22-07-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 9 - Ngày 22/07/2012.

- Guru Puja

- Bồ đề tâm

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 

­Tuần thứ 9

Như Thị Thất, ngày 22 tháng 07 năm 2012

 

Hiện tại tôi không ở tu viện Sera, tôi đang ở xa tu viện nên đường truyền ở đây không tốt lắm. Hôm nay bài giảng cũng sẽ ngắn hơn vì sau đây một giờ tôi có phải bắt đầu một thời pháp khác, một thời pháp cho cộng đồng. Hôm nay tôi không mang theo quyển Giải thoát trong lòng tay, vì vậy tôi sẽ giới thiệu ngắn trước khi ban khẩu truyền. Trước khi tiến hành Guru Puja (Cúng Dường Đạo Sư), tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn về Guru Puja. Quý vị gọi “Genla” trong tiếng Việt như thế nào? [Người dịch: Chúng con gọi là “Thầy”] Thông thường chúng tôi gọi Guru Puja là pháp hành Đạo Sư Du Già (Guru Yoga) hướng về bậc Đạo Sư. Có một điều tôi quên nói với quý vị. Thông thường khi tiến hành Guru Puja, chúng ta cúng dường thực phẩm và sau khi hoàn tất chúng ta chia sẻ thức ăn đó với nhau. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất vui khi dự Guru Puja vì tôi sẽ có thức ăn [Rinpoche cười] Bây giờ thì đôi lúc tôi cảm thấy rất vui khi tiến hành Guru Puja. Hôm nay tôi đã quên nói với quý vị hãy chuẩn bị thực phẩm để chia sẻ với nhau. Tôi quên nói, nhưng không sao cả. Tiến hành Guru Puja không chỉ có ý nghĩa gia trì cho bản thân mà còn gia trì cho cõi giới, thực phẩm. Đặc biệt trên thế giới trong thế kỷ 21 này, tôi nghĩa gia trì cho thực phẩm rất quan trọng vì thực phẩm đã bị ô nhiễm. Quý vị có thể thấy thức ăn không còn sạch sẽ nữa mà chứa đầy hóa chất, do đó thức ăn đã bị ô nhiễm. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng cần gia trì thực phẩm.

Bây giờ, có hai cách để gia trì cho cõi giới và thực phẩm. Một phương pháp là chuyển hóa chính thực phẩm, chuyển hóa từ bất tịnh thành thanh tịnh. Đó là một kiểu gia trì. Đôi khi quý vị có thể thấy trong mật điển có các vị bổn tôn cầm bát máu trên tay của các vị ấy, quý vị có thể thấy trong các bức ảnh bổn tôn. Điểm này cũng tương tự. Nhiều người không hiểu đúng về mật điển Phật giáo nên đã nảy sinh nhiều sự hiểu lầm khi họ trông thấy những hình ảnh đó. Khi thực hành, các vị bổn tôn có thể chuyển hóa máu thành cam lồ, các vị ấy có thể chuyển hóa như vậy. Đó là một ý nghĩa vì sao các vị ấy cầm bát máu. Điểm này cho thấy các vị bổn tôn có thể chuyển hóa máu thành cam lồ. Quý vị gọi “nectar” là gì? [Người dịch: “Cam lồ”] Đây là một kiểu gia trì, chuyển hóa một thứ bất tịnh trở thành thanh tịnh. Chúng ta chuyển hóa thực phẩm bất tịnh, cõi giới bất tịnh. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói ý nghĩa của việc các vị bổn tôn cầm bát máu. Tôi nghĩ tôi đã giải thích ý nghĩa lần trước. Quý vị có nhớ không? Tôi đã nói với quý vị hoặc nói với một nhóm khác, tôi giảng ở nhiều nơi quá nên không nhớ tôi đã nói ở đâu. Một ý nghĩa khác là màu đỏ là màu của máu. Màu đỏ có ý nghĩa là năng lực vượt thoát. Màu đỏ mang ý nghĩa của năng lực vượt thoát. Đó là lý do các vị bổn tôn cầm bát máu. Máu có màu đỏ. Màu đỏ là biểu tượng của năng lực vượt thoát. Vượt thoát cái gì? Các vị bổn tôn vượt thoát tất cả bám chấp của các vị ấy, chính vì vậy các vị bổn tôn mang bát máu đỏ. Hình ảnh đó biểu trưng cho việc các vị bổn tôn vượt thoát được bám chấp của chính mình. Đối với con người chúng ta, khó nhất là vượt lên khỏi bám chấp. Vượt qua sân giận không khó. Vươt qua tánh đố kị không khó. Vượt lên được bám chấp là điều khó nhất trong đời người. Việc khó nhất chính là vượt qua bám chấp.

Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói với quý vị rồi. Lần đó trong một trại tù cho thiếu niên ở Đài Loan, tôi có buổi nói chuyện với các tù nhân là thiếu niên. Có một cậu bé chừng 14 hay 15 tuổi hỏi tôi một câu rất sắc bén. Cậu bé đó phải vào tù vì hành vi trộm cắp. Cậu đã hỏi tôi rằng khi tôi thấy một đối tượng đẹp đẽ thì tôi có sinh lòng bám chấp hay không. Cậu đã hỏi một câu rất sắc bén. Đây là trại giam thiếu niên, những thiếu niên nam nữ đã hỏi tôi nhiều câu rất sắc bén. Một cậu bé khác hỏi tôi nếu có người đấm vào mặt tôi thì tôi sẽ làm gì? Do đó, hầu hết mọi người cảm thấy rất khó để vượt qua bám chấp. Các vị bổn tôn cầm bát máu chính là biểu tượng của năng lực vượt qua bám chấp. Màu đỏ, màu của máu, là biểu tượng của năng lực vượt thoát. Các vị ấy vượt thoát bám chấp. Nếu quý vị không hiểu mật điển thấu đáo thì chỉ dẫn đến hiểu lầm mà thôi, và quý vị hoàn toàn không thể hiểu được mật điển Phật giáo. Khi các vị bổn tôn mang bát máu, thực tế nó không phải là máu. Nó trông giống máu nhưng hoàn toàn không phải máu. Các vị bổn tôn đã chuyển hóa máu đó từ chỗ bất tịnh trở thành thanh tịnh. [Rinpoche nhờ người phiên dịch hỏi đại chúng có hiểu rõ không. Người phiên dịch trả lời đại chúng hiểu rõ.] Tôi đang đi sâu hơn nữa vào Phật pháp, ngày càng giảng sâu hơn. Đây là những điều quý vị phải hiểu. Nếu không, người Việt Nam quý vị rất thích mật điển nhưng lại không thể hiểu toàn bộ khái niệm của mật điển. Do đó, có lúc quý vị nghĩ các vị bổn tôn đang uống máu. Nếu các vị bổn tôn uống máu thì tôi nghĩ họ không phải là bổn tôn mà là ma cà rồng. Tôi nghĩ bây giờ ma cà rồng cũng không uống máu người nữa vì ở thế kỷ 21 này con người mang nhiều mầm bệnh trong máu của mình. Chính vì vậy, đây chính là một cách gia trì. Như tôi đã nói, có hai cách gia trì. Một trong số đó là chuyển hóa một thứ từ chỗ bất tịnh trở thành thanh tịnh. Đó là một cách gia trì. Thông thường, Guru Puja gia trì thực phẩm. Có nhiều mục đích, gia trì thực phẩm, gia trì bản thân, và gia trì toàn bộ cõi giới. Guru Puja làm những việc này. Điều quan trọng nhất là gia trì cho bản thân. Bây giờ tôi sẽ ban khẩu truyền Guru Puja bằng Tạng ngữ. Tôi sẽ ban khẩu truyền bằng Tạng ngữ.

Mục đích của Guru Puja là để gia trì cho bản thân, cho cõi giới và thực phẩm. Bây giờ, ý nghĩa của gia trì là gì? Gia trì có nghĩa là mọi sự thay đổi tốt lành, thay đổi đúng đắn. Khi quý vị có sự thay đổi tốt lành thì quý vị đã nhận được gia trì. Gia trì có nghĩa là những sự thay đổi tích cực đến với quý vị. Thay đổi tích cực nghĩa là sân hận, đố kị, bản ngã đều thuyên giảm; khi đó quý vị đã nhận được gia trì. Khi quý vị có thể giảm thiểu bản ngã, đố kị, sân giận thì đó chính là lúc quý vị nhận được sự gia trì tốt nhất. Đừng nghĩ rằng khi nhận gia trì thì quý vị sẽ trở thành siêu nhân hoặc tương tự vậy. Thậm chí, Đức Phật cũng không phải là siêu nhân. Năng lực gia trì đến từ việc cầu nguyện của chính quý vị, nó không đến từ nguyên nhân bên ngoài. Tôi sẽ nói với quý vị một kinh nghiệm có thật. Có một người nhờ một người khác thỉnh cầu tôi cầu nguyện cho anh ta. Tôi nghĩ đó là một vấn đề quan trọng, nên anh ta nhờ một người khác đến xin tôi cầu nguyện cho anh ta. Người được nhờ đã quên nói với tôi cầu nguyện cho anh ta. Sau đó, anh ta cảm ơn người được nhờ vì bài cầu nguyện của tôi có hiệu quả. Thật sự thì người được nhờ đã quên nói với tôi cầu nguyện cho anh ta. Bây giờ anh ta lại nhờ người đó đến cảm ơn tôi, nhưng thực tế thì tôi chẳng biết gì cả. Người kia đã quên nói với tôi cầu nguyện cho anh ta. Quý vị có hiểu không? Năng lực gia trì đến từ bên trong, đừng cho rằng sự gia trì đến từ bên ngoài. Mọi bài cầu nguyện hay lực gia trì đều đến từ bên trong bản thân quý vị, từ động cơ, tín tâm, cách quý vị cầu nguyện. Điểm này rất quan trọng. Kết quả không tùy thuộc vào việc quý vị cầu nguyện ở đâu, cầu nguyện với ai, không tùy thuộc vào những điều đó. Khi tổ Atisha đến Tây Tạng, Ngài là một học giả Na-lan-đà (Nalanda) nổi tiếng nên người ta thường xin Ngài cầu nguyện cho họ. Tổ Atisha luôn nói rằng Ngài nhờ vị đệ tử Drom cầu nguyện cho những người đó. Vị đệ tử Drom rất ngạc nhiên và hỏi Ngài, “Thầy là Thầy của con, vì sao Thầy lại bảo con cầu nguyện? Vì sao Thầy không cầu nguyện cho họ?” Tổ Atisha luôn trả lời rằng, “Lời cầu nguyện của con sẽ hiệu quả hơn vì bồ đề tâm của con mãnh liệt hơn bồ đề tâm của ta.” Đến lúc này quý vị đều hiểu bồ đề tâm là gì rồi phải không? [Rinpoche nói “bồ đề tâm” bằng tiếng Việt] Khi quý vị bắt đầu tiến hành bất cứ pháp hành Phật giáo nào, từ mật điển đến mọi thứ, nếu không có bồ đề tâm thì đó hoàn toàn không phải là pháp hành Phật giáo Đại thừa. Chính vì vậy, nếu quý vị phát khởi bồ đề tâm mãnh liệt thì lời cầu nguyện của quý vị sẽ hiệu quả hơn. Điều đó không phụ thuộc vào việc quý vị cầu nguyện với ai, mà chính động cơ của quý vị quyết định hiệu quả cầu nguyện. Đó là điểm quan trọng nhất. Hiện tại tôi nghĩ khi cầu nguyện, quý vị không cầu nguyện mà chỉ than thở mà thôi, than thở với tâm ích kỷ của quý vị. Tôi nghĩ nếu thật sự nhìn lại bản thân mình thì quý vị sẽ thấy mình ích kỷ như thế nào. Khi cầu nguyện, quý vị chỉ thỉnh cầu cho riêng mình. Ví dụ, khi muốn một chiếc đồng hồ đeo tay, quý vị chỉ cầu nguyện chư Phật ban cho quý vị chiếc đồng hồ. Từ lúc này trở đi, nếu quý vị muốn cầu nguyện để được một chiếc đồng hồ, quý vị nên nghĩ rằng “Nguyện cho tất cả chúng sinh có được đồng hồ.” Như vậy thì đó không còn là một bài cầu nguyện nữa mà chính là pháp hành bồ đề tâm. Khi thỉnh cầu đồng hồ, đừng chỉ cầu xin cho riêng mình mà quý vị hãy cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh đều có được đồng hồ. Quý vị nên cầu nguyện như vậy.

Đây là một câu chuyện có thật. Có một người đàn ông làm việc trong một viện dưỡng lão ở châu Âu. Sau đó, ông ta bắt đầu thực hành bồ đề tâm. Ông ta phải làm việc với rất nhiều người già, phải cho họ ăn và ông bắt đầu thực hành bi mẫn hướng đến những người già đó. Trước khi bắt đầu thực hành Phật pháp thì ông ta chỉ làm việc vì bản thân. Sau khi thực hành Phật pháp thì ông ta bắt đầu cảm thấy thích thú công việc của mình. Trước đây, ông chỉ làm vì bản thân, đó chỉ là một công việc, ông làm việc để kiếm tiền mà thôi. Tuy nhiên sau này, khi đã bắt đầu thực hành Phật pháp, thực hành bi mẫn thì ông ấy bắt đầu cảm thấy ưa thích công việc của mình. Quý vị có thể thấy rằng với việc thực hành pháp, ông ấy bắt đầu ưa thích công việc và không lâu sau đó, những người già nơi đó rất thương ông ấy. Họ viết thư lên nhà quản lý và ông được cất nhắc lên vị trí rất cao. Tôi biết ông ấy rất rõ. Quý vị có thể thấy rằng với việc thực hành Phật pháp, thực hành bi mẫn và bồ đề tâm, đã có sự thay đổi trong cuộc sống của ông ấy. Ông ấy yêu thích công việc của mình, được thăng chức, tất cả những thứ đó ông đạt được đều bằng việc thực hành bồ đề tâm. Nếu không thực hành bồ đề tâm thì ông vẫn phải làm việc nhưng ông sẽ làm việc một cách rất khổ sở, bởi ông phải đối mặt với những người cao tuổi. Chuyển hóa nghịch cảnh thành năng lực gia trì là một trong những pháp hành bồ tát đạo.

Chúng ta sẽ nghỉ giải lao trong năm phút. Sau đó tôi sẽ ban khẩu truyền.

Thư có ở đó không? Tôi có một câu hỏi cho Thư. Hãy hỏi Thư hôm nay bạn ấy sẽ cầu nguyện điều gì? Như tôi đã nói quý vị phải cầu nguyện. Thư cầu nguyện điều gì?

Thư: Rinpoche, thật sự con không có lời cầu nguyện nào đặc biệt, chỉ cầu nguyện như thường lệ thôi. Mỗi Chủ Nhật con đến đây và nghe Pháp, con cầu nguyện cho con và tất cả chúng sinh nơi đây và trên thế giới đều có cơ hội được nghe và thực hành Pháp cho đến ngày giác ngộ. Đó là bài cầu nguyện như thường lệ của con, không phải là bài cầu nguyện đặc biệt.

Rinpoche: Tôi có câu hỏi thứ hai cho Thư. Đó có phải là lời cầu nguyện của con không? Con đang nói sự thật chứ?

Thư: Đó là bài cầu nguyện của con khi con đến đây mỗi tuần.

Rinpoche: Bây giờ quý vị có thể nhìn vào lời cầu nguyện của Thư. Thư nghĩ đến tất cả chúng sinh, điều đó xuất phát từ bồ đề tâm. Khi quý vị cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, thì đó là bồ đề tâm, bài cầu nguyện sẽ hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất là khi thực hành bồ đề tâm, quý vị không nên phát khởi ý niệm về bản ngã của mình, không nên nghĩ rằng “Tôi đang thực hành bồ đề tâm.” Quý vị không nên nghĩ như vậy. Bây giờ hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều nhận được gia trì từ chư Phật, và cho toàn bộ cõi giới, hãy cầu nguyện như vậy. Bây giờ tôi sẽ truyền khẩu.

[Rinpoche ban khẩu truyền]

Hôm nay tôi dừng ở đây vì tôi phải đi rồi. Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại bằng tiếng Việt]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 21/09/2014.