
TUẦN 39 - NGÀY 11/05/2025
CHỦ ĐỀ: NHỮNG CỬA NGÕ VÔ TÌNH ĐƯA ĐẾN NGHIỆP CƯỜNG LIỆT (NGÀY 13)
(Thầy Thabkhe Lodroe hướng dẫn)
- Chúng ta hãy cùng đọc tụng bài kệ quy y Tam Bảo và phát tâm bồ đề, để phát khởi động cơ thanh tịnh trước khi bắt đầu buổi học.
- Thầy tóm tắt các phần Lamrim chúng ta đã học từ đầu đến giờ. Lamrim là trình tự thực hành Phật pháp được rút trích từ trong kinh điển mà đức Phật Thích Ca giảng dạy. Người rút trích ra trình tự thực hành này là Ngài Atisha. Đầu tiên nói về tác giả là nói đến tính vĩ đại của tác giả, từ học vấn, tiểu sử như Ngài Atisha đã có những công hạnh vĩ đại như thế nào. Sau đó nói về tầm quan trọng khi chúng ta học lộ trình thực hành Phật pháp. Thứ nhất là cách lắng nghe pháp, tức chúng ta nghe và học pháp với thái độ như thế nào. Sau khi học cách lắng nghe pháp thì để thực hành đúng Phật pháp, ta cần nương tựa vào một vị thầy tâm linh, tức nói đến cách nương tựa vị thầy tâm linh như thế nào.
- Sau khi nương tựa vị thầy, ta cần phải thực hành Phật pháp như thế nào. Đầu tiên, nền tảng để thực hành Phật pháp là thân người. Hiểu được tầm quan trọng của thân người quý báu thì khi có được thân người, ta phải rút tỉa được tinh hoa của kiếp người này, từ đó dẫn chúng ta đến các phương pháp thực hành trong Phạm vi nhỏ, Phạm vi trung bình và Phạm vi lớn.
- Phân chia theo phạm vi là phân chia dựa trên động cơ và ý định của người tiếp cận Phật pháp, nghĩa là thực hành Phật pháp với ý định/động cơ như thế nào.
+ Phạm vi nhỏ: Động cơ của người thực hành theo Phạm vi nhỏ là mong muốn có được hạnh phúc ở đời này và cả những đời sau.
+ Phạm vi trung bình: Động cơ của Phạm vi trung bình là vì thấy rằng trong luân hồi này dù sinh vào nơi nào thì khả năng đau khổ vẫn liên tục phát sinh, quấy nhiễu mình nên mong muốn từ bỏ hết tất cả mọi khả năng gây ra đau khổ, từ đó phát tâm giải thoát khỏi luân hồi.
+ Phạm vi lớn: Động cơ của Phạm vi lớn là vì thấy những chúng sinh khác cũng chịu đau khổ trong luân hồi giống như mình nên ta mong muốn bản thân thoát khỏi luân hồi và cũng muốn giúp các chúng sinh khác thoát khỏi luân hồi. Vì có động cơ lớn lao hơn nên gọi là Phạm vi lớn.
- Hiện tại, lớp chúng ta đang ở phần Phạm vi nhỏ. Hai phương pháp thực hành chính yếu của Phạm vi nhỏ để có được hanh phúc ở đời này và các đời sau là nương tựa quy y Tam Bảo và thực hành về nghiệp quả. Tất cả các phương pháp thực hành chính yếu này đều xuất phát từ nền tảng là cần phải nhìn thấy rõ tầm quan trọng của thân người quý báu. Một thân người quý báu chính là nền tảng và công cụ cho tất cả mọi pháp hành. Để tạo được công đức cũng phải dựa vào thân người quý báu này. Vì thân người khó có được, nên một khi đã có được thân người quý báu rồi thì phải rút tỉa và tận dụng mọi tinh túy của kiếp người, từ đó bắt đầu thực hành Phạm vi nhỏ.
- Trong phạm vi nhỏ, phần đầu tiên là hiểu rõ về Tam Bảo và nương tựa vào Tam Bảo. Kế đến là hiểu biết về nghiệp quả và thực hành về nghiệp quả. Thực hành pháp cho dù là thô sơ hay thâm sâu cỡ nào mà không biết thực hành nghiệp quả thì xem như không biết thực hành pháp. Tất cả mọi pháp hành đều nương tựa vào nghiệp quả thì mới phát triển được các kỹ năng thực hành pháp. Cho nên cần hiểu rõ nghiệp quả thì mới biết thực hành pháp như thế nào mới đúng.
- Nghiệp quả là nguyên lý rất cơ bản và nền tảng trong tất cả các pháp hành của đạo Phật. Nếu hiểu biết rõ về nghiệp quả và thực hành đúng theo nghiệp quả sẽ có 2 lợi lạc gồm lợi lạc cho bản thân và lợi lạc cho người khác.
+ Lợi lạc cho bản thân: Nếu thực hành đúng nghiệp quả, ta sẽ tự thay đổi, điều chỉnh tiết chế hành vi để không gây ra ác nghiệp, đau khổ cho chính mình và tích góp thêm thiện hạnh cho bản thân.
+ Lợi lạc cho người khác: Một khi hiểu biết nghiệp quả, ta sẽ từ bỏ mọi hành động gây tổn hại người khác và tích góp các thiện hạnh mang lại lợi lạc cho người khác. Nếu ta thực hành các pháp thâm sâu như thiền quán về vô thường, hay ta nói “con quy y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng” mà không công nhận nghiệp quả, không thực hành nghiệp quả, thì xem như ta không biết thực hành Phật pháp.
- Vì nghiệp quả quan trọng như thế nên khi Tổ Atisha sang Tây Tạng giảng pháp thì tất cả các pháp chính yếu Ngài giảng cho các học trò là về nghiệp quả. Ở Tây Tạng có một biệt danh đặt ra cho Ngài Atisha là vị Đạo sư nghiệp quả vì Ngài chỉ tập trung chính yếu về nghiệp quả để hướng dẫn các đệ tử thực hành mà thôi.
- Đức Dalai Lama thường giảng rằng: Dù có thực hành Phật pháp thâm sâu như thế nào cũng phải dựa vào nghiệp quả. Không phải chỉ những người thực hành Phật pháp mới thực hành nghiệp quả mà cả những ai có mong cầu điều chỉnh hành vi của mình để làm những điều tốt và từ bỏ các việc xấu. Để có cuộc sống hạnh phúc, an lạc, cũng cần dựa vào nghiệp quả.
- Nghiệp quả có 2 phần: nguyên lý chung của nghiệp quả và các nguyên lý chi tiết. Lớp chúng ta đang học nguyên lý chi tiết, cụ thể là chia làm nghiệp trắng (thiện nghiệp) và nghiệp đen (ác nghiệp). Nghiệp đen gồm có 10 bất thiện nghiệp.
- Những sự khác biệt làm nên nghiệp nặng hay nhẹ (xem trang 667, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay).
+ Có 10 bất thiện nghiệp gồm 3 nghiệp bất thiện trên thân, 4 nghiệp bất thiện trên khẩu và 3 nghiệp bất thiện trên ý. Mỗi một nghiệp như thế thì nghiệp nào nặng, nghiệp nào nhẹ? Xét nghiệp nặng hay nhẹ dựa trên yếu tố nghiệp nào gây ra đau khổ nhiều hơn thì sẽ nặng hơn, gây ra đau khổ ít hơn thì nghiệp sẽ nhẹ hơn. Nhưng có những yếu tố khác chi phối khiến nghiệp nặng hay nhẹ hơn.
+ Mỗi nghiệp có 4 yếu tố: Đối tượng (căn bản) - Ý định - Hành vi - Bước cuối cùng. Dựa vào các yếu tố tạo nghiệp này sẽ phân định nghiệp nào nhẹ hơn và nặng hơn. Lấy ví dụ, cúng dường một ngọn đèn lên chư Phật. Có người cúng đèn theo thói quen, nghĩ rằng cúng dường đèn là một chuyện tốt và lúc cúng đèn chỉ nghĩ là cúng đèn mà thôi. Một người khác cũng cúng dường đèn lên đức Phật. Người này vừa cúng dường đèn, vừa nghĩ đến tín tâm sâu đậm đối với Tam Bảo và cầu nguyện những điều tốt lành. Dựa vào động cơ đó, cùng một việc làm là cúng đèn nhưng cho ra các kết quả thiện nghiệp khác nhau. Tương tự, làm bất thiện nghiệp với động cơ khác nhau sẽ cho ra kết quả nghiệp nặng hay nhẹ khác nhau.
+ Có 6 yếu tố xác định nghiệp nặng hay nhẹ:
(1) Nặng do bản chất: Nghĩa là xác định nghiệp nặng hay nhẹ theo thứ tự liệt kê của 10 bất thiện nghiệp. Đầu tiên là nghiệp về thân, tiếp theo là nghiệp về lời nói, cuối cùng là nghiệp về ý. 3 nghiệp về thân theo thứ tự: sát sinh - trộm cắp - tà dâm. 4 nghiệp về lời nói theo thứ tự: nói dối - nói lời ly gián - nói lời nhục mạ - nói lời phù phiếm. 3 nghiệp về ý là tham - ác ý - tà kiến. Theo bản chất, nghiệp được xếp đầu tiên sẽ nặng hơn những nghiệp được liệt kê phía sau nó.
(2) Nặng do ý định: Cùng một nghiệp mà cố ý tạo nghiệp sẽ nặng hơn so với vô tình tạo nghiệp. Khi đang đi trên dường, ta vô tình đạp chết một con côn trùng. Nghiệp này sẽ nhẹ hơn so với nghiệp cố tình giết chết côn trùng do tức giận. Chẳng hạn, khi nghe con muỗi bay vo ve, vì tức giận, ta cố tình giết chết con muỗi thì nghiệp đó sẽ nặng hơn so với các nghiệp có ý định nhẹ hơn. Ý định là một thành phần rất lớn quyết định nghiệp tạo ra là nặng hay nhẹ. Đối với thiện nghiệp, động cơ lớn mang lại kết quả an lạc to lớn, nhưng ý định nhỏ thì cho ra kết quả không lớn bằng. Ví dụ, khi thấy bạn làm một việc tốt, một người bắt chước làm việc thiện giống người bạn đó. Làm việc thiện với tâm bắt chước thì không cho ra kết quả bằng một người thực tâm làm việc thiện với động cơ to lớn là làm lợi lạc cho người khác.
(3) Nặng do hành vi (cách thực hiện của nghiệp): Đối với nghiệp sát sanh, hành động sát sinh nào khiến cho chúng sinh bị giết cảm thấy đau khổ hơn, cách thực hiện sát sanh tàn ác hơn thì nghiệp sẽ nặng hơn.
(4) Nặng do căn bản (đối tượng của hành động): Ví dụ như hành vi nói xấu một người bạn ngang hàng với mình, hay một người ít đức hạnh hơn mình thì nghiệp nhẹ hơn so với việc nói xấu cha mẹ hay nói xấu vị thầy có công ơn giảng dạy cho mình.
(5) Nặng vì tính cách thường xuyên: Một thói quen xấu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ cho ra một kết quả được cộng dồn của một nghiệp được tiến hành thường xuyên trong một thời gian dài. Kết quả phát sinh do một nghiệp được cộng dồn trong suốt một thời gian dài sẽ nặng hơn so với một nghiệp chỉ tạo ra vài lúc, không thường xuyên liên tục.
(6) Nặng vì không có cách cứu chữa: Lấy ví dụ, ta làm một việc ác và cảm thấy thỏa mãn vì việc ác đó. Dù có người khác nói đó là việc sai trái, ta vẫn tự đắc cho là đúng. Với tâm thỏa mãn tự đắc lớn như thế cho một việc ác đã làm thì không có cách nào cứu chữa, không có cách nào tịnh hóa được nghiệp đã tạo.
- Con người chúng ta đôi lúc suy nghĩ không thấu suốt, nên vẫn thường hay mắc lỗi lầm. Tuy nhiên, một đặc tính rất tốt của con người là có tâm hối hận, biết hối cải để sửa chữa lỗi lầm, thay đổi bản thân trở nên tốt hơn. Cho nên, nếu có làm việc xấu, ta phải biết hối cải và sửa chữa các việc làm sai đó. Nhưng nếu làm việc xấu mà vẫn khăng khăng mình làm đúng thì chắc chắn ta sẽ không nghĩ đến việc sửa chữa lồi lẫm. Như vậy, ác nghiệp đó sẽ không bao giờ được tịnh hóa và qua thời gian sẽ khiến kết quả đau khổ ngày càng lớn.
- Một trường hợp khác là ta thấy được kết quả lợi lạc to lớn từ một việc thiện mình làm. Dù việc thiện đó khiến ta có phần vất vả nhưng ta vẫn chịu cực để đạt được kết quả to lớn kia. Nhưng cũng có người làm được một việc tốt nhưng sau đó hối hận vì cảm thấy quá vất vả nên quyết định sau này không tiếp tục làm việc tốt đó nữa. Khi mang tâm hối hận về việc tốt đã làm thì kết quả tốt đẹp sẽ ngày càng nhỏ.
- Đối với một việc làm xấu, việc nghĩ đến tâm hối hận và sửa chữa lỗi lầm sẽ giúp giảm được ác nghiệp. Còn đối với việc làm tốt, hãy hoan hỷ và đừng ngại khó làm việc tốt. Như vậy, kết quả tốt sẽ ngày càng tăng trưởng.
- Cũng có trường hợp ta thấy một người khác làm việc xấu và đang phải nhận lãnh hậu quả từ việc xấu họ làm. Ngoài miệng ta nói tội nghiệp cho những người đó, nhưng trong thâm tâm, vì ghét người đó nên ta cực kỳ thỏa mãn khi thấy người đó đang phải chịu khổ vì những việc xấu của họ. Hoan hỷ với việc xấu sẽ khiến cho thiện hạnh của mình ngày càng suy giảm và tạo ra ác nghiệp. Ngược lại, khi một người làm việc tốt, ngoài miệng ta tán dương, khen ngợi, nhưng trong lòng lại ganh ghét, đố kỵ việc tốt của họ. Ganh ghét, đố kỵ sẽ khiến thiện hạnh của mình suy giảm. Cho nên, chúng ta nên tỉnh táo từ bỏ các việc làm không đúng.
- Đôi lúc trong một ngày, ta không gặp phải một trở ngại nào, cũng không rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nào nhưng tâm ta vẫn không vui. Chỉ vì ganh ghét người khác khiến ta không vui. Ví dụ, thấy hàng xóm mua xe mới, nhà mới hoặc con cái của họ giỏi hơn con mình nên ta sinh ra tâm đố kỵ. Giữ mối hiềm khích trong lòng như vậy không ảnh hưởng gì đến người mà ta đố kỵ mà chỉ làm tổn hại tâm trạng của mình mà thôi. Thỉnh thoảng tâm không an lạc không phải do ta đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn mà do tâm khó chịu khi thấy người cạnh tranh với mình đang có chuyện tốt lành nào đó. Nếu ta không hóa giải được những suy nghĩ tiêu cực như thế thì sẽ rất khó có được an lạc nội tâm.
- Một trong những dự án tâm lý mà các nước phương Tây đang nghiên cứu là vì sao con người dễ sinh ra trầm cảm. Bởi vì trong cuộc sống, con người hay cạnh tranh, đố kỵ với nhau. Tâm đố kỵ đó là nguyên nhân chính khiến người ta dễ rơi vào trầm cảm.
- Mạng xã hội cũng có những yếu tố dễ phát sinh tâm đố kỵ. Trên mạng xã hội, người ta thường khoe cái tốt của họ, chẳng ai khoe cái xấu của mình. Ta lại kết bạn với rất nhiều người trên mạng xã hội. Trong các mối quan hệ đó, không phải ai cũng là bạn bè thân thiết, có những người ta không thích nhưng vẫn kết bạn. Và khi thấy việc tốt lành của người mình không ưa, ta lại sinh ra tâm đố kỵ, thậm chí suy sụp tinh thần. Những chuyện đó chỉ tác động xấu đến bản thân mình mà thôi.
- Tóm lại, nếu lỡ phạm lỗi lầm, chúng ta hãy biết rằng đó là bất thiện nghiệp và phát tâm hối hận, sửa chữa lỗi lầm đó. Nếu có làm được thiện nghiệp thì hãy hoan hỷ với công đức đó và phát tâm tinh tấn tiếp tục làm các thiện nghiệp. Đó là cách chúng ta thay đổi hành vi của mình, giảm bớt ác nghiệp và giảm bớt kết quả đau khổ của ác nghiệp, bên cạnh đó tăng thiện nghiệp và tăng sự an lạc, kết quả của thiện nghiệp tạo ra.
- Có 6 yếu tố khiến nghiệp nặng hay nhẹ nhưng không phải chỉ có một yếu tố khiến nghiệp nặng hay nhẹ mà nhiều khi do nhiều yếu tố cộng lại tác động với nhau. Lấy ví dụ, nói xấu về bố mẹ hoặc người thầy của mình, đã vậy lại dùng những lời nói gây tổn thương rất lớn và nói xấu với tâm vô cùng sân hận về bố mẹ hay thầy mình. Nhiều yếu tố cộng lại khiến nghiệp trở nên nặng hơn, chứ không phải chỉ có một yếu tố tác động chi phối. Cho nên, chúng ta cần hiểu rõ các yếu tố chi phối khiến nghiệp nặng hay nhẹ và cẩn trọng trong từng lời nói, hành động của mình.
- Thầy chia sẻ 2 câu chuyện liên quan đến trải nghiệm của Thầy:
+ Câu chuyện thứ nhất là Thầy có một số người bạn ở phương Tây, trong đó có một anh bạn học rất giỏi, chưa đến 25 tuổi đã tốt nghiệp đại học và có được các bằng cấp cao. Trong một cuộc nói chuyện với anh ta, Thầy nói rằng chúng ta có thành tựu lớn trong cuộc sống đều nhờ công ơn của cha mẹ. Người bạn đó không công nhận điều Thầy nói mà cho rằng cha mẹ không có công ơn gì đối với anh ta, vì từ nhỏ đến lớn, lúc bắt đầu đi học, anh ta đã phải tự bươn chải kiếm sống, vừa đi làm vừa đi học. Thầy đáp lại rằng không nói đến chuyện nuôi dưỡng, cha mẹ sinh ra mình đã có công ơn sinh thành với mình. Thầy đã thuyết phục rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi được suy nghĩ của người bạn ấy. Thầy cũng thử nói theo cách khác là chúng ta đều là con người, ai cũng giống nhau ở khía cạnh rằng mình mong muốn hạnh phúc, không muốn khổ đau thì chắc chắn bố mẹ mình cũng muốn hạnh phúc, không muốn đau khổ. Về điều này, người bạn đó đồng ý với Thầy nhưng nói đến chuyện công ơn của cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng thì một số nền văn hóa không có suy nghĩ giống như nền văn hóa châu Á.
+ Thầy kể một câu chuyện của người bạn Thầy là một vị Geshe khác. Geshe tương đương với Tiến sĩ Phật học. Người bạn của Thầy có quen một người Ý. Anh bạn người Ý này có một cuộc sống rất thành đạt nhưng vì một nỗi buồn nào đó, anh ta bỏ hết tất cả, đi sang Ấn Độ đắm mình vào các thú vui vô nghĩa như tiệc tùng, đi chơi với người này người kia. Sau đó, anh ta gặp người bạn của Thầy. Sau nhiều lần nói chuyện, vị thầy này mới biết anh bạn người Ý khi mới 15 tuổi đã gặp một biến cố gia đình và kể từ đó về sau, anh ta không còn liên lạc với cha mẹ, anh em nữa và sống độc lập, tự mưu sinh. Anh ta nói rất ghét bố mẹ, gia đình, vì không hỗ trợ gì cho anh ta trong thời gian đó. Vị thầy nói như thế nào cũng không thuyết phục được anh ấy hồi tâm chuyển ý. Sau đó, người bạn của Thầy mới nói rằng: “Khi sống tách khỏi gia đình, anh có nghĩ đến khó khăn của bố mẹ anh không? Anh có tự hỏi gia đình của anh có những khó khăn gì mà phải đưa đến quyết định đó hay không?”. Khi nghe vậy, người này không nói gì cả. Bẵng một thời gian sau, anh bạn người Ý gặp lại người bạn của Thầy và nói lời cảm ơn vì nhờ câu chuyện hôm đó, anh ta đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng cũng đã giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. Bây giờ anh ta đã biết nghĩ hơn cho hoàn cảnh khó khăn của bố mẹ, anh em mình.
- Câu chuyện mà Thầy chia sẻ liên quan đến nghiệp nặng do đối tượng hành động của mình có sự khác biệt liên quan đến yếu tố văn hóa. Nền văn hóa châu Á luôn xem trọng công ơn của bố mẹ, thầy cô. Nhưng các nền văn hóa khác thì không như vậy. Đó là sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
- Tóm lại, có 6 yếu tố khiến nghiệp nặng hay nhẹ được đề cập trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Nhưng về cơ bản, ta phải đề phòng tất cả các bất thiện nghiệp vì về lâu dài sẽ gây ra kết quả đau khổ to lớn. Trong quá trình tạo một ác nghiệp, dẫn ta đến đau khổ thì trên hành trình đó cũng tạo ra cho ta những đau khổ nho nhỏ để cuối cùng gây ra một kết quả đau khổ lớn hơn. Còn thiện nghiệp sẽ mang đến an lạc thì trên hành trình đó, sẽ cho ta những an lạc nho nhỏ và đến cuối cùng sẽ mang đến những an lạc lớn lao hơn. Do đó, cần biết hối hận về những ác nghiệp và sám hối ác nghiệp đó, đồng thời nỗ lực làm các việc thiện và hoan hỷ với các thiện nghiệp, từ đó mới giúp ta giảm được đau khổ và tăng được an lạc.