09-10-2024
Lamrim 2023
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG

- Trước khi bắt đầu Văn - Tư - Tu giai đoạn con đường đạt giác ngộ, phạm vi lớn. Chúng ta cần phát khởi động cơ thanh tịnh thiện lành. Đầu tiên, tụng kệ Quy y Tam Bảo và phát tâm Bồ Đề (3 lần) và suy ngẫm về ý nghĩa đoạn kệ Quy y và phát tâm Bồ Đề mong muốn đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Với động cơ bắt đầu đúng đắn thì việc học pháp sẽ thành tựu viên mãn. Sau đó, đọc tụng Bốn tâm vô lượng (3 lần).

- Người thực hành luyện tâm phạm vi lớn mong muốn thoát khổ và được giải thoát, nhưng mong muốn đó không chỉ cho bản thân mình mà vì thấy tất cả mọi người xung quanh cũng đau khổ giống mình nên ta mong muốn đạt Phật quả giúp tất cả chúng sinh đều thoát khổ và đạt giải thoát.

- Có 2 phương pháp để sinh khởi tâm Bồ Đề: Bảy lớp nhân quả và Hoán đổi ngã tha.

1/ Phát tâm Bồ Đề theo thứ tự Bảy lớp nhân quả.

BƯỚC 1: Thiền quán rằng tất cả mọi chúng sinh hữu tình từng là cha, là mẹ của mình trong những đời quá khứ.

BƯỚC 2: Nhớ lại sự tử tế của các chúng sinh khi họ là cha, là mẹ của mình.

BƯỚC 3: Phát tâm mong muốn đền đáp lại sự tử tế của chúng sinh.

BƯỚC 4: Phát tâm từ đối với tất cả mọi chúng sinh.

+ Bồ Tát có tâm đại từ đại bi xem tất cả chúng sinh bình đẳng, có tình thương bao la đối với tất cả mọi chúng sinh. Trong khi đó, phàm phu vẫn còn tâm chấp ngã, chưa phát tâm Bồ Đề nên chỉ yêu thương người có ơn với mình, bỏ mặc, không quan tâm đối với người xa lạ. Đó chính là tâm từ hợp ý, tức là tâm yêu thương chúng sinh có điều kiện.

BƯỚC 5: Phát tâm đại bi, tức mong muốn chúng sinh hết khổ.

+ Đặc điểm của tâm bi là mong muốn cho tất cả chúng sinh hết khổ. Sau khi có tâm từ (lòng yêu thương đối với tất cả mọi chúng sinh) thì phát triển tâm bi.

BƯỚC 6: Phát tâm vị tha.

+ Tâm vị tha là mong muốn chúng sinh xa lìa khổ đau và chính mình phát tâm mạnh mẽ mong muốn giúp chúng sinh thoát khổ.

+ Lấy ví dụ trong Lamrim, trích từ Kinh Trí Tuệ Đại Dương: Nếu ta thấy một người rơi xuống vũng bùn dơ hay hố nước và phát khởi tâm mong muốn người đó sẽ thoát khỏi vũng bùn hay hố nước. Đó chính là phát tâm đại bi. Tương tự, chính ta mong muốn sẽ cứu chúng sinh thoát khỏi đau khổ và chính ta sẽ chịu trách nhiệm cứu chúng sinh thoát khỏi đau khổ, đó là tâm vị tha.

BƯỚC 7: Phát tâm Bồ Đề.

+ Trong thứ tự Bảy lớp nhân quả thì 6 bước đầu là nhân, bước thứ 7 là quả.

+ Hãy đặt câu hỏi: Tại thời điểm này, chúng ta có năng lực cứu chúng sinh thoát khỏi khổ đau hay không? Chúng ta thật sự không có khả năng. Để có được khả năng đó thì mỗi chúng ta nguyện đạt được Phật quả, tiến bước vào thực hành con đường Đại Thừa. Chính ta luôn nhớ phát nguyện trước tiên đạt Phật quả. Vì nếu đạt được Phật quả, thì chúng ta sẽ có khả năng cứu chúng sinh thoát khổ. Cho nên, vì mục đích cứu chúng sinh thoát khổ, ta cần luyện tâm phát nguyện đạt Phật quả.

+ Thầy trích dẫn đoạn kệ:

“Chư Phật không rảy nước phép để rửa tội,

Không lấy tay xoa đầu cho ta hết khổ đau,

Không ban cho ta quả giác ngộ như cho quà,

Mà cứu ta bằng cách khai thị chân lý”.

Đức Phật thấu hiểu rõ tất cả trình độ kiến thức, căn cơ từng đệ tử, chỉ dẫn đệ tử phù hợp các pháp thâm sâu, vi diệu, tóm lược giúp đệ tử thoát khổ và đạt giác ngộ. Ngài đã tích lũy vô lượng kiếp công đức nên Ngài hiểu tường tận các pháp, hiểu rõ tư tưởng, suy nghĩ của tất cả mọi chúng sinh. Nhưng chúng ta giảng pháp thì không chắc người nghe pháp đạt được lợi ích, hiểu pháp hay không vì chúng ta không biết được trình độ, tư tưởng, suy nghĩ của từng người nghe pháp để giảng dạy pháp phù hợp với họ. Cho nên, tâm vị tha là tâm mong muốn chúng sinh xa lìa đau khổ và chính mình phát tâm mạnh mẽ sẽ cứu giúp chúng sinh thoát đau khổ. Nhưng làm thế nào có khả năng cứu giúp chúng sinh thoát đau khổ thì chỉ duy nhất Đức Phật có năng lực đó. Do đó, vì mục đích cứu chúng sinh thoát khổ, ta cần phát nguyện đạt Phật quả, chính là phát tâm Bồ Đề.

+ Khi nỗ lực suy nghĩ “Tôi, chính tôi” phải phát nguyện đạt Phật quả thì lúc này ta vẫn còn tâm gượng ép. Nhưng nếu ta liên tục luyện tâm, không ngừng huân tập thì sẽ trở thành thói quen. Khi tâm tự động phát khởi tự nhiên muốn đạt Phật quả vì mục đích cứu chúng sinh thoát khổ thì khi đó ta phát tâm Bồ Đề chân thật.

+ Như bắt đầu buổi học, chúng ta tụng kệ Phát tâm Bồ Đề:

“Với công đức có được nhờ nghe pháp, trì giới, bố thí v.v…

Nguyện đắc Phật quả để lợi lạc chúng sinh”.

Đây là nhân phát khởi tâm Bồ Đề, không phải là tâm Bồ Đề chân thật.

+ Thầy trích dẫn Nhập Bồ Tát Hạnh (Tôn giả Tịch Thiên), Chương Một: Lợi ích của tâm Bồ Đề ghi rằng: Thiền quán tâm Bồ Đề có khả năng tịnh hóa ác nghiệp. Vì thiền quán tâm Bồ Đề sẽ tích lũy công đức và trí tuệ, không còn phương pháp nào tối ưu hơn so với thiền quán tâm Bồ Đề trong việc tịnh hóa ác nghiệp.

+ Khi thấy người phàm phu thực hành thiền quán tâm Bồ Đề thì cũng trở thành đối tượng xứng đáng để chúng ta cúng dường và lễ lạy.

+ Thầy trích dẫn Hiện Quán Trang Nghiêm Luận: “Phát tâm Bồ Đề là vì mong muốn cứu chúng sinh thoát khỏi đau khổ, ta nguyện đạt được quả vị Bồ Đề Tối Thượng”. Để đạt được Phật quả, phải tích lũy khoảng thời gian tam a tăng kỳ kiếp.

+ Phương pháp nào đạt Phật quả nhanh chóng? Đó là thực hành Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Thầy trích dẫn Giải Thoát Trong Lòng Tay ghi rằng: Nếu nỗ lực tinh tấn dũng mãnh thực hành Kim Cương Thừa sẽ đạt Phật quả ngay kiếp này.

+ Thầy trích dẫn câu truyện ngắn: Vào cuối thế kỷ 9, 10 có một vị hành giả thiền sư lỗi lạc Milarepa. Ngài sinh trong gia đình giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu. Khi cha của Ngài mất thì gia đình chú ruột thay thế giữ giúp tất cả tài sản đến khi Milarepa trưởng thành. Nhưng gia đình chú ruột rất tham lam chiếm lấy hết tài sản và đuổi mẹ và Milarepa ra ngoài ở. Lúc ấy, hai mẹ con bị ngược đãi trải qua vô vàn khó khăn, nghèo khổ. Mẹ của Ngài rất đau buồn và đã nói với Milarepa rằng: “Con hãy đi tầm sư học huyền thuật về báo thù”.

Ngài Milarepa học xong huyền thuật quay về khu làng đang diễn ra tổ chức đám cưới của gia đình người chú, Ngài thi triển huyền thuật báo thù gia đình người chú làm mưa bão, lũ lụt khiến vô số người chết. Sau đó, Ngài Milarepa nhận ra lỗi lầm, day dứt vì đã tạo ác nghiệp nên đến tìm đến Đạo sư và thưa rằng: “Con đã tích lũy vô số ác nghiệp vì đã dùng thần thông hại người. Con vô cùng hối lỗi. Xin Thầy hãy cứu con”.

Vị Thầy nói với Milarepa rằng: “Con hãy đi học pháp thật tốt và hãy về cứu ta. Hoặc ta sẽ đi học pháp và về cứu con”. Milarepa thưa với Thầy rằng: “Con sẽ đi học pháp thật tốt. Xin thầy hãy chỉ dẫn cho con tìm được đạo sư”. Thầy dạy huyền thuật nói với Milarepa rằng: “Ta biết một vị đạo sư rất lỗi lạc thành tựu pháp tinh thông kinh điển học tại Ấn Độ là Ngài Marpa. Sư phụ của Marpa là Ngài Naropa tinh thông thành tựu pháp. Con hãy đến tầm sư học pháp với Ngài Marpa để nhận được giáo pháp chân thật”. Khi Milarepa vừa nghe đến tên Ngài Marpa thì tâm cảm thấy vô cùng an lạc và hoan hỷ. Thành tựu giả Marpa có giấc mơ điềm báo thấy Sư phụ nói với mình rằng: “Vào ngày mai con sẽ nhận một đệ tử đặc biệt”.

Ngài Marpa làm ruộng xong ngồi đợi ở cánh đồng. Khi Milarepa đi về hướng mình thì Marpa đã đưa rượu cho Milarepa và Milarepa đã uống hết rượu - một dấu hiệu tốt rằng người này sẽ trở thành học trò thành tựu các pháp. Ngài Marpa rất hoan hỷ vì có đệ tử sẽ thành tựu các pháp.

Milarepa thưa Ngài Marpa rằng: “Thưa Thầy, con đã tạo vô số ác nghiệp. Xin Thầy hãy dạy pháp giúp con tịnh hóa các ác nghiệp”. Ngài Marpa trả lời: “Ta sẽ dạy pháp. Nhưng con phải làm người giúp việc suốt chín năm”. Milarepa đồng ý. Trong suốt chín năm, Milarepa cứ xây nhà thì Ngài Marpa lại phá hủy nhà. Milarepa một mình xây nhà chín tầng rồi bị phá hủy tất cả công trình.

Milarepa thấm mệt mỏi và cực khổ làm việc suốt chín năm, nhưng vẫn chưa nhận bất kỳ một bài pháp nào từ Đạo sư Marpa. Lúc ấy, Milarepa đã có ý định từ bỏ. Vợ Marpa nói với Ngài Marpa rằng: “Milarepa rất siêng năng và chịu khó làm việc. Xin hãy dạy pháp cho Milarepa”. Ngài Marpa trả lời rằng: “Tôi sẽ không dạy pháp quá dễ dàng. Tôi đã giao việc nhưng Milarepa vẫn chưa đủ kiên cường, mạnh mẽ”.

Câu chuyện này nói đến lòng sùng mộ và niềm tin của đệ tử Milarepa, rằng dù trải qua nhiều khó khăn, Milarepa vẫn không than vãn, oán trách, tin tưởng Đạo sư Marpa. Bởi vì, Milarepa đã tạo nhiều ác nghiệp trước đây nên phải chịu nhiều thử thách, khó khăn để học được pháp từ Ngài Marpa.

Ngài Milarepa thiền định cả đời trong hang động chỉ ăn lá cây nên thân thể rất ốm yếu. Thế nhưng, Ngài đã đạt Phật quả ngay một đời qua thân thể này. Ngài được ví như Đại Thành Tựu Giả Sức Mạnh.

Ngài Milarepa có ý chí rất mạnh mẽ thực hành tâm Bồ Đề, thiền quán Tánh Không đạt Phật quả ngay một đời không cần trải qua tích lũy khoảng thời gian tam a tăng kỳ kiếp. Ngài rất nghèo như người ăn xin không có tài sản, thực phẩm để dâng cúng Đạo sư Marpa. Ngài nỗ lực thực hành thành tựu pháp dâng lên Đạo sư Marpa như một món quà tri ân mong muốn đền đáp lại sự tử tế của Đạo sư. Cho nên, thực hành Kim Cang Thừa sẽ thành tựu Phật quả nhanh chóng.

+ Thầy trích dẫn Lamrim ghi rằng: Chúng ta thường đi chùa lễ lạy, cúng dường, đọc kinh tụng chú để tích lũy công đức, đó là những việc thiện lành. Khi đi chùa, chúng ta hãy cầu nguyện: “Vì mục đích cứu chúng sinh thoát khổ, con mong nguyện đạt Phật quả”. Một giọt nước tích lũy trong đại dương sẽ không bao giờ biến mất. Tương tự như vậy, việc thực hành phát tâm “vì mục đích cứu chúng sinh thoát khổ, con mong nguyện đạt Phật quả” thì phước đức không bao giờ biến mất.

Do đó, việc mong cầu không bệnh tật, nhiều của cải, nhiều tiền, vạn sự như ý trong công việc không phải là cầu nguyện chân thật. Việc tư duy thực hành pháp Đại Thừa và suy nghĩ vì lợi ích của tất cả chúng sinh là rất quan trọng. Khi phát động cơ thiện thì dù làm việc thiện rất nhỏ, công đức cũng trở nên rất lớn. Nếu không có động cơ thiện lành thì dù làm việc thiện rất lớn, công đức sẽ rất nhỏ. Chúng ta hiện tại chưa phát tâm Bồ Đề, vì thế cần nỗ lực thường xuyên luyện tâm thực hành phát tâm Bồ Đề chân thật.