
TUẦN 9 – NGÀY 28/06/2025
Chủ đề: CÁCH THỰC THỤ NGHE PHÁP (tiếp theo)
(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)
Hôm trước Thầy có hướng dẫn một số bài tập về nhà. Thầy hy vọng lớp chúng ta có làm bài tập về nhà. Thầy biết rằng trong các lớp Thầy dạy, dù có cho bài tập về nhà nhưng có khoảng 70% học viên không làm. Nhưng Thầy vẫn thường hay nói với học trò rằng nếu chúng ta không làm bài tập về nhà thì cũng tốt. Bởi vì nếu học trò chăm chỉ làm đầy đủ bài tập về nhà thì sẽ nhanh chóng giác ngộ. Lúc đó Thầy sẽ thất nghiệp vì không còn học trò để dạy nữa (Rinpoche cười).
Cho nên nếu lớp chúng ta có làm bài tập về nhà thì rất tốt. Còn nếu không làm bài tập về nhà thì cũng tốt. Thầy có một gợi ý là nếu không làm bài tập về nhà thì chờ sang năm 2026 Dipkar có mở lớp Lamrim mới, chúng ta hãy đăng ký học lại.
Bây giờ, Thầy tiếp tục bài giảng hôm trước.
I/ TỪ BỎ 3 LỖI KHIẾN BẠN KHÔNG THÀNH MỘT BÌNH CHỨA XỨNG ĐÁNG
1/ Giống như một bình chứa bị rò rỉ
2/ Giống như một bình chứa hôi hám
3/ Giống như một bình chứa bị lật úp (xem trang 162, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay)
Lỗi nghe pháp thứ ba là giống như một bình chứa bị lật úp. Bình bị lật úp thì không chứa được gì trong đó cả. Lỗi thứ ba này có nghĩa là có người khác giảng dạy điều hay mà ta lại không chịu lắng nghe. Bởi vì lúc đó ta bị phân tâm, không tập trung được nên không nghe được người khác nói gì.
Sự tập trung này khác với lúc xem phim ảnh. Khi xem phim ảnh, chúng ta cứ nghĩ rằng mình đang tập trung vào mạch phim nhưng thực ra lúc đó chúng ta không có tập trung. Tập trung thực sự là tâm trí hoàn toàn đặt vào một điểm nhất định nào đó. Còn khi xem phim ảnh, các phân cảnh cứ chuyển đổi liên tục, mỗi giây đều thay đổi câu nói mới, hoạt cảnh mới thì chúng ta hoàn toàn không thể tập trung vào một điểm trong một khoảng thời gian dài.
Vì khả năng tập trung kém nên ta mong muốn cái gì cũng thay đổi mới có hứng thú. Giống như khi xem các đoạn video ngắn trên TikTok, ta hứng thú vì nó thay đổi liên tục, không có cảm giác bị chán. Thầy lấy một ví dụ như khi đang mang một giỏ xách bên tay phải, mang lâu khiến tay bị đau thì chúng ta sẽ chuyển qua tay trái, đúng không? Khi chuyển sang tay trái, nếu tay trái cầm giỏ xách lâu thì lại bị đau, chắc chắn chúng ta lại chuyển sang tay phải. Ví dụ đó cho thấy, ở một hoàn cảnh nào đó, khi cảm thấy không vừa ý hay khó chịu thì chúng ta có xu hướng tìm cách thay đổi hoàn cảnh đó để cảm thấy dễ chịu trở lại. Cũng giống như chúng ta có chiếc xe cũ và không còn thích chiếc xe cũ đó nữa thì sẽ đổi sang chiếc xe mới. Hay khi không thích căn nhà cũ nữa, ta lại đổi sang nhà mới. Ngay cả chuyện gia đình, thời bây giờ, nếu không cảm thấy hạnh phúc với chồng hoặc vợ, nhiều người sẽ tìm cách đổi chồng hoặc đổi vợ. Chúng ta lại không biết rằng làm như thế thì tâm càng thêm mỏi mệt mà thôi. Điều đó rất nguy hại cho tâm trí của mình.
Ai cũng biết rằng thuốc lá hay rượu đều có hại cho cơ thể. Vậy cái gì gây tổn hại nhiều nhất cho tâm trí của mình? Đó là khi chúng ta bị phân tâm. Chúng ta càng bị phân tâm nhiều chừng nào thì tâm trí của mình càng bị tổn hại nhiều chừng nấy. Khi không tập trung được, tâm sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, căng thẳng. Càng bị phân tâm, tâm càng không cảm nhận được nhiều sự an lạc.
Có một người mẹ nói với Thầy rằng cứ đến 5 giờ chiều, cô ấy lại cảm thấy rất lo lắng vì con cô ấy đi học ở một ngôi trường ở ngay mặt tiền đường. Cô ấy sợ lúc tan học vào 5 giờ chiều, con cô ấy băng qua đường sẽ bị tai nạn xe cộ. Cô ấy lúc nào cũng lo sợ điều đó sẽ xảy ra. Thực ra tâm lo lắng đó không có giúp người mẹ bảo vệ con mình, cũng không giúp cho đứa con không bị tai nạn giao thông mà chỉ khiến người mẹ thêm bất an mà thôi.
Chúng ta cần phải học cách giảm thiểu những sự phân tâm không cần thiết như thế, đồng thời phải biết cách lựa chọn đối tượng phù hợp, tốt đẹp để tập trung vào. Có như vậy chúng ta mới cảm nhận được an lạc nội tâm. Phần này rất đơn giản. Đó là những gì Đức Phật dạy. Lúc Đức Phật giảng pháp, Ngài giảng rất đơn giản. Nhưng sau này nhiều vị thầy theo truyền thống xưa đã thêm vào những quan điểm phức tạp. Vì họ hướng dẫn Phật pháp rất phức tạp, khiến người ta nghĩ Phật pháp rất phức tạp và khó hiểu.
Ở đây hướng dẫn chúng ta đừng mắc lỗi nghe pháp như chiếc bình bị lật úp. Một chiếc bình bị lật úp thì không chứa được gì trong đó cả. Cũng giống như vậy, khi nghe pháp mà ta bị phân tâm, không tập trung vào lời giảng thì sẽ không nhận được bất kỳ điều bổ ích nào. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng khả năng tập trung tốt hơn.
Xây dựng khả năng tập trung rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần uống Coca-cola. Đây là lời nói đùa, lớp chúng ta đừng tưởng thật. Thỉnh thoảng Thầy hay lấy ví dụ về Coca-cola để nói đùa trên lớp, chứ Thầy không quảng cáo cho Coca-cola.
Hôm trước có dịp Thầy ở bên Mỹ, một gia đình người Mỹ cúng dường Thầy bữa ăn. Trong bữa ăn tối đó, họ hỏi Thầy muốn uống gì thì Thầy trả lời là muốn uống Coca-cola. Gia đình đó có vài đứa trẻ khoảng 12-13 tuổi. Thầy hỏi các đứa trẻ thích uống gì, chúng bảo là chỉ thích uống nước lọc. Nghe như thế, Thầy đổi ý, không muốn uống Coca-cola trong bữa ăn đó nữa. Vì Thầy không muốn làm gương xấu cho các đứa trẻ. Chúng đã ý thức được uống nước lọc mới tốt, uống Coca-cola là không tốt nên Thầy không uống Coca-cola trong bữa ăn đó nữa.
Từ việc này, Thầy cũng tạo ra một nguyên tắc mới cho bản thân là không uống Coca-cola trước mặt trẻ nhỏ nữa. Những gia đình học trò của Thầy, trong bữa ăn có trẻ con đi cùng thì Thầy không uống Coca-cola để tránh tạo hình ảnh không tốt trước mặt trẻ con. Lớp chúng ta có uống bia thì cũng đừng uống bia trước mặt trẻ nhỏ. Nếu thèm bia quá thì vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại uống cho đã, rồi hãy đi ra ngoài (Rinpoche cười).
Chúng ta cần phải xây dựng năng lực tập trung của mình. Để xây dựng năng lực tập trung, Thầy hướng dẫn chúng ta thực hành bài tập tập trung vào hơi thở. Khi hít vào thở ra thì tập trung vào hơi thở đi vào đi ra. Khi tập trung vào hơi thở mà cảm thấy vẫn không thể nào tập trung được, cứ bị phân tâm thì chúng ta hãy đếm hơi thở, hít vào thở ra thì đếm 1 lần, đếm như vậy đến 7 lần, sau đó ngưng đếm và tập trung trở lại vào hơi thở. Mỗi khi bị phân tâm, hãy đếm hơi thở, sau đó ngưng đếm rồi quay trở lại tập trung vào hơi thở.
Nếu ta có thể tập trung hơi thở liên tục trong 1 phút và trong 1 phút đó, hoàn toàn không bị phân tâm khỏi hơi thở thì khả năng tập trung của mình đang trở nên tốt hơn. Bất cứ khi nào cảm thấy lo âu, sợ hãi, bất an thì hãy tập hít thở và tập trung vào hơi thở để bình tâm trở lại.
Chúng ta tập trung vào hơi thở bằng cách hít vào thở ra bình thường nhưng tâm trí cố gắng tập trung hoàn toàn vào hơi thở. Khi đang tập trung vào hơi thở mà vẫn cảm thấy không tập trung tốt được thì đếm hơi thở như Thầy đã hướng dẫn, hít vào thở ra thì đếm 1 và cứ vậy đếm đến 7 lần, sau đó ngưng đếm và quay trở lại tập trung vào hơi thở. Luyện tập phương pháp này cho đến khi nào chúng ta có thể tập trung vào hơi thở liên tục trong suốt 1 phút nghĩa là năng lực tập trung của mình đã tốt hơn.
Khi đã có thể tập trung vào hơi thở liên tục trong 1 phút, sau này khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, hay có bất cứ phiền não nào phát sinh trong tâm thì chúng ta tập trung ngay vào hơi thở. Khi đã tập trung được vào hơi thở thì lúc đó sẽ không cảm thấy lo lắng, bất an nữa, tâm sẽ bình an trở lại. Chúng ta nên biết rằng thực ra, tất cả các cảm giác bất an, sợ hãi chỉ là cảm giác trong tâm mà thôi.
Để có thể luyện tâm, điều phục tâm theo đúng hướng mình muốn, đầu tiên chúng ta cần phải có năng lực khiến cho tâm tập trung được. Khi đã có thể tập trung tốt thì khi nghe pháp, ta hoàn toàn có thể tập trung được vào việc nghe pháp.
Thầy vừa hướng dẫn chúng ta bài tập tập trung vào hơi thở để xây dựng năng lực tập trung tốt hơn. Nhiều người nói với Thầy rằng họ rất bận rộn, không có thời gian thực hành thiền, nhưng thực ra chúng ta có rất nhiều thời gian. Hãy nghĩ lại xem mỗi một ngày chúng ta dành bao nhiêu phút lên mạng, xem tivi để thấy rằng mình đã phí phạm thời gian như thế nào. Chúng ta chỉ cần dành ra 1 phút không xem tivi để tập trung vào hơi thở, đó cũng là có thời gian để thực hành thiền. Trong văn phòng, cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ, hãy dành ra 1 phút để ngồi thư giãn và tập trung vào hơi thở để cho tâm trí được nghỉ ngơi.
Bài tập về nhà trong tuần này là thiền tập trung vào hơi thở. Trong giờ làm việc, cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ thì dành ra 1 phút để tập hít thở và tập trung vào hơi thở. Một điều quan trọng cần phải ghi nhớ là mỗi lần thực hành bài tập hít thở này, chúng ta chỉ được tập trung vào hơi thở liên tục tối đa 3 phút. Ta có thể làm nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần như thế chỉ tối đa 3 phút. Khi thực hành thiền, điều quan trọng nhất là phải giữ tâm trí thư giãn. Khi tâm không thư giãn thì không thể đạt được bất cứ điều gì cả.
Thầy kể câu chuyện: Ngài A-Nan là đệ tử cũng là thị giả của Đức Phật. Ngài A-Nan đã đi theo phụng sự Đức Phật hơn 30-40 năm nhưng vẫn chưa đạt được giải thoát. Ngay cả đến khi Phật nhập diệt, Ngài A-Nan vẫn chưa đạt được giải thoát, trong khi nhìn lại những người trở thành đệ tử của Đức Phật sau Ngài A-Nan đều đã đạt được giải thoát. Khi nhận thấy như thế, Ngài A-Nan bắt đầu suy nghĩ lại bản thân mình và cố gắng thực hành thiền để đạt giải thoát. Ngài càng cố gắng tập trung thiền để đạt được giải thoát thì càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Vì tâm trí của Ngài A-Nan lúc đó đang rất căng thẳng, Ngài càng mong muốn giải thoát chừng nào thì càng bị áp lực. Lúc đó, bất chợt Ngài A-Nan nhớ đến một câu nói mà Phật dạy lúc Phật còn sống là hãy thiền trong lúc thư giãn và hãy thư giãn trong lúc thiền. Ngài chợt nhận ra mình đã bỏ sót một phần rất quan trọng trong thực hành thiền là cần phải thư giãn tâm trí.
Do đó, ví dụ, chúng ta có 10 phút để thiền thì chỉ thiền tối đa 3 phút, nghỉ 1 phút, sau đó thiền tiếp 3 phút, lại nghỉ 1 phút, tức là mất 8 phút. Số phút còn lại, thiền tiếp 20 giây nữa và nghỉ 40 giây. Hãy thiền 3 phút, rồi nghỉ 1 phút, cứ thiền gián đoạn rồi nghỉ, không thiền thiên tục, cũng không nghỉ liên tục. Không nên nghỉ quá nhiều vì thư giãn quá nhiều sẽ trở thành phân tâm. Hãy áp dụng phương pháp là thiền trong lúc thư giãn và thư giãn trong lúc thiền.
Thầy rất mong lớp chúng ta hiểu rõ phương pháp này để áp dụng. Câu hỏi đầu tiên để kiểm tra kiến thức là trong bữa ăn tối với gia đình mà có trẻ con, chúng ta muốn uống bia thì đi đâu để uống bia? Thầy nói rằng đó là một bài học rất quan trọng trong buổi hôm nay. Trong một bữa ăn, chúng ta có thể đi vào nhà vệ sinh 3-4 lần (Rinpoche cười).
II/ ĐÀO LUYỆN 6 THÁI ĐỘ TỐT KHI NGHE PHÁP
Những thái độ ở đây là những suy nghĩ quan trọng của chúng ta trong lúc nghe pháp. Ta suy nghĩ xem Phật pháp đang có vai trò gì đối với mình? Bản thân chúng ta cần đóng vai trò gì trong việc học và thực hành Phật pháp? Vị thầy đang giảng Phật pháp cho chúng ta thì đang đóng vai trò gì đối với mình?
Đức Phật dạy rằng chúng ta phải luôn xem Phật pháp như thuốc chữa bệnh. Nếu học và thực hành Phật pháp trong một khoảng thời gian mà không thấy có bất kỳ lợi lạc nào, có nghĩa là ta đang không tìm được Phật pháp phù hợp cho bản thân mình. Giống như chúng ta đang uống thuốc mà thuốc đó không có tác dụng, không chữa hết bệnh thì không nên uống tiếp nữa. Tương tự, việc thực hành Phật pháp mà không có hiệu quả thì tốt nhất không nên thực hành nữa.
Khi thực hành Phật pháp mà cảm thấy không mang đến lợi lạc cho mình, chúng ta phải suy nghĩ xem đã tìm đúng phương pháp thực hành phù hợp cho bản thân hay chưa và nên dừng những phương pháp thực hành mà chưa có hiệu quả. Khi uống thuốc mà chưa thấy hiệu quả thì phải xem lại thuốc đó có phù hợp chữa căn bệnh của mình hay không. Khi đó, ta phải dừng lại loại thuốc đang không chữa được bệnh của mình.
Phật luôn dạy các đệ tử rằng hãy xem lời dạy của Phật như thuốc chữa bệnh. Các vị thầy thời xưa có quan điểm thế này: Nếu học trò thực hành Phật pháp mà không thấy lợi lạc trong đời này thì các vị ấy nói rằng cố gắng thực hành để có được lợi lạc ở đời sau. Nếu chúng ta bước vào một cửa hàng mua đồ và nói với ông chủ cửa hàng rằng mình mua món đồ này nhưng đời sau mới trả tiền thì không có ai chấp nhận được chuyện đó. Đời này chúng ta chăm chỉ thực hành Phật pháp mà không có kết quả thì làm sao trông đợi sẽ giúp được mình ở đời sau. Cho nên nếu ta nghe vị thầy nào giảng pháp mà vị đó nói rằng cố gắng thực hành Phật pháp để chờ đến đời sau sẽ có kết quả thì lúc đó ta hãy thưa với vị thầy đó rằng: “Bây giờ thầy cứ cố gắng giảng cho con, đời sau con sẽ cúng dường cho thầy”.
Đức Phật luôn giảng rằng hãy xem Phật pháp là thuốc. Đã là thuốc, phải có công năng chữa khỏi bệnh thì mới gọi là thuốc. Nếu vị thầy nào giảng pháp và học trò thực hành Phật pháp mà không có công hiệu thì có thể vị thầy đó sẽ hứa hẹn thực hành Phật pháp sẽ có công hiệu ở đời sau. Nếu ta thực hành Phật pháp mà không thấy có lợi lạc, có thể có vị thầy nói rằng do nghiệp của chúng ta quá nặng nên thực hành Phật pháp bây giờ chưa có công hiệu. Cũng giống như chuyện đi khám bệnh, chúng ta uống thuốc mà không hết bệnh, bác sĩ lại viện cớ là do bệnh của chúng ta quá nặng nên thuốc không có công hiệu, không chữa được bệnh. Lý do đó có chấp nhận được không? Nếu thực hành Phật pháp mà không có công hiệu, thì không thể đổ thừa là do nghiệp nặng mà chỉ có thể nghĩ rằng do chúng ta chưa tìm ra đúng phương pháp thực hành phù hợp với mình nên chưa có công hiệu.
Chúng ta phải xem Phật pháp như thuốc và xem vị thầy đang giảng pháp cho như là bác sĩ đang kê đơn chữa bệnh cho mình. Bác sĩ phải có trách nhiệm chữa hết bệnh cho bệnh nhân. Trách nhiệm của một vị thầy giảng pháp là làm sao giúp học trò hiểu được những phương pháp để diệt trừ phiền não, khiến tâm an lạc hơn. Nếu vị thầy giảng pháp không làm được chuyện đó thì cũng giống như người bác sĩ không chịu gánh vác trách nhiệm chữa bệnh cho bệnh nhân.
Giống như vị bác sĩ tự tin thuốc của mình có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thì người thầy cũng cần tự tin rằng những gì mình giảng sẽ giúp cho học trò thoát được phiền não. Chúng ta phải có suy nghĩ rằng những gì chúng ta cố gắng thực hành trong đời này mà không có kết quả thì cũng không có công hiệu, không giúp được chúng ta ở đời sau.
Thầy đặt câu hỏi: Chúng ta bỏ tiền trong ngân hàng thì nhận về mức lãi suất bao nhiêu? Có thể là 2%, 3% hay 4%. Mức lãi suất đó rất quan trọng vì đầu tư tiền bạc thì phải có lãi. Khi có một khoản tiền muốn đầu tư, ta phải cân nhắc, xem xét cẩn thận để đầu tư vào đúng chỗ thì mới không bị lỗ. Giống như vậy, khi đầu tư thời gian và công sức để thực hành Phật pháp thì việc thực hành đó phải mang đến cho mình lợi lạc, vì đầu tư thời gian còn quý hơn cả tiền bạc.
Thầy đặt câu hỏi: “Điều gì tạo ra tiền?” Tiền có thể tạo ra tiền. Nếu ta có 100 đồng thì có thể đầu tư 100 đồng ấy và lãi thêm được 3 đồng. Nhưng thời gian không thể tạo thêm được thời gian. Do đó, khi thực hành Phật pháp, ta phải có được lợi lạc từ pháp hành của mình. Đã đầu tư thời gian vào việc học và thực hành Phật pháp thì phải có được lợi lạc. Ta phải xem vị thầy giảng pháp như bác sĩ chữa bệnh. Cho nên ta phải tìm được bác sĩ giỏi để chữa được bệnh của mình, tương tự học pháp thì phải tìm một vị thầy đúng mực để dạy pháp cho mình.
Lớp chúng ta có đoán được Thầy bao nhiêu tuổi không? Nhiều học viên đưa ra câu trả lời là 50 tuổi. Thầy nói rằng Thầy mới có 5 tuổi thôi. Thậm chí Thầy nghĩ mình mới 5 tuổi thôi thì đó cũng chỉ là suy nghĩ, chứ cũng đâu có biến Thầy trở thành 5 tuổi được. Thầy vừa qua sinh nhật lần thứ 50. Từ lúc mới sinh tới bây giờ 50 tuổi, thì thời gian đó đã mất đi, không có lấy lại được. Tiền có mất đi rồi thì có thể tìm cách kiếm lại được. Nhưng thời gian mất rồi thì sẽ không tìm lại được. Cho nên khi học và thực hành Phật pháp là chúng ta đã đầu tư thời gian. Đã đầu tư thời gian thì hãy đầu tư cẩn thận để có được lợi lạc từ khoản đầu tư đó của mình. Chức năng của Phật pháp là giúp ta có được cuộc sống an lạc hơn, trở thành một người tốt hơn và cảm thấy mình tốt hơn mỗi ngày. Nếu ta thực hành Phật pháp mà vẫn chưa thấy có lợi lạc tức là chưa tìm đúng Phật pháp phù hợp với mình.
Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn và thử thách, dù có lên kế hoạch như thế nào cho cuộc sống này thì chưa chắc những kế hoạch, dự định đó đã diễn ra như ý muốn. Phật pháp sẽ giúp ta giữ được cân bằng, không cảm thấy lo lắng, bất an trong một cuộc sống đầy khó khăn và thử thách.
Điều tiếp theo là khi học Phật pháp, ta phải xem Đức Phật như một người đã hoàn toàn giác ngộ. Chúng ta có biết tâm lý học không? Chúng ta có biết xã hội học không? Nhưng Đức Phật biết một môn khoa học về cuộc sống, đó là sống cân bằng.
Thầy kể câu chuyện: Một vị giáo sư nọ đi trên con thuyền để vượt qua sông. Khi đang ở trên thuyền, vị giáo sư hỏi anh lái tàu: “Anh có biết về tâm lý học không?”. Anh ta trả lời: “Tôi không có được đi học nên không biết gì về tâm lý học”. Vị giáo sư nói với anh lái tàu: “Tâm lý học rất hay, nếu anh không biết tâm lý học thì xem như anh mất 20% cuộc đời rồi”. Sau đó vị giáo sư hỏi tiếp: “Vậy anh có biết xã hội học không?”. Anh ta trả lời: “Hồi xưa tôi không có được đi học nên cũng không biết về xã hội học”. Vị giáo sư lại bảo: “Không biết xã hội học là điều đáng tiếc, anh mất 40% cuộc đời nếu không biết gì về xã hội học”. Lúc này, tàu đến giữa dòng sông, anh lái tàu hỏi lại vị giáo sư: “Ông có biết môn bơi lội học không?”. Vị giáo sư trả lời: “Xưa giờ tôi đi học chưa có nghe nói về môn bơi lội học”. Anh lái tàu nói rằng: “Môn bơi lội học là nhảy xuống nước và bơi thôi”. Vị giáo sư bảo rằng: “Trong trường học không có dạy bơi nên tôi không biết bơi”. Lúc này anh ta nói với vị giáo sư rằng: “Trên thuyền đang có một lỗ thủng và thuyền sẽ chìm sau 5 phút. Tôi biết bơi nên tôi sẽ bơi vào bờ. Nếu ông không biết bơi thì xem như mất cả cuộc đời”.
Đức Phật rất thông tuệ về cuộc sống này. Ngài biết cách làm sao giữ cân bằng để có được an lạc trong cuộc sống. Chúng ta hãy xem Đức Phật như một người rất thông tuệ về mọi khía cạnh trong cuộc sống. Khi đi học, chúng ta được học rất nhiều thứ nhưng không ai dạy chúng ta cách làm sao xử lý những nỗi lo âu, hay phiền não, làm sao giữ cân bằng và có được an lạc trong cuộc sống nhiều thử thách này. Đức Phật là người rất thông tuệ và giảng dạy rất rõ ràng các phương pháp để giúp chúng ta có thể giữ cân bằng và có được an lạc trong cuộc sống này.