Khangser Rinpoche chia sẻ Ý Nghĩa Cuộc Sống với quý Doanh nhân Phật tử và Thiện Tri Thức cho chương trình Chất Lượng Cuộc Sống tại nhà hàng chay Mandala.
TP.HCM, ngày 28 tháng 02 năm 2015.
Pháp thoại của Khangser Rinpoche:
Ý Nghĩa Cuộc Sống
TpHCM, ngày 28 tháng 02 năm 2015
Trước hết, tôi cảm ơn tất cả quý vị và Chúc Mừng Năm Mới!
Chương trình ở Nhà hàng chay Mandala ngày hôm nay không liên quan đến tôn giáo. Ở Nhà hàng chay Mandala quý vị thường hay có những chương trình tôn giáo, nhiều buổi Pháp thoại diễn ra. Hôm nay, đề tài không liên quan đến tôn giáo. Khi nghe quá nhiều vấn đề về tôn giáo, quý vị có thể bối rối. Quý vị có thể chán khi một vấn đề cứ lặp đi lặp lại theo nhiều cách khác nhau. Hoặc là quý vị chán, hoặc quý vị sẽ bối rối. Hôm nay, đề tài không phải là vấn đề về tôn giáo.
Một dịp nọ, tôi được mời đến một trong những thành phố lớn nhất Ấn Độ là thành phố Chennai ở miền Nam Ấn. Ở đó có một hiệp hội được gọi là Hiệp hội Vật lý Lý thuyết. Tôi được mời đến để nói về Phật giáo. Một số người nói với tôi là hiệp hội đó mời nhiều vị thầy đến từ mọi truyền thống: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo,… Họ nghe tất cả vị thầy giảng nói, và cuối cùng các thành viên của hiệp hội đó đều bối rối. Một điều thú vị là nếu quý vị nhìn lại 2500 năm trước, vào thời Đức Phật tại thế, Ngài chỉ nói một vài câu và người nghe nhờ đó được giải thoát. Quý vị từng nghe nói về thầy Xá Lợi Phất (Sariputra) chưa? Thầy Xá Lợi Phất được giải thoát nhờ một câu nói của Đức Phật. Đức Phật đã nói, “Mọi hiện tượng là kết quả của nguyên nhân. Ai tránh được nhân thì người đó sẽ tránh được quả.” Tôi thích một câu nói của nhà bác học Einstein. Einstein đã nói, “Nếu một người không thể giải thích vấn đề cho bạn một cách thật đơn giản thì chính người đó cũng chưa hiểu rõ về vấn đề đó.” Do đó, buổi nói chuyện của tôi ngày hôm nay rất đơn giản và không liên quan đến tôn giáo. Quý vị hãy nhìn vào câu nói đã giúp Xá Lợi Phất giải thoát của Đức Phật: “Mọi hiện tượng là kết quả của nguyên nhân. Ai tránh được nhân thì người đó sẽ tránh được quả.” Điều thú vị là khi nghe câu nói này của Đức Phật, Xá Lợi Phất hoàn toàn không phải là một Phật tử. Lúc đó, Xá Lợi Phất còn là một học giả phi Phật giáo. Khi nghe được câu nói này, bỗng dưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn và Xá Lợi Phất được giải thoát. Điều này cho thấy rõ câu nói đó không liên quan đến bất cứ vấn đề tôn giáo nào, bởi nó có thể giải thoát cả người ngoài đạo Phật. Câu nói đó nói rằng mọi việc đều sinh khởi từ những nguyên nhân, ai có thể tránh được nguyên nhân thì người đó có thể tránh khỏi kết quả.
Quý vị đã xem đoạn phim tài liệu chưa? Chúng tôi đã tiến hành trong một bệnh viện. Nhiều người tham gia không phải là Phật tử, thậm chí họ không biết gì về tôn giáo. Tuy nhiên, họ đều gặp nhiều khó khăn như căng thẳng, lo lắng,…chứ không phải khó khăn về tôn giáo. Quý vị có thể thấy trong đoạn phim tài liệu, chúng tôi giới thiệu về thiền và yêu cầu người tham gia thực hành 20-30 phút mỗi ngày trong suốt 14 ngày; và quý vị cũng đã thấy kết quả sau 14 ngày.
Hôm nay tôi sẽ không bàn đến những gì người khác nói, hoặc nói về những điều Đức Phật đã dạy, mà tôi sẽ nói về kinh nghiệm của chính tôi, về những điều tôi đã khám phá. Khi tôi còn nhỏ, khoảng 8-11 tuổi, mỗi khi nghe Pháp tôi luôn cảm thấy rất chán. Vị thầy cứ lặp đi lặp lại những vấn đề như nhau, chẳng liên quan gì đến cuộc đời tôi [Rinpoche cười]. Khi tôi lên 11 tuổi, trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, họ bắt đầu dạy triết học. Lúc đó, tôi thật sự có hứng thú. Lý do chính làm tôi có hứng thú là trong giờ học triết, người học có thể đặt câu hỏi và cố chứng tỏ thầy mình nói sai. Chúng tôi có thể hỏi thầy mọi câu hỏi một cách rất cởi mở. Không chỉ hỏi một câu mà hỏi rất nhiều, hết câu này đến câu khác. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, tôi đã hỏi một vị thầy lớn tuổi một câu và vị ấy đã rất sửng sốt. Tôi nghĩ lúc đó tôi khoảng 10 hay 11 tuổi. Tôi hỏi vị ấy: “Làm sao để chúng ta, những người Phật tử, thấy được rằng chúng ta đang đi đúng đường? Biết đâu chúng ta đang đi sai đường từ thế kỷ này sang thế kỷ khác; biết đâu những truyền thống khác đang đi đúng đường? Làm sao chúng ta chắc chắn được đây? Chúng ta đang tự áp đặt rằng mình đang đi đúng đường chỉ bằng niềm tin của bản thân mà thôi.” Vị tăng lớn tuổi đó đã không trả lời tôi, ông ấy vô cùng sửng sốt nhìn tôi nhưng không trả lời. Tôi chắc rằng ông ấy nghĩ trong tâm, “Một đứa ngu! Làm sao mà nó có thể thành một vị Rinpoche được?” [Rinpoche cười] Thực tế thì ông ấy không có câu trả lời [Rinpoche cười]. Sau đó, tôi nhận ra rằng đúng đường hay sai đường không quan trọng, mà điều quan trọng là dù quý vị làm gì, quý vị phải thành công và đạt được kết quả. Khi thực hành Pháp mà không có kết quả hoặc bất cứ thay đổi nào, rất khó nói quý vị đang đi đúng đường hay sai đường. Một dịp nọ, tôi có buổi nói chuyện với thính chúng đến từ nhiều tôn giáo khác nhau. Có một người không theo Phật giáo hỏi tôi, “Nếu thầy phát hiện con đường Phật giáo là sai lầm, thầy sẽ làm gì?” Tôi đã trả lời anh ấy rất đơn giản, “Vào ngày mà tôi phát hiện mình đang đi sai đường, tôi sẽ vứt hết tăng phục và chuyển sang mặc quần áo giống anh.” [Rinpoche cười]
Trong đoạn phim tài liệu này, tôi đã khám phá ra vài điều qua kinh nghiệm của bản thân. Trước hết, chúng ta đã được sinh ra làm người, dù quý vị theo truyền thống nào, Phật giáo hay phi Phật giáo, điều trước tiên quý vị phải chấp nhận đó là tất cả chúng ta đều là con người. Ý của tôi là, như ở đoạn cuối phim, tất cả mọi người đều có quyền được hạnh phúc, và có quyền sống một cuộc đời hạnh phúc. Đó là quyền mà chúng ta đều có. Trong một vài tình huống, quý vị phải xin phép: Tôi được hút thuốc không? Tôi được làm việc này không? Tôi được đến đó không?... Tùy vào hoàn cảnh mà quý vị cần phải xin phép, tuy nhiên để hạnh phúc thì quý vị không cần xin phép bất cứ ai. Quý vị không cần xin bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi đâu. Với thức ăn, thậm chí có lúc quý vị phải hỏi là mình có được ăn hay không. Ví dụ, ở Ấn Độ có một truyền thống là đạo Giai-na (Jainism), là một truyền thống rất lạ, vì khi ăn quý vị phải xin phép vị thầy. Tuy nhiên ngay cả trong truyền thống đó, quý vị cũng không cần xin “Tôi được hạnh phúc chứ?” [Rinpoche cười]
Khi quý vị nhìn vào loài người, một điều căn bản là khi chào đời quý vị đều khóc. Tôi chưa từng nghe nói có ai chào đời mà lại cười cả. Tôi cũng không tin Đức Phật đã cười khi Ngài đản sinh, tôi nghĩ Ngài cũng chỉ khóc thôi [Rinpoche cười]. Có người hỏi tôi, “Khi Đức Phật đản sinh, Ngài bước bảy bước trên hoa sen, làm sao như vậy được?” Tôi không biết sao lại có thể như vậy. Một vị giáo sư cố giải thích, bởi Đức Phật có thể chống lại lực trọng trường [Rinpoche cười]. Tôi không biết điều đó đúng hay sai, nhưng tôi vẫn không cảm thấy ông ấy có một ý tưởng đúng [Rinpoche cười]. Khi chào đời chúng ta đều khóc. Điều đó cho thấy sẽ có thử thách khi chúng ta bước vào đời. Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó không cười, bởi vì nếu nó cười thì có nghĩa là đứa trẻ được sinh vào một thế giới mà mọi thứ đều hoàn hảo. Ngay khi chúng ta được sinh ra đời, chúng ta đã khóc, và điều đó chứng tỏ khó khăn, thử thách là hiện hữu. Chúng ta phải biết như vậy. Đó là một dấu hiệu về mặt sinh học. Đứa trẻ sẽ khóc bao lâu? Tôi không biết, có lẽ người mẹ sẽ biết. Tôi cũng không rõ thường thì nó khóc trong bao lâu, một phút, hai phút hay mười phút? Điều mà tôi đã khám phá ra đó là thử thách hiện hữu, khổ đau sinh khởi như thế nào, và con người phải đương đầu ra sao khi nghịch cảnh đến. Đó là một câu hỏi lớn.
Lời giải cho vấn đề này đến từ lời dạy của Đức Phật, như tôi đã nói, mọi hiện tượng đều đến từ nguyên nhân. Với những người đang đối mặt với căng thẳng, khó khăn hoặc những thứ khác như sợ hãi…, tôi thấy rằng có quá nhiều cảm xúc tiêu cực trỗi dậy. Chúng đều có nguyên nhân. Tôi thấy có một vài giải pháp, nếu chúng ta có thể ngăn chặn những nguyên nhân của chúng. Quý vị đã xem phim chưa? Những người tham gia đang đối mặt nhiều căng thẳng và lo âu. Chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật thiền chỉ (shamatha meditation) trong hai tuần, thực hành 20-30 phút mỗi ngày. Trước khi thực hành, chúng tôi yêu cầu họ trả lời bảng khảo sát được chuẩn bị bởi các bác sĩ tâm thần. Sau 14 ngày, người tham gia trả lời một bảng khảo sát khác, và chúng tôi có thể thấy khác biệt rất lớn giữa kết quả của hai lần khảo sát. Qua kết quả, điều tôi kinh nghiệm được đó là các trạng thái tâm lý khổ đau và cảm xúc tiêu cực có thể được kiểm soát. Đối với các cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể tiến hành chữa trị và bằng cách thay đổi đường lối tư duy, chúng có thể được chữa khỏi.
Bây giờ chúng ta trở lại với đoạn phim. Có rất nhiều người tham gia không xuất hiện trong phim vì họ không muốn trả lời phỏng vấn trước máy quay. Tuy nhiên, tôi rất biết ơn tất cả những người đã tham gia. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe khó khăn của những người đó. Khó khăn của họ mang tính cá nhân. Có rất nhiều nỗi lo khi họ làm việc. Họ lo lắng không biết công việc có thành không hay không, có suôn sẻ hay không, phần lớn thời gian trong ngày họ nghĩ về các mục tiêu của mình. Có một cô gái bị bệnh vảy nến, cô ấy không thể tận hưởng niềm vui của cuộc sống, bởi ý nghĩ về căn bệnh cứ dai dẳng đeo bám tâm trí cô ấy và khiến cô rất đau khổ.
Một điều khác nữa là sợ hãi vô cớ: “Có thể chuyện này sẽ xảy ra; Có thể chuyện kia sẽ xảy ra,…” Họ có nỗi sợ như vậy. Vấn đề này có lúc cũng xảy ra trong cuộc sống của quý vị, có phải như vậy không? Tất cả quý vị hãy nhắm mắt lại. Quý vị hãy giơ tay lên nếu gặp phải khó khăn này. Sẽ không ai nhìn thấy quý vị giơ tay cả. Được rồi, khá nhiều [Rinpoche cười]. Rất đơn giản, tôi sẽ cho quý vị hai lựa chọn. Trải qua hàng ngàn năm người ta vẫn làm theo một cách, đó là trì tụng thần chú để giải quyết mọi thứ, tiến hành một vài puja để giải quyết. Hoặc một cách khác, đó là thực hành thiền chỉ. Có hai lựa chọn như vậy. Với lựa chọn thực hành thiền chỉ, đây là kết quả mà chúng tôi đã kiểm chứng qua phương pháp khoa học. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi có rất nhiều nghi lễ, tôi nghĩ quý vị không biết. Sau các nghi lễ chúng tôi sẽ vứt các mẩu bánh torma ra khỏi nhà. Khi chúng tôi tiến hành nghi lễ và vứt bánh torma ra khỏi nhà, các thành viên trong gia đình không ra khỏi nhà vào lúc đó, họ sẽ ngồi trong nhà. Có một lần khi tôi tiến hành puja tại nhà và sau đó phát hiện anh trai tôi đã ra khỏi nhà, mẹ tôi đã rất buồn khi biết chuyện đó [Rinpoche cười]. Chúng tôi tiến hành puja để mang đến hạnh phúc cho gia đình, nhưng anh tôi đã đi ra ngoài và điều đó khiến mẹ tôi rất buồn. Tôi phát hiện ra rằng tiến hành puja như vậy vẫn không thể mang lại hạnh phúc [Rinpoche cười]. Trong các lần puja ở nhà, mẹ tôi thường hay bảo tôi làm điều này điều nọ… lúc nào cũng vậy [Rinpoche cười]. Tôi tiến hành puja cho mẹ tôi suốt gần 40 năm nhưng tôi vẫn không thấy trạng thái tinh thần của mẹ tôi có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, lúc ở nhà thì mẹ tôi xem tôi là con cái, và bà yêu cầu tôi làm puja, và sau khi hoàn tất thì mẹ tôi lại bảo tôi làm thêm puja khác nữa [Rinpoche cười]. Khi tôi cố giảng giải Phật pháp theo một cách khác biệt một chút thì mẹ tôi không chấp nhận, và bà lại nói về những vấn đề đã xảy ra 60-70 năm về trước ở Tây Tạng, mẹ tôi sẽ nhắc lại mọi thứ. Ba mẹ tôi sinh ra trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, họ đã theo truyền thống đó trong rất nhiều năm nhưng tôi không thấy có sự thay đổi lớn trong tâm họ. Tôi phát hiện ra ba mẹ tôi đã không hiểu đúng. Tuy nhiên, tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của họ.
Lời kết của tôi rất đơn giản. Nếu quý vị thật sự muốn thấy cách hành thiền này ra sao, chúng tôi sẽ gửi quý vị mẫu đơn để điền vào. Nếu quý vị thật sự hứng thú với việc hành thiền, nó rất đơn giản, tôi sẽ hướng dẫn quý vị một vài kỹ thuật thiền chỉ. Tuy nhiên, ít nhất quý vị phải thực hành 20-30 phút mỗi ngày trong suốt 14 ngày. Đó là những kỹ thuật thiền rất đơn giản, chỉ có vài bước mà thôi. Có một vài quy định, trong vòng 14 ngày, quý vị phải từ bỏ uống rượu và hút thuốc. Sau 14 ngày, quý vị có thể uống rượu. Lần trước tôi có nói với ban tổ chức ở Mandala rằng nếu quý vị thật sự muốn học thiền thì hãy điền vào mẫu đơn.
Bây giờ tôi dành thời gian cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Chúng con có nhân duyên được đi đến Thái Lan và Myanmar, chúng con thấy chùa tại Thái Lan và Myanmar, quý sư nơi đó dùng những thức ăn mặn, xin ngài cho biết ở Tây Tạng quý sư sẽ dùng thức ăn như thế nào?
Rinpoche: Có một triết gia nổi tiếng và ông ta không theo bất cứ tôn giáo nào. Tên ông ấy là Krishnamurti. Có người hỏi ông, “Chúa là đàn ông hay đàn bà?” Ông ấy trả lời, “Nếu tôi nói Chúa là đàn ông thì cộng đồng nữ giới sẽ phản đối tôi. Nếu tôi nói Chúa là đàn bà thì cộng đồng nam giới sẽ phản đối tôi.” Khi hỏi câu này, trước hết quý vị không nên có sẵn bất cứ câu trả lời nào trong tâm. Nếu quý vị đã có sẵn câu trả lời trong tâm thì dù tôi có trả lời thế nào đi nữa, quý vị cũng sẽ phản đối. Khi đã có sẵn câu trả lời trong tâm mà quý vị vẫn hỏi tôi, lúc đó câu trả lời của tôi sẽ vô dụng. Nếu quý vị hỏi và giữ cho tâm mình trống rỗng thì phần trả lời của tôi sẽ có ích. Đúng như vậy, trong truyền thống Thái Lan và Myanmar, họ dùng thức ăn mặn. Truyền thống Trung Hoa không ăn thịt. Trong truyền thống Tây Tạng, có nhiều tu sĩ ăn chay, và cũng có nhiều tu sĩ vẫn ăn thịt. Bây giờ trong tâm quý vị sẽ có một câu hỏi: Bên nào đúng và bên nào sai? [Rinpoche cười] Vấn đề này không đơn giản chỉ là trả lời đúng hay sai. Quý vị hãy nhìn lại kinh điển của Đức Phật, không phải kinh điển Tạng ngữ mà phải là kinh điển bằng tiếng Pali, ngôn ngữ của Đức Phật. Đức Phật không hề nói tiếng Tây Tạng, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp; thứ tiếng duy nhất mà Đức Phật đã nói đó là tiếng Pali. Tiếng Pali là ngôn ngữ thông dụng khi Ngài đản sinh ở Nepal, và tiếng Nepal hiện tại vẫn còn rất giống với tiếng Pali. Nếu quý vị nhìn lại kinh điển tiếng Pali của Đức Phật, trong đó có ghi lại mọi sự kiện trong cuộc đời của Ngài: Phật đã làm gì, ăn gì,… Kinh điển cũng ghi lại mọi thứ: Tăng chúng làm gì, ăn gì,… Bên nào đúng và bên nào sai? Đó không phải là câu hỏi quan trọng. Bên nào tốt? Đó mới là câu hỏi quan trọng. Không ăn thịt vẫn tốt hơn rất nhiều. Nhiều người đã ăn chay suốt thời gian dài, điều đó rất tốt. Tuy nhiên, câu hỏi “Ăn thịt là đúng hay sai?” lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Để có câu trả lời, quý vị phải nhìn lại kinh điển tiếng Pali của Đức Phật. Không ăn thịt và chỉ ăn thực vật, điều đó rất tốt cho sức khỏe của quý vị, và cũng rất tốt để thực hành lòng bi mẫn. Tôi luôn khuyến khích mọi người bớt ăn thịt, vì điều đó rất tốt.
Hỏi: Con người chúng ta luôn có những suy nghĩ tiêu cực, làm cho bản thân luôn cảm thấy bất an, thầy cũng đã đưa ra phương pháp thiền chỉ trong khoá học sắp tới, có cách nào đơn giản hơn cho những người không thể tham gia được khoá học, làm sao để bản thân luôn ở trong trạng thái cân bằng trong tâm trí của mình. Hoặc trong trải nghiệm của thầy, xin thầy cho biết có những trường hợp nào có thể làm cho thầy bị bất an, giúp cho mình không có những tiêu cực đó. Nếu như chúng ta lúc nào cũng khoẻ mạnh, lúc nào cũng có những suy nghĩ tích cực, lúc nào cũng thấy hạnh phúc, nhưng điều đó không thể nào được duy trì trong 24h, 365 ngày, nhờ thầy giúp cho một cách thức cho những người không có dịp tham gia khoá tu thiền của thầy.
Rinpoche: Với câu hỏi này, tôi sẽ làm rõ hai điểm. Tham gia thực hành 14 ngày rất đơn giản. Tôi sẽ giới thiệu trong khoảng 40-50 phút. Sau đó, quý vị có thể làm việc của quý vị, chỉ cần thực hành ít nhất 20-30 phút mỗi ngày. Quý vị có thể thực hành ở nhà, ở văn phòng, hoặc bất cứ nơi nào. Đừng nghĩ rằng sau 14 ngày thực hành, quý vị sẽ ngay tức thì trở nên rất khác biệt, giống như Đức Phật. Đừng nghĩ như vậy! Tuy nhiên, tôi sẽ cho quý vị thấy thực hành trong 14 ngày sẽ mang lại một ít hiệu quả và khác biệt. Những người tụng chú A Di Đà hàng trăm ngàn lần cũng rất khó thấy được hiệu quả. Có thể họ đạt được kết quả nhưng chỉ với niềm tin của họ mà thôi, rất khó để thấy được hiệu quả tức thì. Ý tôi ở đây là tôi cố gắng chỉ ra hiệu quả tức thì. Xin quý vị đừng hiểu lầm ý tôi. Tôi không nói tụng chú A Di Đà không hiệu quả, tôi không nói như vậy. Điều tôi muốn nói là việc tụng chú khó lòng mang lại hiệu quả tức thì, đó là thực tế. Đức Phật đã dạy một điều, mọi Pháp hành đều nên dựa vào thiền chỉ. Căn cứ theo lời Phật dạy, tôi hướng dẫn cách thực hành thiền chỉ đặc biệt cho những người đang gặp khổ đau tinh thần. Trải qua thời gian dài, tôi biết rằng lời lạy của Đức Phật về thiền chỉ có tác dụng, tôi có cảm giác và tin như vậy, nhưng không có bằng chứng để chứng minh điều đó. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên và từ đó tôi đạt được 2 điều: kinh nghiệm và động lực để giới thiệu phương pháp này.
Có một sự kiện trong cuộc đời Đức Phật thật sự hấp dẫn tôi. Một lần nọ, Đức Phật du hành và đến một nơi ở Ấn Độ có rất nhiều người không phải là Phật tử. Đặc biệt, nền văn minh Vệ-đà rất mạnh ở thời Đức Phật. Lúc đó, họ đang tiến hành hỏa tịnh, nhưng lại giết động vật. Họ nói rằng làm như vậy họ có thể sẽ được lên cõi trời. Sau lễ hỏa tịnh, có một học giả Vệ-đà nổi tiếng hỏi Phật, “Ngài nói rằng giết động vật trong lửa cũng không thể nào giúp chúng tôi được lên cõi trời. Làm sao Ngài chắc chắn như vậy chứ?” Câu trả lời của Đức Phật rất đơn giản, “Tôi đã thấy cõi trời rồi, nên tôi nói rằng điều đó cũng không thể giúp các ông được lên cõi trời.” Cũng như vậy, đối với mọi thực hành, khi quý vị có nhiều trải nghiệm hơn thì quý vị sẽ có nhiều động lực và niềm vui để tiếp tục thực hành. Khi quý vị liên tục thực hành thì trạng thái tâm sẽ ngày càng ổn định. Điều cuối cùng, nếu quý vị muốn tinh thần mình an lạc 24/7 thì quý vị phải thành Phật. Đó là cách duy nhất, không còn cách nào khác.
Hỏi: Mình đi làm mỗi ngày và việc của mình làm sẽ làm cho một số người rất hạnh phúc và một số người hạnh phút ít hơn và một số người sẽ không hạnh phúc. Điểm cân bằng của mình và mọi người xung quanh ở đâu? Nếu có, thì có phải do tự mình quyết định hay không?
Rinpoche: Tôi nghĩ có một vài điểm để làm người khác vui lòng. Khi quý vị quyết định điều gì đó, nó sẽ khiến một vài người khác không vui. Có một nhà văn châu Âu tên là Marten, tôi nghĩ đã rất lâu về trước, khoảng thế kỷ 19-20. Ông ấy nói, “Tôi không biết con đường đưa đến thành công, nhưng tôi biết cách để thất bại. Con đường đưa đến thất bại chính là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.” Nếu quý vị cố làm vui lòng mọi người, chắc chắn quý vị sẽ thất bại. Ngay cả Đức Phật cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người, làm sao chúng ta có thể làm mọi người hài lòng được? Đức Phật đã không thể làm người em họ của Ngài vui lòng, không có lúc nào ông ấy vui vẻ với Phật. Nhiều lúc chúng ta sống cuộc đời của mình nhưng không theo ý của bản thân mà lại theo ý của những người khác. Ví dụ, quý vị đẹp hay xấu, bản thân quý vị không tự quyết định mà quý vị lại nghe theo lời người khác. Khi người khác khen quý vị đẹp, thế là quý vị cảm thấy mình thật đẹp [Rinpoche cười]. Có một câu chuyện về hai cha con và một con lừa. Họ đang trên đường đến một ngôi làng. Trên đường đi, có người nói, “Hai cha con ấy thật là ngu! Họ không chịu cưỡi con lừa và để con lừa đi mà không chở thứ gì cả.” Thế là hai cha con cưỡi con lừa. Trong lúc họ cưỡi con lừa trên đường thì người khác lại nói, “Hai cha con này thật tệ bạc. Họ biết cưỡi con lừa làm cho con lừa khổ nhọc mà vẫn làm như vậy.” Vậy là đoạn đường tiếp theo, chỉ có đứa con cưỡi lừa, còn người cha đi bộ. Họ gặp một người khác và người đó nói, “Đứa con thật là tệ! Nó cưỡi con lừa và để người cha tội nghiệp đi bộ.” Thế là hai cha con đổi chỗ, người cha cưỡi lừa còn đứa con đi bộ. Một người khác lại nói, “Người cha này thật là tệ! Ông ta chẳng quan tâm đến con mình, chỉ lo hưởng thụ trên lưng con lừa và để đứa con đi bộ.” Lúc đó, người cha và đứa con mới nảy ra một ý tưởng, họ cùng nhau vác con lừa [Rinpoche cười]. Cuộc sống cũng giống như vậy. Nếu cứ nghe lời người khác nhiều quá thì đôi lúc chúng ta không thể sống cuộc đời của chính mình. Cái mà quý vị gọi là thời trang, nó chẳng phải là thời trang, mà quý vị chỉ chạy theo người khác mà thôi. Quý vị mặc quần áo theo cách nào đó bởi vì quý vị trông thấy người khác mặc như vậy, rồi quý vị bắt chước.
Quý vị nói là mình hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và phải ra quyết định. Hãy cứ quyết định, đừng nghĩ đến kết quả người khác sẽ cảm thấy thế nào, đừng bận tâm về điều đó. Đó không phải là vấn đề của quý vị. Đôi khi, quý vị biến vấn đề của người khác thành vấn đề của mình, đó là một điều ngu ngốc. Đó là vấn đề của người khác, hãy để yên vấn đề của người khác cho họ, đừng nhận về bản thân. Tôi là một tu sĩ và không được phép uống rượu. Những người thích rượu có thể muốn bán rượu cho tôi nhưng tôi đều từ chối. Điều đó có thể khiến họ buồn, nhưng tôi phải làm như vậy. Nếu điều đó khiến họ buồn thì đó là việc của họ. Mỗi khi phải quyết định, quý vị hãy suy xét thật cẩn thận. Kết quả có làm người khác buồn lòng hay không, đừng quan tâm. Như tôi đã nói, không một ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, điều đó là không tưởng. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, “Chính Đức Phật cũng không thể làm cho cả thế giới hạnh phúc, làm sao tôi có thể làm cả thế giới hạnh phúc đây?” Khi chúng ta gắng sức làm hài lòng tất cả mọi người, điều đó sẽ trở thành nguồn gốc của khổ đau.
Hỏi: Con là một người cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, con cũng đang rất stress và có những chuyện đau buồn, mỗi lần như vậy con lại ngủ để quên đi, con có đọc một truyền thống thực hành của Tây Tạng là yoga giấc mộng, con muốn hỏi về truyền thống thực hành đó?
Rinpoche: Câu hỏi của quý vị là muốn biết về du-già mộng, có phải không? Đừng nghĩ rằng nếu quý vị ngủ nhiều thì quý vị có thể thực hành du-già mộng tốt hơn, đó là điều ngu ngốc. Dù quý vị cảm thấy mình có thể ngủ rất ngon, cũng đừng nghĩ rằng quý vị có thể thực hành du-già mộng [Rinpoche cười]. Du-già mộng dạy rằng khi quý vị ở trong trạng thái mộng, thức của quý vị trở nên rất vi tế, và mục đích chính của du-già mộng là tận dụng thức vi tế đó vào mục đích đúng đắn.
Hỏi: Con là phóng viên đến từ tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống, theo như thầy nói, chương trình thiền định rất tốt, thầy có ý định mở rộng thiền định tại Việt Nam để đem lại thiền định tốt cho sức khoẻ cho Phật Tử và cho người Việt Nam hay không?
Rinpoche: Tôi đã nói chuyện với ban tổ chức về việc đó, có lẽ quý vị nên nói chuyện với ban tổ chức. Hãy điền mẫu đơn, và chúng ta sẽ gặp lại sau. Cảm ơn quý vị rất nhiều. Bây giờ tôi phải đi. Nếu quý vị có thêm câu hỏi, hãy đến chùa [Như Thị Thất], tôi sẽ có thêm chương trình ở đó. Thường thì chúng ta có một phần để kết luận, nhưng bây giờ chúng ta không cần phần đó vì tôi phải đi, nếu không tôi sẽ bị trễ hẹn.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @20/03/2015
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.