04-05-2025
Lamrim 2024
Download MP3

TUẦN 38 – NGÀY 04/05/2025

CHỦ ĐỀ: MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP (tiếp theo)

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

I/ MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP

1/ BẤT THIỆN NGHIỆP TRÊN Ý

- Bất thiện nghiệp trên ý có 3 loại gồm tham, ác ý, tà kiến (xem trang 664, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay).

+ Tham có nghĩa là muốn có được một thứ gì đó thuộc sở hữu của người khác.

+ Ác ý là có ý định, có ý muốn làm một việc gì đó gây tổn hại cho người khác.

+ Tà kiến là có suy nghĩ không phù hợp với thực tế, suy nghĩ không đúng đắn.

- Mười bất thiện nghiệp không phải chỉ liên quan đến chuyện thực hành Phật pháp mà còn là những thói quen xấu trong cuộc sống. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp với một định hướng đúng đắn, ta nên từ bỏ các thói quen xấu vì 10 bất thiện nghiệp đó sẽ tạo ra nhiều lỗi lầm, trở thành trở ngại rất lớn trong cuộc sống của mình.

2/ BẤT THIỆN NGHIỆP TRÊN THÂN

- Bất thiện nghiệp trên thân có 3 loại gồm sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

- Lấy ví dụ về sát sanh. Việc giết các côn trùng nhỏ dần dần sẽ tạo thành một thói quen. Một khi có thói quen giết con này con kia thì tâm nóng giận sẽ ngày càng lớn dần, đến lúc nào đó chúng ta sẽ không thể kiểm soát được nữa. Thói quen xấu đó sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong cuộc sống của mình.

3/ BẤT THIỆN NGHIỆP TRÊN KHẨU

- Bất thiện nghiệp trên khẩu có 4 loại gồm (1) nói dối; (2) nói lời lý gián (nói lời gây chia rẽ); (3) nói lời nhục mạ, nói xấu người khác; (4) nói lời phù phiếm (tán gẫu, nói chuyện vô nghĩa).

- Lấy ví dụ về nói dối. Đây là thói quen rất xấu. Nếu không ngưng hẳn được việc nói dối thì ít nhất hãy cố gắng giảm nói dối lại. Chúng ta có biết chỗ nào người ta đa số sẽ nói thật, chỗ nào người ta sẽ nói dối? Người ta nói thật trong quán rượu, vì khi uống rượu say rồi, lúc đó không kiểm soát được lời nói thì chỉ có nói thật. Còn người ta nói dối khi đứng trước tòa. Thói quen của con người là chỗ mà đáng lẽ phải nói thật thì lại nói dối và ở chỗ đáng lẽ phải nói dối thì lại nói thật.

- 10 bất thiện nghiệp là những thói quen xấu cần từ bỏ. Chúng ta hãy đọc thêm trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay để nhớ lại 10 bất thiện nghiệp này.

II/ NHỮNG SỰ KHÁC NHAU LÀM NÊN NGHIỆP NẶNG HAY NHẸ

- Những việc làm như thế nào gọi là nghiệp nặng, như thế nào gọi là nghiệp nhẹ? Chúng ta biết rằng tất cả mọi nghiệp tạo ra chủ yếu đến từ phiền não. Chính những phiền não sẽ kích động tạo ra các nghiệp bất thiện.

- Có 6 yếu tố khiến cho việc làm sẽ trở nên nặng hay nhẹ (xem trang 667, quyển 1)

- Nếu so sánh giữa sát sinh và trộm cắp, nghiệp nào nặng hơn? Hay so sánh giữa nói dối và nói lời gây chia rẽ, nghiệp nào sẽ nặng hơn? Dấu hiệu để nhận biết nghiệp nào nặng hơn thì hãy nhìn vào thứ tự sắp xếp của 10 bất thiện nghiệp, nghiệp nào được liệt kê đầu tiên sẽ là nghiệp nặng hơn và cần phải chú ý nhiều hơn. Ví dụ, sát sanh được liệt kê đầu tiên nên là nghiệp nặng hơn các nghiệp được liệt kê phía sau nó. Trong 4 bất thiện nghiệp trên khẩu, nói dối được liệt kê đầu tiên, nên nói dối là nghiệp nặng nhất trong các nghiệp về lời nói.

- Trong nghiệp sát sanh, giữa hành động giết một con chó và hành động giết một con gà, thì hành động nào có nghiệp nặng hơn? Trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay, có quan điểm cho rằng nghiệp giết con chó nặng hơn giết con gà. Vì cơ thể con chó lớn hơn nên con chó cảm nhận đau đớn nhiều hơn. Tuy nhiên, cá nhân Thầy không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này vì cơ thể của chúng sanh dù to hay nhỏ như thế nào thì khi bị giết, nỗi đau cũng đều như nhau. Bây giờ Thầy đưa ra câu hỏi khác: giết một con chó và giết 2 con gà, nghiệp nào nặng hơn? Chúng ta hãy tự suy nghĩ xem hành động nào có nghiệp nặng hơn. Nhưng giữa việc giết 5 con gà và hành động giết một con người thì giết người có nghiệp nặng hơn. Vì để có được thân người là một điều vô cùng quý báu, rất khó có được, nên việc cướp đi một thân người quý báu như thế tạo ra nghiệp rất nặng.

III/ QUẢ BÁO CỦA CÁC NGHIỆP (xem trang 669, quyển 1)

- Thầy nói rằng đây là phần rất quan trọng. Ở đây, chúng ta có thể xem xét theo một khía cạnh rất khoa học. Lấy ví dụ, khi gieo một hạt táo thì sẽ mọc lên cây táo. Cây táo đó chính là kết quả của hạt táo. Quả táo ở trên cây mọc ra, giả sử rơi xuống đất thì hạt của quả táo đó lại được gieo một lần nữa, sau đó sẽ mọc ra một cây táo khác.

- Mỗi một hành động của ta là một nhân sẽ tạo ra quả và quả đó có 3 loại. Giống như ví dụ Thầy đã nói ở trên, hạt táo sẽ tạo ra cây táo, rồi tạo ra quả, cho nên hành động của mình cũng sẽ tạo ra 3 loại quả khác nhau. Nếu một hành động có thể đưa ra nhiều quả như vậy thì việc sát sanh có thể cho ra cái quả là hạnh phúc trong tâm được hay không? Bởi vì một số người thích đi câu cá và cảm thấy rất thích thú sau khi giết con cá. Niềm vui khi giết con cá có phải là kết quả của hành động sát sinh phía trước hay không?

- Ta phải hiểu rõ quy luật nhân quả đức Phật đã dạy. Phật dạy rằng nghiệp ác sẽ tạo ra đau khổ, nghiệp thiện sẽ tạo ra an lạc và hạnh phúc. Ở đây đang nói về nhân chính và quả chính. Nghiệp ác làm nhân chính sẽ tạo ra kết quả chính yếu là đau khổ. Nhưng lúc nghiệp tạo ra quả thì cũng tạo ra nhiều loại quả khác nhau. Ví dụ, từ một hạt táo không chỉ sinh ra được cây táo, mà còn sinh ra thân cây, lá cây táo. Cho nên, hành động giết con cá có kết quả chính yếu là khiến cho ta phải chịu khổ đau ở tương lai, nhưng trong quá trình tạo ra quả chính đó, còn tạo ra các quả phụ nữa, như tạo ra một niềm vui thích nho nhỏ khi thực hiện được hành động mình mong muốn là giết một con cá.

- Theo sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 669), có 3 loại quả báo gồm quả báo đã thuần phục, quả báo phù hợp với nguyên nhân, quả báo thuộc về hoàn cảnh.

+ Quả báo đã thuần thục là kết quả chín muồi, là kết quả cuối cùng của một nghiệp đã tạo ra. Kết quả cuối cùng của một nghiệp ác là một kết quả đau khổ.

+ Quả báo thuộc về hoàn cảnh: Như ví dụ Thầy nói ở trên, ta giết một con cá vì ta mong muốn thực hiện hành động giết cá. Và khi thực hiện xong hành động giết cá thì trong tâm ta khởi lên một niềm vui nho nhỏ. Niềm vui đó chính là quả báo thuộc về hoàn cảnh, cho một kết quả hoàn cảnh chứ không phải là quả báo chính yếu của nghiệp sát sanh kia.

Một ví dụ khác là trong cơn tức giận, ta mắng chửi người khác. Nghiệp chính yếu của hành động chửi mắng là khiến người khác bị tổn thương. Và kết quả phụ, kết quả hoàn cảnh của việc này là khiến ta cảm thấy vui, thỏa mãn vì mắng được người khác. Sự thỏa mãn này chỉ là kết quả phụ, là kết quả hoàn cảnh, nhưng kết quả chính yếu là tạo cho người khác sự tổn hại lớn. Vì tạo cho người khác sự tổn hại lớn nên trong tương lai ta sẽ phải nhận lãnh sự tổn hại tương tự như vậy. Thế nhưng, ta lại không để ý kết quả chính đó mà lại chỉ thích kết quả phụ là được thỏa mãn khi mắng người khác.

Tương tự, kết quả chính của hành động uống rượu là hại gan. Nhưng ta không để ý đến kết quả chính đó mà chỉ để ý đến kết quả phụ là mỗi lần uống rượu, ta có cảm giác lâng lâng, vui thích. Ta lại nghiện các kết quả phụ đó mà phớt lờ kết quả chính trong khi kết quả chính mới khiến ta đau khổ rất nhiều.

Cũng giống như vậy khi nói đến thiện nghiệp. Ví dụ, ta lạy Phật 100 lạy. Kết quả phụ của việc lạy Phật là ta cảm thấy mệt, đau chân, đau đầu gối… Quả chính của lạy Phật là ta có được niềm an lạc trong tâm và tịnh hóa được các nghiệp xấu.

- Chúng ta phải hiểu rõ quy luật nhân quả, quá trình từ nhân tạo ra quả như thế nào, cái gì là chính, cái gì là phụ trong mỗi tiến trình nhân quả như thế.

IV/ NGHĨ VỀ KHÍA CẠNH TRẮNG CỦA NHÂN QUẢ (xem trang 672)

- Thiện nghiệp nào là tốt nhất? Nếu đang có ý định khởi tâm muốn giết một chúng sinh, nhưng ngay lúc mới khởi ý định và chưa có thực hiện hành động giết hại, ta kịp suy nghĩ lại, cảm thấy việc đó không đúng và dừng ý định, không giết nữa thì đó chính là loại thiện nghiệp tốt nhất. Cho nên, kịp thời dừng đúng lúc tất cả mọi ác nghiệp và không làm ác nghiệp nữa thì việc dừng lại ác nghiệp đó chính là thiện nghiệp tốt nhất.

- Bài tập về nhà trong tuần này là chúng ta hãy thực hành như thế. Ví dụ, có một con muỗi bay qua và ta có ý định muốn giết con muỗi. Lúc đó, ta hãy nghĩ lại, không giết muỗi nữa vì giết muỗi là một hành động xấu. Việc dừng ý định giết muỗi và không giết muỗi nữa là thiện nghiệp tốt nhất.

- Mấu chốt của việc thực hành chặn đứng các bất thiện nghiệp là phải làm sao dập tắt được sự cám dỗ trong tâm. Ví dụ, một khi đã quen nói dối rồi thì ta sẽ thường hay nói dối hoặc ta có thói quen sát sanh rồi thì sẽ rất dễ sát sanh. Cho nên, ta phải làm sao chặn đứng sự cám dỗ trong tâm mình. Khi đã chặn đứng được sự cám dỗ trong tâm thì lúc đó ta có thể chặn đứng được tất cả mọi bất thiện nghiệp. Giả sử, trong lúc đang nói chuyện xấu về người khác, ngay khi nhận ra ta đang nói xấu người khác thì phải dừng hành động đó lại và không nói xấu nữa. Hoặc khi đang nói chuyện với bạn bè mà nhận thấy mình đang nói chuyện phù phiếm, vô nghĩa, hãy dừng hành động đó lại. Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành như vậy.

- Trong công việc hằng ngày, khi làm việc hay kinh doanh, đôi lúc ta có nói dối. Khi lỡ nói dối rồi và chợt nhận ra đã nói dối thì lúc đó phải nghĩ đến chuyện sám hối ác nghiệp nói dối đó, điều này rất quan trọng. Đôi lúc ta có thể xoay chuyển tình huống để thoát khỏi những lời nói dối. Tuy nhiên, những việc làm đó gây hoang mang cho người khác và cũng khiến cho người khác tin là những gì mình đang làm là thật. Cho nên, ta hãy thực hành dừng lại những lời nói dối của mình.

- Chúng ta cần nhận biết các thói quen xấu và cố gắng hạn chế, kiểm soát không làm các thói quen xấu đó nữa. Ta chỉ thay đổi được khi đã thực sự cố gắng áp dụng thực hành. Nếu không áp dụng thực hành thì sẽ không thay đổi được gì cả. Chúng ta hãy thực hành gắt gao trong một tuần việc ngừng các thói quen xấu. Hãy đặt một động cơ rằng ít nhất trong tuần này tôi sẽ không sát sanh, không nói dối, không nói chuyện phù phiếm. Thông thường ta nói dối nhiều hơn hay nói chuyện phiếm nhiều hơn? Việc chát và bình luận những điều vô nghĩa trên mạng xã hội cũng được tính là nói chuyện phù phiếm.

- Chúng ta không nên sát sinh và nói dối rồi lại viện lý do biện hộ cho các hành động, lời nói không đúng đắn của mình, đó là điều không nên làm. Nếu cảm thấy việc ngăn chặn những thói quen xấu có khó khăn thì cũng rất tốt vì ta có thực hành nên mới thấy được rằng việc thực hành ngăn chặn thói quen xấu không phải là dễ dàng.

- Hãy tỉnh táo nhận biết những lúc nào mình đang nói dối, đang nói chuyện phiếm và để ý xem trong một tuần mình đã nói dối, nói chuyện phiếm bao nhiêu lần. Cách thực hành này cũng để khám phá xem bình thường mình có những thói quen như thế nào để quán chiếu hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn. Chúng ta hay nói mình hiểu rõ người này người kia, nhưng mà ngay cả bản thân mình không hiểu rõ được thì làm sao hiểu rõ được người khác.