10-11-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 44 - Ngày 10/11/2013

- 10 bất thiện nghiệp

- 5 ác nghiệp đầu tiên: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 44

Như Thị Thất, ngày 10 tháng 11 năm 2013

 

Có 10 bất thiện nghiệp, và thứ nhất là sát sinh. Như tôi đã nói trước đây, có hai loại sát sinh. Chúng ta đã nói về trực tiếp sát sinh, nghĩa là quý vị cố ý giết một ai đó. Đối với hành vi gián tiếp sát sinh, đôi khi chúng ta đã gián tiếp giết chết rất nhiều chúng sinh. Ở đây chúng ta không bàn đến gián tiếp sát sinh, mà chỉ nói về trực tiếp sát sinh. Hệ quả chúng ta phải nhận từ việc sát sinh đó là giảm thọ. Khi quý vị phóng sinh những con thú sắp sửa bị giết, hành động đó mang lại kết quả rất tích cực. Tôi nghĩ chúng ta đã nói về sát sinh vào buổi trước phải không? Trong 10 ác nghiệp, sát sinh dẫn đầu vì nó là một trong những ác nghiệp rất trầm trọng. Đôi lúc, khi đi trên đường chúng ta vô tình giết rất nhiều loài vật trên mặt đất. Chúng ta gọi đó là vô tình sát sinh hoặc gián tiếp sát sinh. Chúng ta không kể hành vi đó vào 10 ác hạnh.

Ác nghiệp thứ hai là trộm cắp, lấy của không cho. Như quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay nói rõ rằng ý định trộm cắp phải không lầm lẫn, phải có ý định muốn lấy trộm một thứ gì đó. Trộm cắp nghĩa là cố ý lấy trộm một thứ do người khác sở hữu. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, quý vị phải hiểu quan điểm của Phật giáo về trộm cắp. Nếu nhìn theo quan điểm Phật giáo, trực tiếp trộm cắp hoặc gián tiếp trộm cắp, cả hai đều là hành vi trộm cắp. Một ví dụ của gián tiếp trộm cắp là yêu cầu người khác trộm cắp. Khi có người không trực tiếp trộm cắp mà lại gián tiếp yêu cầu người khác lấy trộm tài sản của người khác, hành vi đó cũng được xem là trộm cắp. Đối với Phật giáo, hành vi trộm cắp trực tiếp và gián tiếp đều được xem là trộm cắp. Nói chung, trộm cắp là hành vi gây nghiện. Nếu lúc nhỏ quý vị lấy trộm những vật nhỏ thì khi lớn lên, quý vị sẽ lấy trộm nhiều hơn nữa. Đây là một hành vi rất gây nghiện.

Có rất nhiều thứ gây nghiện như máy tính, điện thoại di động…; mọi thứ đều có thể gây nghiện. Về mặt tâm lý, tâm thức bắt đầu nhìn nhận và trở nên nghiện ngập đối với mọi thứ, đó là một phần của tâm bệnh. Chính vì vậy, nếu trộm cắp thì quý vị rất dễ nghiện trộm cắp. Khi quý vị trộm cắp và người khác không hề biết, hành vi đó rất dễ gây nghiện, đặc biệt là đối với trẻ con. Tôi có một kinh nghiệm ở một trại tù thiếu niên ở Đài Loan, người ta gọi nơi đó là “Trung tâm giới nghiêm vị thành niên.” Có lẽ có khoảng 600-700 đứa trẻ ở đó. Hầu hết bọn trẻ đều dưới 18 tuổi, khoảng 12-13 tuổi. Có nhiều lý do khiến chúng bị đưa vào trại, tuy nhiên hai nguyên nhân chính khiến bọn trẻ bị bắt là nghiện ngập và trộm cắp. Đối với việc nghiện ngập, một số đứa trẻ nói với tôi chúng muốn biết cảm giác dùng chất gây nghiện ra sao, vì vậy chúng đã thử. Với những đứa phạm tội trộm cắp, chúng nói với tôi rằng chúng không sao cưỡng lại được cơn nghiện hành vi trộm cắp. Điều quan trọng nhất là, bởi đó là những đứa trẻ, chúng phải được dạy dỗ rằng trộm cắp không phải là điều tốt. Khi một đứa trẻ không được giáo dục về hành vi trộm cắp thì nó sẽ phạm tội trộm cắp. Chính vì vậy, với hàng tăng ni, khi họ trộm những vật thuộc về người khác thì họ không còn là tăng ni nữa. Đối với tu sĩ, Đức Phật đã đặt ra nhiều giới luật. Trong một vài tình huống, khi phạm giới thì chúng tôi có thể sám hối; tuy nhiên đối với giới trộm cắp thì chúng tôi không thể sám hối.

Một dịp nọ, thậm chí đến bây giờ, có một nghi vấn phức tạp về vấn đề bản quyền. Điều này rất phức tạp [Rinpoche cười]. Về vấn đề bản quyền, khi chúng ta không mua bản quyền nhưng lại dùng sản phẩm thì có bị xem là trộm cắp hay không? Đó là vấn đề chúng ta cần thảo luận nhiều hơn nữa, vì ở thời Đức Phật không có vấn đề bản quyền, do đó Ngài đã không dạy rõ về điều này. Có lẽ khoảng 2-3 năm về trước, có một học trò nói với tôi là có một chương trình học ngoại ngữ có thể giúp chúng ta học và cải thiện ngoại ngữ. Anh ta không phải là tu sĩ, mà là một cư sĩ Ấn Độ. Anh ta nói rằng có thể lấy chương trình đó từ Internet, đó không phải là chương trình chính gốc. Khi đó tôi nói, “Có lẽ anh phải chờ một thời gian nữa, bởi tôi không chắc đó có phải là hành vi trộm cắp hay không, tu sĩ có được phép dùng chương trình từ Internet mà không có bản quyền sử dụng hay không.” Tôi đã nói với anh ta rằng tôi phải nghĩ thêm về vấn đề đó. Tôi đã mất 2 năm suy nghĩ và bây giờ vẫn còn đang nghĩ [Rinpoche cười]. Đức Phật đã không dạy rõ về vấn đề này. Tuy nhiên, trên quan điểm luật quốc tế, tôi nghĩ đó có thể được xem là trộm cắp khi quý vị tải chương trình từ Internet mà không có bản quyền.

Tôi nghĩ quan điểm Phật giáo và luật pháp quốc tế đôi khi không hoàn toàn giống nhau. Giới luật Phật giáo, luật quốc tế và ở các quốc gia không thể giống nhau, đôi khi chúng rất khác biệt. Có lẽ khoảng 20-30 năm về trước, ở Nepal có một điều luật rất lạ. Nếu giết bò hoặc giết trâu, quý vị sẽ bị bắt [Rinpoche cười]. Đây là luật pháp quốc gia, thậm chí ở một vài tiểu bang ở Ấn Độ, nếu bán thịt bò thì quý vị đã phạm luật.

Ý của tôi là đối với vấn đề bản quyền, khi quý vị sử dụng sản phẩm không có bản quyền, theo quan điểm Phật giáo đó có phải là trộm cắp hay không, chúng ta phải phân tích nhiều hơn nữa. Bởi Đức Phật đã không dạy rõ về việc này nên chúng ta phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa. Chính vì vậy mà tôi đã mất 2 năm nhưng vẫn còn chưa chắc về việc một tu sĩ có thể dùng chương trình không có bản quyền hay không, tôi vẫn còn đang nghĩ [Rinpoche cười]. Do đó, trong máy tính của tôi không có phần mềm lậu [Rinpoche cười]. Tôi chỉ cài đặt các chương trình có bản quyền, chứ không dùng các chương trình trái phép mà người ta sao chép vào các CD hoặc tương tự. Chỉ có Đức Phật có thể nói rõ đó có phải là hành vi trộm cắp hay không, nhưng Ngài đã không dạy rõ về việc dùng sản phẩm mà không có bản quyền, bởi vào thời Đức Phật không hề có vấn đề bản quyền.

Có một điểm khác rất rõ ràng về trộm cắp. Quý vị lấy một vật không thuộc sở hữu của mình, hoặc quý vị yêu cầu người khác trộm cắp, cả hai đều được xem là hành vi trộm cắp. Một bên là trộm cắp trực tiếp, còn một bên là trộm cắp gián tiếp. Chính vì vậy, trong tu viện, chúng tôi hiện có một hệ thống tu viện rất tốt, đó là nếu tìm được vật gì đó trên đường đi, chẳng hạn như tiền, thì chúng tôi sẽ mang tiền đến giao cho văn phòng của tu viện, và nói với văn phòng là tôi vừa nhặt được tiền. Sau đó, đến giờ cầu nguyện, tu viện sẽ thông báo là văn phòng vừa nhận được của rơi. Ngay cả với những chú tiểu, khi chúng nhặt được món đồ nào đó, chúng sẽ mang đến văn phòng tu viện. Điều đó trở thành thông lệ trong tu viện.

Đối với trộm cắp, có một điều luật rất nghiêm ngặt trong tu viện. Khi có vị tu sĩ nào bị phát hiện trộm cắp, tu viện sẽ tống khứ tu sĩ đó đi [Rinpoche cười]. Một trong những điều khó khăn nhất của tôi trong đời sống ở tu viện là tôi phải ứng xử với một chú tiểu có thói quen ăn cắp vặt. Đó là vấn đề nan giải nhất mà tôi phải đối mặt với chú tiểu đó. Tôi đã cố gắng hiểu sâu sắc hơn về cách suy nghĩ của chú, tôi đã tìm đủ mọi phương án. Đó thật sự là một thử thách đối với tôi [Rinpoche cười]. Sau đó, tôi phát hiện hành vi trộm cắp rất gây nghiện, rất khó để vượt qua. Tôi đã có buổi nói chuyện dài với chú tiểu đó, và tìm ra giải pháp cũng khá dài. Rồi tôi hỏi chú, “Tại sao con lại trộm bút chì và bút mực của bạn cùng lớp?” Chú tiểu nói với tôi là chú ta biết trộm cắp không phải là điều đúng đắn, nhưng đôi lúc khi thấy bút chì của bạn trong lớp thì chú không thể nào cưỡng lại được hành vi trộm cắp [Rinpoche cười]. Do đó, trộm cắp gây nghiện rất nặng. Một khi đã trộm những thứ lặt vặt thì quý vị sẽ muốn trộm những thứ lớn hơn và lớn hơn nữa. Nó rất rất gây nghiện.

Tuy quý vị cảm thấy mình không trộm cắp, nhưng quý vị cũng phải hiểu một điều quan trọng hơn nữa. Không những quý vị không trộm cắp mà quý vị phải hướng dẫn người khác, truyền tải thông điệp đến mọi người, không được trộm cắp. Điều này rất quan trọng, chúng ta phải chuyển tải thông điệp này, nhất là đến trẻ nhỏ. Ở trong nhà tù ở Đài Loan, những đứa trẻ phạm tội trộm cắp nói với tôi rằng chúng phạm tội vì ở gần bạn bè xấu.

Ác hạnh thứ ba là tà dâm. Tà dâm có nghĩa là quý vị chung chạ với những người không phải là chồng hoặc vợ của mình; hay không phải là bạn trai hoặc bạn gái của mình, đó cũng là tà dâm. Điểm quan trọng là để có được gia đình hạnh phúc thì quý vị phải tránh tà dâm. Nếu nhìn vào khía cạnh sức khỏe thì việc tránh tà dâm cũng rất quan trọng. Khi quý vị nói về tà dâm, hoặc ác hạnh thứ ba, nó cũng có liên hệ mật thiết đến vấn đề sức khỏe. Điểm quan trọng nhất là chúng ta phải bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Đến đây, chúng ta đã hoàn tất nói về 3 ác nghiệp của thân. Có lẽ sau khi hoàn tất nói về 10 ác nghiệp, tôi sẽ ban giới cho quý vị, gọi là “ngũ giới.” Quý vị có thể nhận những giới như không tà dâm, không sát sinh, không nói dối, không uống rượu, không trộm cắp. Quý vị có thể chọn một, hai hoặc ba giới để nhận và tránh không phạm vào những ác nghiệp này. Thông thường, khi nhận giới, chúng tôi khuyến khích mọi người không uống rượu. Có một phụ nữ người Trung Hoa, cô ấy nói, “Rinpoche, con muốn nhận giới nhưng Ngài phải cho phép con được uống hai ly rượu mỗi tuần.” [Rinpoche cười] Cô ấy nói với tôi rượu tốt cho tim và cô ta muốn uống hai ly rượu mỗi tuần, và sẽ không uống nhiều hơn thế. Tôi nghĩ điều đó cũng được, “Nếu cô có thể thật sự làm như vậy thì tốt thôi.”

Chúng ta đã hoàn tất nói về 3 ác nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Đây là 3 ác nghiệp của thân.

Có 4 ác nghiệp của lời nói. Thứ nhất là nói dối. Ai cũng biết nói dối là gì, nên tôi không cần phải nói nhiều về điểm này. Rất khó để từ bỏ nói dối, đó là điều rất khó. Đặc biệt, khi gặp một ai đó, quý vị khen họ, “Ồ! Trông chị đẹp quá! Trẻ quá!” Trong tâm quý vị không nghĩ như vậy, nhưng quý vị vẫn khen để làm người khác vui lòng. Đó cũng là nói dối. Quý vị phải giảm thiểu nói dối. Đôi lúc quý vị nói dối rất nhiều điều không cần thiết, quý vị phải giảm thiểu. Bất cứ khi nào quý vị nói ra điều không phải là sự thật, đó được xem là nói dối. Quý vị phải giảm thiểu, nhất là giảm thiểu nói dối những điều rất không cần thiết. Tôi biết có rất nhiều tình huống chúng ta không thể nói ra sự thật; tuy nhiên, không nói ra sự thật không có nghĩa là phải nói dối. Đôi lúc quý vị không thể nói ra sự thật, tốt hơn hết là giữ im lặng. Thậm chí nếu quý vị không thể giữ im lặng, khi có người hỏi thì quý vị phải hỏi ngược lại [Rinpoche cười].

Đôi lúc, quý vị cảm thấy khó khăn khi người khác hỏi rất nhiều điều. Rất khó để thuyết phục những người cứ hay thắc mắc [Rinpoche cười]. Có một người đàn ông đến chỗ thầy của ông ta. Vị thầy kể cho ông ta nghe những mẫu chuyện về cuộc đời Đức Phật. Vị thầy kể cho ông mọi câu chuyện về Đức Phật, nơi Phật được sinh ra, nơi Phật giác ngộ và những nơi Ngài đã giảng Pháp… Sau khi hoàn tất buổi giảng về cuộc đời Đức Phật, ông ta hỏi thầy mình một câu, “Đức Phật là ai?” [Rinpoche cười]

Một dịp nọ, có một chú tiểu ăn quá nhiều. Tôi nói với chú ta, “Con không được ăn khi đã no bụng. Không được ăn quá nhiều.” Chú tiểu đó khoảng 7-8 tuổi, chú ta hỏi tôi, “Làm thế nào để con biết mình đã no bụng hay chưa?” [Rinpoche cười]

Nhiều lúc, khi quý vị không thể nói ra sự thật và cũng không thể giữ im lặng, nếu có người hỏi thì quý vị có thể hỏi lại người đó những vấn đề khác. Chúng ta đã hoàn tất nói về ác nghiệp thứ tư.

Khi Đức Phật dạy ngũ giới, đó là 4 giới trên đây cùng với giới không uống rượu. Tuy nhiên, quý vị có thể thấy uống rượu không phải là một ác hạnh. Đức Phật đã không nói đến việc uống rượu trong 10 ác nghiệp. Uống rượu không được xem là ác nghiệp, bởi đôi lúc rượu lại là dược phẩm đối với vài người. Chính vì vậy, Đức Phật không xem uống rượu là ác hạnh, nhưng Ngài khuyến khích mọi người từ bỏ việc uống rượu.

Ở thời xa xưa, người ta dùng rượu như là chất gây mê. Khi phải phẫu thuật, họ làm cho bệnh nhân say xỉn rồi tiến hành phẫu thuật. Chính vì vậy, Đức Phật đã không nói rằng uống rượu là ác nghiệp, nhưng Ngài khuyến khích không uống rượu. Không uống rượu cũng có lợi cho sức khỏe. Đến đây chúng ta đã hoàn tất nói về 4 ác nghiệp. Uống rượu không phải là ác nghiệp, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu quý vị không uống rượu. Rượu cũng giống như thuốc lá, hút thuốc không phải là ác nghiệp nhưng không hút thuốc sẽ tốt hơn nhiều. Tôi nghĩ ở Việt Nam rất nhiều người hút thuốc, tôi nói đúng không? Về khía cạnh sức khỏe, không tốt khi dùng quá nhiều rượu.

Ác nghiệp thứ năm là nói lời chia rẽ. Ba ác nghiệp đầu tiên là ác nghiệp của thân, theo sau là 4 ác nghiệp của lời nói. Bây giờ chúng ta đang nói về ác nghiệp thứ hai của lời nói. Nói lời chia rẽ có nghĩa là quý vị thấy có hai người rất thân thiết với nhau, và quý vị cố ý chia rẽ họ. Đó chính là nói lời chia rẽ. Mặc dù lời nói có thể là sự thật, nhưng động cơ rất xấu, để chia rẽ những người khác. Với động cơ như vậy, dù quý vị có nói sự thật, đó vẫn là hành vi nói lời chia rẽ, bởi nó có thể khiến người ta tổn thương nặng nề. Những lời nói đó có thể là sự thật hoặc giả dối, nhưng nếu động cơ là cố ý chia rẽ những người khác thì hành vi đó được xem là nói lời chia rẽ. Quý vị muốn chia rẽ người khác, chia rẽ hai người bạn thân thiết, và với mong muốn đó quý vị nói với họ một vài điều. Nói lời chia rẽ như vậy là ác nghiệp thứ năm.

Nói lời chia rẽ gây tổn thương người khác nặng nề. Chính vì vậy, Đức Phật xem đó là một ác nghiệp. Định nghĩa của ác nghiệp là hành động làm chúng sinh khác tổn thương. Loại hành động đó được xem là ác nghiệp, trực tiếp làm tổn hại chúng sinh khác. Tuy nhiên, đối với gián tiếp làm tổn thương thì chúng ta không thể tránh được. Ví dụ, nếu tôi uống nước giải khát Pepsi thì điều đó làm tổn hại đến công ty Coca-Cola, còn nếu tôi uống Coca-Cola thì lại làm tổn hại đến công ty Pepsi. Tuy nhiên, tôi không thể tránh khỏi điều đó, hành động gián tiếp gây tổn hại không được xem là ác nghiệp.

Khi tôi lần đầu đến Việt Nam và uống Pepsi, có người gọi tôi là “Pepsi Rinpoche” [Rinpoche cười]. Bây giờ tôi không uống Pepsi nữa, quý vị có thể gọi tôi là “Coca-Cola Rinpoche” [Rinpoche cười]. Vấn đề là trong tu viện chúng tôi không thể uống Coca-Cola nhiều quá, nên tôi uống bên ngoài tu viện [Rinpoche cười]. Có một nguyên nhân là khi chúng tôi mua Coke và chứa trong tủ lạnh, mỗi ngày mất điện đến 8-9 tiếng đồng hồ nên những chai Coca-Cola mua từ chợ trở nên rất nóng [Rinpoche cười]. Chúng tôi rất thiếu điện ở khu vực tu viện nên không thể dùng tủ lạnh suốt 24 giờ.

Đến đây, chúng ta đã hoàn tất nói về 5 ác nghiệp. Quý vị phải nhìn lại bản thân để xem mình phạm vào ác nghiệp nào nhiều hơn. Sau đó, hãy suy nghĩ về giải pháp, cố gắng tìm ra phương cách để vượt qua và giảm thiểu những ác nghiệp này. Hãy nghĩ xem trước đây đã bao nhiêu lần quý vị nói dối không cần thiết, nói những điều mà quý vị không cần phải nói. Khi thấy bản thân phạm ác nghiệp, quý vị phải sám hối, tụng chú Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) để tịnh hóa mọi ác nghiệp mình đã tích tập. Một điểm tốt của ác nghiệp là chúng có thể được tịnh hóa. Khi nhìn lại bản thân và cảm thấy mình đã phạm ác hạnh, quý vị phải tịnh hóa chúng. Bằng cách trì tụng chú Kim Cang Tát Đỏa, quý vị có thể tịnh hóa ác nghiệp; đó là một điểm tốt của ác nghiệp.

Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành thời cầu nguyện ngắn. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho những người vừa qua đời được sinh vào cõi Tịnh Độ.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 08/02/2015.