Bản chất con đường đi đến giải thoát: Giới – Định - Tuệ
Ở cuối phạm vi trung bình thì sách GTTLT nói đến bản chất con đường đưa đến giải thoát và tầm quan trọng nhìn thấy được bản chất con đường đưa đến giải thoát.
Để chặt đứt gốc rễ của luân hồi thì phải diệt được tâm chấp ngã, và để diệt được tâm chấp ngã phải thực chứng được tánh không, hay hiểu được vô ngã; để hiểu được vô ngã thì GTTLT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trì giới; và để thoát khỏi sinh tử thì trí tuệ là điều quan trọng. Trí tuệ đó chủ yếu là trí tuệ thực chứng được vô ngã. Và để có trí tuệ thì phải cần có định lực. Để tu tập thiền định và để phát sinh định lực thì giữ giới là một điều vô cùng quan trọng. Thế nên, bản chất con đường đến giải thoát - 3 điều quan trọng là Giới- Định- Tuệ.
Dù tu tập bất cứ pháp môn nào thì phải luôn luôn nhớ rằng có 3 điều vô cùng quan trọng đó Tuệ (là Trí Tuệ), Định (định lực), Giới (công phu giữ giới). Bất cứ thực hành nào, pháp tu gì thì điều đang tiến hành phải rơi vào một trong 3 lĩnh vực này, hoặc là cái pháp môn đó liên hệ đến trí tuệ; hoặc giúp tăng trưởng định lực; hoặc giúp trì giới tốt hơn, cần phải quán sát như vậy.
Cho nên, nếu trì chú hay tụng kinh mà không có tập trung, tức không khai triển được định lực trong lúc trì chú tụng kinh, thì việc trí chú tụng kinh không có định lực đó không làm phát sinh trí tuệ và cũng không giúp ta giữ giới tốt hơn và suy cho cùng đọc kinh, trì chú không có Giới -Định- Tuệ thì không phải là pháp môn tu tập thực thụ. Nên, GTTLT nhấn mạnh tầm quan trọng của tam học, là Giới- Định -Tuệ.
Là một người tu hành Phật pháp thì không được làm những điều gì? Đó 10 bất thiện nghiệp.
Để trở thành một hành giả Phật pháp chân chính thì nhất định phải tu giới, tu định và tu tuệ theo đúng với những gì được nói đến trong kinh điển. Nếu như đeo một cái tràng hạt, rồi mỗi ngày trì tụng vài câu thần chú rồi đếm tràng hạt đó, thì việc trì chú không giúp ta thành một hành giả tu tập chân chính. Đó chỉ là một điều rất là bình thường, không liên quan nhiều đến giáo pháp. Để trở thành một hành giả tu hành chân chính phải giữ giới, phải tu định và phải tu tuệ.
Bây giờ hãy mở sách GTTLBT quyển số 1 trang 654, bắt đầu đọc lại 10 bất thiện nghiệp, và quyết tâm nhớ hết được 10 bất thiện nghiệp, nổ lực không phạm 10 điều này. Từ số 1 cho đến số 7 là các bất thiện nghiệp thuộc về hành vi trên thân và lời nói, là những điều vô cùng quan trọng; còn bất thiện nghiệp 8, 9, 10 thuộc về tâm ý.
Giới luật vô cùng quan trọng đối với những người thực hành giáo pháp một cách thực thụ. Trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đã căn dặn đồ đệ rằng: “sau khi Như Lai nhập diệt thì các con hãy xem giới là Thầy của mình”. Vậy nếu như giới luật là nền tảng quan trọng, thì cần thực hành giới luật như thế nào? Nếu muốn thực hành giữ giới, hãy luôn ghi nhớ 10 bất thiện nghiệp và cố gắng tránh phạm vào. Nếu chưa làm được điều đó thì hãy nổ lực giảm thiểu 10 bất thiện nghiệp này trong cuộc sống của mình. Khi tu tập thì phải luôn nhớ đến ranh giới của những điều không được phạm phải. Việc thường trực nhớ đến ranh giới này sẽ giúp hành giả giữ giới và tu giới.
Vậy hậu quả của việc vị phạm 10 điều bất thiên là gì? Tương lai sẽ bị tái sinh vào các cõi thấp.
Nguyên nhân nào khiến ta vi phạm? Có 4 nguyên nhân:
- Nguyên nhân thứ nhất là vô minh về nhân quả, không biết đâu là điều thiện, đâu là điều bất thiện
- Nguyên nhân thứ 2 là không có tâm kính Pháp, khi không kính trọng giáo pháp của Đức Phật thì sẽ không quan tâm hay nổ lực thực hành theo.
- Nguyên nhân thứ 3 là phiền não trong tâm của mình, đặc biệt là những phiền não rất mạnh trong tâm, thí dụ: hay nổi sân giữ dội, tâm ghen tỵ rất mạnh, tâm tham rất mạnh. Lúc này, cần đặc biệt chú ý xem mình bị ảnh hưởng bởi phiền não nào một cách mãnh liệt, rồi từ từ tìm cách giảm bớt để không bị đưa vào chỗ phạm giới.
- Nguyên nhân thứ 4 là cái tâm buông lung bất cẩn, tức là không quan tâm đến cái công phu hành trì của mình, thả cho cái tâm của mình nó tự do, nó buông lung thì sẽ dễ dàng đi đến chỗ phạm giới.
Lớp đã học LamRim đã gần hết phạm vi trung bình rồi, câu hỏi của Thầy là để đối trị lại tâm sân (cái cơn giận trong người mình) thì sử dụng pháp đối trị nào?
Hãy tự nghiên cứu và áp dụng trên tâm của mình. Trong lúc thiền, điều cần thiền là nghĩ xem khi cái cơn sân nó phát sinh trong tâm thì cần phải áp dụng cái pháp đối trị nào để diệt trừ cái tâm sân đó? quá trình ra cái giải pháp cho một cái loại phiền não, gọi là thiền quán. Ngày xưa Đức Phật cũng đã thực hành y hệt như vậy, Ngài đã tự mình khám phá ra các pháp đối trị đối với các phiền não ở trong quá trình Ngài thiền quán. Bây giờ chúng ta cũng làm theo y như vậy, tiếp tục thiền quán như vậy trong tuần này.