18-06-2025
Lamrim 2023
Download MP3

TUẦN 91 – NGÀY 18/06/2025

CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (tiếp theo)

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

Tại tu viện Gyuto, Thầy đang có một thời pháp cho người Ấn Độ trong địa phương nên Thầy lên lớp hơi trễ. Bây giờ Thầy bắt đầu khởi động gây dựng Dipkar ở Ấn Độ cho người Ấn Độ. Khi nói về Dipkar, Thầy vẫn luôn thấy rằng cho dù Thầy gầy dựng Dipkar ở nơi nào thì chương trình của Thầy cũng phát triển rất nhanh. Ước nguyện của Thầy không chỉ ngừng lại ở việc có nhiều trung tâm Dipkar ở nhiều nơi để chia sẻ giáo pháp của Đức Phật mà Thầy thật sự mong ước rằng một ngày nào đó sẽ có học trò của Dipkar thực sự đạt được giác ngộ.

Thầy hỏi đạo tràng đã học khóa này bao nhiêu năm rồi. Hôm qua Thầy có cuộc trò chuyện với các nhà khoa học bên châu Âu về chương trình thực hành thiền. Họ đang muốn tuyển những thiền giả có định lực vững một chút để tham gia thí nghiệm về tác dụng của thiền trên não bộ. Các học trò của Thầy trong đạo tràng nếu cảm thấy tự tin về khả năng thiền của mình thì hãy xung phong tham gia làm tình nguyện viên trong chương trình thí nghiệm này.

Thầy sẽ chọn các học trò có định lực khá vững một chút. Trước hết Thầy sẽ ưu tiên cho những học trò đã học lâu năm với Thầy, cụ thể là lớp Kim Cương Thừa. Nếu tuyển lớp đó mà chưa đủ tình nguyện viên, Thầy sẽ tuyển tiếp qua lớp của mình. Đạo tràng hãy sẵn sàng nhưng đừng quá căng thẳng. Thầy tin chắc rằng nếu chúng ta học và thực hành Lamrim đều đặn thì chắc chắn não của chúng ta sẽ thay đổi liên tục. Đặc biệt khi học Lamrim với Dipkar thì Thầy chắc chắn sẽ có sự thay đổi trên bộ não của mình. Thầy rất phấn khởi khi các nhà khoa học châu Âu đặc biệt yêu cầu muốn nhìn thấy thay đổi trong não bộ của học trò Dipkar. Bản thân Thầy cũng muốn nhìn thấy có những thay đổi nào trong não bộ của học trò Dipkar sau khi đã học Phật pháp trong nhiều năm.

SÁU BA LA MẬT (tiếp theo)

1/ BỐ THÍ BA LA MẬT

2/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT

3/ NHẪN NHỤC BA LA MẬT

Chúng ta hãy trở lại bài học. Hôm trước Thầy đang nói về 3 loại nhẫn nhục ba la mật và Thầy đã hướng dẫn xong 2 loại nhẫn nhục đầu tiên. Đó là nhẫn nhục trước những người tổn thương mình và nhẫn nhục trước mọi khổ đau của bản thân. Bây giờ chúng ta sang loại nhẫn nhục thứ 3 là nhẫn nhục trong việc thực hành Phật pháp, tức pháp nhẫn.

Pháp nhẫn có nghĩa là chúng ta rất cần sự kiên nhẫn đối với việc tu tập của chính mình. Loại nhẫn nhục thứ ba này vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu thiếu nhẫn nại trong việc thực hành Phật pháp, chúng ta sẽ không thể nào tiếp tục tu học bền vững được. Vì thế, chúng ta nhất định phải thực hành nhẫn nhục trong quá trình thực hành Phật pháp. Đây là phần quan trọng trong nhẫn nhục ba la mật.

4/ TINH TẤN BA LA MẬT

Sau nhẫn nhục ba la mật, chúng ta sang phần tinh tấn ba la mật. Trước hết hãy định nghĩa thế nào là tinh tấn ba la mật. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay nói về 3 loại tinh tấn. Trong quá trình thực hành tinh tấn, trước hết cần phải xác định được mục đích của việc tu tập. Tại sao chúng ta phát tâm tu tập giáo pháp? Câu trả lời nên là: mục đích của việc tu tập Phật pháp là để làm lợi lạc cho người khác. Nếu chưa làm lợi được cho người khác thì ít nhất việc tu học của mình phải làm lợi cho mình trước đã. Một động cơ đúng đắn như vậy chính là định nghĩa của tinh tấn trong quá trình tu học.

Đa phần những người tu học thiếu động cơ đúng đắn cho việc tu học của mình. Đôi khi chúng ta mất động cơ thực hành Phật pháp. Đó là bởi vì rất nhiều tình huống chúng ta phát tâm tu học chỉ vì một cảm xúc nhất thời. Khi cảm xúc đó qua đi, chúng ta không còn động cơ tu tập chính xác trong tâm nữa. Những gì xuất phát từ cảm xúc nhất thời sẽ không bền. Động lực tu học của chúng ta nhất định phải là tu học để làm lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh.

Khi phát tâm thực hành Lamrim để giúp ích cho chúng sinh, vậy ai là người đầu tiên mà chúng ta phải giúp đỡ? Khi phát tâm làm lợi lạc cho chúng sinh thì tâm nguyện đó phải được bắt đầu từ những người rất gần gũi, thân cận với mình. Khi phát tâm giúp đỡ chúng sinh, chúng ta hay mắc lỗi là nghĩ đến những người rất xa xôi đối với mình. Đừng có thực hành như thế. Khi phát tâm giúp đỡ chúng sinh, hãy nghĩ rằng “tôi sẽ giúp đỡ những người thân cận, gần gũi với mình”. Suy nghĩ mong muốn giúp đỡ những người thân cận là một dạng tinh tấn ba la mật. Thực tế, chúng ta có thực sự giúp đỡ được những người đó hay không là một chuyện khác. Chỉ cần có suy nghĩ mong muốn giúp đỡ họ thôi cũng là tinh tấn rồi.

Bài tập tuần này là chúng ta phải phát sinh trong tâm một động cơ tu học như vậy. Hãy tu học với mục đích giúp đỡ chúng sinh, trước hết là những người thân cận với mình.

Khi phát tâm tu học để làm lợi lạc cho chúng sinh thì phương pháp, cách thức để giúp đỡ chúng sinh cũng là một yếu tố quan trọng. Để làm lợi lạc cho chúng sinh, trong Lamrim có nói đến 4 cách để thu hút người khác đến với pháp. Tiêu đề trong Lamrim ghi là 4 cách để thu hút đệ tử và làm vui lòng đệ tử. Nhưng chúng ta nên hiểu rộng ra, đó là 4 cách để làm lợi lạc cho chúng sinh. Trong tài liệu, không nói rõ 4 cách đó cụ thể là gì, nhưng Thầy sẽ nói kỹ ở đây.

Cách thứ nhất là trao tặng những món quà nho nhỏ cho những người mình muốn giúp đỡ.

Cách thứ hai là trò chuyện với người đó về những chủ đề hay. Điều này không có nghĩa là chúng ta nói dối để cho họ vui lòng. Cần phải phân biệt rõ 2 điều này.

Cách thứ ba là nói chuyện với họ bằng những cách nói mà họ ưa thích. Ví dụ, chúng ta nói chuyện với một người thích chơi trò chơi điện tử thì hãy hướng buổi trò chuyện tới chủ đề về trò chơi điện tử.

Cách thứ tư để làm lợi lạc cho chúng sinh là chia sẻ với họ giáo pháp của Đức Phật. Cụ thể là chia sẻ với người khác những gì chúng ta được học và hiểu về giáo pháp, về tất cả những gì chúng ta được Thầy dạy. Có thể khi chia sẻ giáo pháp, chúng ta không thấy hiệu quả lập tức trên tâm thức của họ, nhưng nếu họ chịu nghe, tức là chúng ta đã gieo vào trong tâm họ hạt giống giáo pháp.

Bài tập thứ hai trong tuần này là chúng ta phải thực hành 4 cách làm lợi cho chúng sinh. Thậm chí chỉ cần một buổi trò chuyện ngắn về những chủ đề họ thích trong lúc họ đang căng thẳng và khi nói chuyện với mình, họ cảm thấy được giải tỏa thì đó là một điều lợi lạc vô cùng lớn. Những cách này ai cũng có thể làm được, đặc biệt ở cách cuối cùng là chia sẻ giáo pháp. Chúng ta hãy mạnh dạn chia sẻ với người khác tất cả những gì mình nghe và hiểu từ Thầy. Nhưng chúng ta phải rất khéo léo quan sát xem họ có thực sự hứng thú với việc chia sẻ giáo pháp của mình hay không. Nếu thấy họ mất hứng thú thì hãy ngừng chia sẻ. Khi chúng ta nói nhiều quá, họ sẽ bắt đầu thấy chán thì điều đó sẽ có tác dụng ngược lại.

Tình huống thứ hai là chúng ta chia sẻ giáo pháp của Thầy và họ quá thích thú muốn nghe tiếp nhưng chúng ta không chia sẻ được nữa thì phải làm thế nào? Chúng ta chỉ cần giới thiệu website www.vn.dipkar.com để họ tự tìm hiểu thêm.

5/ THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT

Ba la mật thứ năm là thiền định ba la mật. Đây là ba la mật cực kỳ quan trọng, là những chỉ giáo thực thụ, các phương pháp thiền rất quan trọng trong việc tu tập.

Khi nói về thiền định ba la mật, tức là làm cách nào để khai triển được định lực, khả năng tập trung của tâm thức. Theo Lamrim, chúng ta phải đảm bảo tất cả những điều kiện để đạt được tâm định, tức là phải có chỗ ở phù hợp, có tất cả các nhu yếu phẩm v.v… Những điều kiện căn bản này không quá quan trọng, chúng ta có thể tham khảo thêm trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Điều quan trọng đầu tiên trong chuỗi chỉ giáo thực hành thiền này là chúng ta sẽ gặp những cạm bẫy hay chướng ngại nào trong lúc thực hành thiền. Có 5 chướng ngại mà thiền giả chắc chắn sẽ gặp phải khi muốn tăng trưởng định lực. Chúng ta nhất thiết phải hiểu được 5 chướng ngại này là gì.

5 chướng ngại trong thực hành thiền (trang 273, quyển 2):

- Lười biếng:

Cạm bẫy hay chướng ngại thứ nhất của thực hành thiền chính là lười biếng. Chúng ta vẫn hay nghĩ rằng hôm nay không thiền vì ngày mai hay ngày mốt có thể thiền tiếp. Suy nghĩ như thế chính là lười biếng.

Tâm lười biếng, giải đãi, trì hoãn chính là cạm bẫy, chướng ngại thứ nhất đối với sự phát triển định lực. Vậy chúng ta có thể áp dụng pháp đối trị nào để diệt trừ tâm lười biếng khi nó phát sinh? Nếu cảm thấy mình lười biếng trong thực hành thiền thì hãy nghĩ đến lợi lạc của việc thực hành thiền, nghĩ đến những điều lợi khi tâm định phát sinh bên trong mình.

- Quên chỉ giáo:

Chướng ngại thứ hai đối với phát triển định lực chính là quên chỉ giáo hoặc quên đối tượng thiền. Chướng ngại nghiêm trọng thứ hai đối với tất cả các thiền giả là hoàn toàn không nhớ chỉ giáo về những bước thiền để có thể đạt được định lực. Khi không nhớ những chỉ giáo từng bước một để tiến hành các thời thiền thì làm sao có thể thực hành đúng đắn được.

Pháp đối trị là chúng ta hãy suy nghĩ về những bước hướng dẫn thiền ngày này qua ngày kia, suy nghĩ tới suy nghĩ lui cho tới khi nào chúng ta nhớ, học thuộc lòng tất cả những chỉ giáo này.

- Trạo cử và hôn trầm:

Chướng ngại thứ ba là trạo cử và hôn trầm (trang 279, quyển 2). Đây là chướng ngại trầm trọng nhất, rất khó vượt qua. Chúng ta phải hiểu rõ định nghĩa của trạo cử. Trạo cử là những tạp niệm xen ngang vào thời thiền, khiến chúng ta bị phân tâm khỏi đối tượng thiền đã chọn sẵn từ đầu. Có thể hiểu trạo cử một cách đơn giản là bị phân tâm. Bị phân tâm ra khỏi đối tượng thiền là trở ngại rất phổ biến đối với những người mới bắt đầu thực hành thiền.

Thầy vừa tắt màn hình, tắt cái nền ảo để cho đạo tràng thấy căn phòng của Thầy ở tu viện bên Ấn Độ. Hiện tại nhiệt độ ngoài trời rất nóng và trong phòng của Thầy không có máy điều hòa. Còn tu viện của Thầy ở Nepal thì không cần đến máy điều hòa. Thầy chỉ muốn cho học trò thấy Thầy đang ở đâu. Đạo tràng có biết điều đặc biệt gì về căn phòng của Thầy hiện tại không? Điều đặc biệt của căn phòng này là nó chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ có rất nóng mà thôi. Có điều là tu viện giữ rất nhiều pho tượng trong căn phòng này. Nếu những pho tượng đó chiếm chỗ mà Thầy cần dùng đến không gian thì Thầy cũng không dọn tượng đi chỗ khác được. Phòng riêng của Thầy bên Nepal không có bài trí nhiều tượng Phật. Trong căn phòng ở Nepal có một bức tường trống. Thầy viết hết tên những người đã qua đời mà học trò muốn Thầy cầu nguyện lên bức tường đó và mỗi ngày khi nhìn thấy bức tường, Thầy cầu nguyện cho họ. Thầy không làm như vậy được ở tu viện bên Ấn. Bởi vì vài năm sau khi hết nhiệm kỳ ở tu viện bên Ấn Độ, Thầy phải dọn đi nơi khác và phòng này sẽ được trao cho người khác, nên Thầy không có viết tên lên tường như thế được. Thầy chỉ muốn chia sẻ với đạo tràng đôi chút về nơi Thầy đang ở.

Khi thực hành thiền, trở ngại chính yếu trong thời gian đầu là phân tâm (trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay ghi là trạo cử). Song hành với phân tâm là chướng ngại hôn trầm. Định nghĩa của hôn trầm là gì? Ví dụ, chúng ta chọn bức ảnh của Đức Phật là đối tượng thiền. Khi thiền một hồi và bức ảnh Phật trong tâm cứ nhòe dần, mờ dần, gần như ngủ gục, đó chính là hôn trầm.

Trong 5 chướng ngại thiền, chướng ngại thứ ba bao gồm trạo cử và hôn trầm là 2 yếu tố chính yếu cản trở chúng ta đạt được tâm định. Ví dụ, chúng ta đã chọn đối tượng thiền là bức ảnh Phật, bây giờ bị trạo cử, bị phân tâm, tức là tâm nghĩ qua chuyện khác, bị phân tán ra khỏi bức ảnh Phật thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta tạm ngừng thiền, uống Coca rồi quay lại thiền tiếp. Nếu làm như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu tạm ngừng thiền, uống Coca rồi thiền tiếp thì chúng ta sẽ tiếp tục bị phân tâm thôi. Không có gì mới mẻ xảy ra cả.

Chúng ta phải làm gì để đối trị với từng chướng ngại trong tất cả các chướng ngại này? Đó chính là toàn bộ chỉ dẫn để đạt được tâm định mà chúng ta sắp được học.

Giả sử chúng ta không bị phân tâm, đối tượng thiền vẫn trước tâm mình nhưng cứ không rõ, mờ dần và bị hôn trầm thì chúng ta phải làm gì? Trong vài tuần tiếp theo, chúng ta sẽ được học phương pháp cụ thể để đối trị với trạo cử và hôn trầm. Tất cả những điều này cực kỳ quan trọng chúng ta cần phải hiểu rõ.

Trong Giải Thoát Trong Lòng Tay, kinh văn dùng chữ “cạm bẫy”, tức là thiền giả sập vô bẫy này thì sẽ không bao giờ đạt được tâm định. Trong đó, cạm bẫy thứ ba là cạm bẫy nghiêm trọng và tệ hại nhất. Đó chính là hôn trầm và trạo cử. Hãy ghi nhớ rằng hôn trầm và trạo cử là cạm bẫy tệ hại nhất. Nếu mong muốn đạt được tâm định thì bằng cách này hay cách khác, chúng ta nhất định phải vượt qua cạm bẫy hôn trầm và trạo cử.

Trong tất cả các loại trạo cử/phân tâm thì phân tâm kiểu gì là tệ hại nhất? Ví dụ, chúng ta chọn đối tượng thiền là hình ảnh đức Phật, bất thình lình suy nghĩ về công việc xen ngang quá trình thiền thì đó chính là phân tâm. Phân tâm tệ hại nhất chính là một tạp niệm khác xen ngang mà tạp niệm đó chính là đối tượng mà chúng ta bám chấp. Giả sử chúng ta bị bám chấp vào công việc, trong lúc đang thiền về hình ảnh Phật, đối tượng bám chấp đó chen ngang vào quá trình thiền của mình, đó chính là phân tâm tệ hại nhất.

Thông thường tâm nhảy nhót lung tung, tập trung ở đây một chút, ở kia một chút, vì chúng ta không có khả năng gom tâm về một chỗ. Thiền định ba la mật là phương pháp thiền để đào luyện khả năng tập trung vào một đối tượng duy nhất, gọi là thiền chỉ. Thiền chỉ là cột tâm mình vào một đối tượng duy nhất. Khi có khả năng giữ tâm trên một đối tượng duy nhất trong một thời gian dài thì chúng ta sẽ thấy tâm mình càng trở nên thoải mái hơn, thư giãn hơn. Hiện tại tâm cảm thấy bất an, đau khổ… là bởi vì chúng ta không có khả năng cột tâm vào một chỗ. Tâm cứ nhảy hết từ chỗ này qua chỗ khác khiến cho tâm rất bối rối và không được an lạc.

Thực hành thiền định là thiền để phát triển định lực. Định lực là an trụ tâm vào một đối tượng duy nhất. Khi có thể trụ tâm vào một đối tượng duy nhất cho dù chỉ trong vòng 10 phút thôi thì chúng ta sẽ thấy tâm trở nên rất điềm đạm, an lành và thoải mái. Hiện tại chúng ta cảm thấy tâm rối bời vì cái tâm đó đang nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác. Chúng ta không có khả năng trụ tâm vào một đối tượng duy nhất theo ý mình, tâm cứ chạy lung tung khiến cho chúng ta cảm thấy cực kỳ căng thẳng và rối rắm.

Nếu chúng ta có nhiều vấn đề phải giải quyết trong cuộc sống và tất cả những vấn đề đó xen vào tâm cùng một lúc, hết chuyện này đến chuyện khác, thì chúng ta sẽ cảm thấy bị quá tải và vô vọng. Trong thực tế, chúng ta không hề vô vọng, bởi vì nếu chúng ta có thể gạt hết những suy nghĩ không cần thiết đó, nếu có được định lực và khả năng tập trung vào một vấn đề thì chúng ta sẽ giải quyết rất dễ dàng. Tâm định, khả năng tập trung, khả năng trụ tâm vào duy nhất một đối tượng đó chính là thiền chỉ hay còn gọi là Samatha. Để đạt được Samatha hay để thành tựu được thiền chỉ, để có được năng lực trụ tâm vào đối tượng duy nhất thì chúng ta cần điều gì quan trọng? Điều quan trọng thứ nhất là phải có Zoom. Chúng ta hãy nhớ điều quan trọng này.