Tóm tắt bài giảng - Kệ 1 - 3
Bánh Xe Vũ khí Nhắm Đánh Điểm Yếu Giặc Thù được biên soạn bởi Hành giả vĩ đại Dharmaraksita (Pháp Hộ), sau đó truyền lại cho đệ tử là Ngài Atisa. Ngài Atisa cùng đệ tử dịch từ tiếng Sanskrit sang tiếng Tây Tạng và được biết rộng rãi với tên gọi Bánh Xe Vũ Khí Luyện Tâm.
Bánh Xe Vũ Khí Luyện Tâm lần đầu tiên được Việt dịch bởi Trần Gia Phong- Tsultrim Phong vào năm 2020. Đây là văn bản luyện tâm nổi tiếng trong truyền thống luyện tâm của Phật giáo Đại thừa.
Công trình phiên dịch được cúng dường lên Tôn sư Khangser Rinpoche. Thầy hoan hỉ chấp nhận và hứa khả ban chú giải tác phẩm này. Từ sự từ bi của Đạo sư, chương trình luyện tâm teo văn bản này được giảng dạy cho học viên Dipkar – Lamrim 21, hôm nay là buổi đầu tiên.
Con xin đảnh lễ Tam Bảo
BÁNH XE VŨ KHÍ NHẮM ĐÁNH ĐIỂM YẾU GIẶC THÙ
Con xin đảnh lễ Hàng Diệm Ma Phẫn Nộ
Hàng Diệm Ma Phẫn Nộ: ngài Yamantaka
1. Rừng độc ô-đầu, nơi khổng tước dạo quanh,
Hoa trái dược liệu đều tốt tươi đẹp quý
Nhưng loài khổng tước thật chẳng hề ưa thích
Lại sinh trưởng nhờ chất độc ô-đầu kia
Ô-đầu: thức ăn của con công trong rừng độc, là loại cây có chất độc.
Trong rừng có nhiều cây, hoa, quả tốt, thuốc quý nhưng con công chỉ ăn cây độc ô-đầu, món ăn ăn ưa thích của nó. Đây là ví dụ nói đến hình tượng của vị Bồ Tát.
2. Như thế, anh hùng đến với chốn luân hồi,
Hoa trái hạnh phúc tuy sung túc đẹp tươi
Các vị anh hùng thật chẳng hề bám chấp
Bồ-tát sinh trưởng ở chốn rừng đau khổ
Anh hùng: ám chỉ vị Bồ Tát đến chốn luân hồi làm công việc lợi sinh (làm lợi lạc cho chúng sinh). Chốn luân hồi có nhiều hoa trái tốt đẹp nhưng Bồ Tát không bám chấp vào hạnh phúc sung túc, chỉ hưởng dụng khổ đau trong luân hồi.
Câu đầu nói đến anh hùng làm hình tượng của Bồ Tát: nếu luyện tâm tốt, tâm nhuần nhuyễn rồi thì không cần là Bồ Tát, miễn sao tâm thuần phục ở nơi đau khổ thì đẫ trở thành vị anh hùng, không nhất thiết phải là Bồ Tát.
Lamrim nói đến khuyết điểm của luân hồi (đau khổ) và khuyên từ bỏ đau khổ của luân hồi, sám hối, tịnh hóa ác nghiệp.
Trong Bánh Xe Vũ Khí: pháp thực hành của Bồ Tát là dùng đau khổ của luân hồi làm chất liệu để sinh ra phẩm hạnh, để tâm được thuần phục, không chán nản thối chuyển – đây là cách luyện tâm. Giống như con công ăn chất độc của ô-đầu để sinh trưởng (trên thực tế con công có ăn chất độc hay không thì không liên quan đến tình huống này). Hình ảnh con công có ăn chất độc là ẩn dụ.
Theo quan điểm của Kim Cang thừa: không nói đến bản chất của đau khổ vì mọi bản chất đã thanh tịnh, không còn đau khổ như thanh tịnh của vị Bổn Tôn, thanh tịnh ở cõi Tịnh độ.
3. Thế nên, hèn nhát chỉ chấp nhận hạnh phúc
Chính điều như vậy khiến đưa đến khổ đau
Các Bồ-tát ấy vốn chấp nhận khổ đau
Tâm anh dũng ấy khiến luôn được an lạc.
Nếu biết cách chấp nhận khổ đau, cần sống chung với khổ đau, tìm cách khắc phục khổ đau đó thì tâm sẽ an lạc.
Người bình thường tâm yếu không chấp nhận khổ đau, sẽ tìm cách đẩy khổ đau đi, chỉ muốn hạnh phúc nên tâm hèn nhát ấy sẽ thấy đau khổ vì không chịu đựng được. Điều chính yếu: Nếu chấp nhận khổ đau sẽ luôn luôn an lạc, nếu không chấp nhận khổ đau sẽ gặp khổ đau nhiều hơn, càng gặp khó khăn nhiều hơn. Văn bản luyện tâm này sẽ hướng dẫn cách chấp nhận khổ đau một cách thông minh hơn. Nếu chấp nhận khổ đau làm hại bản thân là suy nghĩ cực kỳ ngu ngốc.
Đây là đoạn kệ rất quan trọng, cần học thuộc.