28-01-2014
2014

Bát Nhã Tâm Kinh - Khangser Rinpoche chú giải.

Phần ba, TP.HCM ngày 28/01/2014

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­Phần ba (giảng tại TP.HCM)

Như Thị Thất, ngày 28/01/2014

 

“Sắc là không, không tức là sắc. Không chẳng khác hơn sắc và sắc cũng chẳng khác hơn không. Tương tự, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả cũng là không.”

Một lần nữa, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của “không.” Ở đây, chúng ta đang nói về ngũ uẩn. Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bản tánh của chúng đều là không. “Bản tính là không” có nghĩa là gì? Hãy xem xét một cảm thọ, thí dụ như nỗi buồn. Khi quý vị xem xét nỗi buồn, chúng ta có thể cảm nhận nó. Khi cảm thấy buồn, quý vị nên cố gắng truy tìm và phân tích thật kỹ lưỡng xem nỗi buồn ấy hiện hữu ở bộ phận nào của cơ thể mình. Trong quá trình tìm kiếm nỗi buồn, quý vị sẽ không cảm thấy buồn nữa. Lý do là khi quý vị cố gắng truy tìm nơi nỗi buồn hiện hữu, nỗi buồn sẽ tan biến và quý vị rơi vào một cảm thọ khác. Chính vì vậy, khi quý vị phiền muộn, tự thân nỗi buồn đó không tồn tại. Nếu tự thân nỗi buồn có tồn tại, vì sao chúng ta không thể tìm ra nó? Khi quý vị đau khổ hay sung sướng, nếu nhìn vào cách thức niềm vui hay nỗi buồn đó hiện hữu, quý vị có thể cảm nhận chúng ở bộ phận nào của cơ thể không?

Điều kỳ lạ là khi hạnh phúc, quý vị không nghĩ niềm vui đó nằm ở trong đầu mình. Khi buồn thì quý vị cũng không nghĩ nỗi buồn đó nằm ở trong đầu mình. Quý vị nhận tín hiệu cảm xúc từ não bộ, nhưng khi cố truy tìm tận sâu thẳm bên trong, quý vị chẳng tìm được gì cả. Điều thú vị là trong quá trình truy tìm nỗi buồn, quý vị sẽ không còn cảm thấy phiền muộn nữa. Quý vị có thể thử! Trong quá trình truy tìm nỗi buồn, nó sẽ tan biến. Lý do là bởi bản tánh của nó là không. Điều này rất đơn giản, có phải không? Điều quan trọng nhất là bất cứ khi nào cảm thấy phiền muộn, quý vị nên cố gắng nhìn lại xem nỗi buồn đó hiện hữu nơi đâu. Trong quá trình tìm kiếm, quý vị sẽ nhận ra rằng nỗi buồn đó thật sự trống rỗng, tự thân nó không tồn tại.

Tương tự, thọ, tưởng, hành, và thức cũng đều là không. Ở đây, quý vị cần hiểu rõ một điều. Khi nói đến thức trên quan điểm Phật giáo, ý nghĩa của nó sâu sắc hơn cách tiếp cận thông thường của khoa học đương đại. Khi nói đến thức trong Phật giáo, đó không phải là danh xưng của bản ngã hay não bộ. Thức có liên hệ rất mật thiết với não bộ, nhưng thức này có thể chi phối và tác động lên não bộ. Khoảng hai năm trước, trên đài BBC có một thí nghiệm về hiệu ứng của việc hành thiền. Họ hành thiền trong ba tháng và theo dõi tác động của thiền lên não bộ bằng cách đo điện não. Do đó, thức hoặc tâm có thể tác động lên não bộ. Chính vì vậy, trên quan điểm Phật giáo, thức không phải là một phần của não bộ nhưng nó có thể tác động lên não bộ. Ý nghĩa của thức sâu sắc hơn những gì chúng ta thường hiểu về nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng truy tìm thức, hoặc nếu cố gắng truy tìm tâm mình, một lần nữa quý vị sẽ không tìm được gì cả, vì bản tánh của nó là không.

Kế tiếp,

“Sariputra, tương tự, tất cả các pháp (hiện tượng) đều là không, không có tướng tánh, không sanh, không diệt, không dơ, chẳng không dơ, không giảm, không tăng. Do đó, này Sariputra, trong không không có sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức, không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân, không ý, không sắc, không thanh, không mùi, không vị, không sờ, không pháp.”

Khi Đức Phật nói rằng “không tai, không mũi, không lưỡi…,” chúng ta cần phải hiểu một điều. Thông thường, con người tri nhận có sắc và có thanh. Nếu không có tai thì làm sao chúng ta nghe được? Nếu không có mắt thì làm sao chúng ta thấy được? Tuy nhiên, điểm cần lưu ý ở đây là Đức Phật đang nói theo tri kiến của Ngài. Khi một sự việc được diễn giải theo sự chứng ngộ của Đức Phật thì rất khó để chúng ta hiểu được. Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã giữ im lặng trong suốt 49 ngày. Đức Phật giữ im lặng trong 49 ngày vì nếu Ngài nói về trạng thái chứng ngộ đó ngay lập tức thì sẽ không ai hiểu được. Ở đây, trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật đã thuyết từ sự chứng ngộ của Ngài. Chúng ta cần hiểu rằng những gì tồn tại đối với chúng ta thì không tồn tại đối với Đức Phật, và những những gì tồn tại đối với Đức Phật thì không tồn tại đối với chúng ta. Lấy vị giác làm thí dụ. Vị giác của Đức Phật và vị giác của chúng ta khác nhau. Có thể vị giác của quý vị và vị giác của những người khác cũng khác nhau. Thức ăn “ngon” đối với chúng ta và thức ăn “ngon” đối với Đức Phật cũng khác nhau. Những gì tồn tại đối với chúng ta thì không tồn tại đối với Đức Phật. Khi Đức Phật tri nhận được bản tánh tối thắng của tất cả các pháp, đã có nhiều nghi vấn nảy sinh về sự hiện hữu của tai, thanh, và tất cả các pháp. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Hãy xem xét trò chơi tìm đường trong mê cung. Nếu tìm được đường ra khỏi mê cung, quý vị sẽ không còn hứng thú với trò chơi mê cung nữa, và trò chơi mê cung đó không còn là gì cả. Mê cung không còn là mê cung nữa. Nếu quý vị có thể giải mã mê cung thì nó chẳng phải là mê cung nữa. Tương tự như thế, khi Đức Phật tri nhận được bản tánh chân như của sự hiện hữu, Ngài thấy tất cả các pháp đều là không. Chúng không là gì cả đối với Ngài. Tất cả mọi thứ rơi vào không-hiện hữu. Quý vị chỉ có thể hiểu và kinh nghiệm qua điều này khi quý vị đạt đến trạng thái của Đức Phật. Đức Phật đã vượt ra khỏi thực tại. Một triết gia có nói rằng “Phật không phải là bậc thánh và cũng không phải là phạm nhân.” Đức Phật đã vượt khỏi những phạm trù này. Ở đây, hiện hữu và không-hiện hữu theo tri kiến của Đức Phật. Khi Ngài thấu hiểu bản tánh của thực tại, khi Ngài thấy được tánh không của tất cả các pháp, các pháp rỗng không đó lại bắt đầu hiện hữu.

Tiếp theo là điểm thứ hai khi Đức Phật nói không-hiện hữu. Chúng ta cảm nhận cái bàn này tồn tại rất chắc thật. Khi chúng ta tháo rời cái bàn thành từng mảnh nhỏ và chỉ vào cái bàn, chúng ta không thể chỉ chính xác đâu là cái bàn. Thí dụ, chân bàn không phải là cái bàn, mặt bàn cũng chẳng phải là cái bàn. Tất cả chúng chỉ là bộ phận của cái bàn. Khi cố gắng chỉ ra đâu là cái bàn, chúng ta chỉ có thể chỉ vào cái bàn theo cách này. Tất cả những điểm chúng ta chỉ vào đều chỉ là bộ phận của cái bàn, chứ không phải là cái bàn. Đó là điểm thứ hai, quý vị có hiểu ý này không?

Kế đến là điểm thứ ba khi Đức Phật nói không-hiện hữu. Một cách rất đơn giản, quý vị thấy rằng sắc có tồn tại, quý vị thấy cái bàn có tồn tại. Có một câu hỏi nảy sinh. Làm sao quý vị chắc chắn rằng cái bàn tồn tại? Quý vị nói rằng cái bàn tồn tại có thể vì quý vị cho rằng “Tôi thấy nó.” Quý vị có thể nhìn thấy những thứ mà chúng chẳng hề tồn tại ngay nơi đó. Thí dụ, trong phòng có bốn người, trong đó ba người nói rằng họ không thấy cái bàn. Điều gì sẽ xảy ra? Quý vị sẽ nghi ngờ phải chăng những gì mình nhìn thấy là sai lầm. Tôi sẽ giải thích một cách rất đơn giản. Có bốn tên trộm muốn lấy cắp một con dê của một người đàn ông. Chúng nghĩ ra một kế. Tên trộm đầu tiên đi đến người đàn ông và hỏi, “Tại sao ông lại mang con chó trên vai?” Khi đó người đàn ông rất tức giận và nói, “Tôi đang mang con dê chứ không phải con chó!” Tên trộm đó đáp lại, “Tôi nhìn thấy đó là con chó, nhưng ông lại cho rằng đó là con dê!” Khi đó người đàn ông nghĩ rằng tên trộm đó bị điên và ông ta bỏ đi. Sau đó tên trộm thứ hai đến và nói tương tự, “Tại sao ông lại mang con chó trên vai?” Người đàn ông này cũng lặp lại, “Tôi đang mang con dê chứ không phải con chó!” và bỏ đi. Tên trộm thứ ba lại đến và hỏi giống hai tên trước, “Tại sao ông lại mang con chó?” Khi tên trộm thứ ba hỏi như vậy thì người đàn ông bắt đầu nghi ngờ, “Một người có thể sai, hai người có thể sai, làm sao cả ba người đều sai được?” Nỗi ngờ vực nảy sinh trong tâm ông. Bấy giờ, dù đang mang con dê trên vai nhưng ông vẫn không chắc mình đang mang con dê hay con chó. Ông ta nghĩ rằng phải hỏi một ai đó. Khi ông ta đang đi thì tên trộm thứ tư đứng ở bên đường. Ông ta hỏi, “Tôi đang mang con chó hay con dê?” Tên trộm thứ tư trả lời, “Ông đang mang con chó, không phải con dê.” Lúc đó, ông ta nghĩ rằng đó đúng là con chó bởi vì một người có thể sai, hai người có thể sai nhưng không thể nào bốn người đều sai. Do đó, ông ta vứt con dê của mình đi.

Cũng như vậy, khi quý vị nói rằng mình nhìn thấy cái bàn, nhưng nó có thật sự là cái bàn hay không, bởi tư tưởng “đó là cái bàn” bắt nguồn từ một người khác. Câu hỏi được đặt ra là quý vị có chắc đó là cái bàn hay không. Quý vị nói đó là cái bàn vì bạn bè, cộng đồng xung quanh quý vị nói đó là cái bàn. Quý vị bị cuốn theo những gì người khác nói, giống với tình huống con dê vậy. Cũng như thế giới này hai trăm năm về trước, mọi người đều cho rằng địa cầu hình phẳng vì số đông nói như vậy. Tuy nhiên, không thể chứng minh được những gì số đông nói là đúng. Cũng như vậy, khi suy nghĩ sâu xa, làm sao quý vị chứng minh cái bàn hiện hữu? Khi suy nghĩ sâu xa, làm sao quý vị chắc chắn về những gì mình nhìn thấy?

Một điểm khác nữa là, sắc không hiện hữu như những gì chúng ta nhìn thấy. Điểm này nói về học thuyết của Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu phân tích sâu sắc, chúng ta sẽ đến với những gì tương đồng với vật lý lượng tử. Trên quan điểm vật lý lượng tử, nếu quý vị chia nhỏ một vật thành vi hạt, chúng ta sẽ thu được các hạt ngày càng vi tế hơn. Chúng vỡ thành các hạt nhỏ hơn, rồi lại kết hợp với nhau thành các hạt lớn hơn. Chúng không bao giờ đứng yên như chúng ta nhìn thấy. Chúng rất nhất thời. Các vi hạt biến đổi trong từng khoảnh khắc. Ở thời điểm quý vị nhìn vào những vi hạt này, quý vị sẽ thấy chúng không hiện hữu ở đó. Trước hết, quý vị phải tri nhận chúng, sau đó hình ảnh của vi hạt đi vào não bộ. Tiếp theo, chỉ có tế bào mắt mới có thể tiếp nhận những hình ảnh này. Căn cứ theo tiến trình này, tại thời điểm quý vị nhìn thấy vi hạt, chúng đã chuyển hóa thành các hạt khác rồi. Chúng thay đổi trong từng khoảnh khắc. Đây không phải vấn đề tôn giáo, tôi đang nói trên phương diện vật lý lượng tử. Do đó, những gì chúng ta thấy không tồn tại theo cách ta nhìn thấy chúng. Đây là những gì đức Phật đã dạy. Vài nhà khoa học trong ngành vật lý lượng tử đã giải thích cho tôi điều này. Họ nghĩ rằng họ đã khám phá ra một điều mới mẻ và sẽ khiến tôi ngạc nhiên. Tuy nhiên, đó lại là những gì Đức Phật đã dạy 2500 năm trước. Một trong những điểm về tánh không đó là các pháp không hiện hữu theo cách chúng ta nhìn thấy chúng. Nếu có thời gian thì tôi sẽ trình chiếu PowerPoint cho quý vị thấy, nhưng hôm nay tôi lại bận nhiều việc khác.

Đức Phật đã dùng rất nhiều phương tiện để dạy rằng “sắc tức là không.” Có rất nhiều thứ tồn tại không theo cách chúng ta thấy. Rất đơn giản! Nếu quý vị nói rằng mình thấy cái bàn thì trên quan điểm khoa học, trước hết quý vị cần hiểu rằng phải có hình ảnh của cái bàn đi vào não bộ. Khi quá trình nhận thức diễn ra thì đối tượng cái bàn đã thay đổi trạng thái. Chúng rất nhất thời. Chúng biến đổi qua từng khoảnh khắc. Khi mới nhìn vào cái bàn, chúng ta không thể nhận ra sự biến đổi của nó; tuy nhiên nếu nhìn sâu ở cấp độ phân tử, nguyên tử, vi hạt thì chúng đang chuyển động và va chạm liên tục. Đây là lý thuyết của ngành vật lý lượng tử có thể song hành với tư tưởng của Bát Nhã Tâm Kinh.

Vài năm trước, tôi đã gặp một người Mỹ. Anh ta đã kể cho tôi nghe rất nhiều về câu chuyện của anh. Anh ta nói với tôi rằng anh ta đã từng làm phi công. Sau đó, một số tư tưởng đã xuất hiện trong đầu anh ta, và kể từ đó anh ta bắt đầu thực hành Phật pháp. Anh ta đã hỏi tôi, “Khi có thể trực tiếp chứng ngộ tánh không thì trạng thái đó như thế nào?” Tôi nói rằng, “Có thể đó là trạng thái đã nhập vào kiến đạo, một trạng thái chứng đắc rất cao.” Khi đó anh ta nói với tôi rằng anh ta cảm thấy mình đã nhập vào kiến đạo. Khi đó tôi chẳng biết nói gì ngoài “OK.” Anh ta nghĩ rằng nếu có thể giải thích được những điều này thì anh ta đã hiện chứng được tánh không. Tuy nhiên, quý vị chỉ hiểu chúng trên mặt lý thuyết. Giờ đây, quý vị phải hiểu thông qua kinh nghiệm hành trì.

Một điều thú vị từ nghiên cứu trong khoa học là quý vị có thể chia nhỏ bất cứ vi hạt nào thành nhiều hạt nhỏ hơn qua hàng triệu cấp độ. Quý vị có thể chia một nguyên tử thành hai phần. Quý vị lại có thể chia mỗi phần đó thành hai phần nhỏ hơn. Nếu cứ tiếp tục chia nhỏ thì cuối cùng quý vị sẽ được gì? Cuối cùng là trống rỗng, hoặc tánh không. Chính từ nơi đó, cả vũ trụ được hình thành. Từ nơi trống rỗng, hoặc tánh không, các vi hạt kết hợp với nhau thành nguyên tử, vật chất có khối lượng, sau đó vũ trụ và mọi thứ hình thành. Vũ trụ hình thành từ tánh không và sau đó vũ trụ hoại diệt trở về tánh không. Tôi nghĩ đó chính là thuyết Big Bang. Tương tự, Đức Phật dạy rằng tất cả các pháp đều nương vào tánh không và cõi giới khởi nguồn từ tánh không. Có rất nhiều chiều hướng để tiếp cận tánh không. Trên phương diện lý thuyết, học thuyết tánh không có liên quan đến nhiều ngành khoa học. Điều mà khoa học không làm được là ứng dụng tánh không để đạt được tâm an lạc. Tuy nhiên, Phật pháp làm được điều này. Với khoa học, họ nói về tánh không của những hiện tượng bên ngoài. Phật pháp dạy rằng quý vị nên ứng dụng tánh không bên trong chính mình. Đó là lý do trong buổi trước, tôi đã nói về việc thực hành truy tìm bản ngã. Khi truy tìm bản ngã và không thể tìm thấy nó, điều này sẽ giúp quý vị không nghĩ quá nhiều cho bản thân. Thậm chí dù quý vị cảm nhận mãnh liệt về bản ngã, nhưng nó không hiện hữu. Khi có được kinh nghiệm này, quý vị nương nhờ vào nó, và nó sẽ giúp quý vị giảm thiểu chấp ngã.

“Không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không thân, không ý, không sắc, không thanh, không mùi, không vị, không sờ, không pháp.”

Ở đây, tất cả các pháp không hiện hữu như cách chúng ta thấy chúng. Khi nói đến hiện hữu, Đức Phật tri nhận sự hiện hữu và chúng ta tri nhận sự hiện hữu rất khác nhau, ở hai cấp độ khác nhau. Một lần nữa, khi đi vào phân tích sâu xa các sự vật, chúng ta sẽ không thể tìm thấy chúng. Khi quý vị nói “Tôi,” nếu quý vị truy tìm sâu xa cái “Tôi,” quý vị sẽ không tìm được cái “Tôi” đó. Quý vị có hiểu không? Điều này rất đơn giản. Điều này đơn giản hay phức tạp? Thông thường, đối với mọi chân lý, khi quý vị càng tiếp cận gần chân lý hơn thì nó càng trở nên phức tạp. Khi quý vị còn ở xa chân lý thì nó không phức tạp. Thí dụ, truyện Harry Potter chẳng hề phức tạp. Quý vị có thể nắm bắt nó dễ dàng vì nó chẳng hề có thật. Không có gì phức tạp cả. Đôi lúc, khi đi vào thực tại, khi quý vị tiếp cận ngày càng gần chân lý thì nó sẽ trở nên phức tạp. Do vậy, khi cảm thấy nó phức tạp, quý vị đang tiến gần hơn đến chân lý và tiến gần hơn đến bản tánh của thực tại. Nếu quý vị cảm thấy phức tạp thì đó là một cảm giác tốt. Một dịp nọ, có người mời tôi đến nói chuyện tại một trường đại học ở Ấn Độ. Đó là trường đại học tốt nhất Ấn Độ. Nhiều khoa học gia đang làm việc tại đó, và đặc biệt tôi nói chuyện với các nghiên cứu sinh tiến sỹ. Vị giáo sư mời tôi đã nói với tôi rằng khi nói về Phật pháp, hãy làm cho mọi thứ phức tạp hơn, để sinh viên cảm thấy rất khó để có thể hiểu được. Ông ta nói rằng khi các sinh viên không hiểu thì họ sẽ nghĩ rằng vấn đề này rất sâu sắc. [Rinpoche cười]

Tiếp theo,

“Không có cõi giới của mắt, cho đến không có cõi giới của ý, cho đến cũng không có cõi giới của ý thức. Không có vô minh, cũng không dứt vô minh, và cho đến không có già chết và cũng không dứt già chết.”

Ở đây quý vị phải hiểu “không già” và “không chết.” Ở Tây Tạng, chúng tôi có chuyện thần thoại về một nơi gọi là Shambala. Người ta nói rằng nếu ai đến được cõi này, người đó sẽ không bao giờ già. Vùng đất đó nằm gần dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Đây là câu chuyện thần thoại. Nhưng điều buồn cười nhất là trong một nhà hàng ở Nepal, khi chúng tôi đang dùng bữa tối, có một người phương Tây muốn nói chuyện riêng với tôi trong vài phút. Tôi vẫn nhớ cách nói chuyện của ông ta. Trước hết, ông ta nói có một câu hỏi và nó có thể rất điên rồ. Ông ta nói với tôi là ông ta đã bỏ ra hai năm để tìm xứ Shambala và ông ta đã tiến rất gần rồi. Ông ta muốn tôi chỉ cho ông ta cửa vào xứ Shambala này. Cũng giống như vậy, nếu nghĩ quá nhiều về chuyện thần thoại thì đôi lúc những chuyện thần thoại đó lại có thật đối với họ.

Ở đây, khi nói “không có già chết, cũng không dứt già chết,” Đức Phật không nhắc đến xứ Shambala. Đối với cái chết, có rất nhiều cách nhìn nhận nó. Có một điều thú vị ở đây! Vào Tháng 12, có một số nhà sản xuất phim tài liệu ở Châu Âu đến nghiên cứu về cái chết. Họ muốn tìm hiểu cách nhìn nhận cái chết của các tôn giáo khác nhau, đặc biệt là các tôn giáo lớn. Họ đến hỏi tôi quan điểm của đạo Phật về cái chết. Khi chúng ta nhìn vào cái chết, một mặt đó là sự kết thúc, và mặt khác đó là sự khởi đầu. Để tạo sự khởi đầu tốt, điều đó nằm trong bàn tay của quý vị. Nếu quý vị xem đó là sự kết thúc thì nó sẽ trở thành nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, nếu xem đó là sự khởi đầu, quý vị sẽ có cách nhìn rất khác. Không già và không chết có nghĩa là nếu không có già thì sẽ không có chết. Nếu không có sinh thì cũng sẽ không có chết. Nếu không có vô minh thì sẽ không có sinh. Bởi vô minh nên chúng ta tạo nghiệp. Do tạo nghiệp nên chúng ta tái sinh. Đây là vòng luân hồi. Do đó ở đây nói rằng không có vô minh. Nếu không có vô minh thì sẽ không tạo nghiệp, nếu không tạo nghiệp thì sẽ không có sinh, nếu không có sinh thì cũng sẽ không có chết. Đây là vòng luân hồi.

Đức Phật đã nói không có già và không có chết. Thông thường, cái chết là một chủ đề mà ai cũng không muốn bàn đến. Có lẽ tôi cũng sẽ bỏ qua vấn đề này vì năm mới sắp đến rồi. Có rất nhiều cái chết. Có những cái chết do chướng ngại và những chướng ngại đó có thể được tiêu trừ. Chúng ta có thể tiêu trừ chướng ngại bằng cách tích tập nhiều thiện nghiệp như tiến hành các nghi lễ (puja), cúng dường chư Phật… Bằng cách tích tập thiện nghiệp, những chướng ngại đưa đến cái chết có thể được tiêu trừ.

Tiếp theo,

“Tương tự, không có khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và con đường dẫn đến diệt khổ.”

Khi chúng ta thấy được bản tánh chân thật của tất cả các pháp thì sẽ không có khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và con đường dẫn đến diệt khổ. Khi chúng ta có thể chứng ngộ tánh không đúng đắn thì sẽ không có khổ. Khi không có khổ thì không có nguồn gốc của khổ. Nếu không có nguồn gốc của khổ thì không có diệt khổ. Nếu không có diệt khổ thì không có con đường dẫn đến diệt khổ. Nếu quý vị chứng ngộ tánh không trực tiếp thì sẽ không còn khổ đau nữa. Và lúc đó,

“Không có trí tuệ, không có chứng đắc và cũng không có không chứng đắc.”

Đến đây, khi Đức Phật thuyết tánh không, đây là điểm thâm sâu nhất của đạo Phật. Vượt ra ngoài tánh không thì chẳng có điều gì thâm sâu hơn mà đạo Phật đề cập.

Tôi nghĩ là tôi đã cho quý vị bài tập về nhà. Quý vị đã làm bài tập về nhà chưa? Nếu quý vị đã làm thì tốt, không làm cũng tốt. Theo Bát Nhã Tâm Kinh thì không có bài tập về nhà, và cũng không có làm bài tập về nhà, cũng giống như không mắt, không tai… [Rinpoche cười]

Hôm nay, tôi sẽ dừng ở đây và dành thời gian cho phần hỏi đáp vì có những buổi tôi đã không thể hoàn thành hết tất cả câu hỏi. Tôi sẽ dành 20 hoặc 30 phút cho phần hỏi đáp.

 

HỎI –– ĐÁP

Hỏi: Trường hợp pháp thân chia ra làm hai: tự tánh thân và thân trí tuệ. Trường hợp phân tích đến cốt lõi tận cùng ngay chỗ yên lặng rồi thì đó là trạng thái tự tánh thân hay là thân trí tuệ? Trường hợp hai, con nghe các thầy giảng “ta chính là đạo sư,” vậy trạng thái “ta chính là đạo sư” có phải là thân trí tuệ hay không?

Rinpoche: Khi đắc Pháp thân thì quý vị chứng đắc trí thân và tự tánh thân cùng một lúc. Hai dạng pháp thân này bất khả phân, không thể tách rời. Ngoài ra, khi chứng đắc tam thân thì quý vị cũng chứng đắc tam thân cùng một lúc. Quý vị không thể nào tách rời ba thân này.

Khi các vị đạo sư nói “ta chính là đạo sư,” điều này không có liên hệ gì đến Pháp thân trí tuệ. Quý vị cần hiểu một điều. Khi chúng ta nói “Tôi là con người,” và Đức Phật nói “Tôi là con người,” chúng ta và đức Phật đều sử dụng từ “Tôi” nhưng có khác biệt lớn giữa cách nhìn vào “Tôi” của chúng ta và của Đức Phật. Đó là điểm khác biệt giữa chúng ta và Đức Phật. Khi chúng ta nhìn vào “Tôi,” chúng ta thấy “Tôi” rất chắc thật và thường hằng. Quý vị có cảm thấy rằng bản thân mình thay đổi nhiều không? Khi quý vị nhìn lại bản thân, rất khó để nhận ra bản thân mình thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nhìn người khác thì quý vị dễ dàng nhận ra họ thay đổi rất nhiều. Nguyên nhân chính là quý vị nắm giữ bản ngã và nhìn bản thân mình như một cái “Tôi” vững chắc và thường hằng. Đức Phật không bao giờ nhìn nhận như vậy. Nguyên nhân là Đức Phật đã tri nhận được tánh không của cái “Tôi.” Chúng ta chưa hề thấy được tánh không của cái “Tôi” một cách rõ ràng. Chính vì vậy, khi nhìn vào cái “Tôi,” chúng ta chấp rằng nó rất chắc thật và thường hằng.

 

Hỏi: Ứng dụng của Bát nhã trong đời sống hằng ngày. Thứ nhất là để điều chỉnh nhận thức. Thứ hai là để chuyển hóa tam độc tham, sân, si

Rinpoche: Trước tiên, tôi sẽ nói về tam độc. Tam độc đến từ việc suy nghĩ cho bản ngã của mình. Khi quý vị chấm dứt mọi suy nghĩ về bản ngã, không còn nảy sinh câu hỏi nào về tam độc. Tham, sân, si đều đến từ suy nghĩ về bản ngã. Trong tam độc, gốc rễ chính là si––vô minh. Từ vô minh làm phát sinh hai độc kia. Vô minh giống như bóng tối. Làm sao chúng ta có thể xua tan bóng tối? Chúng ta không thể đẩy bóng tối đi. Khi nhìn vào một căn phòng tối, làm thế nào để chúng ta xua tan bóng tối? Rất đơn giản, phải thắp đèn. Khi có ánh sáng thì bóng tối sẽ được xua tan. Vô minh chính là bóng tối. Để xua tan đi bóng tối, chúng ta cần đèn, ánh sáng từ trí tuệ. Với ánh sáng trí tuệ, chúng ta có thể xua tan bóng tối vô minh. Khi có thể loại trừ vô minh thì tham, sân và các ác niệm khác cũng sẽ được tiêu trừ.

 

Hỏi: Trong luân hồi cái chết vừa là kết thúc vừa là sự khởi đầu. Tại sao sự khởi đầu đó không bao giờ nhớ ra được kiếp trước?

Rinpoche: Rất đơn giản, buổi sáng là bắt đầu, có phải không? Buổi sáng cũng là sự kết thúc của đêm hôm trước và là bắt đầu ngày mới. Đôi khi, vào buổi sáng, chúng ta không thể nhớ tất cả mọi chuyện của đêm hôm trước. Tôi đã từng hỏi câu hỏi, “Quý vị có nhớ ngày hôm qua mình ăn sáng món gì không?” Nếu quý vị cố gắng nhớ đến hai hoặc ba ngày trước thì rất khó bởi trí nhớ của chúng ta không được tốt.

Một vấn đề nữa là nhớ kiếp trước, điều này khá phức tạp. Có nhiều người có thể nhớ kiếp trước của mình. Tôi nghĩ có nhiều câu chuyện kể về những người có thể nhớ kiếp trước. Tuy nhiên, câu hỏi là làm sao họ có thể nhớ được kiếp trước? Đôi lúc, khi chúng ta gặp ai đó hoặc đến một nơi nào đó lần đầu tiên, ta lại có cảm giác mình đã gặp người đó hoặc đã đến nơi đó rồi. Những cảm giác này đến như thế nào? Căn cứ trên quan điểm khoa học, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều đến từ não bộ. Liệu não bộ có đưa ra những thông tin sai lệch không? Có rất nhiều câu hỏi nảy sinh. Chúng ta gặp một người lần đầu tiên nhưng lại có cảm giác mình đã từng gặp người đó rồi. Chúng ta đến một nơi nào đó lần đầu tiên nhưng lại có cảm giác mình đã từng ở nơi ấy.

Như tôi đã nói trước đây, tất cả những gì quý vị suy nghĩ đều là thông điệp nhận từ não bộ. Thí dụ, khi chạm vào cái bàn thì quý vị sẽ cảm nhận được nó. Cảm giác xúc chạm đó đến từ đâu? Từ não bộ. Khi quý vị chạm vào cái bàn, tất cả tế bào xúc giác phải gửi tín hiệu thích hợp đến não bộ. Theo các môn khoa học về não bộ, người ta dùng bốn mẫu tự từ bảng chữ cái alphabet để đặt tên cho bốn loại tín hiệu khác nhau có chức năng truyền thông tin từ các giác quan đến não bộ. Khi quý vị đến một nơi hoàn toàn xa lạ mà lại cảm nhận rằng mình đã từng đến nơi đó, trên quan điểm khoa học, cảm nhận đó là một thông tin đến từ não bộ, và não bộ đã gửi đi những thông tin hoàn toàn sai lệch. Nếu não đưa ra những thông tin sai lệch thì não không hoạt động tốt. Về mặt khoa học, những trải nghiệm đó hiện vượt khỏi tầm hiểu biết của các môn khoa học về não bộ.

Trên quan điểm của đạo Phật, thức của chúng ta có chứa đựng tập khí. Trong các đời trước, khi quý vị nhìn hay tri nhận điều gì đó, tập khí đã được gieo vào trong thức của mình. Do đó, đôi khi tập khí cũ khiến quý vị dù chỉ mới gặp một người lần đầu tiên nhưng lại có cảm giác đã từng gặp người đó rồi. Lúc đó quý vị không thể hoàn toàn nhớ rõ, đó chỉ là cảm giác mơ hồ đến từ tập khí cũ. Chúng ta không thể nhớ được rất nhiều điều. Đa phần chúng ta đều không nhớ được kiếp trước của mình, nguyên nhân chính là do thức đã thay đổi thân vật lý. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thể nhớ được đời trước.

 

Hỏi: Tại sao ngài Xá Lợi Phất (Sariputra) hỏi ngài Quán Thế Âm mà không hỏi ngài Văn Thù hay Phật Thích Ca hay một vị Phật khác?

Rinpoche: Trước tiên tôi sẽ nói một điều. Một nguyên nhân có thể là ngài Xá Lợi Phật không thể đứng yên mà không hỏi. Trong tình huống này, quý vị cần hiểu hai điều. Thứ nhất, trong tất cả đệ tử của Phật, Xá Lợi Phất là vị có trí tuệ sắc bén nhất. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của trí tuệ. Do đó, Ngài đã đặt câu hỏi. Đặc biệt, khi đối đáp với ngài Quán Thế Âm thì người đối đáp phải cực kỳ tinh xảo, có trí tuệ sắc bén; các vị khác đều không thể sánh bằng ngài Xá Lợi Phất. Thứ hai, ngài Quan Thế Âm được xem là vị Phật từ bi. Do đó, trong đạo Phật có hai điểm chính nổi bật là trí tuệ và từ bi. Điểm thứ ba là ngài Xá Lợi Phất đã thấu hiểu lời Phật dạy rất sâu sắc; do đó, Ngài có thể nêu ra những câu hỏi thâm sâu.

Hỏi: Về bài tập thầy cho, thầy yêu cầu tìm cái tôi của mình ở đâu bằng cách quán tất cả tư tưởng của mình. Đó có phải là nghĩ xem lý do sự bám chấp của mình là gì hay là phải tìm. Con không rõ phương pháp tìm cái tôi của mình ở đâu, xin Ngài hướng dẫn lại? Khi để tâm trống vắng thì bị ngạt thở. Đây là hiện tượng gì?

Rinpoche: Quá trình tìm cái tôi chỉ là thực hành thiền. Khi để tâm trống vắng lại cảm giác ngạt thở có nghĩa là quý vị không thể giữ tâm mình trống vắng. Lý do là khi quý vị nghĩ rằng mình đang để tâm trống vắng, quý vị vẫn đang tập trung vào hơi thở. Khi nhắm mắt lại mà không thể giữ tâm trống vắng thì hãy mở mắt và cố gắng giữ tâm trống vắng khi mắt đang mở.

 

Hỏi: Khi ở dạng thân trung ấm, ta nhìn thẳng ánh sáng chói chang đó là ánh sáng của Phật hay ánh sáng dịu hòa là của Phật?

Rinpoche: Ở thân trung ấm, ánh sáng của chư Phật là ánh sáng chói chang với những tia sáng mạnh mẽ.

Cảm ơn tất cả quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 04/03/2014.