29-07-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 10 - Ngày 29/07/2012

- vấn đáp liên quan đến bài giảng Giải thoát trong lòng tay.

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

 

Tuần thứ 10

Như Thị Thất, ngày 29 tháng 07 năm 2012

 

Buổi học hôm nay của chúng ta sẽ có chút thay đổi. Tôi sẽ dành toàn bộ giờ học hôm nay cho phần hỏi đáp vì lần trước tôi đã không có đủ thời gian trả lời tất cả các câu hỏi. Do vậy, hôm nay sẽ là buổi hỏi đáp. Bây giờ quý vị có thể đặt câu hỏi.

 

Câu hỏi 1: Lần trước thầy giảng về việc quán tưởng Ruộng Phước và quán tưởng ánh sáng trắng và ánh sáng vàng đến từ Ruộng Phước. Hiện giờ chúng con đang nhầm lẫn về màu của ánh sáng và muốn biết chính xác chúng con cần phải quán tưởng ánh sáng màu gì.

Rinpoche: Quý vị muốn biết về các màu khác nhau của ánh sáng, có đúng vậy không? Trước hết, quý vị cần biết ánh sáng có nhiều màu khác nhau. Khi quý vị quán tưởng ánh sáng vàng có nghĩa là chúng ta đang muốn tăng trưởng điều gì đó. Khi muốn tăng trưởng công đức hoặc của cải, quý vị cần quán tưởng ánh sáng vàng. Ánh sáng trắng thường được quán tưởng trong các bài cầu nguyện nói chung, hay khi quý vị có những nguyện ước chung chung, lúc đó quý vị quán tưởng ánh sáng trắng. Nếu muốn có năng lực mạnh mẽ để vượt qua chướng ngại, quý vị phải quán tưởng ánh sáng đỏ. Khi quán tưởng Ruộng Phước, nếu quý vị muốn cầu nguyện cho số dư tài khoản của mình trong ngân hàng tăng lên thì hãy quán tưởng ánh sáng vàng. Khi quý vị phải đối mặt với các chướng ngại và muốn cầu nguyện để vượt thoát khỏi chúng thì hãy quán tưởng ánh sáng đỏ tiếp thêm năng lực cho quý vị để san bằng tất cả chướng ngại. Khi cầu nguyện cho hạnh phúc của hết thảy chúng sinh hoặc hạnh phúc của bản thân, quý vị có thể quán tưởng ánh sáng trắng.

 

Câu hỏi 2: Khi quán tưởng Ruộng Phước và đọc lời nguyện quy y, thầy dạy rằng chúng con phải thực hiện ba lần. Điều đó có phải là: đọc lời nguyện quy y, đảnh lễ, quán tưởng, và rồi lặp lại các bước đó ba lần, đúng không ạ?

Rinpoche: Đúng vậy.

 

Câu hỏi 3: Khi chúng con cầu nguyện cho người khác mà cần phải nương tựa vào năng lực của Ruộng Phước thì chúng con phải tiến hành như thế nào?

Rinpoche: Quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước rồi đọc bài cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, quý vị quán tưởng các luồng ánh sáng từ Ruộng Phước tiến đến hòa tan vào đối tượng mà quý vị đang cầu nguyện cho họ. Hãy quán tưởng người đó đạt được sự an lạc hoặc bất kỳ điều gì. Có hai cách quán tưởng. Cách thứ nhất, quý vị quán tưởng ánh sáng từ Ruộng Phước tiến đến đối tượng đang được cầu nguyện. Hoặc quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước hòa tan vào đối tượng mà quý vị đang cầu nguyện cho họ. Khi nào cảm thấy thoải mái nhất, quý vị có thể thực hiện quán tưởng theo cách trên. Nếu quý vị cầu nguyện cho một người đang đau khổ, hãy quán tưởng ánh sáng trắng từ Ruộng Phước tiến đến hòa tan vào người ấy. Sau cùng, quý vị nghĩ rằng người đó đã vượt qua được nỗi khổ của họ. Quý vị phải tư duy như vậy ở bước sau cùng.

 

Câu hỏi 4: Mong thầy giải thích toàn bộ các chi tiết của quá trình quán tưởng, đặc biệt là khi ánh sáng đi từ Ruộng Phước đến cơ thể hành giả, phải quán tưởng để ánh sáng đó phá tan hết các chướng ngại trong cơ thể của hành giả và chuyển hóa khối màu đen đi qua khỏi lỗ mũi như thế nào? Việc quán tưởng này rất phức tạp và con mong thầy giải thích chi tiết hơn.

Rinpoche: Câu hỏi của chị khiến tôi có chút bối rối [Rinpoche cười]. Trước hết, quý vị quán tưởng ánh sáng trắng tiến đến hòa tan vào cơ thể mình. Mỗi khi quán tưởng, quý vị phải quán tưởng luồng ánh sáng trắng đi vào cơ thể của quý vị qua đỉnh đầu. Khi đó, hãy quán tưởng ánh sáng trắng từ đỉnh đầu đi vào khắp cơ thể quý vị. Tiếp đến, quý vị quán tưởng luồng ánh sáng trắng đó tẩy trừ mọi chướng ngại trong cơ thể quý vị. Chướng ngại, ác nghiệp và tất cả những thứ bất tịnh đều được chuyển hóa thành chất lỏng màu đen hoặc luồng khí màu đen, và chúng thoát ra khỏi cơ thể quý vị qua bàn chân chứ không phải qua lỗ mũi. Lúc đó, quý vị quán tưởng chất lỏng màu đen đi ra từ cơ thể của quý vị qua bàn chân và thấm xuống đất, rồi chất lỏng đen đó chảy vào miệng của các tinh linh xấu ác. Sau khi nước đen chảy vào miệng của các tinh linh xấu ác thì quý vị quán tưởng các tinh linh đó hết sức thỏa mãn và tột cùng vui sướng.

 

Câu hỏi 5: Khi thực hành, ngồi xếp bằng thì làm sao con quán tưởng nước đi ra khỏi bàn chân và thấm xuống đất được?

Rinpoche: Việc bàn chân quý vị có chạm đất hay không thì không quan trọng. Đây là một câu hỏi hay, và câu hỏi này cũng tương tự như trường hợp sau đây.

Có một vị tu sĩ vừa mới cạo tóc. Đạo sư của tu sĩ này bảo ông ta hãy quán tưởng Đức Phật ngự trên đỉnh đầu của mình. Vị tu sĩ thưa với thầy của mình rằng thiền quán như vậy rất khó. Đạo sư hỏi vị ấy tại sao quán tưởng Đức Phật ngự trên đỉnh đầu lại khó. Khi đó vị tu sĩ mới nói với thầy mình rằng ông ta vừa mới cạo tóc, nếu quán tưởng Đức Phật ngự trên đầu thì Phật sẽ bị trượt ngã xuống.

Do đó, câu hỏi của chị cũng giống như vậy. Khi ngồi xếp bằng, bàn chân quý vị có chạm đất hay không thì không quan trọng, lúc đó quý vị chỉ cần quán tưởng chất lỏng màu đen chảy ra khỏi bàn chân là được.

 

Câu hỏi 6: Hôm trước thầy có truyền khẩu cho mọi người Guru Puja, là pháp cúng dường đạo sư. Xin thầy cho chúng con chỉ dẫn và nghi quỹ để thực hành pháp cúng dường này. Con cũng biết có một nghi quỹ của Ngài Ban Thiền Lạt Ma đời thứ I soạn cho dòng Gelug để thực hành. Thầy có khuyến khích việc thực hành theo nghi quỹ này không?

Rinpoche: Tôi chưa biết là có bản Việt dịch của Guru Puja. Tôi không đưa ra bất kỳ nghi quỹ nào do đó tôi sẽ không yêu cầu quý vị phải đọc tụng. Nhưng nếu quý vị có thời gian thì việc tụng đọc này cũng rất có ích.

Nếu không thể được thì quý vị cũng không phải đọc tụng bản kinh này hàng ngày. Nhưng trong một số dịp, nếu quý vị có thể trì tụng được thì rất tốt. Nếu quý vị có thời gian thì thực hành nghi quỹ là điều rất tốt. Khi có thời gian, quý vị có thể trì tụng. Quý vị không phải tiến hành mỗi ngày.

Cô Bình nói với tôi rằng bản kinh này có trên trang mạng của Việt Nalanda. Nếu quý vị có bản kinh đó thì tôi nghĩ trong một số dịp, sẽ rất tốt nếu  chúng ta có thể cùng nhau trì tụng. Có thể quý vị nên sử dụng bản kinh tiếng Việt, được không? Trong một số ngày đặc biệt, chúng ta sẽ cùng nhau trì tụng.

 

Câu hỏi 7: Khi thực hành Guru Puja, chúng con có cần phải quán tưởng gì thêm không ạ?

Rinpoche: Quý vị chỉ cần quán tưởng Ruộng Phước và quán tưởng như tôi đã hướng dẫn.

 

Câu hỏi 8: Mấy hôm trước thầy có dạy chúng con quán tưởng về luồng khí đen đi ra từ lỗ mũi. Khi nào thì chúng con nên dùng đến pháp quán tưởng này và thầy có thể giảng lại toàn bộ quy trình được không ạ?

Rinpoche: Có thể tôi sẽ nói lại từ đầu các bước thực hiện vào lần sau.

 

Câu hỏi 9: Nếu con thực hành hai pháp khác nhau với hai nghi quỹ khác nhau thì có được không ạ?

Rinpoche: Tôi muốn hỏi nếu quý vị ăn hai loại thức ăn khác nhau thì có được không? Theo tôi thì việc thưởng thức hai món ăn khác nhau sẽ không sao cả. Tương tự, nếu quý vị hành trì hai nghi quỹ thì cũng không thành vấn đề. Nhưng cho dù là nghi quỹ nào thì quý vị cũng phải thực hành đúng đắn, đó mới là điều quan trọng. [Người hỏi nói rõ thêm là thực hành hai nghi quỹ của hai dòng truyền thừa khác nhau thì có được không?] Không sao cả. Nếu quý vị ăn hai món khác nhau từ hai nhà hàng khác nhau thì không hề gì, miễn là quý vị thích các món ăn đó. Tôi thường ăn nhiều món ăn khác nhau từ những hàng quán khác nhau. Điều chính yếu là khi thực hành bất kỳ nghi quỹ nào thì quý vị phải hiểu rõ và biết cách thực hành đúng đắn. Đó là điều quan trọng nhất. Trì tụng không quan trọng. Chỉ trì tụng mà chẳng thông suốt thì không được gì cả. Khi trì tụng, quý vị phải hiểu ý nghĩa của những điều mình đang thực hiện. Đó là điều quan trọng nhất. Do vậy, điều chính yếu là cho dù quý vị hành trì pháp nào, sẽ tốt hơn nhiều nếu quý vị hiểu được ý nghĩa của các nghi quỹ và điều này vô cùng lợi ích.

 

Câu hỏi 10: Khi chúng con quán tưởng chất lỏng màu đen từ bàn chân chảy ra cho tất cả những tinh linh thụ hưởng và thỏa mãn, thì lúc đó nước đen này có chuyển sang màu trắng không?

Rinpoche: Không, không, chỉ cần nghĩ rằng những tinh linh đó uống nước đen xong thì họ say bí tỉ! [Rinpoche cười] Tôi chỉ đùa thôi.

Có rất nhiều pháp hành trong Phật giáo. Có một pháp gọi là hy sinh bản thân cho các tinh linh. Đây là một pháp hành khác, cũng tương tự nhưng vậy nhưng khác một chút. Do vậy, quý vị chỉ làm thỏa mãn cho các tinh linh. Quý vị hãy nghĩ trong khi nhận gia trì từ Ruộng Phước, tất cả ác nghiệp và chướng ngại của quý vị được chuyển hóa thành chất lỏng màu đen và chảy ra ngoài qua bàn chân của quý vị, rồi chảy vào miệng của các tinh linh xấu ác. Quý vị nên quán tưởng các tinh linh xấu ác đó trong hình dạng của loài cá sấu hoặc loài bọ cạp.

 

Câu hỏi 11: Tại sao chúng con phải quán tưởng dùng chất lỏng màu đen để thỏa mãn cho các tinh linh xấu ác, vì chúng con đã chuyển hóa các nghiệp tiêu cực của mình vào nước đen, rồi chúng con lại để cho các tinh linh thọ dụng những thứ bất tịnh như vậy thì có đúng đắn không?

Rinpoche: Mọi điều tốt hay điều xấu đều phụ thuộc qua lại và mang tính tương đối. Đối với chúng ta, chướng ngại là điều xấu nhưng không có nghĩa trên thực tế chúng xấu hay không. Tương tự, gà rán KFC là món ăn kiêng kỵ đối với người ăn chay nhưng lại rất thơm ngon đối với những ai thích ăn thịt. Đó là lý do quý vị dùng chất lỏng màu đen để thỏa mãn các tinh linh. Chướng ngại và ác nghiệp thì xấu đối với chúng ta, nhưng đối với họ thì nó không tệ như vậy.

 

Câu hỏi 12: Có sự khác biệt nào giữa việc trì tụng câu thần chú Om Mani Padme Hum và việc trì tụng hồng danh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát không?

Rinpoche: Không có sự khác biệt nào cả, vì “Om Mani Padme Hum” là tiếng Phạn. Nhiều đạo sư Tây Tạng thời xưa các thầy Tây Tạng cao cấp cũng không thể phát âm chuẩn xác câu chú này. Điều đó cho thấy việc trì tụng không mấy quan trọng. Việc quán tưởng của quý vị quan trọng hơn. Tôi không cho rằng Đức Quán Thế Âm chỉ biết có một thứ tiếng, tôi nghĩ Ngài có thể thông hiểu được mọi ngôn ngữ. Do đó, khi quý vị trì tụng Om Mani Padme Hum bằng bất cứ thứ tiếng nào hay niệm hồng danh của Đức Quán Thế Âm thì Ngài đều hiểu hết. Nếu Ngài chỉ biết một thứ tiếng thì có lẽ chúng ta nên trì tụng tiếng Sankrit “Om Mani Padme Hum.” Nếu Ngài chỉ hiểu mỗi tiếng Phạn của người Ấn Độ thì chúng ta phải trì tụng như thế. Vì vậy, do Đức Quán Thế Âm có thể nghe được lời cầu nguyện của chúng ta bằng mọi ngôn ngữ nên khi quý vị tụng chú bằng thứ tiếng nào thì Ngài cũng có thể nghe và hiểu được.

Tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện. Có một người đàn ông khi thổi sáo thì mọi loài thú trong rừng đều yêu thích tiếng sáo của ông ta. Dịp nọ, ông thổi sáo trong một khu rừng rậm, còn các loài thú quây quần bên ông và yên lặng lắng nghe tiếng sáo. Tất cả các loài thú, hổ, sư tử, hươu, nai đều yêu mến tiếng sáo của ông nên chúng đã hiền lành nằm xung quanh ông để lắng nghe tiếng sáo. Lúc đó, cá sấu đi tới và tiến lại gần người thổi sáo. Nó nhảy xổ vào và ăn thịt ông ta. Sau khi cá sấu làm vậy thì hổ, sư tử, hươu, nai và các loài thú khác rất tức giận cá sấu. Hổ và sư tử gầm thét với cá sấu, “Mày vừa làm gì vậy?!” Cá sấu cũng lớn tiếng hỏi lại, “Gì thế? Gì thế?” và tất cả những gì cá sấu đáp lại chỉ là lớn tiếng hỏi có việc gì, có việc gì đang xảy ra. Bởi vì con cá sấu bị điếc nên nó chẳng nghe được gì cả. Đức Quán Thế Âm của chúng ta không giống như con cá sấu. Ngài có thể nghe được mọi ngôn ngữ.

 

Câu hỏi 13: Khi thực hành pháp và quán tưởng hết những điều thầy đã dạy thì việc quán tưởng đó có quan trọng không? Thông thường chúng ta thực hành quán tưởng theo thời khóa mỗi ngày, nhưng thay vào đó có thể thực hành theo những lời đức Phật dạy và thực hành ngay trong chính công việc hàng ngày của mình có được không?

Rinpoche: Việc quán tưởng Ruộng Phước rất quan trọng. Có lần tôi bị một vết thương ở bàn chân và tôi đã đến bác sĩ để khám. Bác sĩ kê cho tôi một liều thuốc uống và cả thuốc bôi ngoài da. Tôi hỏi bác sĩ tại sao tôi phải uống thuốc vì tôi chỉ cần bôi thuốc là được. Vị bác sĩ giải thích cho tôi rằng thuốc uống sẽ giúp tôi tăng cường hệ miễn dịch và nhờ vậy vết thương sẽ mau lành hơn. Tương tự, quán tưởng Ruộng Phước giống như liều thuốc uống kia, sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Những phương cách khác như thực hành theo triết lý nhà Phật giống thuốc bôi ngoài da. Quý vị cũng cần uống thêm thuốc để tăng cường hệ miễn dịch. Quán tưởng Ruộng Phước giống như liều thuốc uống. Tôi không phải là một vị bác sĩ chữa thân bệnh nhưng tôi là bác sĩ chuyên chữa tâm bệnh. Do vậy, tôi kê liều thuốc uống cho quý vị. Mọi pháp hành Phật giáo giống như thuốc bôi ngoài da. Ngoài thuốc bôi ra thì việc quán tưởng Ruộng Phước như một liều thuốc uống mang lại cho quý vị sự tăng cường, giúp quý vị thực hành dũng mãnh hơn và hiệu quả hơn.

 

Câu hỏi 14: Khi cầu nguyện cho người bệnh, nên trì tụng câu chú của Đức Dược Sư hay quán tưởng Ruộng Phước, cách nào tốt hơn?

Rinpoche: Tôi nghĩ cả hai cách này đều có công hiệu như nhau vì Đức Phật Dược Sư cũng ngự trên Ruộng Phước. Do vậy cả hai cách đều hiệu quả. Điều quan trọng là cách quý vị cầu nguyện. Nếu quý vị cầu nguyện cả hai vị thì hiệu quả sẽ như nhau.

 

Câu hỏi 15: Khi thực hành quán tưởng, con cảm thấy đau trên đỉnh đầu và đôi lúc vùng tim rất nóng, như vậy có sao không ạ?

Rinpoche: Có một số lý do để giải thích cho kinh nghiệm này của quý vị. Quý vị nói rằng có cảm giác đau trên đỉnh đầu, đúng vậy không? Điều đó có nghĩa là quý vị đã dụng tâm quá mức. Thỉnh thoảng điều này xảy ra trong một số trường hợp khi các yếu tố của cơ thể có sự thay đổi. Quý vị không cần phải quá lo lắng. Hãy thư giãn. Khi chúng ta khởi tâm suy nghĩ là có điều gì đó đang xảy ra thì lập tức quý vị cũng có cảm giác điều đó đang xảy ra thật. Thời xưa có một hành giả thực hành pháp Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka) và Ngài Đại Uy Đức Kim Cang trong thực hành của ông ta có một cái sừng. Ngày nọ, vị hành giả đang thực hành trong một cái hang nhỏ thì ông ta bỗng kêu ầm lên, “Sư phụ! Con không thể ra khỏi hang được vì cái sừng của con bị kẹt vào nóc hang!” Vị đạo sư bảo ông ta hãy thực hành quán tưởng ngài Đại Uy Đức Kim Cang không có sừng. Vài ngày sau thì vị hành giả không còn gặp rắc rối gì nữa. Tương tự, đôi lúc tâm quý vị tập trung quá mức. Khi quý vị quán tưởng quá mãnh liệt thì tâm quý vị có thể sinh ra một số ảo giác. Do đó, quý vị không cần phải quá lo lắng về kinh nghiệm này.

 

Câu hỏi 16: Nước cúng dường Phật hàng ngày thì nên hạ xuống vào buổi nào trong ngày là tốt nhất ạ?

Rinpoche: Buổi chiều là tốt nhất. Quý vị có thể cúng dường nước vào buổi sáng. Khi đi làm về, quý vị có thể hạ nước cúng dường xuống.

 

Câu hỏi 17: Nếu con quên hạ nước cúng dường xuống vào buổi chiều thì cứ để nước trên bàn thờ có được không?

Rinpoche: Nếu quý vị quên thì cứ để đến sáng hôm sau và khi đó chỉ cần đổ thêm vào một chút nước mới, không sao cả. Nếu quý vị có thời gian thì đừng làm như vậy. Nếu quý vị quên thì sáng hôm sau châm thêm một ít nước vào nước cũ. Nếu quý vị có thời gian nhưng lại không thay nước mà chỉ đổ thêm một ít nước mới vào nước cũ thì đó là cách thực hành lười biếng. Quý vị đừng thực hành lười biếng, được chứ? Nếu quý vị không có thời gian, nếu quên thì có thể làm như tôi đã hướng dẫn.

 

Câu hỏi 18: Khi con hạ nước cúng xuống vào buổi chiều thì có đổ nước mới vào ngay không ạ?

Rinpoche: Không, không. Khi quý vị hạ nước cúng dường xuống vào buổi chiều thì không cần phải châm nước vào ngay.

 

Câu hỏi 19: Đối với những người hay phải đi công tác xa thì trước khi đi công tác có cần phải thỉnh nước xuống không?

Rinpoche: Tùy ý quý vị. Quý vị muốn thỉnh các chén nước xuống hay không muốn thỉnh các chén nước xuống thì đều được cả. Không có vấn đề gì hết. Thông thường, khi đi xa nhiều ngày thì tôi không thỉnh các chén nước xuống, vì ở Tây Tạng chúng tôi xem các chén đầy nước là biểu hiện cát tường. Do đó, khi đi xa tôi không thỉnh các chén nước xuống mà vẫn để chúng trên bàn thờ.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 21/09/2014.