
KỆ 103 - 104
103. Nếu làm như thế, thắng hết quân giặc này
Nếu làm như thế, thắng tâm tưởng sai lầm
Trí không còn tưởng, thiền rõ về vô ngã
Nhân quả Sắc Thân cớ sao lại không thành!
Nếu thực hành luyện tâm đúng sẽ chiến thắng hết tất cả giặc phiền não, khi đó sẽ không còn phát sinh tà kiến (tâm tưởng sai lầm). Trí tuệ chứng vô ngã làm mất hết suy nghĩ sai lầm và phiền não.
Trí không còn tưởng, thiền rõ về vô ngã
Nhân quả Sắc Thân cớ sao lại không thành
Thực hành về trí vô ngã là nhân, quả nhận được là Sắc Thân tức thân giác ngộ của Phật. Đã thực hành về vô ngã thì sẽ thành Phật.
104. Này nhé! Tất cả điều ấy đều phụ thuộc,
Biết rõ phụ thuộc vốn không hề độc lập
Đổi qua đổi lại, chỉ ảo ảnh giả hiện
Cũng như vòng lửa, hiện lên ảnh vậy thôi.
Bản chất mọi việc trên thế gian đều phụ thuộc lẫn nhau, không tồn tại độc lập. Khi trí hiểu rõ bản chất mọi sự việc như thế là được giác ngộ. Nếu tìm trạng thái được biết như trong kinh Bát Nhã: không mắt không tai không mũi không lưỡi và nghĩ đến lúc thấy không mắt là chứng được Tánh Không thì không đúng. Khi nhìn thấy mắt và biết rằng mắt là ảo ảnh, giả hiện, không hề có tinh túy của mắt. Sự trình hiện của mắt phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không hề có mắt tồn tại độc lập. Hiểu như thế là chứng được Tánh Không của các pháp. Do còn chấp ngã nên còn tồn tại ngã độc lập, khi cảm nhận ngã độc lập đó không có dù vẫn thấy sự trình hiện của bản thân thì chứng được nhân vô ngã.
Đổi qua đổi lại, chỉ ảo ảnh giả hiện
Cũng như vòng lửa, hiện lên ảnh vậy thôi.
Tất cả những gì đang thấy đều là ảo ảnh giả hiện, là hình ảnh sai lệch, nó không thực sự tồn tại theo cách mình đang thấy. Bản chất tồn tại của nó không giống như cách mình thấy. Thí dụ: Khi ghét ai thì chỉ thấy điểm xấu của người đó, thích ai thì bám chấp vào điều tốt của đối tượng đó. đó là cái thấy lệch lạc do phiền não dấy lên. Thầy thích coca nên cảm giác vị rất ngon khi uống, vị ngon đó có thể do mình tưởng tượng vì quá thích nhưng trên thực tế có thể coca không ngon nhiều đến mức như thế. Khi nhận biết các đối tượng không hề có bản chất độc lập, không tồn tại độc lập, đó là lúc mình chứng được Tánh Không. Khi nhận biết sự tồn tại của các đối tượng là ảo ảnh, sự trình hiện là vỏ bọc trống rỗng không có bản chất tinh túy nên không phát sinh bám chấp, sân giận, phiền não. Như một người đang nằm mơ và biết là mình đang mơ, biết những gì đang thấy chỉ là giấc mơ nên việc thấy người ghét hay thương chỉ là vô nghĩa.
Khi chứng ngộ như thế sẽ có hai điều tốt xấu xảy ra. Khi trải nghiệm mọi thứ là ảo ảnh, là giả hiện thì tâm thức không trở lại trạng thái bình thường như bây giờ. Hiện tại mình cho mọi việc là thực. Đây là điều xấu vì người chứng Tánh Không không bao giờ quay về nhận thức như người chưa chứng Tánh Không. Người chứng được Tánh Không sẽ không biết được vị ngon của món ăn vì mọi món ăn và vị giác đều là ảo ảnh. Người chứng Tánh Không đã bỏ mọi bám chấp vào đối tượng xung quanh, sẽ không bao giờ quay trở lại trạng thái bám chấp vào phiền não. Đây là điều tốt. Trải nghiệm của người chứng Tánh Không đối với thế gian quan sẽ hoàn toàn khác với những gì đã hiểu biết. Người chưa chứng Tánh Không sẽ không hiểu trải nghiệm của người đã chứng Tánh Không. Có câu hỏi: khi chứng Tánh Không, thấy mọi thứ đều là ảo ảnh giả hiện không có bản chất tinh túy, đau khổ cũng là ảo ảnh không có thật thì từ bi cứu người khác có ý nghĩa gì vì người khác đau khổ cũng là ảo ảnh? Cần suy nghĩ là đối tượng của tâm từ bi là những người chưa thoát khỏi bám chấp, chưa có trí tuệ nên còn đau khổ, cảm nhận mọi chuyện là thực có nên họ cần được thương cảm. Đức Phật cũng đang từ bi với chúng sinh như thế.