
Kệ 91 (tiếp theo)
Trong các văn bản luyện tâm, chủ yếu là thấy lỗi lầm của tâm chấp ngã để loại trừ nó. Khi tâm thức sinh khởi lên mình mới nói đến tâm chấp ngã. Các hình thái nhận diện tâm chấp ngã: khi nghĩ đến cái Tôi (À tôi…) hay khi cảm giác điều đó tốt cho bản thân, cái mình được thỏa mãn và nói: tốt quá. Ai cũng có tâm chấp ngã như thế và nghĩ cái Tôi là một thực thể độc lập không phụ thuộc vào thân và tâm (thí dụ nói tôi đi, tôi ngồi). Thật ra cái Tôi là một khái niệm được gán đặt trên tổ hợp thân và tâm nhưng khi tìm trên thân và tâm đều không thấy cái Tôi.
Để giải thoát và giác ngộ phải loại trừ mọi phiền não, mà phiền não phát sinh từ tâm chấp ngã. Nếu nghĩ cái Tôi biệt lập với thân và tâm, không phụ thuộc vào các uẩn và bằng phương pháp thiền quán, phân tích, tìm kiếm sẽ không có cái Tôi như thế tức là mình đã hiểu và chứng được vô ngã. Trí tuệ chứng vô ngã là cực kỳ quan trọng để giải thoát. Cần huân tập trí tuệ vô ngã trong thời gian dài, thói quen trải nghiệm vô ngã sẽ tiêu diệt thói quen chấp ngã sai lầm, từ đó phát sinh trí tuệ chứng vô ngã. Tóm lại, cần nhận diện đúng chấp ngã trước, sau trí tuệ chứng vô ngã sẽ bài phá chấp ngã.
Bậc đại phẫn nộ, xin đánh đuổi giặc này: trên hình thức cầu nguyện vị Bổn tôn hùng mạnh đánh đuổi tà ma chấp ngã, vị bổn tôn đại diện cho sự quyết tâm kiên định, nỗ lực để diệt tận gốc chấp ngã.
Bậc đại trí tuệ, xin hàng phục ác tâm: trí tuệ chứng vô ngã là công cụ duy nhất đối kháng chấp ngã mà đó là ác tâm, kẻ thù của mình.
Bậc đại từ bi, xin cứu thoát khỏi nghiệp: nương nhờ năng lực của trí tuệ đó để thoát khỏi tất cả ác nghiệp. Nếu được giải thoát, nhờ lòng từ bi sẽ cứu giúp người khác thoát khỏi ác nghiệp, cái bám chấp vào cái Tôi của họ.
Tóm lại, cần nhận diện tâm chấp ngã ái ngã để tiêu diệt nó và lòng từ bi cứu giúp người khác thoát khỏi đau khổ.
Hai cách hành đạo:
- Hành đạo của bậc Thanh văn, Duyên giác để đạt được an lạc và giải thoát cho bản thân khi đạt được quả vị A la Hán
- Hành đạo của bậc Đại thừa: nỗ lực để bản thân và người khác đạt được giải thoát. Để đạt được quả vị A la Hán rốt ráo, cần thực hành thâm sâu tâm từ bi. Trí tuệ chứng vô ngã chỉ giải thoát bản thân khỏi phiền não, nếu không thực hành tâm từ bi sẽ không đạt được quả vị Phât.
Cách tư duy để phát khởi tâm từ bi:
Có nhiều cách được hướng dẫn trong kinh điển để phát khởi tâm từ bi nhưng phương pháp có năng lực mạnh mẽ và nổi tiếng nhất là Hoán đổi ngã tha của ngài Tịch Thiên trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Bên cạnh đó có phương pháp Bảy lớp nhân quả được trích trong bản luận của ngài Atisha và ngài Nguyệt Xứng.
Hoán đổi Ngã Tha:
- Thấu hiểu và cảm thông khó khăn đau khổ của người khác
- Mình và người khác bình đẳng trên phương diện ai cũng muốn hạnh phúc và không khổ đau
Thiền nhiều lần hai đặc điểm trên từ từ sẽ phát sinh dễ dàng tình yêu thương và phát tâm từ bi với mọi người. Nếu chưa phát sinh được tâm từ bi, để củng cố năng lực thiền, hãy nghĩ:
- Người đó trong quá khứ từ vô lượng kiếp đã từng là cha mẹ, họ hàng, bạn bè thân của mình, những người đã giúp đỡ mình và mình mang ơn họ rất nhiều
Cần kiên trì và nỗ lực liên tục thiền trong vài năm các đề mục trên, tâm sẽ thuần phục, bản thân được lợi lạc, khó khăn và trở ngại không còn là điều mình quan tâm.