
KỆ 105 - 107
105. Cũng như cây chuối, sống nhưng không có lõi
Cũng như màn sương, thoắt hiện rồi tan mất
Cũng như bóng nước, lung linh xa tít tắp
Cũng như ảnh soi trong gương, như thật thật
Cũng như mây và hơi sương, như chắc chắc.
Hai câu đầu nói về cuộc sống vô thường, không là thường hằng, mình không sống mãi trên đời này mà sẽ chết. Như cây chuối tuy sống nhưng chỉ gồm những lớp nguyện vào nhau bên trong không có lõi, bọt nước chỉ là mảng nước phồng bên ngoài bên trong không có tinh túy. Các câu sau là những thí dụ về sự trình hiện trước tâm thức của người thế gian. Hình ảnh hiện trong gương tuy giống vật thật bên ngoài nhưng không có tính chất thật như vật thật bên ngoài. Tương tự những gì mình thấy chỉ là sự trình hiện nhưng thực chất không có tinh túy không có tự tánh.
106. Giặc ngã quỷ ma, bọn này cũng như thế
Trông như có có, xưa nay chẳng phải có
Trông như thật thật, chẳng có thật điều gì
Trông như hiện hiện, đều thêm bớt từ cảnh.
Cái Tôi mà mình nghĩ là thật và thường bám chấp vào chỉ là sự hiển hiện mà thôi, không có thật. Đây là tư tưởng sâu sắc của Tánh Không: những gì mình đang bám vào và nghĩ là có thật, nhưng cái thực tại không tồn tại giống như mình đang thấy và cảm nhận về nó. Những gì mình đang trải nghiệm trông có vẻ như thế nhưng thật sự nó không có. Thí dụ trong giấc mơ mà biết là đang nằm mơ, mình có thấy và cảm nhận voi hổ trong giấc mơ có khác với voi hổ bình thường bên ngoài không? Voi hổ là ảo ảnh nên không khác nhau. Trong giấc mơ mình sẽ không sợ hãi thản nhiên tiến gần đến nó. Tuy nhiên khi gặp voi hổ ngoài đời chắc chắn mình sẽ sợ hải. Tại sao? Vì voi hổ ngoài đời tuy là ảo ảnh đối với mình nhưng voi hổ có chức năng thật sự của nó. Nếu mọi thứ như giấc mơ ảo ảnh, cái đang mắt thấy tai nghe mà mình có cảm giác như thật thì nó không thật sự có như mình đang thấy. Nếu mọi thứ như ảo ảnh thì khi ăn trái xoài quả cam không khác gì nhau vì xoài cam là ảo ảnh, giống y chang nhau nên không có phân biệt xoài cam. Đây là thực hành thâm sâu trong Đạo Phật cũng là phần thực hành thâm sâu trong Tánh Không. Với người thật sự đã chứng được ý nghĩa của Tánh Không thì tất cả trải nghiệm xung quanh mình, nhận thức của mình sẽ thay đổi hoàn toàn.
107. Thế nên bất cứ bánh xe nghiệp thế nào
Thì cũng như thế, không hề có tự tánh
Như trong chén nước, hiện lên ảnh mặt trăng
Nghiệp quả này cũng hư ảo ánh muôn màu
Chỉ là trình hiện, hãy tu chứng và bỏ!
Cần hiểu rõ thuật ngữ “Không tự tánh” trong kinh Phật. Thí dụ: quả táo có nhưng quả táo không hề có bản chất nào của nó, không tự tánh. Nghiệp quả có nhưng không tự tánh. Ngã là có nhưng không tự tánh.
Tổ Tsongkhapa phải mất từ 20 đến 30 năm để hiểu ý nghĩa của Tánh Không sau khi diện kiến Đức Văn Thù và được Ngài chỉ giáo. Tánh Không rất phức tạp không thể nào hiểu được qua vài từ ngữ, việc giải thích về Tánh Không không dễ dàng. Thầy cố gắng chuyển tải ý nghĩa đơn giản để không mất ý nghĩa tinh túy và sâu sắc của Tánh Không. 20 năm học và 20 năm giảng dạy trong tu viện, có vài điểm về Tánh Không mà bản thân Thầy không nghĩ nắm chắc mọi điểm về Tánh Không. Đầu tiên hãy nghe kỹ lời giảng của Thầy sau đó tham khảo trong sách GTTLT.
Cần hiểu thuật ngữ “có tự tánh”, “không tự tánh” trong Đạo Phật, sau đó gắn vào trong tình huống dùng thuật ngữ nầy để giải thích về Tánh Không. - Cái gì có tự tánh là bản thân nó tự có, không phụ thuộc vào bất kỳ nhân quả nào để tồn tại (không nương tựa vào nhân và duyên để thành lập).
- Cái gì không có tự tánh thì cái đó phải nương tựa vào nhân và duyên để xuất hiện.
Có nhiều cách giải thích về Tánh Không. Nên chọn cách giải thích đúng theo truyền thừa: đầu tiên Đức Phật nói về Tánh Không, sau là ngài Long Thọ kế tiếp là ngài Nguyệt Xứng, sau nữa là ngài Atisha.
Hoa quả có nhưng không tự tánh. Theo quan điểm của ngài Tsongkhapa, Ngã (Cái Tôi) có nhưng không tự tánh.
- Trong kinh điển hay nói Vô ngã (không có Tôi), vậy Cái Tôi được hiểu như thế nào? Bình thường mình vẫn bám chấp vào Cái Tôi độc lập không phụ thuộc nhân duyên nào. Cái Tôi độc lập đó không có nên nói Vô Ngã. Cần nắm chắc điểm đầu tiên quan trọng về Vô ngã và Tánh Không này.
- Chứng Tánh Không chủ yếu là chứng Cái Tôi không tự tánh. Phải hiểu mình đang bám chấp Cái Tôi có tự tánh như thế nào, Cái Tôi độc lập không nương tựa vào nhân duyên nào. Nhận diện được Cái Tôi đó, phân tích và khi biết Cái Tôi độc lập đó không hề có, lúc đó mình đã chứng được Tánh Không, chứng Cái Tôi không tự tánh.
Công thức của Tánh Không:
Pháp là có nhưng không tự tánh.
Thí dụ: giấc mơ là có nhưng không tự tánh.
Người đang nghĩ Cái Tôi có tự tánh là người còn vướng mắc trong luân hồi. Suy nghĩ bám chấp vào Cái Tôi có tự tánh là gốc rễ của luân hồi, từ đó phát sinh ra nhiều phiền não (tham, sân, si, tà kiến). Đức Phật đã diệt trừ mọi phiền não và gốc rễ của phiền não nên là người hoàn toàn giác ngộ, giải thoát mọi ràng buộc, có trí tuệ thấy được bản chất mọi việc.
Khi giải thích về Tánh Không cần xác thực nguồn gốc từ Đức Phật hay các luận giải của các hiền triết Nalanda.