Tóm tắt bài giảng - Kệ 1 - 4
Các pháp thực hành của Đại thừa nhằm đạt được Phật quả và làm lợi ích cho chúng sinh nên được gọi là luyện tâm trong khi các pháp thực hành của Tiểu thừa để trở thành Thanh văn, Duyên giác thì không gọi là luyện tâm.
Tập thể dục để có sức khoẻ tốt, cơ thể khoẻ mạnh cường tráng nhưng không có cách thể dục nào giúp thân cứng như đá và trường sinh bất tử. Luyện tâm có thể hoàn toàn dập tắt tâm tưởng xấu, không cho phát sinh đồng thời tăng trưởng tâm tưởng tốt đẹp, ngày càng mãnh liệt hơn. Bản chất của tâm vốn không xấu và cũng không thiện. Do thói quen tâm phát sinh tư tưởng xấu hay thiện nên thỉnh thoảng ta có suy nghĩ xấu, tốt. Càng nghĩ nhiều điều thiện ta sẽ có thói quen suy nghĩ nhiều điều thiện hơn nữa. Có những suy nghĩ xấu làm hại người khác, làm tổn hại bản thân. Có những suy nghĩ xấu bây giờ chưa làm hại mình nhưng sau này dần dần sẽ làm tổn hại bản thân. Và có những suy nghĩ tốt bây giờ chưa làm lợi lạc cho mình, nhưng trong tương lai sẽ làm lợi cho mình. Luyện tâm là từ từ loại bỏ những suy nghĩ xấu để nó không tổn hại mình và tăng trưởng những suy nghĩ thiện để làm lợi lạc cho mình. Khi thiện hạnh tăng trưởng đầy đủ mình sẽ đạt Phật quả. Một số người thường có suy nghĩ tiêu cực do thói quen trong quá khứ thường suy nghĩ xấu.
Thực hành luyện tâm ở đây là các pháp thực hành luyện tâm của Bồ tát. Tại sao đặt tựa là Bánh xe vũ khí nhắm đánh điểm yếu giặc thù? Vũ khí nói chung là công cụ dùng để hãm hại đả thương người khác. Luyện tâm là vũ khí đả thương tâm chấp ngã của mình. Tâm ái ngã là tâm làm tổn thương người khác.
Nguồn gốc của bản văn Bánh xe vũ khí luyện tâm này là do ngài Atisha. Ngài Atisha có 153 vị thầy, đạo sư của ngài tên Dharmaraksita (Pháp Hộ) đã truyền lại cho ngài, và ngài đã truyền lại cho đệ tử của mình là Dromtonpa. Đây là văn bản được các vị đạo sư phiên dịch ra.
Con xin đảnh lễ Tam Bảo
Bánh xe vũ khí nhắm đánh điểm yếu giặc thù.
Giặc thù là tâm chấp ngã, ái ngã của mình. Mình dùng vũ khí để tiêu diệt tâm chấp ngã. Tâm ái ngã là tâm xem bản thân quan trọng, chỉ chăm lo hạnh phúc của bản thân và bỏ mặc người khác. Việc chăm lo cho bản thân tuy không xấu nhưng trong lúc đang thực hành pháp Đại thừa của vị Bồ Tát - phát Tâm Bồ đề mong muốn làm lợi lạc chúng sinh - mà chỉ lo làm lợi cho bản thân, không làm lợi lạc cho chúng sinh khác sẽ gây trở ngại cho việc thực hành pháp, khó trở thành Bồ Tát. Do đó cần diệt tâm ái ngã chỉ lo cho bản thân. Cái tâm chỉ nghĩ cho bản thân không phải là xấu, như các vị Thanh văn và Độc giác phải có tâm này mới đưa bản thân thoát khỏi luân hồi. Nhưng khi đang thực hành pháp Đại thừa để thành Bồ Tát thì tâm ái ngã sẽ gây trở ngại và cần phải dẹp bỏ.
Có hai phương pháp Phát tâm Bồ Đề: Bảy lớp nhân quả và Hoán đổi Ngã Tha. Ở đây pháp thực hành luyện tâm dựa vào phương pháp Hoán đổi Ngã Tha - Cho Nhận.
Con xin đảnh lễ Hàng Diệm Ma Phẫn Nộ
1. Rừng độc ô-đầu, nơi khổng tước dạo quanh,
Hoa trái dược liệu đều tốt tươi đẹp quý
Nhưng loài khổng tước thật chẳng hề ưa thích
Lại sinh trưởng nhờ chất độc ô-đầu kia
Khổng tước: con công
Trái ô đầu: trái có chất độc
Con công ăn loại trái độc này cơ thể lại khoẻ hơn.
Ô đầu còn gọi là trái hữu tử. Những con vật khác ăn vào sẽ chết, nhưng con công bởi vì có cơ thể đặc biệt nên ăn vào thấy khoẻ hơn. Đây là hình ảnh ẩn dụ, mang ý nghĩa “các pháp thực hành của vị Bồ Tát, chấp nhận chịu đau khổ để làm lợi lạc cho chúng sinh”
Bồ Tát là chữ phiên âm, mang ý nghĩa là anh hùng, người hùng dũng có tâm kiên cường. Bồ tát là người có tâm vĩ đại, rất kiên cường.
2. Như thế, anh hùng đến với chốn luân hồi,
Hoa trái hạnh phúc tuy sung túc đẹp tươi
Các vị anh hùng thật chẳng hề bám chấp
Bồ-tát sinh trưởng ở chốn rừng đau khổ
Chữ anh hùng trong đoạn này nói đến Bồ Tát, các vị mang tâm bồ đề không nghĩ cho bản thân, không tìm giải thoát cho bản thân, mà mong muốn làm lợi lạc và giải thoát cho tất cả chúng sinh trong chốn luân hồi. Vì có động cơ và anh dũng như thế nên gọi là anh hùng trong chốn luân hồi. Các vị không bám chấp vào hạnh phúc, sung túc ở cõi luân hồi này, không tìm lợi lạc cho riêng mình mà chấp nhận khổ đau để giúp đỡ chúng sinh. Tâm này rất vĩ đại cao cả.
Người thế gian ít nghĩ đến những thứ đang sở hữu mà thường thắc mắc nghĩ đến chuyện tốt đẹp của người khác. Bồ Tát ngoài nghĩ đến chuyện tốt đẹp và đau khổ của người khác, không chịu nỗi khi nhìn thấy đau khổ của người khác. Bồ Tát không bám chấp vào sung túc của cõi luân hồi, luôn tìm cách giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Người thế gian không quan tâm đến đau khổ của người khác, khi gặp khó khăn thường thấy khó chịu và muốn đẩy lùi nó. Để làm lợi lạc cho chúng sinh, Bồ Tát không thấy khó chịu trước khó khăn. Tâm suy nghĩ chính yếu của Bồ Tát: mình sao cũng được miễn người khác có hạnh phúc không đau khổ.
Bồ-tát sinh trưởng ở chốn rừng đau khổ
Chấp nhận đau khổ để chúng sinh có hạnh phúc nên đau khổ như chất liệu khiến Bồ Tát sinh được phẩm hạnh trong chốn luân hồi.
3. Thế nên, hèn nhát chỉ chấp nhận hạnh phúc
Chính điều như vậy khiến đưa đến khổ đau
Các Bồ-tát ấy vốn chấp nhận khổ đau
Tâm anh dũng ấy khiến luôn được an lạc.
Đây là đoạn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng rất bổ ích.
Hèn nhát: người nhát gan, khó khăn một chút mà cảm thấy tổn thất hư hao nên rất sợ. Đối lập với hèn nhát là dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ. Thí dụ người hèn nhát gập bệnh tật, cảm thấy suy yếu nên rất sợ nhưng người dũng cảm dù biết bệnh tật làm mình mất mát về sức khỏe, cơ thể bị tổn thất nhưng vẫn kiên cường đương đầu trước khó khăn. Cùng vết thương, người hèn nhát biết vết thương sẽ làm mình đau nhưng không dám làm gì để trị vết thương, nhưng người dũng cảm dám đương đầu với chuyện đó để có thành tựu lớn lao. Hai người khác nhau ở chỗ suy nghĩ yếu kém với suy nghĩ cao cả.
Ai cũng muốn được an lạc sung túc, ăn món ngon, ở chỗ tốt đẹp thoải mái, công việc dễ dàng không trở ngại và sợ đương đầu với khó khăn. Do đã quen với sung túc, không muốn khó khăn nên không chịu nỗi khi gặp khó khăn dù nhỏ. Điều này do sức mạnh tinh thần yếu kém, bị nhục chí trước khó khăn nhỏ. Hèn nhát trước đau khổ và khó khăn nên chưa chắc là hạnh phúc, công việc khó thành công và dẫn đến khổ đau.
Các Bồ-tát ấy vốn chấp nhận khổ đau
Tâm anh dũng ấy khiến luôn được an lạc.
Chấp nhận khổ đau: chấp nhận khó khăn cho bản thân để người khác được tốt đẹp. Tâm không xem khổ đau là khó khăn của bản thân nên Bồ Tát luôn an lạc.
Thực hành pháp Cho-Nhận: khi người khác bị đau khổ bệnh tật, Bồ Tát suy nghĩ: mong cho bệnh tật của chúng sinh chín mùi trên tôi để chúng sinh có an lạc không bị bệnh tật hành hạ. Thầy kể chuyện: ngài Dromtonpa cầu nguyện cho bệnh tật của nhiều người sống gần chỗ Ngài chín mùi trên cơ thể Ngài, sau một thời gian cầu nguyện, bệnh tật của những người đó hết và trên cơ thể Ngài phát ra nhiều căn bệnh. Với tâm anh dũng, các vị Bồ Tát chấp nhận khổ đau của chúng sinh, can đảm cầu nguyện mong tất cả bệnh tật của chúng sinh chín mùi trên cơ thể của các vị để chúng sinh hết đau khổ và bệnh tật. Vì chăm lo chúng sinh nên Bồ Tát không nghĩ đến lợi lạc bản thân, chỉ nghĩ đến lợi lạc người khác miễn sao chúng sinh có hạnh phúc an lạc, do đó khi gặp khó khăn bệnh tật Bồ Tát vẫn an lạc hạnh phúc. Với suy nghĩ như thế, chúng ta thực hành để tăng trưởng tâm bồ đề trên con đường thực hành các pháp hành của Bồ Tát. Với người đã học xong Lamrim thực hành luyện tâm, khi gặp bệnh tật nên nghĩ là mình bệnh dùm cho chúng sinh. Nhờ mình bệnh mà chúng sinh không còn đau khổ. Rất tốt khi cầu nguyện như vậy, khó khăn của cơn bệnh trở nên có thiện hạnh.
Luyện tâm bồ đề theo phương pháp Hoán đổi Ngã Tha không đơn giản: thực hành nghĩ nhận hết đau khổ của người khác là điều không dễ lúc ban đầu, nhưng dần dần sẽ trở thành thói quen, ngày càng có sức mạnh tinh thần lớn. Cần nghĩ mình và người khác là giống nhau ở điểm ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Vì muốn làm lợi lạc cho chúng sinh nên khi chúng sinh làm điều tổn hại mình, nhờ nghĩ rằng: đây là cơ hội sẽ tịnh hóa các ác nghiệp đã tạo trong quá khứ nên sẽ chịu đựng được các khó khăn.
4. Giờ đây tham chấp như rừng độc ô-đầu
Anh hùng phải như khổng tước mới thuần phục
Hèn nhát như quạ chỉ mất mạng mà thôi
Tất cả khó khăn trong cõi luân hồi giống như chất độc ô-đầu, khổng tước như các vị Bồ Tát như các anh hùng nên mới thuần phục và chấp nhận khổ đau để có tâm an lạc, còn hèn nhát như quạ chỉ nghĩ đến bản thân, không chấp nhận khó khăn khổ đau thì mất mạng vì đau khổ vùi dập, phiền não quấy nhiễu không lúc nào an lạc, đi tìm an lạc hóa ra khổ đau. Bồ Tát hoàn toàn chấp nhận đau khổ, không nghĩ đau khổ là khuyết điểm nên lúc nào cũng được an lạc. Khi đói bụng mình cảm thấy rất khó chịu. Cần tư duy: phải xua tan tất cả đau khổ của chúng sinh nên mình chấp nhận mọi đau khổ. Làm sao phát sinh được tư tưởng đó? Tất cả chúng sinh đều đang, sắp sẽ chịu đau khổ do tạo nhiều ác nghiệp từ xưa trong luân hồi. Áp dụng phương pháp thiền quán và thiền chỉ để phát triển tâm bi – tâm mong muốn giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ. Hãy nghĩ: tại sao chúng sinh vẫn còn chịu đau khổ cho đến bây giờ? từ đó phát tâm mong chúng sinh thoát khổ. Phần luyện tâm bổ sung pháp thực hành Lamrim mà chủ yếu là tâm buông xã, tâm bồ đề và trí tuệ (Tánh không). Pháp luyện tâm giúp phát sinh Tâm Bồ Đề dễ dàng và nhanh chóng. Muốn phát Tâm Bồ Đề vì muốn thành Phật đề làm lợi lạc cho chúng sinh.