22-01-2014
2014

Khangser Rinpoche trao đổi với đại chúng tại tỉnh Đồng Nai, ngày 22/01/2014.

Ba Bước Sống An Vui

Khangser Rinpoche trao đổi với đại chúng tại tỉnh Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai, ngày 22/01/2014

 

Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu.

Như tôi đã nói lúc sáng, chiều nay chúng ta sẽ có một buổi thảo luận. Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Khi phải đối mặt với khó khăn và thử thách, có nhiều cách nhìn nhận vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thể giữ tâm an lạc và bình tĩnh để đối diện với khó khăn thử thách khi chúng xảy đến. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta không có hạnh phúc. Tôi sẽ chia sẻ với quý vị một vài bí quyết để đương đầu với khó khăn thử thách trong cuộc sống hàng ngày.

Khi một người đau khổ hoặc trải qua khó khăn về mặt tinh thần, sẽ có phản ứng sinh học xảy ra để đương đầu với chúng. Khi quý vị có chuyện không vui, nam giới và nữ giới phản ứng hoàn toàn khác biệt. Khi căng thẳng, hầu hết nam giới cố gắng giữ im lặng, còn nữ giới sẽ nói chuyện nhiều hơn. Đây là các phản ứng sinh học để đối phó với căng thẳng. Quý vị có thể thấy được điều này ở chính mình. Nói chung, quý vị cần phải hiểu làm thế nào để đối diện những vấn đề như vậy.

Tâm chúng ta luôn có những tư tưởng làm trỗi dậy nhiều nỗi bất an. Những tư tưởng này chính là việc nghĩ đi nghĩ lại về những điều không cần thiết. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ đơn giản. Tôi đang cầm cái bình. Nếu tôi cầm cái bình này trong suốt năm phút thì điều gì sẽ xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cầm nó suốt một giờ? Nếu tôi cầm nó suốt hai mươi bốn giờ thì như thế nào? Rất đơn giản, nếu cầm nó suốt hai mươi bốn giờ thì chắc chắn tôi phải vào bệnh viện. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng giống như vậy. Nếu hiện đang suy nghĩ về một vài điều quá lâu, chúng ta phải bỏ chúng đi. Giống như việc cầm một cái bình vậy, nếu chỉ cầm cái bình trong một phút rồi đặt nó xuống thì tay tôi sẽ không bị đau nhức nữa. Đôi lúc, quý vị có thể suy nghĩ những điều không cần thiết, nhưng sau một đến hai phút, quý vị phải biết cách loại bỏ chúng ra khỏi tâm mình. Nếu quý vị không biết cách loại bỏ chúng mà lại cưu mang chúng trong thời gian dài, chúng sẽ gây nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Về mặt lý thuyết, quý vị có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, thực tế thì hơi khó thực hiện một chút. Nếu quý vị biết được bí mật thì rất đơn giản. Đây không phải là môn khoa học về tên lửa, tôi đang nói những điều rất đơn giản.

Cuộc sống của quý vị đầy ắp những tư tưởng không cần thiết, những hoàn cảnh bất thuận; quý vị liên tục nghĩ về chúng. Tôi sẽ chia sẻ với quý vị một thí dụ đơn giản. Ở một trường đại học, có một cô gái trẻ đặt cho tôi một câu hỏi. Cô ta nói vừa chia tay với bạn trai và cô cảm thấy rất đau khổ. Tuy nhiên, vấn đề không phải là việc cô ta đã chia tay bạn trai, vấn đề nằm ở chỗ cô ta không thể loại bỏ những suy nghĩ về người bạn đó. Nếu quý vị có nhiều tư tưởng vốn không cần thiết phải nghĩ đến, nhưng lại để chúng chiếm lấy tâm trí mình, thì những tư tưởng này sẽ gây căng thẳng trong cuộc sống của quý vị. Khi tôi còn nhỏ, có một suy nghĩ luôn làm tôi không vui. Lúc nhỏ, nếu tôi chơi thua thì không những lúc đó mà đến hai ba ngày sau tôi vẫn cảm thấy không vui vì mình đã thua cuộc. Lý do là tôi cứ nghĩ về việc mình đã thua. Nếu quý vị nhìn vào đời sống hàng ngày, quý vị luôn nghĩ về quá nhiều điều không cần thiết, những điều mà quý vị không cần phải nghĩ đến. Do đó, trước tiên quý vị phải biết cách loại bỏ tất cả những suy nghĩ không cần thiết này.

Phương pháp rất đơn giản. Quý vị phải dành cho tâm mình thời gian rỗi. Điều quý vị cần làm là thay đổi đối tượng tập trung của tâm. Thay đổi đối tượng của tâm nghĩa là chuyển sự tập trung vào hơi thở. Bất cứ khi nào những suy nghĩ không cần thiết khởi lên trong tâm, hãy chuyển sự tập trung vào hơi thở và quán sát hơi thở trong vài phút. Trong cuộc sống, khi có thời gian rảnh rỗi, quý vị thường nghĩ về những điều không cần thiết. Nếu quý vị liên tục nghĩ về những điều không cần thiết mà không có biện pháp ngăn chặn thì theo thời gian, nó sẽ trở thành thói quen. Chúng ta cần thay đổi thói quen, do đó quý vị cần phải tập trung vào hơi thở. Pháp thiền này có nhiều tên gọi. Quý vị cần tập trung vào hơi thở, thở vào và thở ra. Đôi lúc, quý vị không thể tập trung vào hơi thở. Trong những lúc đó, quý vị hãy thở vào đếm một, thở ra đếm hai, thở vào đếm ba, thở ra đếm bốn…; cứ làm như vậy. Rất đơn giản, có phải không?

Tuy nhiên, điều quan trọng là quý vị phải áp dụng phương pháp này đúng lúc. Khi có những việc xảy ra khiến quý vị không vui, khi tâm quý vị không an lạc, quý vị đừng nghĩ ngợi gì, hãy tập trung vào hơi thở. Nỗi buồn của quý vị được kích hoạt bởi vài tư tưởng nào đó. Cũng giống như trường hợp của cô gái tôi vừa kể khi nãy, bất cứ lúc nào nghĩ đến người bạn cũ thì cô ta lại đau khổ. Đây chính là phương pháp thay đổi trạng thái hay chiều hướng của tâm. Bất cứ khi nào quý vị cảm thấy đau khổ hay bất an, hãy tập trung vào hơi thở trong vài phút. Đây là phương pháp rất đơn giản, có phải không?

Tôi vừa nói với quý vị về lý thuyết. Bây giờ chúng ta bước sang thực hành. Quý vị hãy nghĩ về một sự kiện nào đó khiến quý vị không vui, và chúng ta bắt đầu hành thiền. Tôi xin lỗi khi yêu cầu quý vị phải nghĩ về chuyện không vui, nhưng chúng ta cần có kinh nghiệm thực tế. Hãy nghĩ đến trường hợp có ai đó chửi mắng, la ó quý vị. Khi quý vị nghĩ như vậy thì điều gì xảy ra? Tâm quý vị sẽ nảy sinh cảm xúc không vui. Bất cứ khi nào cảm xúc không vui trỗi dậy trong tâm, quý vị hãy tức thì nhận diện rằng có một nỗi buồn xuất hiện trong tâm mình, rồi chuyển sang tập trung vào hơi thở và cố gắng quên đi nỗi buồn đó.

Như tôi đã nói, hôm nay chúng ta không nói về Phật pháp, mà chỉ làm vài thử nghiệm nội tâm. Ở trường học, học sinh có thể đã làm nhiều thí nghiệm hóa học. Hôm nay, chúng ta sẽ làm thí nghiệm trên tâm mình. Bây giờ, quý vị hãy nghĩ về những sự việc không vui của cuộc đời mình trong vài phút. Khi nghĩ như vậy, bất cứ lúc nào nỗi buồn nảy sinh trong tâm mình, quý vị hãy thay đổi đối tượng tập trung và chú tâm vào hơi thở, và đếm hơi thở. Quý vị có nắm rõ những hướng dẫn này không? Nếu có câu hỏi nào thì quý vị có thể hỏi. Tôi sẽ dành năm phút để thực hành. Khi tâm quý vị an lạc trở lại thì hãy tiếp tục thử thách tâm mình bằng cách nghĩ đến một tình huống không vui khác. Bất cứ khi nào quý vị cảm thấy không vui, căng thẳng hay tức giận, hãy cố gắng nhận diện rằng chúng đang trỗi dậy trong tâm mình, sau đó tập trung trở lại vào hơi thở. Một số việc khiến quý vị nổi giận, một số việc khác khiến quý vị sinh lòng đố kỵ. Bất cứ khi nào sân giận hay đố kỵ nảy sinh trong tâm, quý vị sẽ không vui. Khi đó quý vị hãy tập trung vào hơi thở và đếm một, hai, ba… Đến khi quý vị có thể điều phục được tâm mình, khi đó hãy nghĩ đến một việc không vui khác. Có một số sự việc khi nghĩ đến quý vị sẽ cảm thấy buồn, đặc biệt là việc mất người thân v.v... Bây giờ chúng ta bắt đầu thực hành.

[Đại chúng thực hành trong năm phút]

Bây giờ, tôi sẽ nói một vài điều. Khi hành thiền, một số người có thể mất tập trung, một số người không thể tập trung vào hơi thở và bắt đầu liên tục suy nghĩ đến những chuyện không cần thiết khác. Điều này không có gì sai cả, vì tâm chúng ta rất phức tạp. Tâm giống như một con khỉ. Khi lần đầu cố gắng luyện tâm, điều đó giống như cố gắng bắt một con khỉ, đặc biệt là một con khỉ điên. Luyện tâm cũng như huấn luyện một con khỉ. Vì vậy, nếu quý vị không thể tập trung được thì đó là việc rất bình thường. Điều quan trọng nhất là bất cứ khi nào quý vị cảm thấy buồn, nổi giận hay ganh tỵ, hãy cố gắng tập trung vào hơi thở. Nếu quý vị không tập trung vào hơi thở thì sẽ rất khó kiểm soát cảm xúc.

Con người có nhiều lối suy nghĩ khác nhau. Đối với nhiều người, khi đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống, họ luôn nghĩ đi nghĩ lại về những tình huống đó rất lâu dù biết rằng nghĩ như vậy cũng không có ích lợi gì. Đây là một nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ. Điểm thứ hai, để sống hạnh phúc thì điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được cơn giận. Khi nóng giận, quý vị sẽ cảm thấy bất an. Không chỉ riêng bản thân mình mà quý vị sẽ làm tổn hại đến hạnh phúc của cả gia đình. Do đó, để có hạnh phúc, quý vị phải phải cố gắng kiểm soát cơn giận.

Tôi sẽ nói cho quý vị một số bước kiểm soát cơn giận. Trước khi nói, tôi muốn biết một điều. Quý vị có thể cho tôi biết quý vị có thường xuyên nổi giận hay không? Mỗi ngày một lần? Mỗi tuần một lần? Mỗi tháng một lần? Hay hai lần trong một ngày? [Đại chúng trả lời “Mỗi ngày.” Sau đó có người trả lời “Không đếm được.”] Đây là điều đầu tiên quý vị cần kiểm soát để sống hạnh phúc. Rất nhiều người cảm thấy bất lực khi họ nóng giận. Họ cảm thấy cơn giận tự nhiên bộc phát và không thể nào loại bỏ nó. Điều đó không đúng. Sân giận không phải là bản chất của tâm. Nếu quý vị biết phương pháp, 100% có thể kiểm soát được sân giận. Có lần tôi đến một cửa hàng thú nuôi. Người chủ cửa hàng nói rằng ông ta có thể huấn luyện chó. Ông ta nói rằng nếu tôi đem con chó của tôi đến cho ông ta, ông ta có thể làm cho nó trở nên rất hung hãn. Khi đó tôi hỏi ông ta một điều, “Nếu tôi đem một con chó hung hãn đến thì ông có thể huấn luyện nó trở nên điềm tĩnh được không?” Khi tôi hỏi như vậy thì ông ta rất ngỡ ngàng. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn có thể làm được chuyện đó với tâm mình. Do đó, để sống hạnh phúc thì đầu tiên chúng ta phải kiểm soát sân giận. Có một câu nói, “Những người nổi giận không bao giờ có hạnh phúc.” Đôi khi, quý vị thấy rằng mình có thể nổi giận với những chuyện rất nhỏ nhặt. Tại sao điều này lại xảy ra? Lý do là chúng ta không kiểm soát được cơn giận của mình. Cơn giận lấn át chúng ta. Bây giờ, chúng ta phải vượt qua được cơn giận.

Có vài thủ thuật rất đơn giản. Bất cứ khi nào nổi giận, quý vị phải nhận biết rằng mình đang nổi giận. Quý vị phải tỉnh thức rằng mình đang nổi giận. Khi nổi giận, ngay từ thời điểm đầu tiên, quý vị đừng nói hay làm gì cả, mà chỉ cần nhắm mắt lại và hít thở sâu vài lần, và tập trung vào hơi thở. Lần đầu tiên sẽ khó khăn, lần thứ hai sẽ dễ hơn, và lần thứ ba sẽ càng dễ hơn nữa. Có một câu chuyện ở một bệnh viện, đó là bệnh viện tốt nhất Đài Loan. Nhiều năm trước, trong lần đầu tiên tôi đến bệnh viện đó, người ta dẫn tôi đi từ tầng trệt lên cầu thang. Tôi thấy ở tầng trệt có nhiều gian hàng mua sắm và quán cà phê. Những tầng trên là bệnh viện. Hôm đó tôi có buổi nói chuyện với các bác sĩ. Một vị bác sĩ hỏi tôi một câu. Cô ta nói rằng cô phải điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và đôi khi bị mất kiểm soát. Chúng ta hãy nghĩ xem, khi một vị bác sĩ mất kiên nhẫn thì làm sao có thể chữa trị cho bệnh nhân? Trong cuộc sống, nếu chúng ta không kiểm soát được cơn giận thì nó sẽ gây tổn hại nặng nề đến dường nào? Nó không chỉ làm quý vị tổn thương mà nó còn gây tổn hại đến hạnh phúc của cả gia đình mình. Do đó, rất đơn giản, bất cứ khi nào quý vị nổi giận, đừng làm gì cả, chỉ cần nhắm mắt lại, hít thở sâu và tập trung vào hơi thở. Đó là hai bước đầu tiên. Bước thứ nhất: nhận ra rằng mình đang nổi giận. Bước thứ hai: nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở, và đếm khoảng mười đến mười lăm hơi thở. Quý vị hãy cố gắng thực hành phương pháp này tối thiểu trong một tuần. Nếu thấy lợi lạc thì quý vị cứ tiếp tục thực hành. Nếu nó không mang lại ích lợi gì cho quý vị, hãy bỏ nó đi. Điều này rất đơn giản [Rinpoche cười].

Bước thứ ba, quý vị hãy nghĩ một điều trong tâm, “Khi nổi giận thì mình không thể nào hạnh phúc.” Bước thứ ba, quý vị cần liên tục tâm niệm rằng nổi giận không có ích lợi gì cả. Hãy luôn tự nhắc nhở rằng bất cứ khi nào nổi giận, cơn giận sẽ làm tổn thương chính bản thân mình. Khi chúng ta nổi giận một ai đó, cơn giận đó sẽ làm tổn thương quý vị nhiều hơn hay làm tổn thương kẻ thù của quý vị nhiều hơn? [Đại chúng trả lời “bản thân mình”]. Rất rõ ràng, cơn giận gây tổn hại cho quý vị nhiều hơn, nhưng quý vị vẫn nổi giận. Ở điểm này, chúng ta rất ngu ngốc. Dù biết rằng cơn giận làm chúng ta tổn thương nhiều hơn, nhưng chúng ta vẫn nổi giận. Khi đã kiểm soát được cơn giận thì quý vị mới có thể sống hạnh phúc. Sân giận là một trong những kẻ thù lớn nhất hủy hoại an lạc nội tâm của quý vị.

Đến đây, quý vị đã nắm rõ ý của tôi chưa? Đầu tiên quý vị phải loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết. Thứ hai là kiểm soát cơn giận. Thứ ba, quý vị phải làm sinh khởi suy nghĩ tích cực.

Tôi luôn nói một điều. Con người chúng ta có một vấn đề rất lớn trong tâm. Chúng ta chỉ thấy những gì mình không có hay đã đánh mất, chúng ta không bao giờ nghĩ đến những gì mình hiện có và đã đạt được. Do đó, bước thứ ba là làm sinh khởi nhiều hơn những suy nghĩ tích cực trong tâm. Suy nghĩ tích cực chính là nhìn vào những gì mình đã đạt được và tập trung vào những gì mình hiện đang sở hữu. Thông thường, người ta nghĩ rằng “Nếu tôi đạt được điều này hay điều kia thì tôi sẽ hạnh phúc.” Tuy nhiên, với lối suy nghĩ này, quý vị đang khiến cho hạnh phúc của mình trở nên đắt đỏ hơn. Quý vị cần phải học cách hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi, như vậy thì lúc nào quý vị cũng hạnh phúc. Tôi từng gặp một người đàn ông mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Ngày hôm sau, tôi đã nghĩ rằng mình không mắc phải chứng bệnh đó, và điều đó làm tôi hạnh phúc. Thực sự chúng ta có thể hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi, nhưng chúng ta chưa sẵn sàng để suy nghĩ như vậy. Do đó, quý vị phải làm sinh khởi thêm nhiều tư tưởng tích cực trong tâm.

Để làm sinh khởi suy nghĩ tích cực, quý vị phải nhìn vào những gì mình đã đạt được và hiện đang sở hữu. Chúng ta luôn nghĩ đến những thứ mình không có, vì chúng ta so sánh bản thân với người khác theo cách sai lầm. Khi quý vị không có quả táo, quý vị nhìn vào người đang có quả táo. Khi quý vị có một quả táo, quý vị lại so sánh với người có hai quả táo. Tâm chúng ta luôn nhìn vào những thứ mình không có, và so sánh theo cách như vậy. Khi quý vị có một quả táo, hãy nhìn những người không có quả táo nào. Khi quý vị không có bất kỳ quả táo nào, đừng nghĩ rằng mình là người duy nhất gặp phải vấn đề đó. Bất cứ khi nào gặp khó khăn trong cuộc sống, quý vị luôn nghĩ mình là người duy nhất phải trải qua khó khăn đó. Đừng nghĩ như vậy, vì trên thế giới có hàng triệu người đang gặp khó khăn. Hàng triệu người đang gặp những khó khăn còn tồi tệ hơn chúng ta. Cách suy nghĩ này đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều. Chính vì vậy, tôi đã bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Trong cuộc đời tôi, phiền não như sân giận trỗi dậy rất ít. Trước đây, tôi cũng từng là một tu sĩ rất nóng tính. Bước thứ ba là làm phát sinh suy nghĩ tích cực. Như tôi đã nói, để làm sinh khởi suy nghĩ tích cực, hãy nhìn vào những gì quý vị đã đạt được và đang sở hữu; đừng nhìn vào những gì quý vị không có. Đây là bước thứ ba. Quý vị rõ không?

Tôi sẽ dừng ở đây và dành khoảng 15 phút cho phần hỏi đáp.

 

VẤN ĐÁP

Hỏi: Nếu chúng ta ở trong nhà hoặc một nơi rất dễ để đối trị với cơn nóng giận thì không sao; nhưng nếu đang đi xe hoặc ở trong cơ quan, mỗi ngày chúng ta đều có những cơn nóng giận, chúng ta cố gắng kiểm soát theo ba bước thầy vừa dạy nhưng tiến hành hoài mà vẫn không kiểm soát được. Vậy phải làm sao khi thực hiện ba bước này mà vẫn không kiểm soát được cơn tức giận?

Rinpoche: Tôi sẽ kể kinh nghiệm của tôi khi đối mặt với cuộc sống. Khi đó, tôi ở Nam Ấn. Ở Nam Ấn có rất ít Phật tử nên chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn khi chung sống với nhiều người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một số sự việc đã xảy ra trong cuộc sống của tôi. Một ngày nọ, tôi đi ngang qua một quán rượu. Một người đàn ông say rượu đến trước mặt tôi, la hét và yêu cầu tôi vào quán rượu. Tôi chỉ phớt lờ ông ta và đi tiếp. Sau đó, người đó đuổi theo tôi và đến đứng trước mặt tôi. Ông ta la mắng tôi với thái độ rất tức giận, hỏi tại sao tôi lại phớt lờ ông ta. Tôi chỉ chắp tay lại, cúi đầu xuống và nói “Tôi xin lỗi.” Sau đó, người say trở nên bình tĩnh lại và bỏ đi. Do vậy, quý vị thật sự có thể làm những điều tương tự mà không gặp trở ngại nào.

Một dịp nọ, một việc đã xảy ra khi tôi vào thành phố để đến nhà sách. Ở đó, họ phát sách miễn phí. Đặc biệt, họ phát miễn phí sách bắt lỗi những tu sĩ Phật giáo. Các học trò của tôi nói rằng tôi không nên đến đó vì nội dung sách buộc tội tu sĩ Phật giáo. Nhưng tôi đã đến trước quầy phát sách đó và nói người ta đưa tôi một quyển sách. Tôi nhận quyển sách, chắp tay lại và cúi đầu trước người đó. Lúc đó, sắc mặt của anh ta thay đổi hoàn toàn, cách ứng xử của anh ta đối với tôi cũng thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống, có rất nhiều người không muốn hợp tác với chúng ta, nhưng ít nhất chúng ta phải cố gắng hợp tác với cảm xúc của chính mình. Đây là điều rất quan trọng.

Thật sự có rất nhiều khó khăn xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ cho một thí dụ đơn giản. Lần trước, tôi có chuyến đi từ Mông Cổ đến Ấn Độ. Ở Mông Cổ, thủ tục lên máy bay rất suôn sẻ. Bởi Mông Cổ là một quốc gia Phật giáo nên họ cho tôi vào cổng VIP. Nhưng khi tôi đến sân bay Ấn Độ, nhân viên sân bay cư xử với tôi khá gay gắt. Họ hỏi tôi ở lại Ấn Độ bao lâu. Tôi trả lời là tôi không chắc. Khi đó nhân viên hải quan nói với tôi, “Ông không biết ông ở lại bao lâu thì ông đến đây làm gì?” [Rinpoche cười]. Những lời nói như vậy không làm tổn thương tôi. Tôi vẫn không mất kiên nhẫn và vẫn tôn trọng ông ta. Đó chỉ là một bài tập nhỏ. Nếu lúc đó tôi nổi giận thì tôi không giúp được gì cho mình, và cũng không có ích lợi gì cho ông ta. Thật sự điều này khó, nhưng khi cố gắng thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ hơn.

Trong cuộc đời Đức Phật, một số người đã nhổ vào mặt Phật nhưng Ngài vẫn mỉm cười. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ đến pháp hành này như chuyện thần thoại. Nhưng khi tôi thực hành thì thấy rằng đó không phải là chuyện thần thoại nữa. Tôi đảm bảo rằng nếu quý vị thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ thực hiện hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi. Nếu có thể thay đổi được như vậy thì cuộc sống của quý vị sẽ thay đổi rất nhiều, nhất là đời sống nội tâm.

 

Hỏi: Thứ nhất, đôi lúc chúng ta không có cơ hội để đối thoại với những người làm cho mình tức giận như trong ví dụ của thầy để giải tỏa cơn giận. Thứ hai, chúng ta đã biết rất nhiều về lý thuyết và đã áp dụng trong thời gian dài; dù vậy trên thực tế phần lớn chúng ta vẫn không loại bỏ được những cơn tức giận hay căng thẳng trong cuộc sống. Khi đó chúng ta cần làm những gì?

Rinpoche: Trước hết, tôi không nói rằng khi áp dụng ba bước này, quý vị hoàn toàn không còn nóng giận nữa. Áp dụng ba bước này sẽ giúp quý vị giảm thiểu nóng giận. Đầu tiên, khi áp dụng quý vị phải đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 10% sân giận. Giảm được 10% đã là một thành công rất lớn. Đây là mục tiêu đầu tiên quý vị cần đặt ra. Khi áp dụng ba bước này, tôi không nói quý vị có thể hoàn toàn loại bỏ sân giận 100%. Nếu quý vị loại bỏ được sân giận 100% thì quý vị đã thành Phật rồi. Điều đó cần rất nhiều thời gian. Quý vị phải đặt mục tiêu giảm được 10%, 20% rồi 30%. Ít nhất trong một tháng quý vị phải đạt được mục tiêu giảm 10% sân giận. Quý vị nói rất đúng, trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều tình huống khiến chúng ta nổi giận. Nhưng điều chúng ta cần xem xét lúc này là làm thế nào để giảm bớt sân giận. Đó là tất cả những gì chúng ta cần làm. Nếu không giảm được 100% thì ít nhất hãy cố gắng giảm 10%. Đó là mục tiêu của chúng ta. Với kinh nghiệm của tôi, tôi cảm nhận rằng tôi đã có thể giảm 60% nóng giận. Nếu ai đã giảm nóng giận 100% thì người đó đã thành Phật rồi. Do đó, tôi chúc quý vị thành Phật càng sớm càng tốt.

 

Hỏi: Việc tập trung vào hơi thở cũng giống như chúng ta chọn một đối tượng khác, phớt lờ những vấn đề làm chúng ta tức giận. Khi có quá nhiều cơn tức giận đến, chúng ta áp dụng phương pháp này thì lâu dần cơn giận bị dồn nén, trở thành một quả bóng bị đè trên nước, đè càng sâu quả bóng bật càng mạnh và xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Nếu chúng ta không làm chủ được cơn tức giận, không hóa giải được nó bằng cách nhìn ra bản chất của nó và bản chất chúng ta là ai trong vũ trụ này thì đây cũng chỉ là những phương pháp đuổi hình bắt bóng. Vậy ngoài những phương pháp Thầy đã dạy thì cần làm gì để chúng ta nhận ra được bản chất đó trong mỗi người?

Rinpoche: Đầu tiên, bạn nói đúng rằng khi đè quả bóng càng sâu vào nước thì quả bóng bật lại càng mạnh. Ở đây, khi thực hành kiểm soát cơn giận, bạn không nên dồn nén nó như đè quả bóng xuống nước. Chúng ta đang nói về phương pháp chặt đứt gốc rễ của cơn giận. Khi quý vị dồn nén cơn tức giận thì chắc chắn sau đó nó sẽ bùng nổ. Ở đây, chúng ta đang cố gắng chặt đứt gốc rễ của cơn giận. Khi tức giận, điều quý vị cần làm là thay đổi đối tượng tập trung của tâm. Khi có ai đó nói năng thô lỗ với quý vị, quý vị sẽ tức giận. Lý do chính khiến quý vị nổi giận là quý vị suy nghĩ đến những lời mắng chửi đó. Khi quý vị thay đổi sự tập trung vào đối tượng khác, ví dụ như hơi thở, cơn tức giận sẽ tan biến. Đây không phải là đè nén cơn giận. Nếu khi nổi giận, quý vị cứ nghĩ về cơn giận, tập trung vào nó và cố đè nén nó, đó là cách đối trị rất tệ hại. Nhiều bác sĩ nói rằng tức giận là một cảm xúc tiêu cực mà chúng ta nên giải tỏa chúng. Nếu quý vị nổi giận, và la hét để giải tỏa cơn giận, đó là một biện pháp rất nhất thời. Một lần nữa, khi cơn giận này qua đi thì cơn giận khác sẽ đến. Sân giận giống như một chứng bệnh, nó sẽ ngày càng trầm trọng. Do đó khi nhìn vào cơn giận, quý vị phải cố gắng giảm thiểu chúng. Để giảm thiểu những cơn nóng giận thì cần thực hành những bước như tôi đã trình bày. Bất cứ khi nào nổi giận, nếu quý vị cố gắng đè nén nó thì cũng giống việc đè một quả bóng xuống nước. Kìm nén cơn giận là điều hoàn toàn khác. Chúng ta phải nhìn nhận theo hướng giảm thiểu nó, chứ không phải kìm nén.

 

Hỏi: Nếu trong nhà thờ Phật mà lại không ăn chay trường thì có lỗi gì không? Thờ tượng Phật trong nhà có ý nghĩa gì?

Rinpoche: Nếu quý vị không ăn chay trường được thì không sao, không có vấn đề gì cả. Nếu quý vị không ăn chay thì vẫn giữ được tượng Phật trong nhà. Không có lỗi lầm gì cả. Giữ tượng Phật trong nhà thì chúng ta sẽ nhận được sự gia trì từ chư Phật. Đây là điều kỳ lạ nhưng lại có thật. Chúng tôi đã làm nhiều cuộc thí nghiệm bằng cách gia trì vào nước và cơm, sau đó xem xét sự khác biệt. Có sự khác biệt giữa cơm đã được gia trì và cơm không được gia trì. Rất đơn giản, tôi sẽ nói cho quý vị. Chúng tôi đã cho cơm vào trong hai cái chén. Một chén chúng tôi tụng thần chú gia trì vào cơm. Chén kia chúng tôi không làm gì cả. Chúng tôi nhận thấy rằng cơm trong chén không được gia trì đã hỏng sớm hơn rất nhiều. Kết quả cho thấy sự khác biệt giữa các chén cơm. Quý vị cũng có thể thử nghiệm trên rau. Một bên quý vị cầu nguyện, một bên không làm gì cả, sau đó quan sát xem rau nào phát triển tốt hơn.

Học trò của tôi đã kể tôi nghe một sự việc rất kỳ lạ. Anh ta cúng dường nước lên chư Phật, và theo truyền thống Tây Tạng thì mỗi buổi chiều sẽ phải lấy nước xuống. Anh ta đã dùng nước cúng dường tưới vào một chậu hoa. Chậu hoa khác anh ta dùng nước thường để tưới. Sau một thời gian, anh ta thấy sự khác biệt trong quá trình phát triển của hoa trong hai chậu. Đó là sự khác biệt rất rõ ràng, quý vị có thể thử. Do đó, nếu để tượng Phật trong nhà, quý vị có thể nhận được sự gia trì từ chư Phật. Chúng ta có thể thấy những phản ứng từ những đối tượng bên ngoài. Chúng tôi đã làm nhiều cuộc nghiên cứu khoa học như vậy và đều có ghi lại hình ảnh lại để minh chứng.

 

Hỏi: Tụng kinh Pháp Hoa mà lại chưa ăn chay được thì có lỗi không?

Rinpoche: Không có lỗi gì cả. Quý vị có ăn chay hay không, đó không phải là một vấn đề lớn. Nếu quý vị không ăn chay thì vẫn cứ thưởng thức món ăn của mình. Nếu quý vị ăn chay thì cũng tận hưởng món ăn của mình. Khi Đức Phật giảng pháp, Ngài chỉ nói không được sát sanh, Ngài không nói không được ăn thịt. Vì vậy, với việc tụng kinh hay trì chú, ăn chay hay không ăn chay đều không quan trọng.

 

Hỏi: Có thầy nói tụng chú Đại Bi ở nhà là không nên. Tụng chú Đại Bi hằng ngày mà chưa ăn chay có lỗi gì không?

Rinpoche: Không có lỗi gì cả. Ở Tây Tạng, tất cả đều tụng chú Đại Bi nhưng 95% người dân Tây Tạng không ăn chay. Ở Tây Tạng có một câu nói, “Nếu sinh ra là người Tây Tạng thì không cần ai dạy bạn chú Đại Bi, bởi vì bạn đã biết chú Đại Bi ngay từ khi được sinh ra.” [Rinpoche cười] Ở Tây Tạng, nhà nào cũng tụng chú Đại Bi nên không ai cần phải học, họ được ảnh hưởng từ môi trường xung quanh nên tự nhớ. Chín mươi lăm phần trăm người Tây Tạng không ăn chay. Do đó, quý vị cũng đừng lo lắng về vấn đề này.

Hỏi: Thầy nói dù ăn chay hay ăn mặn thì cứ thưởng thức món ăn của mình. Nhưng con nghĩ nên thêm vào một ý nữa là dù không ăn chay nhưng cũng nên giảm bớt việc ăn thịt. Bởi vì nếu chúng ta ăn thịt thì trên thị trường người ta cũng giết những con vật để cung cấp thịt. Vấn đề ăn thịt cũng làm hại đến sức khỏe chúng ta.

Rinpoche: Bạn nói rất đúng là cần phải giảm bớt việc ăn thịt. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tôi đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Bởi Việt Nam có truyền thống Phật giáo mạnh mẽ nên tôi có thể nói trên quan điểm Phật giáo một cách thoải mái và cởi mở, không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu tôi nói trên quan điểm đạo Phật tại những nơi khác, tôi sẽ đi ngược lại quan điểm của họ. Tôi tôn trọng tất cả mọi truyền thống, mọi tôn giáo. Những điều bạn nói rất đúng, ăn chay và giảm ăn thịt là điều rất tốt. Trên phương diện sức khỏe, ăn chay hay ăn ít thịt cũng là điều rất quan trọng. Nhưng nếu tôi nói quá nhiều về việc đừng ăn thịt, hãy ăn chay thì đôi khi tôi đi ngược lại những truyền thống khác. Một số truyền thống cho rằng động vật được sinh ra để làm thức ăn cho con người; nếu tôi nói họ đừng ăn thịt thì đã đi ngược lại quan điểm của họ. [Người hỏi nói: “Thật ra con không có ý chống lại những người ăn thịt. Con chỉ muốn dừng việc giết hại động vật để duy trì, nuôi dưỡng môi trường sống.” Rinpoche nói: “Điều này rất tốt”].

Cảm ơn quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 09/03/2014.