Tóm tắt bài giảng – Từ kệ 10
Cần hiểu Thực hành luyện tâm là thực hành như thế nào và luyện tâm là cần phải làm gì? Nếu không hiểu thì không thể thực hành được.
Thực hành Phật pháp theo thứ tự: nghe - hiểu - áp dụng thực hành mỗi ngày.
Triết học là các nội điển trong Phật giáo, là kinh luận. Nếu không có nhiều thời gian học hỏi thì không sao. Quan trọng là thực hành mỗi ngày.
Đệ tử gồm 3 hàng: hàng sơ căn (muốn có được hạnh phúc ở đời sau, ở cõi trời hoặc cõi người), hàng trung căn (muốn được giải thoát khỏi tất cả khổ đau của luân hồi), hàng thượng căn (muốn thành Phật để giải thoát cho tất cả chúng sinh).
Luyện tâm là thực hành để giải thoát cho bản thân và cho người khác. Mức độ cần thiết luyện tâm của 3 phạm vi:
- Đối với phạm vi nhỏ: hàng sơ căn mong cầu an lạc ở cõi trời và cõi người thì không nhất thiết phải luyện tâm.
- Phạm vi trung bình: hàng sơ căn mong muốn thoát đau khổ cõi luân hồi thì cần luyện tâm nhưng không cần quảng đại giống hàng đại thừa.
- Phạm vi lớn, hàng thượng căn muốn thành Phật thì nhất thiết phải luyện tâm quảng đại, rộng lớn mới có thể thành Phật và giải thoát tất cả chúng sinh.
Luyện tâm chủ yếu để đạt giải thoát cho mình, lớn hơn thì giúp người khác đạt giải thoát.
Luyện tâm quảng đại ở phạm vi lớn tức là luyện Tâm Bồ Đề. Hai cách luyện Tâm Bồ Đề: Luyện tâm theo Bảy Lớp Nhân Quả hoặc Hoán Đổi Ngã Tha. Luyện tâm ở văn bản Bánh xe vũ khí là luyện tâm nương theo cách hoán đổi ngã tha để giải thích, nhưng không có nghĩa là không cần học luyện tâm theo 7 lớp nhân quả. Cần nương theo cả hai cách để phát triển Tâm Bồ Đề.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, nghịch cảnh, những thử thách trong cuộc sống nhưng tâm vẫn không hề dao động, không có một chút bất an, khó chịu mà vẫn tìm thấy niềm an lạc trong chính hoàn cảnh đó, bước qua nghịch cảnh, khó khăn 1 cách nhẹ nhàng và thoải mái thì cách luyện tâm đã thuần thục, nhuần nhuyễn, đã có hiệu quả.
Mục đích của việc luyện tâm là để tâm trở nên vững vàng, không dao động trước mọi nghịch cảnh. Dù làm việc gì lợi cho bản thân hay lợi cho người khác đều có thể gặp phải những khó khăn, thử thách. Khi đó tâm vẫn điềm nhiên và thanh thản vượt qua những khó khăn đó. Đây là điều kiện, thước đo để đánh giá phép luyện tâm.
Nếu không đạt điều kiện đó thì sẽ không tiến bộ trong pháp hành. Nếu trong lúc thực hành bị phiền não, tức giận, tâm bị dao động không tập trung vào pháp hành giải thoát thì việc thực hành không tiến bộ được. Nên luyện tâm cần tập trung hoàn toàn vào pháp hành và không để nghịch cảnh dao động. Khi gặp những nghịch cảnh, khó khăn tâm vẫn thản nhiên, thanh thản tiếp tục giữ vững pháp hành tâm bồ đề. Như thế pháp hành ngày càng tiến bộ, nghịch cảnh càng được bỏ đi, đó là lợi lạc của việc thực hành luyện tâm.
Các văn bản thực hành luyện tâm hướng dẫn nhiều phương pháp luyện tâm trong từng nghịch cảnh, và cần thực hành lặp đi lặp lại nhiều lần để trở thành thói quen. Lúc đó tâm mới nhuần nhuyễn với pháp hành và lợi lạc mới dần dần đến.
Cần giữ được tính liên tục đến 1 lúc nào đó, pháp hành sẽ thấm nhuần vào tâm. Đến lúc gặp khó khăn ta có thể kiểm soát khó khăn và giữ tâm điềm nhiên, thanh thản vượt qua. Lúc đó pháp hành thực hiện giờ đã có tác dụng, ta có niềm tin vào pháp hành và thực hành ngày càng tiến bộ.
Giống như thức ăn, nếu chỉ nhìn và nghe người khác nói mà không ăn thì không cảm nhận được ngon và bổ. Nên muốn biết nó ngon bổ thế nào thì phải ăn. Khi đó mới cảm nhận được vị ngon, giúp cho cơ thể bổ dưỡng thì khi đó ta mới biết lợi lạc thật sự của món ngon bổ đó là gì. Khi đã trải nghiệm và thấy ngon bổ và tốt cho mình thì phát sinh nguyện vọng thêm cái ngon bổ nhiều hơn. Dần dần tâm muốn cái đó nhiều hơn. Đây là ví dụ tương tự cho thấy cần thực hiện pháp luyện tâm như vậy mới có thể hiểu và trải nghiệm lợi lạc của pháp luyện tâm.
Quan trọng nhất là tính liên tục, mỗi ngày cần suy đi nghĩ lại và thực hành liên tục các pháp luyện tâm mới thật sự mang đến lợi lạc cho mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, giữa lợi lạc của người khác và của ta thì ta thường nghĩ đến lợi lạc cho bản thân nhiều nhất. Trong 1 ngày, 90% thời gian ta nghĩ đến lợi ích bản thân, chỉ có 10% ta nghĩ đến lợi lạc cho người khác. Đương nhiên ta phải suy nghĩ đến lợi ích của bản thân để đảm bảo cuộc sống bền vững. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không hề nghĩ đến lợi ích của người khác thì cách sống đó rất có vấn đề.
Người trên thế gian thường nhìn vào một người thành đạt và khen họ tốt, không ai chê họ dở cả.
Nên ở luân hồi vốn chẳng hề tự chủ
Trong cõi luân hồi, dù làm gì cũng không chắc kết quả sẽ như mong muốn. Nếu cái gì cũng nghĩ cho bản thân thì có chắc kết quả sẽ như mong muốn, sẽ như mình nghĩ không? Đối với người chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ cho người khác thì với tâm chấp ngã như vậy cũng không chắc điều mình nghĩ sẽ được thành công. Họ sẽ không có được hạnh phúc lớn lao trong cõi luân hồi. Nếu bỏ tâm chấp ngã, bỏ thái độ chỉ coi trọng bản thân và nghĩ đến lợi lạc của người khác thì dần dần hạnh phúc càng lớn, càng nhiều hơn vì người khác thành công ta cũng vui.
Phát tâm tự nguyện khổ hạnh và lợi người
Cần bỏ cái tâm chỉ muốn vui cho bản thân, đó chính là chấp ngã. Thay vào đó, phát tâm tự nguyện khổ hạnh, giúp đỡ người khác thì sẽ có được hạnh phúc nhiều hơn. Trên đời này có rất nhiều người nghèo khó, nếu giúp cho tất cả những người này hết nghèo, có cuộc sống sung túc thì có phải là làm lợi người khác không? Ta phải khổ hạnh bao nhiêu để giúp tất cả người trên thế gian hết nghèo và sung túc. Ta có thể làm được chuyện đó không, việc này có thể xảy ra không? Phải suy nghĩ kỹ: khổ hạnh và lợi người cần phải làm như thế nào?
Trên đời này có rất nhiều người nghèo, người bệnh. Ta phải khổ hạnh để giúp cho tất cả người bệnh hết bệnh, người nghèo hết nghèo. Chuyện đó không thể xảy ra được. Vậy ta phải khổ hạnh bao nhiêu và như thế nào mới đúng là thực hành khổ hạnh lợi người?
Khi thành Phật rồi ta mới có khả năng giúp đỡ chúng sinh thoát đau khổ. Khổ hạnh ở đây là khổ hạnh để ta thành Phật, còn lợi người là ta dùng khả năng có được khi thành Phật để giúp đỡ chúng sinh thoát hết đau khổ. Phát tâm tự nguyện khổ hạnh và lợi người ở đây đang nói đến tâm bồ đề là tâm mong muốn thành Phật để giúp cho tất cả chúng sinh thoát hết đau khổ. Cố gắng hết sức để thành Phật và dùng năng lực trọn vẹn khi đã thành Phật để giúp bất kể chúng sinh nào đang đau khổ, thoát khỏi mọi đau khổ và được an vui.
Phát tâm tự nguyện khổ hạnh và lợi người ở đây chủ yếu nói về sự thực hành của bản thân: tịnh hoá ác nghiệp & tích lũy công đức.
Tịnh hoá ác nghiệp và tích lũy công đức là 2 việc chính yếu cần nỗ lực cố gắng. Chịu hết mọi gian khổ để làm việc này. Mục tiêu cuối cùng là để thành Phật, giúp cho tất cả chúng sinh thoát khổ. Trong quá trình cố gắng thành Phật nếu hữu duyên ta có thể giúp cho người bệnh nào đó hết bệnh và người nghèo nào đó hết nghèo thì rất tốt, giúp ta tích luỹ nhiều công đức. Nhưng không có nghĩa phải đi tìm hết tất cả người nghèo hay người bệnh để giúp. Khổ hạnh là cố gắng chịu đựng hết tất cả gian khó để thực hành tịnh hóa ác nghiệp và tích luỹ công đức để thành Phật và giúp tất cả chúng sinh thoát khổ. Từ đây đến lúc thành Phật nếu có duyên gặp ai đang đau khổ thì cố gắng giúp họ hết đau khổ. Đây chính là ý nghĩa chính của câu này.
Việc bố thí tài vật giúp cho người nghèo hết nghèo, nếu làm được thì rất tốt nhưng không có nghĩa phải bố thí hết tất cả. Bố thí nếu không có tâm từ bi thì cũng không giúp ta thành Phật. Cốt lõi của việc bố thí phải xuất phát từ tâm từ bi, muốn cho người kia hết khổ. Nếu mang tài vật của ta cho người kia kèm tâm bi thì mới có công đức. Những hành động bố thí như cho thức ăn, chỗ ở nếu thực hiện kèm theo tâm bi thì mới có nhiều công đức. Tâm bi là tâm muốn cho chúng sinh hết khổ và được an lạc chính là tâm từ. Tâm từ bi thể hiện qua những hành động cụ thể, làm lợi lạc người khác. Những hành động xuất phát từ tâm từ bi mới có công đức. Đối tượng của tâm từ và tâm bi phải là chúng sinh thì mới tích góp được công đức. ví dụ thấy cái nhà muốn cho cái nhà đẹp nên sơn lại. Việc sơn lại cái nhà cho nó đẹp không xuất phát từ tâm từ hay tâm bi nên không tạo công đức để thành Phật
Nên tâm từ, tâm bi phải hướng đến chúng sinh. Từ tâm từ, tâm bi đó dẫn đến hành động cụ thể giúp chúng sinh thoát khỏi khó khăn, đau khổ, có được an vui thì mới tạo ra công đức để thành Phật.
Đối tượng mang đến công đức là chúng sinh. Nhờ có chúng sinh nên ta mới có thể làm công đức, tích luỹ công đức để thành Phật. Cho nên phải làm lợi lạc cho chúng sinh, phải hướng đến tất cả chúng sinh thì mới có khả năng tích góp được công đức cực kì to lớn để thành Phật. Do đó phải coi trọng chúng sinh hơn bản thân.
Thực hành nhẫn nhục giúp tâm ta không dao động trước những hoàn cảnh gây khó chịu. Lợi chủ yếu giúp gia tăng lòng từ bi. Thực hành nhẫn nhục có liên hệ rất nhiều tới tâm từ bi: càng có lòng từ bi với chúng sinh thì càng có thể thực hành nhẫn nhục to lớn hơn.
Ví dụ ta có tâm từ bi và tình yêu thương rất lớn cho người nào đó thì khi người đó có làm sai trái làm ta có giận nhưng mức độ cơn giận sẽ nhỏ và không quá lâu. Tâm từ bi cũng quyết định rất nhiều đến việc ta có thực hành tốt nhẫn nhục hay không.
Theo thứ tự, phải có tâm từ, tâm bi mới phát triển tâm bồ đề. Tâm từ bi là nhân để phát triển tâm bồ đề. Nên phải nghĩ đến tất cả chúng sinh và phát được tâm bi đối với tất cả chúng sinh. Nếu chúng sinh có bao nhiêu đau khổ, mình sẽ cố gắng làm cho chúng sinh thoát khỏi những đau khổ này. Nghĩ như vậy ta mới có thể chịu đựng gian khổ để làm lợi lạc cho chúng sinh. Đó là tự nguyện khổ hạnh và lợi người. Trong quá trình chịu đựng gian khổ để thanh lọc ác nghiệp và tích luỹ công đức, ta sẽ không cảm thấy đó là gian khổ của ta và có thể chịu được những khổ hạnh to lớn để có thể thành Phật và làm lợi người. Đó là cách thực hành trong đoạn số 7.
Điều quyết định pháp luyện tâm ở đây chính là tâm bi. Nếu mỗi ngày có thể liên tục thực hành tâm bi thì dần dần tâm bi sẽ lớn lên. Nếu chỉ ngồi và nghĩ sẽ thương chúng sinh và giúp chúng sinh hết khổ thì sẽ không giúp được. Cần có lí do để phát triển tâm bi. Tại sao cần bi mẫn với chúng sinh, tại sao cần phải yêu thương chúng sinh. Nghĩ như thế sẽ phát triển tâm bi ngày càng lớn hơn.
Vì lợi cho ta mà làm tất cả mọi việc từ sáng đến tối. Nếu có người gây cản trở làm công việc của ta không thành công, lợi lạc bị thất thoát, ta sẽ cảm thấy khó chịu. Bây giờ hãy nghĩ cho người khác. Họ cũng nghĩ cho bản thân của họ, nếu ta hại họ hay cản trở thì công việc của họ cũng sẽ không thành công, lợi lạc bị mất mác và họ sẽ cũng khó khăn y như ta. Nghĩ như thế ta phát tâm muốn họ thành công, không gặp khó khăn nữa. Với cách suy nghĩ này ta dùng lí do, nguyên nhân để xây đắp tâm từ và tâm bi dần lớn lên một cách vững chắc.
Khi gặp ông bà cụ ở ngoài đường, nghĩ rằng ông bà cụ ấy đã từng là cha mẹ ta ở một kiếp nào đó, ta phát khởi tâm từ bi, đối xử ân cần, nói chuyện nhẹ nhàng, dễ nghe. Họ sẽ rất vui. Nếu có ai đó đối xử ân cần, tử tế, nói chuyện ngọt ngào, dễ nghe với ta chắc chắn cũng sẽ thích, người khác cũng y hệt như vậy. Đầu tiên phải có tâm từ tâm bi từ đó mới có những hành động xuất phát từ tâm từ tâm bi như thế gọi là thực hành từ bi. Thực hành luyện tâm phải có tâm từ bi, nghĩ rằng ta với chúng sinh y hệt nhau, không muốn khổ đau và muốn có hạnh phúc. Nên nếu chúng sinh đau khổ ta sẽ giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ.
Công đức không đến từ việc bố thí cho tiền của, vật chất nhiều hay ít cho người khác. Công đức đến từ việc ta thực hành bi mẫn với người khác. Nếu thấy người khác gặp khó khăn và ta cố gắng trong khả năng của mình giúp họ thoát khỏi khó khăn thì chính là thực hành từ bi. Nếu thực hành từ bi dựa trên tâm bi thì sẽ có nhiều công đức hơn bố thí của cải cho người khác.
Để thành Phật ta phải tích luỹ nhiều công đức và ta cần hiểu cách tích luỹ công đức như thế nào, cần phải có động cơ là tâm từ bi.
Công đức từ bố thí không nhất thiết phải là bố thí tài vật hay cúng dường mà xuất phát từ tâm bi.
Công đức đến từ việc chuyển tâm từ mong muốn lợi lạc cho bản thân sang mong muốn lợi lạc cho người khác, không đến từ việc mang của cải cho người khác.
Có nhiều phương pháp hoán chuyển tâm nhưng chính yếu vẫn dựa trên tâm từ và tâm bi đối với những người khác, từ đó tạo động lực cho ta hành động làm lợi lạc cho người khác. Từ đó phát sinh tâm bồ đề, mới có thể thành Phật.