
DÀN BÀI CỦA LAMRIM
Đầu tiên cần phải luyện tâm để thấy được nền tảng của đạo lộ: có được thân người nhàn mãn, có đầy đủ điều kiện để chuyên tâm học pháp, tìm thấy bậc đạo sư để nương tựa và có những hiểu biết đúng đắn về giáo pháp. Sau khi có đầy đủ nền tảng về đạo lộ như trên thì phát tâm thiền quán và tôi luyện qua từng giai đoạn: phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn.
Giai đoạn phạm vi nhỏ có 2 phần:
• Hiểu biết về nghiệp quả,
• Hểu biết về Tam bảo để phát tâm nương tựa và quy y Tam bảo đúng cách.
Đối với pháp thực hành phạm vi nhỏ, động cơ chủ yếu là mong muốn có được hạnh phúc đời này và đời sau với đời sống an lành ở cõi trời và người. Do đó, ta quy y Tam bảo, tích luỹ thiện hạnh đúng theo nhân quả để tránh đau khổ do ác nghiệp gây ra.
Về nghiệp quả, ta có thể khảo sát theo 2 phần:
• Khảo sát tổng quát những nguyên lý của nghiệp quả
• Khảo sát chi tiết những nghiệp quả cụ thể. Ví dụ: khi thực hành thiện hạnh hay phạm ác nghiệp nào ta sẽ có được kết quả như thế nào.
Các nhà khoa học trên thế giới vẫn nói về nhân quả như một định luật cơ bản trong cuộc sống. Nhân quả áp dụng trong đạo Phật để ta có được tư duy hiểu biết dẫn đến việc điều chỉnh hành vi: bỏ việc làm xấu ác, làm việc thiện lành. Ta cần hiểu như thế nào về nhân quả để từ đó điều chỉnh hành vi?
Về nhân quả tổng quát có 4 phần:
• Nghiệp cố định
• Nghiệp có tăng trưởng lớn
• Bất kỳ điều gì ta gặp là do nghiệp đã tạo tương ứng
• Nghiệp đã tạo sẽ không tự nhiên biến mất
1. Nghiệp cố định:
Nhân ta gieo trồng thuộc loại nào thì kết quả ta gặt hái được sẽ cùng loại như vậy. Ví dụ: tạo ác nghiệp sẽ gặp đau khổ, làm thiện nghiệp sẽ được an lạc, hạnh phúc. Những khó khăn, đau khổ, sự giận dữ mà ta gặp phải hôm nay là do những ác nghiệp đã làm trong đời này hoặc đời trước. Khi ta được người khác giúp đỡ vượt qua khó khăn, đau khổ và sự tức giận để có tâm an lạc là do những thiện nghiệp có được trong đời này hoặc đời trước. Nghiệp xấu hay tốt đều sẽ cho kết quả tương ứng là đau khổ hay an lành. Đó chính là ý nghĩa của nghiệp cố định.
Kết quả mà bản thân có được ngày hôm nay do nghiệp từ nhiều đời trước đã chín & trổ quả, những việc thiện lành hay ác nghiệp làm trong đời này còn chưa chín nên chưa thể hiện ra. Vì thế ta có thể sống tốt, làm nhiều việc thiện trong đời này nhưng vẫn chịu nhiều đau khổ, khó khăn do những ác nghiệp đã tạo trong nhiều đời trước đã chín và trổ quả, còn thiện nghiệp trong đời này chưa biểu hiện. Cũng có những người làm nhiều điều bất thiện trong đời này nhưng vẫn hạnh phúc do những thiện nghiệp họ đã làm trong nhiều đời trước, và ác nghiệp trong đời này vẫn chưa trổ quả.
Đức Phật có nhiều đệ tử là các vị A la hán (các vị đã giải thoát, không còn bị trói buộc bởi luân hồi). Có một số vị khi đi khất thực được cho nhiều thức ăn, nhưng cũng có vị không được cúng dường món nào, và lúc nào vị đó cũng không được gì cả. Đó là do đời trước vị này đã không thực hành hạnh bố thí. Cũng có vị đi khất thực trong làng bị dân làng đuổi. Hoặc lấy ví dụ ngài Mục Kiến Liên, cho đến cuối đời ngài đã bị 1 nhóm người đến giết hại. Nghiệp quả vẫn sẽ xảy ra dù điều tốt hay xấu, ta sẽ nhận lấy kết quả tương ứng là đau khổ hay an lạc khi nghiệp đã chín muồi.
2. Nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn:
Là nghiệp có sức tăng trưởng. Bất kỳ hạt giống nào cũng sẽ sinh sôi và cho kết quả lớn. Ví dụ: ta làm 1 việc thiện và nghĩ rằng nó nhỏ, không làm cũng được. Tuy nhiên, nếu ta làm với tinh thần toàn tâm, toàn ý, nỗ lực hết mình cùng động cơ lớn thì kết quả sẽ rất lớn, ngoài sức tưởng tưởng. Hoặc nghĩ rằng việc xấu ta làm chỉ nhỏ thôi, sẽ không ảnh hưởng gì nhưng việc đó hoá ra lại thành khó khăn, đau khổ lớn mà ta có thể không thể chịu đựng được.
Ví dụ: Từ 1 hạt mầm nhỏ bé thôi, nhưng trải qua thời gian, bón phân, tưới nước với đầy đủ điều kiện phát triển sẽ trở thành 1 cái cây to lớn, cho rất nhiều quả.
Hoặc chỉ với 1 mồi lửa bé tí thôi nhưng có thể thiêu rụi cả 1 khu rừng.
Cho nên nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn ở đây là sức phát triển của nghiệp rất lớn. Từ 1 hành động nhỏ dù tốt hay xấu đều hoàn toàn có thể phát triển thành 1 kết quả rất to lớn. Ta cần hiểu để điều chỉnh lại hành vi, phấn đấu hết mình làm việc thiện với động cơ thiện để có được sự an lành to lớn. Cố gắng không làm việc ác dù nhỏ nhất. Nếu đã lỡ làm, hãy thực hành sám hối để tịnh hoá ác nghiệp để kết quả từ việc ác đó không phát triển thành những đau khổ to lớn.
Nguyên lý của nhân quả bên ngoài: trồng hạt, hạt sẽ mọc thành cây và cho quả. Hoặc trên trời có mây đen kéo đến thì một lát sau sẽ đổ cơn mưa.
Nghiệp quả là nguyên lý của nhân quả bên trong (trong ở đây là trong Tâm thức). Tức là ta suy nghĩ điều gì, phát khởi động cơ thế nào, dẫn đến hành động/lời nói ra sao thì ta sẽ nhận lấy quả tương ứng với hành động/lời nói đó. Ta sẽ có thân tâm an lạc hoặc nhận lấy đau khổ ở tương lai, lớn đến mức không thể lường trước.
Câu chuyện về 1 vị đệ tử của Đức Phật đã chứng quả vị A la hán. Vị này không muốn ai nhìn thấy mình nên thường ngồi tụng kinh ở nơi vắng vẻ ít người, mà tiếng tụng kinh của vị này nghe rất hoan hỉ. Người từ xa có thể nghe và cảm thấy an lạc, hoan hỉ. Có 1 số đệ tử khác nghe thấy tiếng tụng kinh thì rất muốn được nhìn tận mặt nên tìm đến nơi phát ra tiếng tụng kinh để xem. Nhưng khi nhìn thấy vẻ ngoài của vị này thì họ không lấy làm thích thú vì vị này có những vết sẹo trên cơ thể, gương mặt xấu xí, nhìn không thiện cảm. Mọi người thắc mắc vì sao có sự trái ngược này, liền đi hỏi Đức Phật và được giải thích rằng vị a la hán này từ những đời trước, thời Đức Phật Ca Diếp, có tâm tôn kính Phật rất lớn, đã đi nhiễu quanh các bảo tháp và cúng dường chuông treo xung quanh bảo tháp, khi có gió tiếng chuông vang lên rất hay. Nhờ đó, bây giờ có giọng hay làm hoan hỉ lòng người. Tuy nhiên, vị này lại không thích những người đi khất thực, thường hay buôn lời gièm pha, chê bai, nói xấu khi thấy tăng đoàn hay các vị độc giác đi khất thực trong làng. Vì thế, đời này nhận lấy kết quả chín muồi có ngoại hình xấu xí, không ai muốn đến gần. Ví dụ này là minh chứng cho nghiệp cố định và nghiệp có sức tăng trưởng lớn.
3. Bất kỳ điều gì ta gặp là do nghiệp đã tạo tương ứng
Nếu không làm điều gì thì sẽ không nhận lấy quả báo. Nếu đã làm thì sẽ nhận lấy quả báo lớn.
Ví dụ: Có một thầy trong chùa rất may mắn, đã thoát chết nhiều lần. Dù thầy đã mua vé xe bus để về quê nhưng chuyến xe đó lại đầy người, tài xế nhất quyết không cho thầy lên. Sau đó, được biết rằng chuyến xe đó đã trượt bánh và rơi xuống vực trên đường đi. Sau đó thầy đến Nepal, phải mua vé máy bay trực thăng để đến vùng cần đến vì xe không đi được. Thầy cũng đã mua vé nhưng đến nơi thì chiếc trực thăng cũng đã đầy chỗ nên thầy không được lên dù đã năn nỉ xin nhiều lần. Khi chiếc trực thăng bay đi rồi, thầy cũng thấy tức và hậm hực, không vui vì chuyện đó. Tuy nhiên, chiếc trực thăng đó đã gặp sự cố và rơi xuống. Có rất nhiều người bị thương và thiệt mạng.
Ví dụ trên để ta thấy rằng nếu không tạo ác nghiệp nào thì chắc chắn sẽ không nhận lấy đau khổ, và nếu không làm thiện nghiệp thì cũng sẽ không được hưởng an lành. Ta sẽ nhận lãnh mọi kết quả với nghiệp đã làm.
4. Nghiệp đã tạo sẽ không tự nhiên biến mất
Tất cả nghiệp đã tạo dù tốt hay xấu, đừng nghĩ rằng đã quá lâu, từ nhiều đời trong quá khứ đến bây giờ bản thân cũng không biết thì sẽ không khiến ta đau khổ. Nghiệp không giống như món hàng có ngày hết hạn, nó vẫn sẽ ở đó. Khi có đủ điều kiện thuận lợi, phù hợp ta sẽ nhận lãnh kết quả an lành từ thiện nghiệp và đau khổ từ ác nghiệp.
Tất cả mọi việc ta đã làm, chắc chắn ta sẽ nhận lấy kết quả, không bao giờ có thể trốn chạy. Tuy nhiên với những việc xấu ác đã làm, vẫn còn cách cứu chữa. Ta có thể cứu vãn được tình huống phải gánh chịu đau khổ. Ví dụ: với ác nghiệp ta đã tạo đáng lẽ sẽ cho 1 kết quả đau khổ rất nhiều nhưng nhờ ăn năn hối cải bằng cách sám hối, dùng các năng lực tịnh hoá ác nghiệp thì kết quả đau khổ vừa phải, không còn quá lớn. Cho nên, ta có thể nỗ lực áp dụng các phương pháp tịnh hoá để giảm bớt hậu quả đau khổ do ác nghiệp gây ra.
Nói về ác nghiệp và thiện nghiệp, Đức Phật đã nói: Đau khổ của chúng sinh ta không thể nào dùng tay xua tan được hết. Ác nghiệp của chúng sinh không thể nào dùng nước để rửa sạch được. Giải thoát, giác ngộ của chúng sinh ta không thể nào dùng trải nghiệm giải thoát giác ngộ của ta để chuyển cho chúng sinh được. Việc mà ta có thể giúp chúng sinh đó là dạy những phương pháp thoát khổ, thuyết pháp để giúp chúng sinh sáng suốt nhận ra được con đường mình cần phải tự bước đi.
Khi học về nhân quả, cần biết rằng tất cả nghiệp xấu sẽ cho kết quả đau khổ, nghiệp tốt sẽ cho kết quả an lành. Vì thế, nếu mong muốn có an lành không khổ đau thì ta phải biết tiết chế bản thân, áp dụng các phương pháp tịnh hoá ác nghiệp, điều phục bản thân không phạm sai lầm, không tạo thêm nhiều nghiệp xấu nữa. Cố gắng làm thêm những thiện nghiệp chưa làm được, tích góp việc thiện lành từ đó sẽ có kết quả an lành.
Bài học của phần nghiệp quả: Biết tránh xa những việc làm ác, tích góp công đức làm những việc thiện mà ta có thể.