chung, trước hết chúng ta phải thoát khỏi mọi bám chấp vào bất cứ lạc thú nào của cuộc đời này và phát nguyện vãng sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà một cách mãnh liệt.
Thông thường, khi một người qua đời và sinh vào cõi trung ấm, ở đó không có bất cứ chỉ dẫn nào cho họ. Ví dụ, nếu một người đang ở nhà và cứ suy nghĩ và ước muốn mãnh liệt đến văn phòng thì trên đường đi, dù anh ta không hề nghĩ “bây giờ mình phải rẽ trái hay rẽ phải,” anh ta vẫn tự nhiên rẽ trái hay rẽ phải. Nhiều người sinh vào cõi trung ấm mà không được bất cứ sự chỉ dẫn nào. Khi sinh vào trung ấm, họ chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ đi đến đâu, vì vậy khi bất thình lình vào cõi trung ấm, họ bị mất phương hướng. Trong cuộc sống, nếu quý vị đi lạc thì đó không phải vấn đề lớn, quý vị có thể hỏi đường hoặc dùng GPS. Trong cõi trung ấm, nếu đi lạc thì quý vị không thể hỏi đường hay dùng GPS nữa [Rinpoche cười]. Trong cõi trung ấm quý vị sẽ rơi vào những hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Lúc đó, trước hết là phải có động cơ mãnh liệt, và sau đó quý vị phải cầu nguyện để được sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Quý vị phải phát khởi tín tâm và cầu nguyện với Đức Phật A Di Đà để Ngài tiếp dẫn quý vị về cõi tịnh độ. Quý vị phải bắt đầu thực hành ngay bây giờ, thực hành liên tục. Khi thực hành thì nó sẽ trở thành thói quen của quý vị, và ở thời khắc lâm chung, những thực hành đó sẽ tự nhiên đến nhờ năng lực của thói quen. Việc hành trì tạo nên năng lực của thói quen. Quý vị phải luôn duy trì tính liên tục, lúc đó việc thực hành sẽ thành thói quen, và mọi thứ sẽ đến rất dễ dàng mà không có bất cứ trở ngại nào.
Trước hết, quý vị phải phát nguyện vãng sinh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, và cố gắng thoát khỏi mọi bám chấp. Sau đó, hãy cầu nguyện Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn quý vị về cõi tịnh độ. Bước tiếp theo là tụng chú. Quý vị phải thực hành tất cả những bước này. Đây là những bước mà quý vị phải thực hành liên tục. Nếu những bước thực hành này hiện lên trong giấc mơ thì việc thực hành của quý vị bắt đầu trở nên khá vững chắc. Quý vị rõ không? [Đại chúng trả lời rõ] Các bước này rất đơn giản. Tôi nghĩ Phật pháp thật ra rất đơn giản, nhưng việc thực hành lại khá khó [Rinpoche cười], và thực hành liên tục còn khó hơn nữa; vì vậy rất khó để đạt giải thoát. Hiểu rõ những bước thực hành là điều đơn giản. Một điểm khác, đưa ra những chỉ dẫn về Pháp không đúng đắn cho người khác cũng là một sai lầm rất lớn. Nhiều người cho rằng tụng đọc nhiều thứ chính là Phật pháp, nhưng họ lại không hiểu. Đó không phải là việc làm đúng. Điều đó giống như quý vị làm nhưng lại không biết mình đang làm gì, giống như quý vị uống thuốc nhưng lại không biết loại thuốc nào chữa bệnh nào [Rinpoche cười]. Điều đó rất mạo hiểm. Hiểu rõ Phật pháp là điều rất quan trọng. Phật pháp rất đơn giản và rất khoa học, quý vị phải hiểu rõ từng bước một. Khi hiểu rồi thì quý vị phải thực hành. Khi quý vị chưa hiểu Pháp, trách nhiệm của tôi là giúp quý vị hiểu. Tuy nhiên, sau đó quý vị có thực hành hay không là việc của quý vị, không phải của tôi [Rinpoche cười]. Nếu quý vị thực hành thì tốt, quý vị không muốn thực hành thì cũng không sao [Rinpoche cười]. Nếu quý vị không hiểu thì tôi có trách nhiệm giúp cho quý vị hiểu. Hiện tại, chúng ta đang học pháp hành trì Quan Thế Âm, quý vị cần phải hiểu rõ từng điểm trong nghi quỹ. Tôi có quen một người đàn ông. Anh ta nói với tôi anh đã tụng một bài cầu nguyện từ lúc còn là một đứa trẻ, đến nay đã 25 năm. Anh ta nói với tôi anh không hiểu gì về bài cầu nguyện đó cả [Rinpoche cười]. Đôi khi, quý vị tụng “Om Mani Padme Hum,” nhưng ý nghĩa của câu chú đó là gì? Tôi không chắc quý vị có hiểu ý nghĩa hay không [Rinpoche cười]. Quý vị có thể nói: “Ồ, đó là câu thần chú rất linh thiêng.” Tuy nhiên, nếu có người hỏi quý vị ý nghĩa của nó là gì, có lẽ quý vị cũng không trả lời được [Rinpoche cười]. Do đó, chúng ta đã bắt đầu học nghi quỹ pháp hành Quan Thế Âm. Ý nghĩa của Om Mani Padme Hum và tất cả những điểm khác sẽ đến ở phần sau của nghi quỹ. Quý vị phải hiểu bất cứ thứ gì mình đọc và thực hành. Phải hiểu rồi mới làm, điều này rất quan trọng. Hiểu rồi mới làm, nếu không hiểu thì đừng làm. Chỉ khi nào thực hành cùng với sự hiểu biết thì quý vị mới tiến bộ trong việc thực hành Phật pháp.
Như tôi từng nói năm ngoái, lần đầu đến Việt Nam tôi không thấy có sự thay đổi lớn. Bây giờ, sự hiểu biết của quý vị so với trước đây đã tốt hơn rất nhiều. Khi tôi lần đầu đến Việt Nam, quý vị chỉ nghĩ đến thần chú, câu chú nào chữa nhức đầu, để được mục đích này, mục tiêu khác… [Rinpoche cười]. Lúc đó quý vị nghĩ rằng Phật pháp là thần chú, nhiều câu chú khác nhau, là tụng chú [Rinpoche cười]. Không phải như vậy. Điểm thứ hai, có một pháp tu vãng sanh tịnh độ là pháp chuyển di tâm thức [phowa]. Có lẽ lần tới tôi sẽ hướng dẫn. Lần này tôi không thể hướng dẫn vì có quá nhiều chương trình. Dù quý vị không học phowa, tuy nhiên những điều tôi vừa nói là những điểm trọng yếu. Quý vị hãy liên tục thực hành những bước này.
Một điểm khác là tịnh hóa ác nghiệp. Pháp hành tịnh hóa ác nghiệp giữ cho chúng ta khỏi rơi vào khổ đau trong cõi trung ấm. Quý vị đã biết cách thực hành tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) rồi phải không? Lần sau, quý vị phải dạy lại tôi [Rinpoche cười]. Nếu đã biết rồi thì quý vị hãy thực hành. Khi tôi lần đầu đến Việt Nam, quý vị không biết gì về pháp hành Kim Cang Tát Đỏa [Rinpoche cười]. Quý vị chỉ biết tụng chú, đảnh lễ, đó là bài tập thể dục tốt. Lúc đó quý vị không biết rằng chúng ta phải tư duy thiền quán từ trong tâm. Bây giờ quý vị đã biết rất nhiều điều; và bây giờ quý vị đừng lười biếng. Khi đã biết rồi thì quý vị lại lười biếng và nghĩ “Mình sẽ làm sau, vào ngày mai… Còn bây giờ mình xem ti-vi trước đã.” [Rinpoche cười] Chương trình ti-vi lúc nào cũng phát sóng, chúng chẳng bao giờ ngừng; lúc nào cũng có chương trình ti-vi cả. Tuy nhiên, thời gian của chúng ta có giới hạn, vì vậy chúng ta phải quản lý thời gian của mình thật hợp lý. Do đó, bây giờ quý vị đã biết cách thực hành, đừng lười biếng nữa mà hãy thực hành. Hãy duy trì thực hành hai mươi phút hoặc ba mươi phút. Tư duy thiền quán là điều quan trọng hơn, chỉ đọc thôi không mấy quan trọng. Hãy đọc và tư duy, quý vị cần làm như vậy. Nếu nhìn vào Đức Phật, quý vị sẽ thấy Ngài thiền quán nhiều hơn, quý vị sẽ không thấy Ngài đọc sách hay tụng chú [Rinpoche cười]. Điều đó cho thấy hành thiền quan trọng hơn. Để hành thiền, quý vị phải hiểu từng bước. Nếu không hiểu thì quý vị thiền cái gì? Nếu không hiểu thì khi nhắm mắt lại, quý vị chỉ thấy bóng đen mà thôi. Chỉ có vậy thôi. Bây giờ quý vị nói là đã biết cách thực hành Kim Cang Tát Đỏa, quý vị đã biết mọi thứ, vì thế đừng lười biếng. Quý vị đang học nghi quỹ Quan Âm Pháp, tôi đã hướng dẫn từng bước; quý vị cũng đã nghe giảng Giải Thoát Trong Lòng Tay. Hãy thiền quán và nghiền ngẫm tới lui về những gì đã học. Trong đời sống hàng ngày, hãy quản lý thời gian hợp lý. Nếu quý vị cảm thấy bản thân không có đủ thời gian để thực hành thì hãy bớt xem ti-vi, rồi quý vị sẽ có rất nhiều thời gian. Điều này rất quan trọng.
Tôi dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Thưa thầy cho con hỏi một câu. Khi được học pháp chuyển di tâm thức rồi, nếu chưa có kết quả thì chúng con có được tự mình thực hành không? Nếu đã có kết quả rồi thì có phải ôn lại không?
Rinpoche: Chị hãy chờ lần sau để được hướng dẫn lại.
Hỏi: Từ lúc sinh ra đến khi hấp hối có bao nhiêu giai đoạn bardo, các giai đoạn đó diễn ra như thế nào?
Rinpoche: Từ lúc sinh ra đến lúc chết không có giai đoạn trung ấm. Trung ấm chỉ đến sau khi chết.
Hỏi: Xin Rinpoche giảng pháp thực hành Kim Cang Tát Đỏa. Nếu kết hợp với Ruộng Phước thì phải quán như thế nào?
Rinpoche: Quý vị phải thực hành riêng biệt. Thực hành Kim Cang Tát Đỏa và Ruộng Phước là hai pháp hành khác nhau. Nếu thực hành chung thì giống như trộn hai thứ thuốc lại với nhau vậy [Rinpoche cười].
Hỏi: Có những trường hợp nào không có thân trung ấm không? Có những trường hợp nào không được đầu thai, không có thân không?
Rinpoche: Với những người bình thường, không có trường hợp nào mà lại không có thân trung ấm. Sau khi chết, thân trung ấm hiện hữu trong 49 ngày. Sau 49 ngày, thân trung ấm sẽ tái sinh. Nếu người chết sắp tái sinh vào cõi vô sắc thì họ không có thân trung ấm. Sau 49 ngày, thân trung ấm chắc chắn phải đi tái sinh.
Hỏi: Khi thiền chỉ, ở hơi thở có nhiều nước bọt. Xin thầy hướng dẫn cách nuốt nước bọt?
Rinpoche: Khi thiền chỉ, nếu có nhiều nước bọt thì phải giữ cho đầu lưỡi cong lên chạm vòm họng trên. Làm như vậy sẽ giúp hạn chế nước bọt.
Hỏi: Khi thực hành Kim Cang Tát Đỏa thường trổ nghiệp, có đúng như vậy không? Nếu đúng, con phải làm gì để hạn chế việc trổ nghiệp?
Rinpoche: Không phải như vậy. Có hai nguyên nhân ở đây. Đôi khi có những việc xấu xảy ra khi quý vị tịnh hóa những ác nghiệp nặng nề. Những điều xấu mà lẽ ra sẽ đến sau khi chết, chúng sẽ đến ngay trong đời này, đó là một điều tốt vì sẽ không còn điều xấu xảy ra sau khi chết. Điểm thứ hai là quý vị có thể tụng Bát Nhã Tâm Kinh để tiêu trừ chướng ngại.
Hỏi: Câu chú Kim Cang Tát Đỏa là Om Benza Sattva Hum. Hôm rồi con được một vị thầy dạy đọc theo tiếng Phạn là “Vajra” thay vì “Benza,” xin thầy giải thích cho con!
Rinpoche: Hãy đọc Om Benza Sattva Hum, không sao cả. Bản thân câu chú tiếng Phạn có nhiều cách tụng khác nhau, cách phát âm của người Ấn Độ và người Tây Tạng khác nhau. Đọc “Benza” vẫn được.
Hỏi: Lần trước tại lớp Skype thầy chưa hướng dẫn hết cách bắt ấn cúng dường trong Quan Âm Pháp, xin thầy dạy tiếp. Gia trì lễ vật cúng dường thì tay có cần bắt ấn gì không?
Rinpoche: Tôi sẽ hướng dẫn vào một ngày khác.
Hỏi: Khi trạo cử thì mới phát âm Om hay phát âm Om liên tục làm đối tượng thiền?
Rinpoche: Hãy phát âm Om làm đối tượng thiền. Điều đó sẽ giúp quý vị tập trung trở lại vào đối tượng thiền.
Hỏi: Buổi tối trước khi ngủ, con niệm Phật và đọc chú Kim Cang Tát Đỏa dài và ngắn. Con nằm mơ thấy màu xanh nõn chuối di chuyển về phía con. Con niệm Phật thì màu xanh biến mất. Như thế là thế nào?
Rinpoche: Không có vấn đề gì cả! Quý vị đừng xem đó là vấn đề gì hết.
Cảm ơn quý vị. Bây giờ chúng ta sẽ dùng trưa, Có lẽ quý vị cũng đói rồi.
Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @28/04/2015
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.