30-08-2015
Phật Pháp Căn Bản

Khangser Rinpoche giảng Căn Bản Tánh Không cho người mới bắt đầu

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 4, ngày 30 tháng 08 năm 2015

Chủ đề: CĂN BẢN TÁNH KHÔNG

Hôm nay chúng ta nói về căn bản tánh không. Nói chung, có rất nhiều chủ đề về tánh không. Nếu nhìn vào đạo Phật thì các bạn sẽ thấy có rất nhiều bộ kinh nói về tánh không. Có một vị học giả thời xưa nói rằng khi bạn càng nói thì sẽ càng rời xa thực tại, khi đến gần thực tại hơn thì càng khó diễn đạt bằng lời. Càng nói nhiều thì bạn sẽ càng rời xa thực tại, khi bạn tiến gần đến thực tại thì sẽ không còn ngôn từ nào để diễn tả được nữa. Điều này rất đúng. Đức Phật đã nói về tánh không qua hàng trăm bộ kinh. Có lẽ Đức Phật càng giảng nhiều thì người ta lại càng xa rời tánh không. Khi con người bàn luận nhiều hơn về những tư tưởng khác nhau về tánh không thì họ lại càng xa rời tánh không. Đối với một vấn đề đơn giản, đôi khi chúng ta thảo luận, nói tới nói lui thì vấn đề đơn giản đó lại trở nên phức tạp hơn. Nếu như vậy thì chúng ta có thể thắc mắc vì sao Đức Phật đã nói rất nhiều về tánh không và có rất nhiều kinh điển nói về tánh không. Nếu bạn đọc Bát Nhã Tâm Kinh, đó là một bản kinh rất nổi tiếng đã đúc kết ý nghĩa tinh yếu về tánh không chỉ trong vỏn vẹn hai trang giấy. Khi người nghe không hiểu thì Đức Phật không còn cách nào khác ngoài việc phải giảng giải nhiều hơn, đó là cách duy nhất. Khi Ngài giảng ngắn gọn thì người nghe không thể hiểu nên Đức Phật phải triển khai chi tiết hơn, và do đó nhiều bộ kinh đã ra đời. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật giảng rất đơn giản nhưng người ta lại không thể nào hiểu được. Đến đây bạn có thể thắc mắc tại sao lại nói Bát Nhã Tâm Kinh rất đơn giản? Khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh hai đến ba lần nhưng bạn vẫn không hiểu thì tôi nghĩ các bạn sẽ cho rằng bài kinh này không hề đơn giản.

Hôm qua tôi có đi trên một chiếc ôtô với một đứa bé, và cậu bé đã hỏi tôi một câu. Lúc đầu cậu bé nói không có câu hỏi nào hết nhưng tôi đã nói cậu hãy hỏi một câu, và cậu bé đã hỏi tôi. Đó là một cậu bé khoảng năm tuổi rưỡi. Cậu ấy hỏi, “Chừng nào thầy thành Phật?” Tôi hỏi cậu bé làm sao cậu có thể nghĩ đến câu hỏi đó. Cậu bé trả lời cậu đã muốn hỏi tôi câu đó từ lâu nhưng lại quên mất. Những người xung quanh đều bật cười, nhưng với tôi thì câu hỏi đó khó hơn cả Bát Nhã Tâm Kinh. Chừng nào tôi thành Phật, điều đó tùy thuộc vào việc tôi hiểu về trí tuệ bát nhã đến đâu, hiểu Tâm Kinh và hiểu tánh không đến mức nào. Khi bạn đã hiểu tánh không hoàn hảo và tường tận thì Phật quả không còn xa nữa. Nếu không hiểu tường tận về tánh không thì bạn sẽ còn mất nhiều thời gian để đến Phật quả.

Bây giờ nói đến căn bản tánh không, chúng ta phải hiểu vài điểm căn bản về tánh không. Căn bản tánh không (emptiness) chính là duyên khởi (dependent origination), và duyên khởi chính là căn bản tánh không. Căn bản tánh không là duyên khởi, và duyên khởi là căn bản tánh không. Mỗi một đồng xu đều có hai mặt, và tánh không cũng có hai khía cạnh. Một khía cạnh là tánh không, khía cạnh kia là duyên khởi. Duyên khởi giống hệt với thuyết tương đối của nhà bác học Einstein. Tuy nhiên, Einstein khám phá được một mặt của đồng xu–thuyết tương đối, nhưng ông đã không thể tìm ra mặt thứ hai là tánh không. Ông ấy chỉ khai thác một mặt là thuyết tương đối. Đức Phật đã dạy cả hai khía cạnh: một mặt là tánh không, mặt kia là tính chất tương đối. Các bạn gọi “relativity theory” trong tiếng Việt là gì? [Người phiên dịch trả lời “thuyết tương đối”] Thuật ngữ đó cũng được dùng trong trường học phải không? Đó không phải là thuật ngữ Phật pháp mà là thuật ngữ khoa học, phải không?

Khi Einstein nói về thuyết tương đối, đó là một mặt của tánh không. Ông ấy chỉ nhìn vào một mặt là tính chất tương đối. Tuy nhiên, khi Đức Phật nói về tánh không, Ngài đã kết hợp cả hai mặt: một bên là tánh không, một bên là tính chất tương đối. Do đó, khi các bạn hỏi về căn bản tánh không, một điểm căn bản của tánh không là tính chất tương đối. Thông qua tính tương đối, chúng ta cố gắng chứng minh rằng mọi sự hiện hữu trong thực tại đều có bản chất là tánh không.

Khi tôi còn nhỏ, tôi thường thắc mắc tánh không là gì. Một trong những vị thầy lớn tuổi đã nói rằng tánh không cũng như bầu trời, không có gì cả. Câu trả lời đó đã không thật sự thuyết phục tôi. Lúc đó tôi còn rất nhỏ nên chưa được học triết học, vì vậy dù tôi chưa được thuyết phục nhưng tôi vẫn không bác bỏ học thuyết đó.

Trong đạo Phật, tánh không là bản chất rốt ráo của mọi sự vật hiện tượng. Tánh không chính là bản tánh rốt ráo của mọi sự hiện hữu. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng liễu ngộ tánh không chính là con đường rốt ráo đưa đến giải thoát. Trong quyển sách có tựa đề Tiến Hóa (Evolution) của Einstein, ông ấy nói rằng đạo Phật chính là con đường giải thoát. Đức Phật cũng đã dạy rằng thực chứng tánh không là con đường đưa đến giải thoát. Tuy nhiên, khái niệm “giải thoát” của Einstein và khái niệm “giải thoát” trong đạo Phật có đôi chút khác biệt. Có rất nhiều cách khác nhau để tiếp cận chủ đề tánh không. Nếu các bạn nhìn theo quan điểm khoa học thì sẽ thấy khoa học hiện đại vẫn chưa thể tiếp cận hoàn toàn học thuyết tánh không. Có lẽ các nhà khoa học đã nghiên cứu được một nửa học thuyết tánh không, nhưng vẫn chưa thể nào lý giải toàn bộ vấn đề. Nếu bạn nhìn theo quan điểm Phật giáo, theo cái nhìn rốt ráo về bản chất thực tại, việc thực chứng được tánh không không những đưa chúng ta đến giải thoát mà còn giúp ta tận diệt mọi ác niệm. Thực chứng tánh không là con đường duy nhất để chúng ta diệt trừ mọi cảm xúc tiêu cực, mọi ác niệm và phiền não.

Tôi còn nhớ một lần tôi nói chuyện ở một trường đại học về tánh không, thuyết tương đối của Einstein và quan điểm của đạo Phật về thuyết tương đối. Vài sinh viên không chấp nhận và họ đã đưa ra nhiều câu hỏi tranh luận. Họ nói rằng họ không thể chấp nhận. Tuy nhiên, tôi thích những sinh viên như vậy, họ có đầu óc rất nhạy bén. Đặc biệt khi nói đến phương trình E=mc2 của Einstein, họ muốn biết thật chính xác về cách đạo Phật giải thích phương trình này. Thật sự thì một vài sinh viên rất nhạy bén khi tranh luận. Nếu các bạn nói về phương trình E=mc2 thì trong tiếng Tây Tạng chúng tôi không có thuật ngữ cho phép toán “bình phương.” Do đó, người Tây Tạng phải mượn từ tiếng Anh cho các thuật ngữ này. Người Tây Tạng nào không biết tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác thì họ không thể thảo luận bất cứ gì về chủ đề này. Họ không thể diễn tả phép toán bình phương vì trong tiếng Tây Tạng không có thuật ngữ khoa học.

Khi nói về tánh không và tính tương đối, Einstein đã tiếp cận theo hướng rất hiện đại, đó là khía cạnh tương đối, nhưng ông ấy đã không thể khám phá ra khía cạnh tánh không. Đặc biệt, trong thuyết tương đối Einstein đã nói về thời gian. Từ việc nghiên cứu thời gian mà Einstein đã đi đến thuyết tương đối. Tuy nhiên, trong đạo Phật, khi nói về tính chất tương đối thì chúng ta đề cập đến tính tương đối của mọi sự hiện hữu [chứ không chỉ là tính tương đối của thời gian]. Căn cứ trên nền tảng là tính chất tương đối và duyên sinh của mọi sự vật hiện tượng, chúng ta cố gắng chứng minh bản chất của chúng là tánh không. Einstein cố gắng minh chứng thời gian mang tính tương đối, ông ấy định nghĩa quá khứ, hiện tại, và tương lai theo thuyết tương đối; nhưng Einstein biết rằng ông không chứng minh bản chất rốt ráo của mọi sự vật hiện tượng. Không chỉ có Einstein mà nhà vật lý học Stephen Hawking cũng đề cập đến vấn đề này qua quyển Lược Sử Thời Gian (A Brief History of Time). Ở thời điểm hiện tại, Stephen Hawking được xem là nhà vật lý học lỗi lạc và sở hữu bộ óc vĩ đại bậc nhất nhân loại.

Khi cần đo đạc và định nghĩa thời gian, người ta lại liên tưởng đến thuyết tương đối, bởi nếu không đặt thời gian vào một hệ quy chiếu nào đó thì họ không thể xác định được đâu là quá khứ và đâu là tương lai. Vì vậy mà họ cần đến thuyết tương đối. Tuy nhiên, khi Đức Phật nói về sự tương đối, Ngài không có ý muốn định nghĩa thời gian, mà Đức Phật muốn định nghĩa mọi sự hiện hữu, dựa trên nền tảng là tính chất tương đối. Tôi không chắc các bạn hiểu vấn đề tôi đang nói. Nếu bạn hiểu thì rất tốt, nếu các bạn không hiểu cũng rất tốt. Nếu hiểu thì các bạn biết tôi nói gì. Nếu các bạn không hiểu thì có thể xem đây là một bản Tâm Kinh mới [Thầy cười], và như vậy các bạn có thêm một phiên bản Tâm Kinh khác nữa. Ở đây, điều duy nhất tôi muốn chỉ rõ và chia sẻ là học thuyết của đạo Phật sâu sắc đến mức nào. Có những chỗ học thuyết trong đạo Phật phân tích rất sâu sắc, do đó tôi muốn đưa ra vài luận điểm cho thấy điều đó.

Bây giờ, khi Đức Phật giảng về tánh không, tánh không có nghĩa chính xác là gì? Đây lại là một câu hỏi khác. Để hiểu tánh không, chúng ta cần tự hỏi: “Tôi là ai?” Đôi lúc, khi cố gắng truy tìm bản ngã, bạn sẽ không tìm ra bản ngã của mình. Khi không thể tìm ra bản ngã, bạn không chịu phân tích sâu hơn nữa và không bao giờ tự hỏi bản thân “Tại sao tôi không thể tìm thấy bản ngã?” Bạn hãy cố gắng truy tìm cái “tôi”, “tôi” là ai, cái “tôi” hiện ở đâu, cái “tôi” ở trong đầu hay ở trong dạ dày…? Nếu bạn cố tìm cái “tôi” nhiều lần như vậy, bạn sẽ không thể tìm ra nó. Vì sao bạn không thể tìm được cái “tôi”? Đó lại là một câu hỏi khác. Bạn cứ truy tìm nhiều lần và không thể tìm thấy cái “tôi” vì bản chất của cái “tôi” là rỗng không (the nature of “I” is empty).

Chúng ta đang nói đến việc truy tìm cái “tôi” phải không? Đôi lúc, khi tôi giảng về tánh không, khi nói về việc truy tìm cái “tôi” thì tôi cũng tư duy tìm kiếm cái “tôi” sâu sắc đến mức tôi thật sự cảm thấy đánh mất bản thân mình [Thầy cười]. Bây giờ đến gian đoạn thứ hai, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn đánh mất cái “tôi”? Chúng ta phát khởi rất nhiều ác niệm và phiền não vì tư tưởng chỉ nghĩ cho bản thân quá mãnh liệt. Bây giờ khi bạn đánh mất cái “tôi”, khi đánh mất tư tưởng chỉ nghĩ cho bản thân, hoặc đánh mất tâm ái ngã thì mọi phiền não và ác niệm cũng theo đó thuyên giảm và tan biến. Nói chung, chúng ta cần biết rằng việc suy nghĩ quá nhiều đến bản ngã sẽ kéo theo rất nhiều tư tưởng tiêu cực. Khi bạn chứng ngộ được bản chất của “tôi” chính là tánh không thì dần dần mọi thái độ ái ngã, chấp ngã sẽ thuyên giảm, tan biến hoặc được tận diệt. Thực chứng tánh không sẽ tận diệt tâm chấp ngã và mọi phiền não.

Hôm qua tôi có một buổi nói chuyện với đại chúng. Ở đó có một số người khiếm thính và không thể nghe giảng. Khi tôi dành thời gian cho phần hỏi đáp, có một phụ nữ khiếm thính khá lớn tuổi, tôi nghĩ bà ấy khoảng 50 tuổi, đã hỏi tôi một câu. Bà ấy dùng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay và có người phiên dịch câu hỏi của bà thành lời. Bà ấy không thể nói và nghe nên dùng tay diễn tả câu hỏi và có người phiên dịch lại. Bà ấy hỏi: “Tôi được sinh ra và đã phải chịu khổ rất nhiều. Trước tiên là tôi không thể nói và không thể nghe. Rồi tôi sinh con và cũng đã đau khổ rất nhiều khi chăm sóc con cái. Vậy thì tại sao tôi lại được sinh ra? Tại sao? Nếu không được sinh ra thì tôi đã không phải chịu khổ như thế này. Tại sao tôi lại phải ra đời?”

Đôi lúc, vì sao chúng ta được sinh ra đời và vì sao ta phải chết là những điều vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Có một câu chuyện rất thú vị về Ngài A-nan (Ananda). Ngài A-nan vẫn còn tại thế một thời gian sau khi Đức Phật đã nhập diệt. Vào những ngày cuối đời, Ngài A-nan đã trở về quê hương. Ngài đã về quê bằng thuyền, và hai bờ sông thuộc về hai vương quốc khác nhau. Cả hai quốc vương đều đến bờ sông để đón Ngài A-nan. Hai vị quốc vương đều đợi Ngài, nên Ngài phải chọn một trong hai hướng. Khi đó, Ngài A-nan đã không yêu cầu người lái thuyền chuyển hướng về một bên nào cả, mà Ngài chỉ nói người lái thuyền dừng lại giữa sông. Lúc đó Ngài A-nan đã nói một bài kệ bốn câu:

Tôi phụng sự Thế Tôn,

Tôi thỏa mãn mọi ước nguyện của Người.

Giờ đây tôi đã thoát khỏi gánh nặng của cuộc đời.

Tôi sẽ không sinh trở lại nữa.

Vào thời điểm đó, một vương quốc bên sông là nước Tỳ-xá-ly, vương quốc bên bờ kia là nước Ma-kiệt-đà. Sau khi Ngài A-nan qua đời, hai vương quốc chia đều xá lợi của Ngài. Họ xây hai bảo tháp cất giữ xá lợi của Ngài A-nan, vì thế xá lợi của Ngài A-nan chỉ đến từ hai bảo tháp này. Sau lễ trà tỳ nhục thân của Ngài A-nan, hai vương quốc đã chia đều xá lợi của ngài. Xá lợi của Đức Phật được giữ trong bốn bảo tháp vì xá lợi của Phật đã được chia đều cho bốn nước lớn lúc bấy giờ. Xá lợi của Phật chỉ đến từ bốn bảo tháp này.

Ngài A-nan đã nói Ngài sẽ không tái sinh trở lại trong câu cuối cùng. Tuy nhiên, chúng ta không thể kiểm soát được sinh và tử, chúng ta không thể nói mình sẽ không sinh trở lại, và ta không thể nói mình sẽ không chết. Ngài A-nan thì có thể nói như vậy. Chúng ta phải tái sinh nhiều lần vì nghiệp, và hiện tại chúng ta không thể diệt hết nghiệp. Vì sao ta không thể diệt hết nghiệp? Vì tâm ta còn phiền não. Vì sao tâm ta còn phiền não? Vì ta chưa thể thực chứng bản chất rốt ráo của tánh không. Một khi đã hiểu được bản chất rốt ráo của tánh không thì bạn có thể tận diệt mọi phiền não trong tâm. Khi đã tận diệt mọi phiền não thì bạn có thể diệt hết nghiệp. Khi đã diệt hết nghiệp thì bạn sẽ không tái sinh trở lại nữa. Tuy nhiên, tôi đã không thể giải thích như vậy cho người phụ nữ đó, vì bà ấy không nghe được, không nói được và lại không hiểu nhiều về Phật pháp. Do đó, mục đích của việc chứng ngộ tánh không chính là để tận diệt tất cả nghiệp và phiền não.

Bây giờ chúng ta sang một điểm khác về căn bản tánh không. Như tôi đã nói, khi bạn quán sát bất cứ sự vật hiện tượng nào, hoặc bất cứ sự hiện hữu nào, nếu bạn cố gắng truy tìm bản chất của chúng nhiều lần thì cuối cùng bạn sẽ không tìm được gì cả. Nếu các bạn nhìn vào chữ “sắc” trong Bát Nhã Tâm Kinh thì thấy “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Tôi vừa nhớ ra một điều. Tôi nghĩ câu này trong tiếng Việt rất giống với tiếng Hoa. Nhưng tôi nghĩ câu này trong tiếng Việt được phiên dịch tốt hơn, vì các bản kinh tiếng Hoa thường bị phiên dịch dư chữ. Khi học Bát Nhã Tâm Kinh, các bạn nên tìm hiểu bản kinh bằng tiếng Phạn, là ngôn ngữ chính thống Đức Phật đã dùng. Tiếng Phạn là một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, vì vậy ngày nay tiếng Ấn Độ hiện đại và tiếng Phạn khá tương đồng. Đức Phật đã dạy “sắc tức là không.” Nếu các bạn phân tích một yếu tố “sắc” nào đó, chẳng hạn như một cái bàn, bạn hãy truy tìm bản thể của cái bàn. Nếu bạn chia cái bàn thành hai phần, rồi chia hai phần đó thành hai phần nhỏ hơn, và tiếp tục chia mỗi phần nhỏ đó thành hai phần nhỏ hơn…, cuối cùng bạn sẽ tìm được những thành phần rất vi tế là nguyên tử. Nếu bạn chia nhỏ các hạt nguyên tử thì sẽ được các hạt hạ nguyên tử. Nếu bạn tiếp tục chia nhỏ, chia nhỏ, chia nhỏ, và chia nhỏ liên tiếp thì bạn vẫn không tìm thấy điều gì cả. Cuối cùng bạn không tìm được cái gì cả. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy nếu truy tìm bản thể của mọi sự vật hiện tượng, nếu truy tìm bản thể của mọi hiện hữu thì cuối cùng bạn sẽ không tìm được gì cả, mà chỉ tìm được sự rỗng không. Đó là điểm cơ bản mà các bạn phải hiểu. Tôi sẽ nói thêm một chút nữa rồi chúng ta sang phần hỏi đáp.

Khi Đức Phật vừa giác ngộ, Ngài đã nói rằng Ngài vừa thành tựu một trí tuệ rất sâu sắc mà sẽ không một ai có thể hiểu được, và do đó Ngài sẽ giữ im lặng. Vì vậy mà Đức Phật đã giữ im lặng trong 49 ngày sau khi giác ngộ. Bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật giảng cho hàng đệ tử là Tứ Thánh Đế. Sau đó, khoảng một năm sau khi giác ngộ, Đức Phật đã giảng về tánh không. Có một sự việc rất ấn tượng đã xảy ra. Những người đệ tử đã nghe Đức Phật giảng suốt một năm, khi bắt đầu nghe Phật giảng về tánh không họ lại không thể hiểu tánh không. Tuy nhiên, có những đệ tử chưa từng nghe bất cứ điều gì về tánh không lại có thể chứng ngộ tánh không ngay khi Đức Phật giảng câu đầu tiên. Điều đó cho thấy khả năng hiểu được tánh không phụ thuộc rất nhiều vào công đức và thiện nghiệp của người học. Những người có đủ thiện nghiệp và công đức sẽ hiểu tánh không rất nhanh. Có những người đã nghe Phật giảng suốt một năm nhưng vẫn không thể chứng ngộ tánh không. Chính vì vậy, thấu hiểu tánh không không đơn thuần là vấn đề thực hành mà còn phụ thuộc rất nhiều vào công đức mạnh mẽ. Nếu bạn có công đức mãnh liệt thì bạn vẫn sẽ chứng ngộ dù chỉ mới nghe một vài từ liên quan đến tánh không.

Tôi đã nói sơ lược về căn bản tánh không. Hôm nay tôi dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp.

HỎI - ĐÁP

Hỏi: Trước đây con đã tu tập Chuẩn Đề vài năm. Bây giờ con được thầy dẫn dắt học Pháp, vậy con có thể vừa tu tập Chuẩn Đề, vừa tu tập theo sự hướng dẫn của thầy được không? Cụ thể, buổi sáng con hành lễ theo thầy, buổi tối con tụng kinh Chuẩn Đề. Có người bảo làm như vậy sẽ bị rối loạn luồng khí, tẩu hỏa nhập ma và khó cứu được; vì vậy tâm con không an. Xin thầy hướng dẫn.

Rinpoche: Nếu bạn thực hành cả hai cách thì cũng không sao cả. Cả hai cách thực hành đó đều là Phật pháp, mà Phật pháp cũng giống như dược liệu vậy. Việc trộn lẫn hai pháp thực hành Phật giáo khác nhau cũng không khiến chúng trở nên độc hại. Nếu bạn trộn một cốc cam lồ với một cốc cam lồ khác thì hỗn hợp đó vẫn là cam lồ, chứ nó không trở thành chất độc. Do đó, nếu bạn thực hành hai pháp môn đều là Phật pháp thì cũng giống như kết hợp một loại Phật pháp với một loại Phật pháp khác, và chúng sẽ không trở nên độc hại. Thậm chí nếu bạn thực hành Thiên Chúa giáo vào buổi sáng, hoặc Ấn Độ giáo, Phật giáo…, trộn lẫn nhiều truyền thống tôn giáo với nhau, thì tôi cũng không nghĩ là chúng sẽ gây hại cho cơ thể các bạn.

Tôi nghĩ lần trước tôi có kể chuyện tôi đã gặp một phụ nữ Mexico, cô ấy là một tín đồ Công giáo thuần túy. Năm ngoái tôi có dạy về căn bản tánh không. Sau một năm, khi gặp lại cô ấy tôi đã rất ngạc nhiên vì cô đã thực hành rất chăm chỉ. Tôi có thể thấy được sự tiến bộ trong quá trình thực hành của cô. Cô ấy là một người Công giáo thuần túy. Cô không quy y Tam Bảo nhưng lại thật sự thích thú đề tài tánh không mà tôi đã giảng. Chính vì vậy mà cô đã thực hành theo và đã tiến bộ rất nhiều. Các bạn có thể thấy cô ấy đã tiến bộ đến thế nào. Thậm chí có những người xem mình là Phật tử nhưng tôi chắc rằng họ vẫn chưa đạt đến trình độ của cô ấy. Chỉ trong một năm, cô ấy đã có tiến bộ rất lớn trong việc hiểu tánh không thông qua thực hành, dù cô không hề quy y Phật, Pháp, Tăng. Cô ấy là một người Công giáo thuần túy, tôi mới gặp cô năm ngoái trong một hoặc hai thời pháp mà cô tham dự. Tôi đã rất ngạc nhiên về cách làm của cô ấy. Tôi yêu cầu cô truy tìm bản ngã và tự hỏi “Tôi là ai?” Cô ấy nói là cô đã ghi đầy vào giấy câu hỏi “Tôi là ai?” [Thầy cười] Tôi chắc rằng buổi sáng cô ấy thực hành Thiên Chúa giáo, và có lẽ vào buổi tối cô thực hành tánh không [Thầy cười]. Điều đặc biệt là tôi thấy được sự tiến bộ của cô ấy trong việc hiểu và trải nghiệm tánh không. Tuy nhiên, các bạn đừng hiểu lầm ý tôi. Tôi không nói là bạn phải thực hành tánh không theo cách của cô ấy. Nếu bạn thực hành Phật pháp, chỉ thực hành Phật pháp thuần khiết, thì sẽ tiến bộ vượt bậc hơn nữa. Vì thế, bạn không phải lo lắng gì cả, sẽ không có tổn hại gì cho cơ thể.

 

Hỏi: Trước khi học Pháp của thầy, con hành trì công phu khuya chú Lăng Nghiêm, phần Ngũ Đệ và Tâm Chú. Bây giờ con thực hành theo Pháp thầy chỉ, vậy có nên thực hành công phu chú Lăng Nghiêm nữa hay không?

[Câu hỏi này tương tự câu hỏi trước đó nên Rinpoche bỏ qua.]

 

Hỏi: Con vô ý làm rớt linh phù có kinh của Ngài Liên Hoa Sinh xuống đường cống, xin Rinpoche chỉ cách sám hối lỗi lầm của con.

Rinpoche: Nếu bạn vô tình làm rơi linh phù thì pháp thực hành duy nhất bạn cần làm là nhặt nó lên. Bạn không phải lo lắng về việc vô tình làm rơi linh phù. Không sao cả, chỉ cần nhặt nó lên thôi!

 

Hỏi: Khi cúng dường nước, vào buổi chiều nên lấy nước cúng xuống vào lúc mấy giờ?

Rinpoche: Trước khi mặt trời lặn. Nếu bạn không có thời gian thì lấy nước xuống sau khi mặt trời lặn cũng không sao. Nếu có thời gian thì bạn nên lấy nước xuống trước khi mặt trời lặn.

 

Hỏi: A-xà-thế đã chứng được tánh không thì sao ông ấy lại giết vua cha để đoạt ngôi báu?

Rinpoche: A-xà-thế giết vua cha trước khi chứng ngộ tánh không. Ông ấy ngộ tánh không sau khi giết cha mình. Một điều may mắn là A-xà-thế đã gặp được Đức Phật. Điều tốt thứ hai là A-xà-thế có đủ thiện nghiệp để chứng ngộ tánh không. Điều tốt thứ ba là sau khi giết cha, A-xà-thế đã vô cùng ăn năn hối lỗi về tội ác của mình. Nhờ ba điều kiện này mà ông ấy có thể chứng ngộ tánh không sau khi đã giết cha mình.

 

Hỏi: Kính xin Rinpoche truyền khẩu cho chúng con câu chú để tụng khi cúng dường thực phẩm lên chư Phật trước khi ăn?

Rinpoche:  Không có câu chú nào cả, các bạn chỉ cần cúng dường thôi. Đây không phải việc của tôi, mà là việc của người phiên dịch [Thầy cười]. Ở Tây Tạng có một bài kệ bốn câu dùng để đọc khi cúng dường thực phẩm lên Tam Bảo trước khi ăn. Người phiên dịch sẽ dịch phần đó.

 

Hỏi: Xin ngài giảng về một trăm bổn tôn phẫn nộ và hiền hòa trong cõi trung ấm. Xin ngài truyền khẩu nếu có câu chú.

Rinpoche: Không có câu chú của tất cả một trăm bổn tôn mà các bạn có thể gặp trong trung ấm. Ở cõi trung ấm, thần chú không thể tạo ra khác biệt lớn, mà chỉ có quy y mới có thể tạo nên thay đổi lớn. Trong trung ấm, nếu các bạn khởi tâm quy y mãnh liệt với Phật, Pháp, Tăng thì điều đó ngàn lần tốt hơn việc trì tụng bất cứ thần chú nào.

 

Hỏi: Với người đã mất 8 tháng thì có cần tiếp tục cúng thực phẩm hàng ngày hay không?

Rinpoche: Điều đó không cần thiết. Nếu bạn có thể cúng thực phẩm thì tốt, nhưng không cần thiết.

 

Hỏi: Duyên khởi là gì?

Rinpoche: Duyên khởi có nghĩa là tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố khác. Bởi tất cả mọi thứ đều có mối liên hệ đến các yếu tố khác, chính vì vậy tất cả mọi thứ đều do duyên khởi, hoặc duyên sinh.

 

Hỏi: Ở nhà con có bức tranh với câu chú “Giải Thoát Qua Sự Thấy.” Con muốn treo lên cửa ra vào ở lầu 1, nhưng ngay trên cửa lầu 1 là cửa lầu 2 phía trên. Nếu con ra vào cửa ở lầu 2 thì con bước lên bức tranh với câu chú. Con phải làm như thế nào?

Rinpoche: Treo như vậy cũng không sao hết, vì bạn không trực tiếp giẫm lên câu chú. Giữa lối đi và câu chú vẫn còn sàn nhà nên không sao cả.

 

Hỏi: Tánh không là không có gì hết, vậy tại sao duyên khởi là tánh không?

Rinpoche: Câu hỏi rất sắc bén. Để giải thích vấn đề này, trước hết bạn phải nhìn vào hai điểm. Khi đạo Phật nói về tánh không, tánh không không có nghĩa là hoàn toàn không hiện hữu. Tánh không có nghĩa là sự vật hiện tượng vẫn tồn tại, nhưng chúng không tồn tại theo cách chúng ta nhìn nhận. Chúng không tồn tại theo cách chúng ta thấy hoặc theo cách chúng ta nghe. Sự tồn tại của mỗi sự vật hiện tượng phụ thuộc vào các sự vật hiện tượng khác.

Hỏi: Xin ngài giải thích, vừa rồi chúng con có cúng lễ Vu Lan, tổ tiên của chúng con có còn ở đâu đó để nhận lễ của chúng con không? Chúng con có nên đốt tiền vàng mã không?

Rinpoche: Ở Đài Loan họ hỏi tôi người Tây Tạng có tháng cô hồn hay không, tôi nói người Tây Tạng không có tháng cô hồn mà chỉ có tháng của chư Phật [Thầy cười]. Tại sao các bạn lại đốt tiền vàng mã? Hãy đốt thẻ ATM, như vậy thì sẽ hiệu quả hơn [Thầy cười]. Dùng thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng sẽ hữu hiệu hơn! Thẻ tín dụng cũng có nhiều loại như thẻ bạc, thẻ vàng, thẻ bạch kim, do đó nếu các bạn đốt chúng thì sẽ hữu hiệu hơn là đốt tiền giả. Khi các bạn thấy tôi đốt giấy tiền vàng bạc thì bạn hãy hỏi tôi việc làm đó có lợi ích gì hay không. Nếu lúc nào các bạn thấy tôi đốt tiền giả thì hãy hỏi tôi như vậy, hãy hỏi tôi “Đốt tiền giả có lợi ích gì hay không? Tổ tiên có nhận được tiền đó hay không?” Vậy, chừng nào các bạn thấy tôi đốt tiền giả thì hãy hỏi tôi câu hỏi này.

 

Hỏi: Con đọc một số kinh mật giáo thấy sự hiển linh chứng nghiệm có vẻ rất dễ dàng. Ví dụ như nói chỉ cần tụng mười vạn biến là đạt kết quả rồi, thậm chí Đức Phật sẽ hiện thân trò chuyện. Con không nghi lời Phật dạy nhưng con không nghĩ dễ dàng như vậy, chỉ cần mười vạn biến. Đó là lời trong kinh, mà Phật lại không nói sai. Con thấy rất mâu thuẫn. Xin ngài giải thích và chỉ dạy.

Rinpoche: Bạn phải biết một điều. Việc trì tụng thần chú mười vạn biến có giúp thấy linh ảnh hay không cũng là một nghi vấn. Bạn nói rằng đọc kinh điển thấy ghi như vậy, nhưng tôi không biết bạn đang nói đến kinh điển nào. Điều mà tôi có thể nói ở đây là chuyện đó sẽ không xảy ra, tụng mười vạn biến thần chú cũng không thể giúp thấy linh ảnh. Hoặc bạn có thể thử! Hãy thử trì tụng mười vạn lần xem có thấy bổn tôn hay không. Để thấy bổn tôn và trò chuyện với bổn tôn thì các bạn cần phải tịnh hóa tất cả ác nghiệp, ác niệm và tịnh hóa mọi vọng tưởng trong tâm. Việc tịnh hóa đó chỉ có thể được tiến hành thông qua thiền quán chứ không phải bằng việc trì tụng thần chú. Việc thấy được linh ảnh bổn tôn có ba trường hợp: (1) thấy được linh ảnh chân thật của bổn tôn và trò chuyện với ngài, (2) thấy linh ảnh do chướng ngại, và (3) thấy linh ảnh do sự mất cân bằng giữa các yếu tố trong cơ thể hay mất cân bằng năng lượng trong cơ thể. Do đó, khi thấy linh ảnh thì các bạn cần phải biết chắc chắn mình thuộc trường hợp nào trong ba tình huống này.

 

Hỏi: Thưa Rinpoche, khi chưa biết đến Phật pháp con có bỏ thai nhi, nhưng sau khi biết Phật pháp thì con biết rằng đây là tội rất nặng. Xin hỏi Rinpoche làm thế nào để sám hối lỗi lầm này?

Rinpoche: Tôi nghĩ vấn đề này rất thường gặp ở Việt Nam. Trước hết, khi đã lỡ phá thai, tôi nghĩ tốt nhất là bạn thực hành sám hối Kim Cang Tát Đỏa, hoặc bạn cũng có thể sám hối bằng cách tụng kinh điển của Đức Phật hay tụng chú A Di Đà. Điều thứ hai mà tôi nghĩ quan trọng hơn đó là áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, như vậy thì bạn không phá thai nữa.

 

Hỏi: Trạng thái cơ thể bị linh hồn khác nhập vào là như thế nào?

Rinpoche: Tại mỗi thời điểm trong cơ thể chỉ có một thần thức. Khi có một thần thức khác xâm nhập vào cơ thể thì thần thức của chính chúng ta không còn được kích hoạt và chủ động nữa. Đó là cách giải thích. Khi có một thần thức khác đi vào cơ thể thì thần thức thật sự của chúng ta không còn được kích hoạt nữa. Khi thần thức lạ kia rời cơ thể thì thần thức của chúng ta được kích hoạt trở lại.

 

Hỏi: Con hiểu là mỗi người đều có nghiệp của mình, vậy người Việt Nam hay nói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” có đúng không? Con cái không phải chịu tránh nhiệm về những ác nghiệp mà cha mẹ đã phạm phải, đúng không ạ? Xin ngài giải thích huyết thống, gen, DNA trên cơ sở tánh không.

Rinpoche: Dù người cha có phạm phải ác nghiệp gì đi nữa thì con cái cũng không phải gánh chịu hậu quả của những ác nghiệp đó. Chính người cha phải gánh chịu hậu quả từ ác nghiệp do mình gây ra. DNA và gen không có liên hệ gì đặc biệt đến tánh không.

 

Hỏi: Xin ngài giải thích thêm câu này giúp con với ạ: Khi Đức Phật nói về tánh không, Ngài chỉ ra bản chất của sự vật hiện tượng chứ Đức Phật không nói về khái niệm thời gian khi đề cập đến sự tương đối.

Rinpoche: Có một điều thú vị là sau khi Đức Phật nhập diệt, trường phái Na-lan-đà (Nalanda) bắt đầu được khởi xướng. Trường phái Na-lan-đà chia thành nhiều tông phái khác nhau, và bốn trường phái tư tưởng chính trong Phật giáo khởi nguồn từ Na-lan-đà. Trong bốn tông phái này, phái Trung quán Ứng thành giải thích sự luân chuyển của thời gian khá tương đồng với những gì Einstein đã đề cập trong thuyết tương đối.

 

Hỏi: Khi cầu siêu cho một người thì làm sao để biết người đó đã được siêu thoát?

Rinpoche: Vấn đề này có quan trọng không? Nếu bạn thấy việc này rất quan trọng thì nhất thiết bạn phải đắc Phật quả. Thậm chí vị đại đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên, người đã chứng quả a-la-hán, cũng không thể biết mẹ của Ngài sinh vào cõi nào sau khi bà qua đời. Nếu bạn thấy vấn đề này rất quan trọng thì bạn cần phải đắc Phật quả, khi đó thì bạn sẽ biết rõ. Ngay cả một vị a-la-hán như Ngài Mục Kiền Liên mà vẫn không thể biết mẹ của Ngài tái sinh vào cõi nào sau khi bà qua đời.

 

Hỏi: Khi đeo trang sức có các biểu tượng của chư Phật đã được gia trì, lúc đi tắm, đi ngủ và lúc đi vệ sinh có cần tháo ra hay không?

Rinpoche: Nếu bạn có thể tháo ra được thì cũng tốt.

 

Hỏi: Khi con thực hành thiền quán chữ OM trước mặt và chiếu ánh sáng vào cơ thể mình thì con chỉ cảm nhận dòng khí ở chính giữa và nửa bên phải cơ thể mình mà không cảm thấy ở bên trái. Con muốn hỏi như vậy có vấn đề gì không?

Rinpoche: Thật sự thì khí không di chuyển nhưng bạn có thể cảm nhận có khí đang di chuyển. Khí hoàn toàn không lưu chuyển. Nếu bạn cảm nhận như vậy thì cũng không có vấn đề gì, hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Thực tế thì khí không lưu chuyển nhưng bạn cảm nhận nó lưu chuyển.

 

Hỏi: Con có thể để nước cúng đến sáng hôm sau mới thay được không ạ?

Rinpoche: Nếu bạn rất bận thì có thể làm như vậy. Nếu bạn không bận rộn lắm thì tốt nhất nên thay nước cúng mỗi ngày.

 

Hỏi: Xin hỏi thầy làm thế nào để thực hành tánh không?

Rinpoche: Tôi sẽ trả lời sau. Phần này sẽ đến ở  các chương sau của quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Hỏi: Xin hỏi Rinpoche khi con tụng kinh trước bàn thờ Phật thì cửu huyền tổ tiên của con có nghe được và có được lợi lạc hay không?

Rinpoche: Điều này phụ thuộc vào cách bạn tụng kinh, động cơ của việc tụng kinh, và phụ thuộc vào việc tổ tiên của bạn tái sinh vào cõi nào sau khi họ qua đời.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Cảm ơn các bạn rất nhiều!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @10/09/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.