
TUẦN 44 – NGÀY 15/06/2025
CHỦ ĐỀ: PHÁT TÂM CẦU GIẢI THOÁT (PHẠM VI TRUNG BÌNH)
Hôm nay chúng ta sẽ học Ngày thứ 14 trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Ngày thứ 14 bắt đầu phần Phạm vi Trung bình, hướng dẫn làm sao có thể phát tâm cầu giải thoát (trang 10, quyển 2).
Trong phần phát tâm cầu giải thoát, có 2 tiêu đề phụ: nghĩ về khổ sinh tử và nghĩ về những khổ đặc biệt.
I/ NGHĨ VỀ KHỔ SINH TỬ NÓI CHUNG
Có 6 đoạn. Nói cách khác, có 6 loại khổ chung trong luân hồi (trang 16, quyển 2)
1/ Đầy bất trắc: Nghĩa là có những nguy cơ, có những khả năng chúng ta sẽ chịu đau khổ trong cõi luân hồi này vì bản chất của luân hồi là không có hoàn hảo. Đầy bất trắc có nghĩa là không chắc chắn, không có một điều gì trong cõi luân hồi này có thể chắc chắn theo đúng ý mình được.
Chúng ta mình có thể vạch ra rất nhiều kế hoạch nhưng không phải kế hoạch nào cũng diễn ra theo đúng ý mình cả. Trong luân hồi, có rất nhiều điều kiện khiến cho mọi việc có thể diễn ra không như mong muốn, cho nên luân hồi đầy bất trắc. Ở đây dạy rằng hãy trông đợi những cái điều không trông đợi trong cõi luân hồi này.
Những chuyện không chắc chắn và đầy bất trắc này không phải chỉ xảy ra cho mỗi chúng ta mà bất kỳ ai trong cõi luân hồi cũng phải đối mặt với tình huống như thế. Do đó, khi nghĩ về đau khổ, chúng ta đừng chỉ nghĩ về những đau khổ của bản thân mà hãy nghĩ về những đau khổ của người khác. Khi thấy được đau khổ của người khác, chúng ta mới cảm thấy thương cảm cho họ, từ đó không phát sinh tâm đố kỵ, ganh ghét họ. Lúc đó, chúng ta mới có thể phát được tâm từ bi yêu thương người khác nhiều hơn.
2/ Không toại ý:
Loại đau khổ thứ hai (trang 18, quyển 2) là khổ vì không được toại ý, không được thỏa mãn, không được theo như ý nguyện của mình. Đây có lẽ là loại đau khổ tệ hại nhất.
Thầy nói rằng trong luân hồi này, bất kỳ ai cũng phải học được 2 điều. Thứ nhất là phải biết hạnh phúc và an lạc với những gì mình đang có. Thứ hai là có quyền mong muốn có được nhiều điều hơn. Tuy nhiên, điều mà chúng ta đang làm là chỉ muốn có nhiều hơn mà thôi, chứ không biết thỏa mãn với những gì mình đang có.
Thầy kể một câu chuyện, ngày xưa có một anh thợ cắt tóc cứ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần là đi vào cung điện để cắt tóc cho đức vua. Mỗi lần xong việc, đức vua thưởng cho anh ta một đồng tiền vàng. Với một đồng tiền vàng đó cũng đủ cho anh ta có được một cuộc sống khá nhàn hạ, thoải mái. Cứ hết một tuần, anh ta tiêu hết một đồng tiền vàng kiếm được vào việc mua đồ ăn, thức uống, rồi mời bạn bè, hàng xóm. Sau đó, sáng thứ Hai tuần kế tiếp anh ta lại vào cung cắt tóc cho đức vua rồi sẽ lại được thưởng một đồng tiền vàng khác. Anh ta cảm thấy rất thỏa mãn khi có được cuộc sống như vậy.
Đức vua thấy cứ mỗi một lần vào cung cắt tóc, anh ta có thái độ rất thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống này nên thắc mắc tại sao một người có thể thỏa mãn được với chỉ một đồng tiền vàng mỗi tuần trong khi bản thân đức vua có hàng ngàn đồng tiền vàng nhưng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn cả. Lúc đó đức vua đem thắc mắc này nói với vị tể tướng của mình. Vị tể tướng mới thưa với đức vua cho ông ta thời gian để tìm hiểu nguyên nhân tại sao.
Vào đêm vị tể tướng này âm thầm đến nhà của anh thợ cắt tóc và thả vào trong nhà anh ta một cái bị có chứa trong đó 99 đồng tiền vàng. Khi người thợ cắt tóc tìm thấy cái bị, anh ta mở ra xem nhưng đếm đi đếm lại chỉ thấy có 99 đồng tiền vàng. Sáng thứ Hai đầu tuần, như thường lệ, anh ta phải vào trong cung để cắt tóc cho đức vua. Khi cắt tóc cho vua, anh ta suy nghĩ tại sao không nghĩ cách để tiết kiệm thêm một đồng tiền vàng nữa để cộng với 99 đồng kia, anh ta sẽ có chẵn 100 đồng tiền vàng.
Anh ta đem một đồng tiền vàng được đức vua thưởng về và trong tuần đó, anh ta cố gắng hạn chế chi tiêu, không có mời bạn bè ăn uống nữa, bỏ cả ăn tối… Hai tuần sau, anh ta đã có chẵn 100 đồng tiền vàng. Khi có được 100 đồng tiền vàng rồi, anh ta lại nghĩ tại sao không kiếm thêm tiền để có 200 đồng tiền vàng.
Khi đó anh ta bắt đầu cảm thấy cuộc sống không còn vui nữa. Bởi vì anh ta đi làm khổ cực, rồi phải tiết kiệm để có thêm nhiều tiền. Qua một thời gian đức vua thấy anh thợ cắt tóc này không còn hạnh phúc và vui vẻ như xưa nữa. Đức vua hỏi nguyên nhân thì anh thợ cắt tóc trả lời: “Tại vì 99 đồng tiền kia làm cho con khổ”. Thực ra anh ta không phải khổ vì 99 đồng tiền kia mà khổ chỉ vì anh ta muốn có thêm một đồng tiền cho đủ chẵn 100 đồng.
Nếu anh thợ cắt tóc thay đổi suy nghĩ, nghĩa là trong khi mong muốn có thêm nhiều tiền hơn và cố gắng đạt được điều đó, nhưng vẫn thỏa mãn với 99 đồng tiền đang có trong tay thì anh ta sẽ vẫn giữ được sự cân bằng trong cuộc sống. Đằng này anh ta chỉ nghĩ đến chuyện làm sao phải có thêm nhiều tiền, chứ không biết thỏa mãn và vui vẻ với những gì đang có. Điều đó khiến anh ta đau khổ. Cho nên con người thường hay muốn những thứ mình không có, mà ít khi nhìn lại những thứ mình đang có và cảm thấy thỏa mãn với những điều đó.
Thầy nói rằng Thầy rất vui khi đã thành lập được trung tâm Dipkar ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng nếu có cơ hội, Thầy vẫn muốn mở rộng để có thêm nhiều trung tâm Dipkar ở các nước khác nữa. Thậm chí, Thầy muốn mở trung tâm Dipkar trên cõi tịnh độ của Phật. Đây là câu nói nửa đùa nửa thật. Thầy hy vọng nếu ai đó vãng sanh về cõi tịnh độ của Ngài Quan Thế Âm thì sẽ thấy được trung tâm Dipkar với khẩu hiệu “Sống Mạnh mẽ và Hạnh phúc” ở trên đó.
Thầy đặt câu hỏi: Giả sử chúng ta được vãng sanh lên cõi tịnh độ của Đức Phật, câu đầu tiên Đức Phật hỏi khi gặp mình ở trên đó là gì? Đức Phật sẽ không bao giờ hỏi chúng ta đã tụng được bao nhiêu câu chú hay nhớ được bao nhiêu câu kinh, mà Ngài sẽ hỏi chúng ta sống có được an lạc, hạnh phúc hay không.
Nếu chúng ta đặt cùng câu hỏi này cho các vị thầy khác, có thể các vị thầy đó sẽ trả lời rất phức tạp. Người nào trả lời phức tạp là do người đó đang suy nghĩ phức tạp, chứ thực ra Đức Phật chưa hẳn đã suy nghĩ phức tạp như thế đâu.
Thầy lấy ví dụ như Đức Phật A Di Đà, công việc của Ngài không phải là làm kế toán, cho nên chúng sinh có tụng bao nhiêu câu chú A Di Đà thì Ngài cũng không rãnh đếm hay nhớ hết túc số. Hiện tại, chúng ta đọc chú, tụng niệm danh hiệu của Đức Phật như thể Phật đang làm công việc của người kế toán, phải nhớ hết tất cả các câu tụng niệm của mình.
Thầy nghĩ rằng Đức Phật suy nghĩ rất đơn giản. Ngài chỉ quan tâm chúng sinh có sống an lành, hạnh phúc hay không, chứ những chuyện khác như chúng sinh đọc được bao nhiêu câu chú, bao nhiêu lần bài kinh thì Đức Phật không mấy quan tâm. Cũng giống như một người mẹ yêu thương đứa con của mình, người mẹ ấy chỉ nghĩ đến chuyện con mình có vui, hạnh phúc không, chứ không quan tâm nhiều đến chuyện khác. Đức Phật, với lòng yêu thương, từ bi dành cho tất cả chúng sinh, cũng giống như vậy.
Điều cốt lõi thực ra rất đơn giản: Đức Phật chỉ quan tâm đến chuyện chúng sinh có sống an lành và hạnh phúc hay không mà thôi. Nhưng đạo Phật trải qua nhiều truyền thống và các thầy bắt đầu tạo nên nhiều điều phức tạp như phải đọc câu chú cho đủ túc số thì mới đạt điều kiện này nọ. Điều đó khiến cho chúng ta nhìn Đức Phật như một người làm kế toán, phải nhớ hết tất cả túc số tụng niệm của mình. Chúng ta chưa bao giờ thấy vị Phật nào cầm máy tính trên tay cả. Cho nên cần biết rằng mình có tụng nhiều câu chú hay không thì Phật cũng không quan tâm. Những thầy đi theo cách rất truyền thống trong thực hành đạo Phật thì quan tâm đến chuyện tụng chú cho đủ túc số. Nếu các đệ tử cứ mãi tập trung vào tụng chú, thì vị thầy cũng không cần giảng gì nhiều, cứ hướng dẫn học trò tụng chú thôi.
Phân đoạn thứ hai này là không toại ý, tức không được thỏa mãn. Ở đây hướng dẫn chúng ta phải biết thỏa mãn và hạnh phúc với những gì đang có. Bên cạnh đó, chúng ta có thể mong muốn có được nhiều hơn, nhưng điều quan trọng là để giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, chúng ta cần phải cảm thấy thỏa mãn và vui vẻ với những gì mình đang có. Người nào cảm thấy không thỏa mãn, không hài lòng với những gì mình đang có thì người đó đang gặp khổ đau.
Đức Phật không bao giờ dạy rằng chúng ta phải cắt đứt hết tất cả mọi mong muốn của mình. Chúng ta có quyền mong muốn nhưng nếu muốn nhiều quá, chúng ta sẽ không thể tập trung được vào tất cả những mong muốn của mình. Kết quả là chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ nào cả. Đức Phật dạy rằng chúng ta có quyền mong muốn nhưng hãy mong muốn ít lại. Như vậy, chúng ta mới có thể tập trung tốt hơn vào những mong muốn của mình. Ví dụ, từ 10 mong muốn, chúng ta giảm xuống còn 2 thôi để có thể tập trung tốt hơn và hoàn thành được tất cả các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nếu cứ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có mà không có mong muốn gì khác thì chúng ta cũng không thể phát triển bản thân được. Do đó, bên cạnh thỏa mãn với những gì mình đang có, chúng ta hãy mong muốn những điều tốt hơn và tiến bộ hơn.
Khi nãy Thầy có nói đến chuyện mở trung tâm Dipkar trên cõi tịnh độ của Đức Phật. Đó là Thầy thực sự suy nghĩ như vậy, chứ không phải là lời nói đùa. Chúng ta có thể xem Thầy đang nói nửa đùa nửa thật cũng được.
3/ Nổi khỗ phải bỏ thân (trang 20)
Nỗi khổ phải bỏ thân nghĩa là trong luân hồi này chúng ta phải chết đi sống lại nhiều lần, phải trải qua tất cả các cõi khác nhau.
Ở đây hướng dẫn chúng ta phải có cái nhìn như thế nào đối với cái chết. Cái chết xảy ra cho tất cả mọi người, ai cũng phải chết. Tuy nhiên, trong luân hồi này chúng ta không phải chỉ chết một lần mà chết ở đời này rồi lại tái sinh ở đời khác, rồi lại chết đi, lại sinh ra rồi lại chết đi, sinh ra chết đi liên tục như thế trong luân hồi, cho nên giải thoát là phải cắt đứt vòng luẩn quẩn đó để không phải chịu nỗi khổ phải bỏ thân như thế.
Nếu ta không muốn chết đi thì đáng lẽ ta không nên sinh ra. Để không phải sinh ra nữa, chúng ta phải tịnh hóa và làm sạch tất cả mọi ác nghiệp. Để không có ác nghiệp nữa, chúng ta cần phải diệt trừ tất cả mọi phiền não trong tâm. Bởi vì từ những phiền não trong tâm kích động khiến chúng ta tạo ra ác nghiệp. Từ ác nghiệp đó khiến cho chúng ta lại sinh ra trong luân hồi. Đã có sinh ra thì sẽ có chết đi, đó là một vòng luẩn quẩn. Muốn giải thoát thì phải chặt đứt được vòng lẩn quẩn như thế.
Thầy kể chuyện, có lần Thầy đang giảng dạy ở Đài Loan thì một người phụ nữ câm điếc đã đặt câu hỏi cho Thầy. Thầy không biết người phụ nữ này không nói chuyện được. Cô ấy đã dùng ngôn ngữ ký hiệu để đặt câu hỏi cho Thầy và có một người dịch từ ngôn ngữ ký hiệu đó sang ngôn ngữ bình thường để Thầy hiểu. Cô ấy nói rằng vì là người câm điếc nên cô ấy đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Bây giờ cô ấy lại đang có một đứa con. Việc chăm sóc một đứa con trong khi bản thân vừa câm vừa điếc thì có nhiều đau khổ khó có thể nào chịu đựng được. Người phụ nữ này đã hỏi Thầy tại sao cô ấy lại phải sinh ra trên đời này với nỗi khổ đau như vậy.
Đối với Thầy, đây là một câu hỏi không dễ trả lời chút nào. Chúng ta biết rằng mình sinh ra là bởi vì ác nghiệp. Chúng ta tạo ác nghiệp là bởi vì tâm có phiền não. Do phiền não kích động mà tạo ra ác nghiệp. Ác nghiệp khiến chúng ta phải sinh ra trong luân hồi này. Đức Phật đã thấy được vòng luẩn quẩn đó và Ngài hoàn toàn biết được cách thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này. Đó là phải phát triển được trí tuệ hiểu biết về Tánh Không. Nhờ có trí tuệ hiểu rõ được Tánh Không đó, chúng ta mới chặt đứt được phiền não, từ đó không tạo ra ác nghiệp nữa. Như vậy, sẽ không phải sinh ra trong luân hồi. Không có sinh ra thì sẽ không có chết đi.
Đây là một điều khá quan trọng chúng ta cần phải hiểu. Đức Phật dạy rằng để thoát khỏi luân hồi, chúng ta cần có trí tuệ hiểu biết về Tánh Không. Những ai mong cầu thoát khỏi những đau khổ của luân hồi thì mới cần học để phát triển trí tuệ hiểu biết về Tánh Không. Hiện giờ chúng ta vẫn còn rất thỏa mãn, mê đắm vào luân hồi này, chưa cảm thấy chán ngán luân hồi thì cũng không có động lực để phát triển một công cụ giúp mình thoát khỏi luân hồi. Chúng ta cứ học, đến một lúc nào đó trong tương lai chúng ta thực sự cần công cụ đó thì cũng biết mà thực hành.
Chúng ta sinh ra ở cõi này cõi kia như thế nào? 70% là do nghiệp. Trong đời này, chúng ta đã tạo nghiệp như thế nào thì đến lúc chết đi, nghiệp đó sẽ ném chúng ta vào cõi tương ứng. Nếu ta làm việc thiện sẽ sinh về cõi lành, nếu làm việc xấu thì sẽ sinh vào cõi ác. Nghiệp sẽ quyết định chúng ta sẽ sinh về cõi nào.
Chúng ta tạo nghiệp là do phiền não. Do tâm có phiền não như tham, sân, si nên đã kích động khiến chúng ta làm những hành động tạo nghiệp và nghiệp đó quyết định nơi sinh ở đời kế tiếp. Đó là cách chúng ta được sinh ra trong luân hồi. Một khi đã sinh ra trong luân hồi này, ở cõi nào cũng có những đau khổ riêng. Chúng ta không bao giờ thoát khỏi hẳn tất cả mọi khổ đau một khi vẫn còn trong luân hồi.
Tất cả những phiền não như tham, sân giận… đều đến từ sự bám chấp vào cái tôi và cái của tôi. Vậy suy nghĩ về cái tôi và cái của tôi đó đến từ đâu? Câu hỏi này thực ra không quan trọng. Điều quan trọng là làm sao thoát khỏi tâm bám chấp đó, để chấm dứt mọi đau khổ. Chúng ta cần thiết phải phát triển được trí tuệ hiểu biết về Tánh Không thì mới có thể chặt đứt được tất cả mọi suy nghĩ sai lầm.
Trí tuệ chứng Tánh Không là công cụ duy nhất có thể giúp chúng ta thoát khỏi tâm bám chấp vào tôi và của tôi. Trí tuệ hiểu biết về Tánh Không đó cũng chính là công cụ duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi tất cả mọi đau khổ của luân hồi.
Hãy quay trở về câu chuyện về người phụ nữ câm điếc đang rơi vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Làm thế nào Thầy trả lời câu hỏi của người phụ nữ này? Thầy không thể trả lời là Thầy không biết. Thầy cũng không thể nói cô ấy vào lớp Zoom để học vì điều kiện của cô ấy không cho phép. Thầy cũng không thể trả lời một cách đơn giản như nãy giờ Thầy nói với lớp mình. Trong cuộc đời Thầy, Thầy cảm nhận đó là cái câu hỏi khó nhất đối với Thầy. Thực ra câu hỏi không khó, cái khó là người đang đặt câu hỏi đó đang trong hoàn cảnh rất đau khổ và Thầy phải trả lời như thế nào để làm cô ấy cảm thấy được an ủi và nhẹ lòng.
Bây giờ chúng ta đã biết được tại sao Phật dạy về Tánh Không. Một khi chúng ta sinh ra trong luân hồi thì ở đâu cũng có đau khổ. Chúng ta không thể nào thoát khỏi tất cả mọi đau khổ một khi vẫn còn trong luân hồi. Tuy nhiên, những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ trong luân hồi đó hoàn toàn có thể thay đổi nhờ vào sự thực hành của bản thân. Nếu thực hành theo hướng dẫn trong Lamrim thì chúng ta sẽ có thể thay đổi và cải thiện hoàn cảnh của mình.
Thầy nói rằng khi chúng ta đã diệt trừ tất cả mọi phiền não, cho dù thân này có ở trong luân hồi thì tâm cũng không cảm thấy đau khổ. Lúc đó, chúng ta không còn bị khống chế bởi khổ đau trong luân hồi. Khi chứng ngộ được Tánh Không, chúng ta sẽ thấy tất cả mọi thứ xung quanh mình giống như một giấc mơ, như ảo ảnh. Người đã chứng Tánh Không sẽ không cảm thấy đau khổ bởi tâm bám chấp hay sân hận. Thậm chí có con hổ nhảy đến tấn công, người đó cũng không hề hoảng sợ vì thấy mọi thứ xung quanh chỉ như một giấc mơ mà thôi.
Nếu chúng ta nằm mơ và biết rằng mình đang mơ, thì trong giấc mơ đó, cho dù có trúng số được một triệu đô đi chăng nữa, ta cũng không quá vui mừng vì biết đó là không thật. Hoặc khi mơ thấy bị mất hết tay, chân thì cũng không hoảng sợ vì biết đó chỉ là giấc mơ thôi.
Thầy vẫn thường hay nói rằng những người đã chứng được Tánh Không có một vấn đề của riêng họ. Đó là không còn thấy ngon khi ăn uống nữa. Cũng giống như chúng ta nằm mơ và biết mình đang mơ thì trong giấc mơ có ăn ngon đến mấy, cũng không tận hưởng được bữa ăn đó, vì biết nó không thật. Nhưng chuyện đó không phải là vấn đề khó khăn gì của người chứng Tánh Không, mà chỉ là vấn đề khó khăn của chúng ta mà thôi. Chúng ta nhìn thấy như thế và nghĩ nó là khó khăn.
Trí tuệ trí chứng Tánh Không cho chúng ta một góc nhìn, một cách tiếp cận rất khác về tất cả những gì đang xảy ra xung quanh mình. Khi nói đến quả táo, hay cái bàn, cái ghế…, chúng ta đang nói đến không gian ba chiều, đúng không? Tất cả những suy nghĩ, cảm xúc hay cảm giác, tất cả các tâm thức phát sinh dựa trên việc chúng ta thấy, nghe, tiếp xúc với các đối tượng trong không gian ba chiều này. Chúng ta có thể nghĩ Tánh Không là chiều không gian thứ tư. Trong chiều không gian này, chúng ta thấy tất cả mọi thứ rất khác so với bình thường,
Khi Đức Phật chứng ngộ Tánh Không và Ngài dần dần giảng về Tánh không thì người nghe sẽ nghĩ Đức Phật bị điên. Vì thế, sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã giữ im lặng trong suốt 49 ngày. Bởi vì Đức Phật biết rằng bây giờ có giảng thì cũng không có ai hiểu được Tánh Không mà Ngài thuyết giảng. Vì thế, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã giảng những bài pháp rất thông thường, theo trình độ hiểu biết của đệ tử. Mãi đến tận về sau, khi các đệ tử đã làm quen với giáo lý căn bản của đạo Phật thì Đức Phật mới giảng về Tánh Không.
Hãy trở về tiêu đề chính là phát tâm cầu giải thoát. Phát tâm cầu giải thoát có nghĩa là phát tâm mong muốn thoát khỏi tất cả mọi phiền não, bởi chính phiền não là nguyên nhân khiến ta sinh đi sinh lại trong luân hồi này. Và chúng ta sẽ không biết thời điểm mình sẽ được giải thoát. Giống như Đức Phật, ngày mai Đức Phật sẽ được giác ngộ hoàn toàn thì bản thân Ngài cũng không biết được.
Khi đạt được giác ngộ, chúng ta sẽ làm gì? Thầy nói rằng khi đã đạt được giác ngộ, chúng ta đừng có quên Thầy. Thầy vẫn thường hay nói với các học trò rằng trước khi Thầy qua đời, phải cố gắng có ít nhất học trò đạt được giác ngộ. Thầy đang nói một cách nghiêm túc và Thầy cũng đang cố gắng để làm được chuyện đó. Ở nơi nào Thầy thành lập trung tâm Dipkar thì ở nơi đó Dipkar cũng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, nếu vào lớp học Dipkar mà chỉ có như thế này thôi thì không phải là đích đến của Thầy. Thầy mong muốn chúng ta vào lớp học Dipkar thì ít nhất cũng phải có một học trò nhận được lợi ích từ giáo pháp và phải đạt được chứng ngộ. Thầy đang cố gắng để hoàn thành được ước nguyện đó trước khi Thầy qua đời.
Hôm trước Thầy có dịp đến Bồ Đề Đạo Tràng. Ở tháp giác ngộ của Bồ Đề Đạo Tràng Thầy đã đảnh lễ Đức Phật và cầu nguyện Đức Phật gia trì cho tất cả mọi học trò Dipkar đều sẽ thành Phật và Thầy sẽ là người thành Phật sau cùng. Bản thân Thầy không có vội vàng thành Phật mà Thầy chờ các học trò Dipkar đều thành Phật, rồi Thầy sẽ thành Phật sau cùng. Dipkar có tại nhiều nước và Thầy cũng mong muốn rằng trong đời này, có thể nhìn thấy được ít nhất một học trò đạt được giác ngộ.
Có một số học trò ở bên Mỹ nói với Thầy rằng họ không tin tôn giáo, không tin đạo Phật nhưng họ tin theo Thầy. Điều đó khiến Thầy cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn đối với các học trò để giúp học trò đạt được giác ngộ.
Chúng ta có thể nghĩ Tánh Không rất phức tạp, nhưng thực sự không phức tạp đến thế. Chỉ cần học và thực hành đúng theo trình tự nhất định thì dần dần Tánh Không sẽ trở nên dễ dàng đối với mình. Để có thể học và hiểu được về Tánh Không, để chứng được Tánh Không, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có Zoom. Có Zoom, chúng ta mới có thể học và hiểu được Phật pháp.
Vừa rồi Thầy có đến tu viện Sera Jey ở Nam Ấn và có gặp được các thầy trẻ. Từ rất lâu Thầy không về lại tu viện Sera Jey. Ngày trước Thầy là giảng sư giảng dạy ở đó. Đã hơn 10 năm các thầy trẻ mới gặp lại Thầy nên rất xúc động. Vì Thầy không có mở lớp học Zoom nào cho các thầy ở trong tu viện cả, nên đây là cuộc gặp đầu tiên sau hơn 10 năm, nên rất cảm động. Tu viện Sera Jey ở Nam Ấn khá lớn và rất truyền thống, làm việc gì như dạy học thì thầy trò cũng phải gặp mặt trực tiếp, chứ không gặp qua Zoom được, nên rất khó để tổ chức hình thức học giống như thế này.
Để có thể chứng được Tánh Không, điều kiện đầu tiên là phải có Zoom. Điều kiện thứ hai là phải vào lớp đúng giờ. Có Zoom mà không chịu vào lớp học đúng giờ thì cũng vô nghĩa.
Nỗi khổ phải bỏ thân là loại khổ thứ ba trong luân hồi. Tại sao chúng ta phải sinh ra trong luân hồi? Đó là do ác nghiệp. Tại sao ta tạo ác nghiệp là bởi vì phiền não. Tại sao tâm có phiền não là bởi vì bám chấp vào cái tôi và cái của tôi. Để chặt đứt tâm bám chấp vào cái tôi và cái của tôi, chúng ta cần công cụ là trí tuệ hiểu biết về Tánh Không. Khi đã có được trí tuệ hiểu biết về Tánh Không, chúng ta sẽ thoát khỏi tất cả các bám chấp đó, từ đó thoát khỏi mọi phiền não, sẽ không tạo ác nghiệp nữa và sẽ không sinh trở lại vào luân hồi.
Chúng ta có thể đọc thêm phần này trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Nếu có thể hiểu được phần này, chúng ta đã đi xong nửa đường đến giác ngộ rồi. Bây giờ chúng ta thử hỏi những người không đi học Lamrim làm sao để đạt được giải thoát, chắc chắn họ sẽ nghĩ giải thoát là phải tụng niệm, phải đọc chú, phải lễ lạy… Những điều đó chưa hẳn đưa chúng ta đến giải thoát.