
KỆ 99 - 102
Cách thực hành Phật pháp có lợi lạc tốt nhất là thực hành theo đúng lời Phật dạy. Mọi pháp thực hành được gom trong ba điểm quan trọng chính yếu:
1/ Tích góp nhân gì để có được thân ở cõi an lành?
2/ Tận dụng thân đó để thực hành Phật pháp như thế nào để xa lánh đau khổ, đạt được giải thoát cõi luân hồi
3/ Cần làm gì để có khả năng giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi
Ba điểm này cũng là các điểm trọng yếu của ba phạm vi nhỏ, trung bình và lớn trong Lamrim.
Văn bản Bánh xe vũ khí chủ yếu là pháp luyện tâm của hàng đệ tử Đại thừa, cố gắng nỗ lực phấn đấu thành Phật để mang lợi lạc cho chúng sinh. Trong từng ngày giữ vững mục tiêu, phát triển luyện tâm theo từng tình huống. Từ tận đáy lòng, nếu phát sinh niệm sẽ nổ lực để thành Phật vì lợi ích chúng sinh thì sẽ tích góp công đức lớn dù là suy nghĩ trong khoảnh khắc. Luôn cầu nguyện cho tâm bồ đề phát triển vững bền trong tâm cũng tích góp nhiều công đức lớn.
Tâm bồ đề là tâm muốn thành Phật đề làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Để phát triển tâm đại bi cần diệt bỏ tâm ích kỷ chỉ quan tâm đến điều kiện tốt đẹp của bản thân bỏ mặc người khác. Văn bản Bánh xe vũ khí luyện tâm nêu ra lỗi lầm và khuyết điểm của tâm ái ngã và tâm chấp ngã, mà hành giả cần loại bỏ để phát triển tâm đại bi, tâm quan tâm đến mọi chúng sinh. Bỏ đi thói quen phân biệt Ta với Người, bỏ lợi lạc của mình, thực hành chăm lo lợi lạc của người khác thì bản thân cũng được nhiều lợi lạc, bao gồm lợi lạc nhất thời (tích góp nhiều công đức) và lợi lạc rốt ráo (cuối cùng thành Phật).
99. Khi ấy vì lợi cho chỉ một chúng sinh
Bản thân cũng xin ở lại ba cõi ác
Hạnh nguyện bồ-đề lớn mạnh chẳng suy giảm
Nguyện con đủ sức gánh chịu khổ cõi ác.
Chăm lo tất cả chúng sinh, nếu còn sót lại một chúng sinh ở ba cõi ác vẫn nguyện ở lại cõi ác để giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ luân hồi. Nhờ hạnh nguyện đó, tâm bồ đề được phát triển mạnh và bền vững, không suy giảm. Nguyện đủ khả năng chịu đựng cơ cực để giúp chúng sinh thoát khổ. Đây là lời nguyện lớn mạnh giúp tâm bồ đề phát triển bền vững.
Lời nguyện sinh xuống cõi ác để giúp chúng sinh có xảy ra sau khi chết? Đây là lời nguyện có năng lực vững mạnh rất thiện, tích góp nhiều công đức nên sẽ giúp sinh lên cõi lành. Nguyên nhân sinh xuống cõi ác dựa vào nghiệp bất thiện và phiền não.
100. Nguyện ngay khi ấy, lính canh phòng địa ngục
Vừa thấy đến con, biết nghĩ là đạo sư
Những loại vũ khí đều hóa mưa hoa đẹp
Không hề gây hại, lại mang đến yên bình.
Đây là lời nguyện về tâm bồ đề: nếu có xuống đại ngục cứu giúp chúng sinh thì do sức thiện hạnh lớn lao của mình, lính canh phòng vẫn nghĩ mình như vị đạo sư của họ. Địa ngục là nơi chịu khổ đau của chúng sinh do ác nghiệp của họ nên họ cảm nhận cơn mưa binh khí rơi xuống làm tổn thương thân họ. Do nguyện lực bồ đề lớn mạnh khiến người có đại nguyện xuống địa ngục cưu giúp chúng sinh thấy mưa hoa đẹp cực kỳ an lành mang đến bình yên. Nhờ thiện định và thần thông vững chắc kèm theo tâm bồ đề, vị Bồ tát tự do tự tại sinh ở bất cứ nơi nào của cõi luân hồi, có thể hóa thân thành chúng sinh ở cõi ác nhưng không chịu khổ như chúng sinh ở cõi ác.
101. Chúng sinh cõi ác cũng thành tựu thần thông
Được thân trời người, và phát tâm giác ngộ,
Nguyện họ dùng Pháp để đền đáp ơn con!
Nguyện họ nương tựa, xem con là đạo sư!
Cầu nguyện chúng sinh đang chịu đau khổ ở cõi ác sẽ thành tựu được thần thông do tu tập thiện hành: tâm thức có được dũng mãnh để áp chế đươc đau khổ, tích góp được thiện hạnh công đức, sinh được thân trời người sau đó phát được tâm bồ đề nhờ sự giúp đỡ giảng pháp của đạo sư. Khi họ có thần thông, nguyện họ dùng pháp đó đền đáp công ơn đạo sư bằng cách giúp lại người khác. Nguyện họ nương tựa chánh pháp để liên tục phát triển công đức và thiện hành.
102. Lúc ấy, tất cả chúng sinh ở cõi lành
Cũng đều như con, thiền sâu về vô ngã
Không còn niệm tưởng luân hồi và niết bàn
Nguyện họ trụ nơi thiền định tánh bình đẳng!
Nguyện tự thấy mình ở nơi tánh bình đẳng!
Nguyện chúng sinh ở cõi lành sẽ hiểu biết đúng đắn về Tánh Không, thiền sâu để phát sinh trí tuệ, chứng biết Tánh Không. Nhờ chứng được Tánh Không nên diệt được tâm chấp ngã, ái ngã, không còn niệm tưởng Luân Hồi và Niết Bàn, không còn bám chấp trụ vào nơi an lạc như Niết Bàn, luôn giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi luân hồi. Nhờ trí tuệ hiểu biết rõ ràng về Vô ngã và Tánh Không, không còn bám chấp vào luân hồi và niết bàn cho bản thân cộng với nguyện lực giúp chúng sinh thoát khổ nên các vị Bồ tát tự tại thoải mái, vào ra trong luân hồi mà không có trở ngại để cứu độ tất cả chúng sinh.
tánh bình đẳng:
Vì không còn bám chấp vào luân hồi hay niết bàn nên thấy bản chất của luân hồi hay niết bàn là như nhau, nguyện chúng sinh sẽ phát sinh định lực vững mạnh
Cách giải thích khác của 3 câu cuối:
Bồ tát không bám chấp vào thiện hạnh của luân hồi và an lạc của niết bàn cho bản thân. Điều này giúp phát sinh nhiều động lực để thực hành tâm bồ đề. Nguyện chúng sinh thấy và hiểu rõ Tánh Không, bản chất của luân hồi là Tánh Không, bản chất của niết bàn là Tánh không nên tự giải thoát cho bản thân.
Ý nghĩa của đoạn này khó, hãy đọc nhiều lần và suy ngẫm, hiểu được phần nào thì áp dụng thực hành thiền cho bản thân.