17-03-2015
2015

Khangser Rinpoche giới thiệu ngắn về Phật pháp tại chùa Khánh Long.

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2015.

Pháp thoại của KHANGSER RINPOCHE

GIỚI THIỆU NGẮN VỀ PHẬT PHÁP

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2015

 

Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị. Tôi xin lỗi rất nhiều vì tôi đến trễ và đã để quý vị chờ lâu. Tôi xin lỗi rất nhiều. Tôi bị kẹt lại trong một buổi họp và đã không thể đến đúng giờ. Một điều nữa là nếu quý vị thấy trời nắng quá thì có thể đổi chỗ ngồi. Tôi cảm thấy lo lắng một chút. Quý vị có thể đổi chỗ ngồi. Nếu quý vị cảm thấy lạnh thì ngồi dưới nắng lại rất tốt [Rinpoche và đại chúng cười]. Trong chương trình hôm nay, tôi nghĩ tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn về Phật pháp, và sau đó chúng ta tiến hành lễ hỏa tịnh [cúng lửa].

Nói chung, đạo Phật nói về hai điểm: trí tuệ và từ bi. Đạo Phật nói về từ bi và trí tuệ, và đây cũng là phương pháp hướng dẫn chúng ta phải sống như thế nào. Thông thường tất cả mọi người trong cuộc sống hàng ngày đều truy tìm hạnh phúc và an lạc; đồng thời chúng ta cũng muốn trở thành người tốt. Chính vì vậy, đạo Phật nhấn mạnh hai điểm: từ bi và trí tuệ. Chúng ta cần phải biết cách thực hành từ bi và cách thực hành trí tuệ, và phải biết đâu là lợi lạc của việc thực hành từ bi và trí tuệ. Đôi khi, chúng ta quên đi giá trị của lòng từ bi trong cuộc sống vì có nhiều lúc chúng ta quá ích kỷ. Chúng ta đang trở nên ngày càng ích kỷ và dần dần chúng ta quên đi giá trị của lòng từ bi. Quý vị trở nên ích kỷ vì quý vị chỉ đang mong cầu hạnh phúc cho bản thân. Khi cố gắng truy tìm hạnh phúc cho bản thân, quý vị trở nên ích kỷ và quên mất hạnh phúc của người khác. Nhiều khi chúng ta ích kỷ đến nỗi quên cả lợi lạc và hạnh phúc của chính gia đình mình.

Một điểm khác nữa, chúng ta không hiểu rằng lòng từ bi là suối nguồn của hạnh phúc. Tôi sẽ cho một ví dụ rất đơn giản. Khi được sinh ra, chúng ta ra đời không theo một tôn giáo nào. Thậm chí khi chào đời chúng ta cũng không có bất cứ một cái tên nào. Khi chào đời, chúng ta không theo tôn giáo nào cả, và chúng ta cũng không có tên. Tuy nhiên, từ thời khắc đó cho đến tận hôm nay, chúng ta đã sống sót nhờ tình thương yêu của cha mẹ và tình thương yêu của người khác. Chúng ta vẫn có thể tồn tại mà không theo bất cứ tôn giáo nào; nhưng nếu không có tình thương và lòng bi mẫn từ người khác thì rất khó để chúng ta sinh tồn. Quý vị cần tình yêu thương từ chồng và vợ mình, tình yêu thương từ con cái, và cũng cần tình yêu thương của bè bạn. Làm sao để chúng ta có được tình yêu thương đó? Rất đơn giản: Chúng ta phải thương yêu họ. Khi yêu thương họ thì quý vị sẽ nhận được tình thương yêu từ họ. Nếu nhìn vào một con chó, khi quý vị chăm sóc và thương yêu nó thì nó sẽ thương yêu quý vị. Tôi từng gặp vài người, họ kể rằng khi chung sống với thú nuôi như chó hoặc mèo, thú nuôi chính là bạn thân thiết nhất của họ. Bây giờ thì thú nuôi đã trở thành bạn thân nhất của con người bởi không có ai là bạn thân của họ cả. Những gì đang diễn ra trong cuộc sống là chúng ta quá quan tâm đến lợi ích cá nhân, và dần dần chúng ta mất rất nhiều bạn mà lại không biết. Lòng từ bi là suối nguồn để gắn kết bạn bè với quý vị và để có được tình thương yêu từ bạn bè.

Ở khía cạnh thứ hai, đạo Phật nói về trí tuệ. Đạo Phật luôn khuyến khích mọi người phân tích nhiều hơn nữa; đó là trí tuệ. Đạo Phật luôn nói rằng nếu quý vị tin vào một điều gì đó, hãy chỉ tin tưởng qua kinh nghiệm về việc đó, thông qua phân tích và thử nghiệm. Đây là một ý tưởng rất khoa học mà đạo Phật luôn nói. Nhìn vào khía cạnh trí tuệ thì đạo Phật và khoa học rất tương đồng, vì khoa học cũng chỉ tin vào sự thật sau khi đã tiến hành thí nghiệm, phân tích và có chứng cớ. Tất cả những điểm giáo lý thực hành về vô thường hay tánh không, Đức Phật đều luôn giảng giải qua chứng cớ và phân tích để chứng minh. Do đó, với trí tuệ của Đức Phật, Ngài luôn dạy chúng ta phải biết phân tích. Tôi sẽ kể một câu chuyện để quý vị thấy phải phân tích như thế nào.

Có một cô gái trẻ. Cha của cô ấy qua đời và mẹ của cô bị bệnh nặng. Điều kiện sống của cô ấy rất nghèo nàn. Cô phải mua thuốc cho mẹ nhưng lại không có tiền. Vì thế cô viết thư gửi Thượng Đế. Cô viết thư cho Thượng Đế cầu xin Ngài cho cô 10 đô-la để mua thuốc cho mẹ. Thư của cô được chuyển đến bưu điện, nhưng nhân viên bưu điện không thể nào chuyển thư đến Thượng Đế. Họ rất bối rối nên đã mở thư ra để xem. Họ xem thư và rất buồn về nội dung lá thư. Các nhân viên bưu điện quyên góp được 8 đô-la và họ gửi cho cô gái. Khi nhận được 8 đô-la, cô rất vui và viết lá thư thứ hai. Trong lá thư thứ hai, cô viết: “Gửi Thượng Đế! Con cảm ơn Ngài đã gửi cho con 8 đô-la, nhưng lần sau xin Ngài đừng gửi tiền qua bưu điện nữa vì những người ở bưu điện đã lấy của con 2 đô-la.” [Rinpoche và đại chúng cười] Chúng ta cũng đang làm những điều ngu ngốc tương tự như thế. Chúng ta cũng đang nhiều lần viết những lá thư như vậy cho Đức Phật. Đức Phật đã dạy rất nhiều giải pháp cho cuộc sống, nhưng chúng ta lại không áp dụng những giải pháp đó. Đức Phật đã dạy rằng trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, để đương đầu với những khó khăn thử thách đó thì trước hết chúng ta phải tận dụng khối óc của mình. Đó là điều Đức Phật gọi là trí tuệ. Đức Phật luôn dạy và khuyến khích mọi người hãy phân tích nhiều hơn, hãy sử dụng trí tuệ nhiều hơn nữa.

Từ bi và trí tuệ phải luôn được kết hợp với nhau. Nếu quá từ bi nhưng lại thiếu khôn ngoan thì quý vị sẽ bị người khác lợi dụng. Nếu quá thông minh nhưng lại không có lòng bi mẫn thì quý vị sẽ trở thành kẻ lợi dụng người khác. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy từ bi và trí tuệ là hai phương tiện phải được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Khi khó khăn và nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống, chúng ta phải tư duy và tìm giải pháp. Để tìm giải pháp, chúng ta cần trí tuệ. Để có trí tuệ, chúng ta phải tiến hành phân tích. Thông qua phân tích chúng ta sẽ đạt được trí tuệ. Từ bi và trí tuệ là hai điểm thực hành chính trong đạo Phật.

Trong cuộc sống của chúng ta, đôi lúc có rất nhiều điều xảy ra vượt ra ngoài mọi sự lý giải. Đôi khi, có những chuyện xảy ra trong cuộc sống mà chúng ta không sao giải thích được. Có một câu chuyện nổi tiếng về một sự kiện xảy ra trong quá khứ. Câu chuyện xảy ra ở một công ty Mỹ, vào khoảng 80-90 năm trước, khoảng năm 1930. Câu chuyện kể về việc Rockefellers mua lại một công ty khai thác dầu bị phá sản. Ban đầu công ty của Rockefellers không phải là công ty dầu mỏ. Lúc đó, công ty kia khoan dầu nhưng không tìm ra mỏ dầu. Họ ngừng khoan và tuyên bố không có mỏ dầu. Khi đó, chủ công ty bán công ty cho Rockefellers. Khi Rockefellers mua lại công ty đó, họ đào sâu thêm 1 mét nữa và đã tìm được mỏ dầu. Quý vị có thể gọi sự việc này bằng nhiều tên. Quý vị có thể gọi đó là “vận may.” Câu hỏi này vẫn còn tồn tại: Tại sao chỉ cần đào sâu thêm 1 mét nữa thôi nhưng công ty kia lại thất bại? Nếu họ đào sâu thêm 1 mét nữa thì họ sẽ trở thành một công ty dầu giàu có, vậy làm sao mà họ lại thất bại? Làm sao có thể thất bại khi chỉ cần đào sâu thêm 1 mét nữa thôi?

Đôi khi, trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều điều vượt ra khỏi mọi sự lý giải vì sao chúng lại xảy ra. Theo quan điểm Phật giáo, đó chính là nghiệp. Cơ chế vận hành của nghiệp vượt ra khỏi mọi lý lẽ của chúng ta. Hôm nay, chúng ta tiến hành lễ hỏa tịnh đặc biệt để tịnh hóa và tiêu trừ ác nghiệp. Tuy nhiên, tôi không nói rằng sau buổi lễ hỏa tịnh này, 100% ác nghiệp của quý vị sẽ được tiêu trừ. Tôi không nói như thế. Phép mầu chẳng thể nào xảy ra. Ít nhất nó sẽ giúp giảm thiểu ác nghiệp; nhưng sau buổi lễ này không thể nào 100% ác nghiệp sẽ được tịnh hóa. Không phải như vậy.

Tôi sẽ tiến hành nghi lễ, và về phía quý vị việc cầu nguyện cũng rất quan trọng. Khi chữa bệnh, bác sĩ sẽ cho thuốc. Tuy nhiên, bản thân quý vị phải uống thuốc đúng liều, phải hợp tác với bác sĩ. Tương tự, nghi lễ này cần sự hợp tác từ cả hai phía. Tôi sẽ tụng bài cầu nguyện, và quý vị cũng phải cầu nguyện tiêu trừ ác nghiệp của bản thân và của gia đình mình. Quý vị cũng cần viết tên những người cần cầu an và tên những người cần cầu siêu vào hai tờ giấy khác nhau. Chúng ta sẽ cầu nguyện tiêu trừ ác nghiệp cho những người còn sống và những người đã mất. Từ phía quý vị, quý vị phải cầu nguyện. Tôi cũng sẽ cầu nguyện, và sự hợp tác từ hai phía sẽ giúp tịnh hóa ác nghiệp của quý vị. Tịnh hóa ác nghiệp sẽ giúp quý vị tiêu trừ chướng ngại. Đó là điều quan trọng nhất. Bây giờ chúng ta sẽ nghỉ giải lao một chút, chúng tôi sẽ chuẩn bị lễ hỏa tịnh và sau đó sẽ bắt đầu. Quý vị hãy ghi tên những người còn sống và những người đã mất.

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @13/04/2015

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.