15-11-2015
Phật Pháp Căn Bản

Khangser Rinpoche thuyết giảng lớp học Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu.

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

 

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 6, ngày 15 tháng 11 năm 2015

Chủ đề:

Chết & Sau khi chết - Cách cầu nguyện giúp đỡ người vừa qua đời

 

1 CHẾT & SAU KHI CHẾT

Chủ đề ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn là chết và sau khi chết, cách cầu nguyện giúp đỡ người vừa mới qua đời. Khi nói đến cái chết, định nghĩa của chết là gì? Theo quan điểm của đạo Phật, thời điểm thần thức rời khỏi thân xác mới được gọi là chết; còn theo quan điểm của y học thì khi não bộ ngừng hoạt động và tim ngừng đập thì được gọi là chết (chết lâm sàng).

Nói chung, các bạn cần biết về cái chết và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết. Khi thần thức rời thân xác, thời điểm đó được gọi là chết. Trong y học, khi não và đặc biệt là tim của một người ngừng hoạt động thì người đó được xem là đã chết (chết lâm sàng). Cũng theo y học, khi não bộ ngừng hoạt động nhưng tim vẫn còn đập thì bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê (coma). Đến khi tim ngừng đập hẳn thì y khoa xác nhận người bệnh đã chết. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, đó chưa phải là chết hoàn toàn mà chỉ là chết bán phần (nửa chết) vì thần thức vẫn còn lưu lại trong cơ thể từ hai đến ba ngày nữa. Đó không phải là chết hoàn toàn vì thần thức vẫn chưa rời khỏi thân xác, dù cả tim và não đã hoàn toàn ngưng hoạt động. Thời điểm thần thức rời khỏi cơ thể chính là chết [hoàn toàn].

Điểm đặc biệt là điều gì sẽ xảy đến sau cái chết. Đây là một câu hỏi lớn. Khi một người vừa qua đời, anh ta không tái sinh ngay lập tức. Trước khi tái sinh, người chết đi vào một trạng thái gọi là thân trung ấm (bardo). Họ sẽ ở trong trạng thái trung ấm này tối đa 49 ngày. Một số thần thức ở trong cõi trung ấm 7 hoặc 8 ngày, nhưng tối đa là 49 ngày. Mới hôm qua tôi gặp một người Mỹ ở đây. Chúng tôi cũng đã nói về vấn đề này và anh ta kể tôi nghe kinh nghiệm của anh. Anh kể vào năm 12 tuổi, anh ta gặp một tai nạn nghiêm trọng và cha anh đã qua đời trong tai nạn đó. Anh ta kể anh đã bị hôn mê trong suốt hai đến ba tháng, nhưng anh vẫn nghe mọi người nói chuyện. Anh ta nghe rất rõ mẹ anh nói rằng anh đã chết. Cơ thể của anh hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê, nhưng anh vẫn có thể nghe mọi người xung quanh nói rằng anh đã chết. Anh nói rằng trong tương lai có lẽ anh nên thu âm lại nhưng kinh nghiệm như vậy. Theo quan điểm Phật giáo, điều này xảy ra là do thần thức. Cơ thể, não bộ, tim… đã ngừng hoạt động nhưng thần thức vẫn còn hoạt động.

Khi thần thức rời khỏi thân xác, chúng ta gọi đó là chết. Sau cái chết là giai đoạn ở cõi trung ấm. Trạng thái trung ấm kéo dài tối đa 49 ngày. Trong 49 ngày đó, thân trung ấm tìm kiếm tái sinh đời sau của nó. Ví dụ, một người chết ở châu Á và tái sinh ở châu Âu. Thần thức di chuyển từ châu Á sang châu Âu. Thật ra, thần thức không di chuyển, mà chính thân trung ấm di chuyển. Sau khi chết, người đó sinh vào thân trung ấm và thân trung ấm di chuyển từ châu Á đến châu Âu.

Khi một người qua đời và sinh vào thân trung ấm, trong một đến hai ngày đầu sau khi chết, người đó vẫn chưa biết mình đã chết. Anh ta cố gắng làm những việc tương tự như lúc còn sống. Anh ta cảm thấy mình vẫn còn sống nên anh cố gắng nói chuyện với người thân, và làm những việc thường ngày. Sau đó, anh ta sẽ cảm thấy rất hoang mang vì khi anh nói chuyện với người thân, họ hoàn toàn không trả lời lại. Từ từ, anh ta nghi ngờ có lẽ mình đã chết. Như tôi vừa kể kinh nghiệm của anh người Mỹ mà tôi đã gặp, khi anh bị hôn mê anh vẫn nghe mẹ anh nói rằng anh đã chết. Anh ta còn nghe được giọng của cha anh dù cha anh đã chết. Anh ấy có rất nhiều trải nghiệm. Anh ấy nói anh đã hôn mê suốt hai tháng.

Trong vòng hai đến ba ngày sau khi chết, thân trung ấm phát hiện ra mình đã chết và anh ta vô cùng hoảng loạn và sợ hãi. Mọi sự thống khổ bắt đầu từ đó. Trước hết, anh ta phát hiện ra mình đã chết; thứ hai, anh ta hoảng sợ không biết phải làm gì; và thứ ba, anh ta có cảm giác mất phương hướng. Bây giờ, mức độ khó khăn tùy thuộc vào người chết mang nghiệp tốt hay nghiệp xấu. Nói chung, khi đã chết, thân trung ấm sẽ nghe tiếng sấm rền vang và âm thanh đó khiến anh ta rất sợ hãi. Đó là một trong những khoảng thời gian khổ sở nhất trong cõi trung ấm. Trong cõi trung ấm, không chỉ có âm thanh mà còn nhiều điều khác khiến người chết sợ hãi, đó là những cảnh tượng mà anh ta sẽ nhìn thấy.

Thông thường, lúc còn sống, khi ra ngoài các bạn có Google Map và nhiều sự trợ giúp khác, nhưng một khi đã rơi vào cõi trung ấm thì bạn phải đơn độc bắt đầu hành trình của mình. Hồi tháng Tám, khi tôi giảng ở một ngôi chùa ở Đài Loan, họ hỏi tôi làm sao để vãng sinh tịnh độ. Tôi nói: Bây giờ các bạn không cần phải lo lắng về đường đi đến cõi tịnh độ vì sớm thôi, khoảng 10 hay 15 năm nữa Google sẽ có hệ thống GPS chỉ đường đến cõi tịnh độ [Thầy cười]. Khi một người sinh vào trung ấm, ở đó có rất nhiều thứ đáng sợ như tiếng sấm và nhiều điều khác. Sinh vào cõi trung ấm là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mà một người đã chết phải đối mặt. Họ sẽ thấy rất nhiều cảnh tượng khác nhau và nhiều điều khác nữa. Điều quan trọng nhất là vào thời điểm đó, dù bất cứ sự việc nào xảy đến, các bạn không phải sợ hãi. Điều gì sẽ xảy đến trong ngày thứ nhất ở cõi trung ấm, điều gì xảy ra trong ngày thứ hai…, có rất nhiều chi tiết, nhưng tôi sẽ không giảng giải chi tiết vì thời giờ có hạn. Tôi sẽ giới thiệu rất ngắn gọn. Sau này, khi tôi đến Việt Nam, nếu các bạn muốn học thì tôi sẽ giảng giải chi tiết điều gì xảy ra trong ngày thứ nhất sau khi chết, chuyện gì sẽ đến trong ngày thứ hai… Nói chung, trong 49 ngày, năm vị Phật khác nhau sẽ xuất hiện. Trong cõi trung ấm, bạn sẽ thấy linh ảnh của năm vị Phật khác nhau và linh ảnh của các vị dakini. Một số người khi thấy linh ảnh Phật thì họ rất sung sướng. Khi bạn thấy linh ảnh Phật trong cõi trung ấm, các linh ảnh đó được bao phủ trong hào quang trắng sáng rực. Một số người lại sợ hãi ánh sáng trắng trong cõi trung ấm. Một số người khác khi thấy hào quang trắng lại cảm thấy sung sướng. Tôi có một kinh nghiệm với một số người trở về từ cõi chết. Họ được xem là đã chết lâm sàng, nhưng sau đó họ lại hồi tỉnh. Tôi đã gặp một số người như vậy và họ kể lại cùng một trải nghiệm. Họ nói rằng họ đều thấy hào quang rực rỡ.

Sau tuần lễ thứ nhất trong cõi trung ấm, năm vị Phật khác nhau gồm Đại Nhật Như Lai, Bất Động Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai, A Di Đà Như Lai, Bảo Sanh Như Lai cùng các vị dakini sẽ xuất hiện. Tại thời điểm đó, người chết có cơ hội rất lớn để thoát khỏi thân trung ấm. Những người không có tín tâm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để tận dụng thời cơ này nhằm thoát khỏi thân trung ấm. [Nếu bỏ lỡ thời cơ này để thoát khỏi trung ấm,] trong tuần lễ tiếp theo, 55 bổn tôn phẫn nộ và 45 bổn tôn hiền hòa sẽ xuất hiện. Để nhận ra những vị bổn tôn này, chúng ta phải học và làm quen ngay từ bây giờ. Có một pháp tu là pháp tu Thodgal (hay Togal) để làm quen với các vị bổn tôn bằng cách nhìn vào mặt trời và cố gắng nhận diện các vị ấy trong các tia sáng mặt trời. Bằng cách tu tập như vậy, bạn có thể nhận ra các vị bổn tôn trong cõi trung ấm. Đây là một pháp tu rất đặc biệt, chỉ có trong truyền thừa Nyingma. Các truyền thừa khác không có pháp tu này.

Ông của tôi và người đồng đạo của ông ấy cùng tu tập theo một vị thầy. Khi tôi vừa lớn lên thì ông tôi qua đời. Người bạn của ông tôi sống rất thọ. Lúc đó, ông ấy dạy dỗ tôi rất cẩn thận vì một mặt tôi là một vị Rinpoche, mặt khác tôi là cháu của người bạn đạo của ông ấy. Ông ấy xem ông của tôi là một đạo hữu thân thiết. Ông ấy đã bị mù cả hai mắt khi tu pháp Thodgal, nhìn vào ánh sáng mặt trời để cố gắng nhận diện các vị bổn tôn. Cha tôi kể lại rằng ông ấy đã phạm lỗi trong lúc thực hành là nhìn mặt trời quá nhiều, và ông ấy đã bị mù. Khi còn nhỏ tôi đã được biết như vậy. Khi tôi lớn lên và học pháp tu này, tôi đến gặp ông ấy để tìm hiểu ông đã phạm lỗi gì khiến cho bị mù. Ông ấy đã nói tôi biết lỗi lầm ông mắc phải trong lúc thực hành. Khi biết được lỗi lầm đó tôi rất sung sướng, và tôi biết mình không nên làm như vậy nữa. Lỗi lầm đó khiến ông bị mù, nhưng điều đó lại mở mắt cho tôi. Chuyện đó cũng thật buồn. Khi ông ấy kể tôi nghe về lỗi lầm khiến ông bị mù, nước mắt đã chảy ra từ mắt ông rất nhiều. Lỗi lầm đó đã khiến ông mù lòa và gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã rút kinh nghiệm từ lỗi lầm đó, và điều đó thật sự đã mở mắt cho tôi. Bây giờ tôi đã biết lỗi lầm đó và tôi không nên phạm phải. Pháp tu Thodgal đặc biệt chỉ có trong truyền thừa Nyingma, nhưng không phải dòng tu nào trong truyền thừa Nyingma cũng có pháp tu này. Chỉ có một dòng tu mà gia đình tôi tu tập theo, dòng truyền thừa Longchen Nyingthig (Tâm Yếu Đại Quảng), mới có pháp tu này. Mục đích chính của pháp Thodgal là để nhận ra tất cả 55 bổn tôn phẫn nộ và 45 bổn tôn hiền hòa khi những linh ảnh này hiện ra trong cõi trung ấm. Lúc tôi thực hành, tôi đã không đeo kính râm. Sau đó, tôi nhận ra rằng giữa đeo kính và không đeo kính trong lúc thực hành, nếu không đeo kính sẽ tốt hơn.

Như tôi vừa nói, trong cõi trung ấm tất cả những linh ảnh đó sẽ đến. Có lẽ sau này tôi sẽ cho các bạn xem hình của những bổn tôn này. Khi bạn thấy linh ảnh của những vị dakini, đôi lúc bạn sẽ thấy các dakini mang hình dạng đầu giống với đầu của các loài thú khác nhau. Bạn có thể tưởng tượng khi một người [lần đầu] thấy các hình thù như thế trong cõi trung ấm thì thông thường anh ta sẽ hoảng sợ. Khi bạn đã quen thuộc với hình ảnh các vị bổn tôn thì bạn sẽ ít sợ hơn. Thật ra, các vị dakini và bồ tát có thể xuất hiện trong nhiều tướng trạng khác nhau. Các bạn đã xem phim “Ma” (“Ghost”) chưa? Tôi nghĩ phim này được Hollywood sản xuất đã 20 năm trước, và câu chuyện của họ lấy ý tưởng từ cõi trung ấm. Với những người sinh vào cõi trung ấm, tất cả những điều này sẽ đến với họ.

Tôi vừa giới thiệu ngắn gọn về những giai đoạn sẽ xảy đến trong cõi trung ấm. Sau này tôi sẽ giảng giải cặn kẽ hơn. Tôi nghĩ nếu tôi giảng giải cùng hình ảnh các vị bổn tôn thì sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ sau này chắc chắn Google sẽ chỉ đường đến cõi định độ [Thầy cười], sau khi chết trước hết bạn gặp điều này, sau đó bạn gặp điều kia… Tôi nghĩ trong tương lai mọi thứ sẽ có trên Google. Nhưng có một điều đáng buồn là người chết không thể dùng Google. Nếu người chết mà dùng được Google thì anh ta chưa chết. Đó là vấn đề duy nhất, nếu không có vấn đề đó thì mọi thứ đều ổn.

 

2 CẦU NGUYỆN & GIÚP ĐỠ NGƯỜI VỪA QUA ĐỜI

Bây giờ, làm thế nào để giúp đỡ người vừa qua đời? Có một câu hỏi lớn: Tiến hành cầu nguyện có thật sự giúp ích cho người chết hay không? Làm sao để chúng ta chứng minh việc cầu nguyện là có ích? Nếu bạn nhìn theo quan điểm khoa học thì ta cần một bằng chứng để chứng tỏ việc cầu nguyện thật sự có ích. Nhiều năm trước tôi có quen một giáo sư. Bà ấy thích các ý tưởng của Phật giáo, và bà làm việc trong một bệnh viện tâm thần ở Bangalore. Đó là một trong những bệnh viện tâm thần lớn nhất châu Á. Ở Ấn Độ có rất nhiều trường hợp bị hãm hiếp, vì vậy tinh thần của người ta không ổn định. Tôi đã nói chuyện với bà ấy và dự tính chọn ra sáu bệnh nhân tâm thần, sau đó tiến hành cầu nguyện cho ba trong sáu bệnh nhân và tôi muốn xem sự khác biệt [giữa ba bệnh nhân được cầu nguyện và ba bệnh nhân không được cầu nguyện]. Lúc đầu tôi đã muốn tiến hành như vậy, nhưng sau đó vì nhiều lý do mà tôi không thể thực hiện, chủ yếu là do tôi bận việc khác. Lúc đầu tôi muốn làm như vậy để xem tác dụng của cầu nguyện một cách rất khoa học.

Có một câu chuyện về Milarepa. Khi Milarepa du hành từ một ngôi làng đến một ngôi làng khác, một trận bão tuyết rất mạnh đã xảy ra chắn hết đường đi khiến cho Milarepa không thể tiếp tục hành trình. Học trò của Milarepa ở ngôi làng kia không thấy thầy mình đến nên nghĩ rằng Milarepa đã chết trong trận bão tuyết, và họ bắt đầu cầu nguyện cho Ngài. Ngày hôm sau, khi Milarepa đến được ngôi làng, các học trò rất ngạc nhiên, họ nói “Chúng con tưởng rằng thầy đã qua đời trong trận bão tuyết và đã cầu nguyện cho thầy.” Milarepa đáp, “Phải, thật là kỳ diệu! Hôm qua, khi các con đang cầu nguyện, dù trời rất lạnh nhưng ta không thực hành gì cả mà vẫn cảm thấy rất ấm áp và dễ chịu.” Do đó, thông qua kinh nghiệm của Milarepa, Ngài đã kết luận rằng khi bạn cầu nguyện cho người chết, điều đó thật sự giúp họ rất nhiều.

Bây giờ có hai điều chúng ta cần biết: cách giúp đỡ người đang hấp hối và cách giúp đỡ người đã chết.

Với những người đang hấp hối, sẽ tốt hơn nếu bạn có thể để hình Phật và kinh Phật phía trên đầu và trước mặt họ. Có một vài dấu hiệu của cái chết. Trước hết, người hấp hối có cảm giác bị rơi xuống từ một ngọn núi và họ sẽ yêu cầu được kê cao gối nằm. Điều này cho thấy tiến trình chết đã bắt đầu. Tiếp theo, dấu hiệu thứ hai là người hấp hối cảm thấy khát nước. Môi của họ bị khô, cho thấy tiến trình chết đã bắt đầu. Họ khát nước và bạn phải thấm ướt môi của họ. Bạn phải nhắc nhở người hấp hối cầu nguyện Đức Phật vì vào thời điểm đó, quy y Tam Bảo là điều rất quan trọng. Đó là thời khắc then chốt, chỉ đến một lần duy nhất. Nếu bạn bỏ lỡ thời khắc đó thì sẽ vĩnh viễn bỏ lỡ nó. Điều quan trọng nhất là khi các bạn nhắc nhở người hấp hối cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm hoặc Đức A Di Đà, bạn chỉ được nhắc nhở họ cầu nguyện với một đối tượng duy nhất. Nếu ban đầu bạn nói họ cầu nguyện Tam Bảo, rồi sau đó nói họ thực hành tâm bồ đề…, thì người hấp hối sẽ bị rối. Đây là khoảnh khắc vô cùng trọng yếu, thức của người hấp hối dần dần trở nên vi tế hơn, vì vậy bạn chỉ nên nhắc nhở họ về một đối tượng duy nhất. Nếu bạn nhắc họ cầu nguyện với Phật A Di Đà thì bạn phải nhắc đi nhắc lại về Phật A Di Đà. Khi môi của người hấp hối bị khô có nghĩa là yếu tố nước (thủy đại) đang tan rã. Sau đó, nếu bạn chạm vào người của họ thì sẽ thấy họ mất dần thân nhiệt, nghĩa là yếu tố lửa (hỏa đại) đang tan rã. Tuy nhiên, nếu bạn chạm vào khu vực giữa tim (giữa ngực) của người hấp hối thì ở đó vẫn còn hơi ấm. Sau đó, yếu tố gió (phong đại) dần dần tan rã, người hấp hối sẽ thở ra nhiều hơn thở vào. Khi yếu tố gió hoàn toàn tan rã, người hấp hối thở ra lần cuối cùng và không còn thở vào lần nào nữa.

Tất cả chúng ta đều phải trải qua tiến trình này, vì vậy những điều này rất quan trọng. Đối với bản thân, nếu bạn rơi vào tình huống này, bạn phải cầu nguyện thật mãnh liệt với Phật A Di Đà, hoặc bất cứ vị Phật nào. Lúc đó, bạn phải buông bỏ mọi bám chấp vào nơi ở và những thứ khác. Bạn phải chuẩn bị tư tưởng rằng mình đang đi đến cõi tịnh độ của chư Phật.

Nếu đang giúp đỡ người hấp hối, bấy giờ các bạn phải nhắc nhở họ cầu nguyện với Phật A Di Đà, và bạn phải nhắc đi nhắc lại về Phật A Di Đà. Tôi nhớ một học trò của tôi là một công nhân người Ấn Độ. Anh ấy nói rằng anh muốn đến các hospice, là nơi chăm sóc y tế cho những người chờ chết, để giúp đỡ những người ở đó. Tôi nói: “Đừng làm như vậy vì đó là thời khắc then chốt và rất quan trọng. Anh không thể đến đó nếu anh không thật sự hiểu rõ tất cả, và anh sẽ làm cho tình hình thêm rối ren nếu không biết cách làm đúng.”

Chúng ta cần làm gì để giúp đỡ người đã chết? Bạn cần cầu nguyện trong 3 ngày đầu sau khi ngày chết. Ba ngày đầu này rất quan trọng, bạn nên cầu nguyện trong 3 ngày này. Bạn cầu nguyện kinh điển nào cũng được. Việc tôn tạo tượng Phật và họa vẽ ảnh Phật để hồi hướng cho người chết cũng rất có ích. Một cách khác nữa là thỉnh cầu một người có khả năng tiến hành pháp chuyển di tâm thức (phowa) cho người chết; việc này không thật sự cần thiết nhưng nếu các bạn làm được thì tốt. Cha tôi kể lại rằng khi thầy của ông tôi tiến hành chuyển di tâm thức cho người chết, dù lúc đó thời tiết ở Tây Tạng rất lạnh nhưng họ vẫn cảm nhận được hơi ấm trên cơ thể của người chết. Thông thường, bạn nên thỉnh cầu người có khả năng tiến hành chuyển di tâm thức trong vòng 3 ngày đầu sau khi người thân đã qua đời; nếu tiến hành sau 3 ngày thì không còn nhiều lợi ích nữa. Vài năm trước, bà của một người bạn học hồi còn nhỏ của tôi qua đời. Anh ấy thỉnh cầu tôi cầu nguyện và tiến hành chuyển di tâm thức cho bà của anh. Tôi nghĩ bà của anh ấy đã mất được 5-6 ngày, vì vậy pháp chuyển di tâm thức không mấy hiệu quả. Tuy vậy, tôi vẫn không thể từ chối và không thể nói ra rằng chuyển di tâm thức không có tác dụng, vì anh ấy là người bạn học cùng lớp với tôi hồi còn nhỏ. Pháp chuyển di tâm thức đến từ truyền thừa Nyingma, truyền thừa Gelug không đề cập nhiều đến pháp này. Trong vòng 3 ngày sau khi người thân qua đời, nếu bạn có thể tiến hành chuyển di tâm thức thì tốt. Việc này không thật sự cần thiết, nhưng nếu bạn làm được thì rất tốt. Điểm chính yếu là trong 3 ngày kể từ ngày người thân qua đời, bạn cần tụng kinh điển của Đức Phật, như vậy rất có lợi, đặc biệt là Kinh Kim Cang và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương trong Kinh Hoa Nghiêm. Thời gian 49 ngày tức là 7 tuần, và sẽ rất tốt nếu bạn tụng kinh sau mỗi tuần, điều này rất có lợi. Người vừa qua đời có thể tái sinh vào cõi tịnh độ hoặc một cõi nào đó trong 3-4 ngày đầu sau khi chết, điều này có thể xảy ra; và họ cũng có thể chưa tái sinh mà ở lại trong cõi trung ấm tối đa 49 ngày. Nếu người thân qua đời vào Thứ Hai, thì cứ sau mỗi 7 ngày, chúng ta cần cầu nguyện. Có hai cách tính ngày cầu nguyện: cách thứ nhất là cầu nguyện vào các ngày Thứ Hai tiếp theo, cách thứ hai là cầu nguyện vào các ngày Chủ Nhật tiếp theo. Không có khác biệt lớn giữa hai cách này. Các bạn cần cầu nguyện sau mỗi tuần và trong suốt 49 ngày, làm như vậy rất có ích.

Khi một người vừa qua đời, có rất nhiều cách tiến hành nghi lễ trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, và mỗi truyền thừa cũng có cách tiến hành nghi lễ khác nhau. Tôi nghĩ cách tốt nhất là tụng kinh điển, đặc biệt là Kinh Kim Cang hoặc phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương trong Kinh Hoa Nghiêm. Đây là kinh điển do chính Phật thuyết, vì vậy tôi nghĩ đây là cách tốt nhất. Bạn cũng có thể tụng Kinh A Di Đà hoặc Kinh Vô Lượng Thọ, như vậy cũng tốt.

Hôm nay tôi dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp.

 

HỎI – ĐÁP

Hỏi: Làm thế nào để biết người chết đã tái sinh hay chưa?

Rinpoche: Đó không phải là việc của chúng ta mà là việc của Đức Phật [Thầy cười]. Ngay cả vị đại đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật là ngài Mục Kiền Liên cũng không thể biết mẹ của Ngài tái sinh về đâu khi bà qua đời; Mục Kiền Liên phải hỏi Đức Phật mẹ của Ngài tái sinh vào cõi nào. Vì vậy, chúng ta hãy liên tục cầu nguyện sau mỗi tuần trong suốt 49 ngày. Nhiều lúc người chết sẽ tái sinh trong suốt thời gian chúng ta cầu nguyện cho họ.

 

Hỏi: Những người bị hôn mê  sống đời sống thực vật thì thức của họ ra sao?

Rinpoche: Có hai loại thức: thức thô và thức vi tế. Khi một người rơi vào trạng thái hôn mê, thức thô không còn hoạt động vì não bộ đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, thức vi tế vẫn còn tiếp tục hoạt động. Rất đơn giản, tôi sẽ hỏi các bạn một câu. Nếu cố gắng nhớ lại quá khứ thì các bạn có thể nhớ lại những sự việc cách đây xa nhất là bao nhiêu năm? Bạn có nhớ những gì xảy ra vào năm bạn 3 tuổi không? Hay bạn có nhớ những sự việc năm bạn 4 tuổi không? Nếu bạn đặt câu hỏi này cho 3-4 người khác nhau thì họ sẽ trả lời khác nhau. Tôi có thể nhớ được những sự việc xảy ra hồi tôi 5 tuổi. Hiện tại, tôi không thể nhớ được những chuyện xảy ra khi tôi 3-4 tuổi. Hồi tôi khoảng 5 tuổi, mẹ tôi nói rằng tôi có thể nhớ và nói về kiếp trước của mình. Nhưng ngay lúc này thì mọi chuyện đã khác, thức đã thay đổi rất nhiều. Khi bạn dần trưởng thành, thức thô ngày càng hiển lộ hay trở nên chủ động, và thức vi tế ngày càng chìm lặn hoặc trở nên thụ động. Nếu thức thô càng thụ động thì thức vi tế càng chủ động. Trong trạng thái hôn mê, thức thô trở nên thụ động, và vì vậy thức vi tế bắt đầu hoạt động. Khi thức vi tế bắt đầu hoạt động, bạn có cảm giác như thức của mình hoàn toàn thay đổi và dường như nó trở thành một thức khác. Thật sự thì không phải như vậy. Thật sự [thức của bạn không trở thành một thức khác mà] là do thức thô trở nên thụ động hơn và thức vi tế trở nên chủ động hơn. Khi thức vi tế càng chủ động thì thức thô càng thụ động. Nhìn lại ký ức, tôi có thể nhớ được những sự việc xa nhất là những ký ức hồi tôi 5 tuổi. Một số người có thể nhớ được ký ức hồi họ 3-4 tuổi. Lúc tôi 3-4 tuổi, tôi cảm thấy thức thô của mình chưa thật sự được kích hoạt, và lúc đó thức vi tế chủ động hơn. Tôi cảm thấy như vậy.

 

Hỏi: Làm thế nào để nhắc nhở người hấp hối tiến hành chuyển di tâm thức nếu họ đã từng thực hành chuyển di tâm thức trước đó?

Rinpoche: Người hấp hối phải tự nhận biết được tiến trình chết và họ phải tự mình tiến hành chuyển di tâm thức.

 

Hỏi: Đối với thập loại chúng sinh bị chết trận, chết trôi sông, chết trên đường sá, chết vì các loại tai nạn… không chấp nhận cái chết thì cầu nguyện cho họ như thế nào? Họ có thân trung ấm không?

Rinpoche: Tiến trình chết sẽ không xảy ra đúng như những gì tôi vừa nói. Các cảm giác như bị rơi xuống từ một ngọn núi, khát nước… có thể sẽ không xảy ra, nhưng họ sẽ sinh vào trung ấm.

 

Hỏi: Đối với người mù thì làm sao chúng ta cho họ xem hình ảnh Phật?

Rinpoche: [cười lớn] Tôi nhớ đến một câu chuyện về vị thầy của ông tôi. Thầy của ông tôi có một người đệ tử làm việc cho chính phủ Tây Tạng vào những năm 1940-1950. Vì một lý do nào đó mà người đệ tử đó bị kết tội. Vào thời điểm đó, Tây Tạng đang trong thời phong kiến nặng nề, và ông ấy đã bị người ta móc mắt. Sau đó, ông bị bỏ tù trong mù lòa. Ông viết thư cho thầy của ông, cũng là thầy của ông tôi. Trong thư ông viết một điều mà cha tôi và chú tôi thường hay nhắc đến. Ông ấy viết: “Bây giờ con không còn nhìn thấy Thầy bằng mắt thịt nữa rồi, nhưng con mắt Pháp của con thì vẫn luôn nhìn thấy Ngài.” Tôi chợt nhớ đến câu chuyện này khi các bạn hỏi tôi làm sao người mù có thể nhìn thấy hình ảnh Phật. Với người mù, các bạn phải diễn giải cho họ. Vì vậy mà trong kinh điển có mô tả tướng trạng của Đức Phật. Bạn cần diễn giải và ít nhiều thì hình ảnh của Phật sẽ hiện lên trong tâm họ. Thông qua hình ảnh đó, người mù có thể phát khởi lòng tin.

 

Hỏi: Người thân của con qua đời, con có thể tụng Kinh Quan Âm hay Kinh Địa Tạng được không?

Rinpoche: Bạn tụng kinh nào cũng tốt cả. Tất cả kinh điển đều của Đức Phật, dù là Kinh Quan Âm hay Kinh Địa Tạng.

 

Hỏi: Tôn tạo tượng Phật để hồi hướng cho những người mắc bệnh nguy kịch như ung thư hoặc già yếu có lợi lạc gì cho những người này hay không?

Rinpoche: Rất tốt, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư. Sẽ rất tốt nếu bạn có thể họa vẽ Đức Kim Cang Tát Đỏa hoặc bất cứ vị Phật nào. Làm như vậy sẽ tịnh hóa ác nghiệp của họ nhiều hơn.

 

Hỏi: Khi cầu nguyện cho một người trong quá trình tái sinh thì có những hiệu ứng như thế nào?

Rinpoche: Có những sự việc do trùng hợp ngẫu nhiên, và cũng có những sự việc xảy ra vì một nguyên nhân nào đó. Vài trường hợp do ngẫu nhiên, và một số trường hợp là do tác động của việc cầu nguyện hay hành động của chúng ta. Khi ta cầu nguyện cho người chết, việc cầu nguyện đó tác động đến họ dưới dạng thiện nghiệp hay công đức mà họ có thể tích tập.

 

Hỏi: Làm sao có thể nhận diện đời kế tiếp để tái sinh?

Rinpoche: Trong hầu hết trường hợp bạn không thể nhận diện đời sau để chủ động tái sinh. Nếu bạn có nhiều thiện nghiệp, hoặc bạn đã cầu nguyện rất mãnh liệt với Tam Bảo thì bạn sẽ tái sinh vào một cõi tốt hơn. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị tái sinh vào cõi người thì kiếp tái sinh của bạn phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp của bạn và nghiệp của cha mẹ tương lai. Bạn sẽ tái sinh vào một gia đình có liên kết nghiệp gần hơn với mình. Khi thân trung ấm nhập vào thai mẹ để bắt đầu kiếp sống mới, nó sẽ cảm thấy như mọi thứ đều đổ sụp, hay thấy một màn đen dày đặc. Thân trung ấm rất khôn ngoan, nó có thể nghe và nhìn thấy mọi thứ. Khi nó nhập vào thai mẹ để tái sinh thì nó có cảm giác bị sụp đổ hoàn toàn hoặc cảm giác hoàn toàn bất tỉnh.

 

Hỏi: Tại sao trong trung ấm lại khấn nguyện Phật mà không cầu nguyện Guru?

Rinpoche: Khi tôi nói cầu nguyện với Đức Phật thì điều đó rất dễ dàng đối với tất cả mọi người. Trong Phật giáo Tây Tạng, khi quy y, chúng ta có bốn đối tượng quy y. Trước hết ta quy y Đạo Sư, rồi sau đó quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Thông thường, trong các truyền thống khác, chúng ta chỉ có ba đối tượng quy y. Nói cầu nguyện với Đức Phật thì sẽ dễ dàng hơn cho tất cả mọi người làm theo. Rất đơn giản, tôi vừa nhớ đến một chuyện vui. Khi bạn thấy một người đang hấp hối, dù bạn không biết người đó đã từng học Phật pháp hay chưa, nhưng ít nhất bạn có thể nhắc anh ta cầu nguyện với Đức Phật. Ít nhất thì anh ta cũng có tư tưởng nào đó về Đức Phật. Nếu bạn nói hãy cầu nguyện với Đạo Sư, người đó có thể bối rối và có thể anh ta sẽ hỏi “Đạo Sư của tôi là ai vậy?”

 

Hỏi: Giúp đỡ người chết trong ba ngày đầu bằng cách áp dụng phowa thì làm như thế nào?

Rinpoche: Trước hết bạn cần học hỏi và thực hành thành công pháp chuyển di tâm thức, sau đó mới tiếp tục đặt câu hỏi này.

Có lẽ các bạn đều đói bụng nếu chưa ăn tối. Giờ ăn của tôi cũng sắp đến rồi [Thầy cười]. Bây giờ thì thức ăn quan trọng hơn Phật pháp. Ban đầu khi Đức Phật tu hành khổ hạnh, Ngài phát hiện ra đó là đường lối sai lầm. Tu hành khổ hạnh và hưởng thụ hết mọi dục lạc là hai cực biên, không thể đưa đến giác ngộ. Vì vậy Đức Phật đã dạy trung đạo. Có một chuyện rất buồn cười. Hôm nay, một người giữ chùa ở một ngôi chùa Phật giáo Nepal đến gặp tôi. Thông thường họ có một truyền thống là khi đến chùa cầu nguyện thì phải để bụng đói, thậm chí không được uống nước. Có lúc họ đến chùa cầu nguyện từ sáng đến 11-12 giờ trưa mà không ăn uống gì cả. Anh ta nói với tôi là làm như vậy lâu quá khiến anh bị viêm dạ dày [Thầy cười]. Cha tôi mới nói, “Sao anh không làm theo kiểu Tây Tạng? Ăn cho no trước rồi tụng kinh.” Có lẽ các bạn đã đói, và giờ ăn của tôi cũng gần đến, vì vậy, cảm ơn các bạn rất nhiều [Thầy cười]. Hôm nay tôi có một buổi họp khoảng 2-3 giờ trước, và may mắn là trong buổi họp họ phục vụ vài món ăn nhẹ nên tôi cũng hơi no một chút [Thầy cười], nhờ vậy mà tôi có thể giảng đến bây giờ. Ai đã ăn rồi thì tốt, ai chưa ăn thì chúc các bạn ăn ngon miệng. Các câu hỏi còn lại tôi sẽ trả lời vào Chủ Nhật tuần sau.

Cảm ơn các bạn rất nhiều! Hẹn gặp lại!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @23/11/2015

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.