12 CHI PHẦN NHÂN DUYÊN (TT)
DANH SẮC (mắt xích thứ 5 trong chuỗi 12 nhân duyên)
Hình: 1 bánh xe, vòng ngoài của bánh xe là 12 ô nhỏ - 12 nhân duyên.
Trong quá trình tái sinh, mắt xích thứ 5 đã đi vào thai mẹ nên mình bắt đầu có Danh và Sắc. Hình một người đang trèo thuyền biểu trưng cho Danh và Sắc - đang bắt đầu một hành trình. Khi Thức tái sinh nhập vào thai mẹ tại thời điểm đầu tiên (rất khó để xác định thời điểm Thức nhập vào thai mẹ), chính là một kiếp sống, một đời sống mới đã bắt đầu. Sau khi Thức nhập vào thai mẹ, thân của mình bắt đầu được hình thành. DNA có thể tự nhân đôi được. Theo quan điểm đạo Phật, để quá trình nhân đôi của chuỗi DNA có thể được diễn ra thì nhất định phải có Thức hiện diện, nhập vào thai mẹ. Quá trình này có thể diễn ra mà không cần đến sự hiện diện của tinh cha, huyết mẹ. Ngày xưa Đức Phật đã từng nhắc đến vấn đề này. Nhưng khoa học về DNA cũng mới phát triển thời hiện đại mà thôi. Thậm chí đời sống mới không nhất thiết là phải trong tử cung của người mẹ, vì khoa học ngày nay đã có thể thụ tinh trong ống nghiệm.
SÁU CĂN
Khi Thức nhập vào thai mẹ thì mình có Danh, Sắc thì sau đó 6 căn sẽ được hình thành. 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Từ 6 căn này, bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài - đó là mắt xích tiếp theo: Xúc (biểu trưng bằng hình ảnh 2 người nam, nữ đang quan hệ).
THỌ
Khi đã có Xúc, mắt xích tiếp theo là Thọ - là cảm nhận được cảm giác phát sinh từ xúc chạm. Thọ được biểu trưng bằng hình ảnh người đàn ông có cắm mũi tên trong mắt của ông ta. Xúc chính là xúc chạm, tiếp xúc; 6 căn tiếp xúc với 6 cảnh bên ngoài. Thí dụ mắt nhìn cảnh đẹp/cảnh xấu, tai nghe điều hay, điều không hay,… Khi 6 căn này tiếp xúc với 6 đối tượng bên ngoài phát sinh ra cảm xúc thì sinh ra mắt xích thứ 7 là Thọ - tức là cảm thọ của mình. Khi nói vui buồn thì đó là cảm thọ phát sinh từ sự tiếp xúc giữa căn của mình và đối tượng bên ngoài.
ÁI - THỦ
Từ cảm thọ sinh ra Bám chấp (chữ Ái trong 12 nhân duyên). Mắt xích thứ 8 trong 12 nhân duyên chính là Ái (luyến ái, ưa thích), phát sinh từ cảm thọ. Tham ái được diễn tả bằng hình ảnh một người đang uống rượu. Mắt xích thứ 9 là khi ái mạnh hơn, mình chạy theo nó. Đó chính là Thủ - muốn bám giữ nó mãi mãi. Được biểu trưng bằng hình ảnh con khỉ đang cố gắng ăn trái cây. Do đó, thấy được rằng cuộc đời mình là quá trình chạy theo những cảm thọ (mắt xích thứ 7). Cảm thọ này là kết quả của việc 6 căn tiếp xúc với 6 đối tượng bên ngoài. Con người mình thường bám chấp vào những cảm thọ tốt (muốn nghe được điều hay, muốn thấy được cái đẹp…) thì càng ngày khi đã bám chấp rồi, thì bắt đầu muốn có lại được những cảm thọ đó trong tương lai. Đó là mắt xích thứ 9 - Thủ. Khi đã có rồi và muốn có nữa thì đó là một vòng xoáy trong cuộc đời. Mình liên tục chạy theo những cảm thọ tốt. Nếu nhưn có thể chặt đứt được bám chấp vào những cảm thọ tốt thì sẽ có được một sự thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày.
12 nhân duyên này mô tả tiến trình của một người từ lúc nhập thai cho đến lúc lìa đời. Từ Xúc sinh ra Thọ, từ Thọ sinh ra Ái (ưa thích, bám chấp), bám chấp ngày càng tăng mạnh khiến mình chạy theo cảm thọ đó - chính là Thủ. Từ Xúc, Thọ, Ái, Thủ này thúc đẩy tạo nghiệp và chính vì tạo nghiệp nên mình phải sinh ra đời. Sinh ra đời thì vòng này lại tiếp tục lại như thế từ đầu. Thầy nói mình hãy nhớ lại xem đâu là những việc xấu mình đã từng làm chỉ vì mình bám chấp. Thậm chí thiện nghiệp mình làm cũng là do tham chấp. Ví dụ mình giết con cá để làm món ăn bởi vì mình bám chấp vô vị giác, nhớ tới thịt của con cá thôi thúc mình giết con cá đó để ăn. Khi mình làm việc tốt giúp đỡ người khác thì mình chấp ngã, mình nghĩ rằng việc tốt đó sẽ đem lại kết quả tốt cho chính bản thân mình.
HỮU – SINH – GIÀ CHẾT
Mắt xích thứ 10 chính là Hữu - tức là tạo ra Nghiệp. Mô tả bằng hình ảnh một người đang đi. Và từ Nghiệp đó thúc đẩy sang mắt xích thứ 11 chính là Tái sinh - bắt đầu kiếp sống mới, hình ảnh một người đang sinh con. Có sinh rồi thì sẽ có già và chết, chính là mắt xích thứ 12.
Để thoát khỏi vòng luân hồi thì phải chặt đứt được 12 nhân duyên. Để không phải già và chết thì không tái sinh. Để không tái sinh thì phải ngừng tạo nghiệp. Do đó, phải tìm cách chặt đứt mắt xích nào đó trong 12 nhân duyên. Nguyên nhân nào khiến mình tạo nghiệp, đó là bám chấp hoặc tham ái. Tại sao tham ái, là do vô minh. Do đó, để diệt trừ tham ái thì cần diệt trừ vô minh. Để diệt trừ vô minh thì phải hiểu được tánh Không - vô ngã. Đây chính là cốt lõi nhất trong thực hành đạo Phật. Để hiểu được tánh Không thì mình cần lên Zoom. Còn lại thầy sẽ lo giúp mình.
Đạo Phật giải thích cách mình bị trói buộc trong cõi luân hồi và cũng đưa ra cách để mình thoát khỏi luân hồi bằng cách chặt đứt 12 nhân duyên, cốt lõi nhất là hiểu được tánh không. Đạo Phật thực ra rất đơn giản nhưng mọi người lại làm nó phức tạp.
Thầy trả lời câu hỏi: khi xung quanh mình rất độc hại, có nhiều điều tiêu cực thì làm sao mình giữ tâm mình được an lạc? Trước hết mình phải nghĩ rằng môi trường độc hại mình đang phải chịu đựng ở thời điểm hiện tại chính là kết quả của ác nghiệp quá khứ của mình. Điều thứ hai là cần nhắc bản thân mình đang ở cõi luân hồi, cho dù mình có đi nơi khác thì cũng vậy mà thôi. Bản tính của luân hồi là không hoàn hảo, cho nên mình đừng mong cầu sự hoàn hảo từ môi trường xung quanh. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm cách thay đổi suy nghĩ của mình về những gì xảy ra xung quanh. Đặc biệt, đối với người thân trong gia đình cần có không khí ôn hoà. Thầy biết rằng, nhiều khi trong gia đình có thể xảy ra mâu thuẫn, bất hoà, những điều bất hoà nhỏ đó khiến mình phát sinh sân giận. Nếu mình để bản thân nổi giận với những điều nho nhỏ đó thì sau một thời gian dài, thói quen nổi giận đó trở nên sâu đậm. Thì khi có thói quen đó, gặp điều gì mình cũng nổi giận thì thói quen đó cần phải giảm bớt và diệt trừ.
Đọc kỹ thêm về 12 nhân duyên trong sách Giải thoát trong lòng tay. BTC sẽ gửi ảnh 12 nhân duyên cho lớp mình. Bức ảnh này minh hoạ 1 con quỷ ôm bánh xe luân hồi. Con quỷ này tượng trưng cho cái chết. Cần luôn nhớ rằng cái chết luôn sau lưng mình. Trung tâm bức ảnh là tam độc: tham, sân, si tượng trưng bởi con heo, con rắn, con chim. Từ tam độc phát sinh ra chúng sinh trong 6 cõi luân hồi. Vòng ngoài cùng là 12 nhân duyên, bên trong là 6 vùng, mỗi vùng mô tả cho 1 cõi luân hồi: cõi súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ, người, trời, atula. Sau lưng con quỷ, bên tay trái góc trên là mặt trăng - tượng trưng cho trí tuệ giác ngộ. Bên tay phải góc trên là Đức Phật đang giơ tay chỉ vô mặt trăng, biểu trưng cho việc Đức Phật dạy cho mình Pháp để mình có thể giải thoát khỏi luân hồi. Sinh tử luân hồi mình đã lặp lại rất nhiều lần. Giải thoát, giác ngộ là điều mới mẻ mà mình chưa trải nghiệm qua. Giác ngộ là trạng thái thông qua thực hành thiền định chứng ngộ được Tính Không trong tâm thức của mình, thấy được vô ngã nên không còn chấp ngã. Tại thời điểm mình chứng được vô ngã và diệt trừ hoàn toàn tâm chấp ngã thì mình sẽ trải nghiệm được cuộc sống này theo cách hoàn toàn khác. Ví dụ, khi bị ngứa, lấy tay gãi chỗ ngứa thì thấy thoải mái. Y hệt như vậy, khi bị khổ và chạy theo những đối tượng làm mình thoải mái trong cuộc sống. Khi có được những đối tượng đó, mình thấy hạnh phúc, thoải mái. Còn đối với một người đã giác ngộ, thì người đó có được an lạc, hạnh phúc theo kiểu người đó hoàn toàn không bị ngứa, nên không cần lấy tay gãi ngứa để có được hạnh phúc, an lạc. Tương tự thế, không có khổ nên không cần chạy theo các đối tượng để có hạnh phúc, an lạc. Chính vì không có phân biệt ngon hay dở, tốt hay xấu nên tâm của người giác ngộ ở trong trạng thái an lạc cực kì mãnh liệt. Có 2 loại an lạc: Loại an lạc thứ nhất là an lạc có được do gãi ngứa và an lạc vì hoàn toàn không bị ngứa thì mình thích cái nào? Thầy tin rằng mình chọn hoàn toàn không bị ngứa. Tương tự như vậy, có 2 trạng thái trong cuộc sống. Đó là mình chạy theo tất cả những ham muốn và những ham muốn đó được thoả mãn thì mình có cảm giác hạnh phúc. Còn trạng thái giác ngộ tương ứng với việc mình không bị ngứa đó thì mình chưa có trải nghiệm qua nên mình chưa có động lực để có được giác ngộ đó. Để đạt được giác ngộ thì quan trọng nhất là phải thực hành liên tục.