Tóm tắt bài giảng - Nỗi khổ trong cõi luân hồi - Phạm vi trung bình
Khi Đức Phật nói về những nỗi khổ khác nhau trong cõi luân hồi, cần xem đó là sự rèn luyện tốt cho bản thân. Tất cả những ai trong cõi luân hồi này đều phải chịu khổ, không phải chỉ riêng mình. Hiểu được điều đó, dần dần quan điểm hay cách nhìn của mình khi tiếp cận đau khổ sẽ khác biệt và khi chấp nhận được đau khổ, sẽ giảm được nỗi khổ trong tâm.
Giáo lý Phạm vi trung bình bắt đầu từ việc giới thiệu những nỗi khổ khác nhau trong cõi luân hồi. Đức Phật đã thuyết về khổ đau của con người ở nhiều mức độ khác nhau và căn bản nhất. Trước hết Đức phật dạy rằng phải biết chấp nhận đau khổ bằng cách hiểu ra rằng tất cả mọi người trong đời này đều phải chịu khổ, không chỉ riêng ai. Khi ta hiểu ra và chấp nhận được đau khổ rồi, thì những cảm nhận về nỗi khổ trong tâm mình sẽ dần dần giảm bớt. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc chấp nhận đau khổ thôi thì nỗi đau trong tâm chỉ giảm thiểu nhất thời chứ không diệt trừ tận gốc rễ của đau khổ. Để diệt trừ tận gốc đau khổ chúng ta phải làm tiêu trừ sạch hết các ác nghiệp đã gây ra và để diệt trừ các ác nghiệp thì phải diệt trừ tâm chấp ngã. Phương pháp duy nhất để diệt trừ đau khổ tận gốc và làm cho những đau khổ đó không thể nào trở lại nữa là tận diệt tâm ái ngã (tâm chỉ quan tâm, thương yêu bản thân mình). Để diệt trừ tâm ái ngã phải chứng được Tánh không của ngã, (phải hiểu được Tánh không áp dụng trên ngã của chính mình) và khi hiểu được Tánh không và áp dụng trên ngã của mình hay hiểu được bản chất của mình là vô ngã thì sẽ có thể tận diệt được tất cả mọi đau khổ, khoảnh khắc chứng được vô ngã, thoát khỏi mọi đau khổ thì ngay khoảnh khắc đó được gọi là giải thoát.
Tại sao buồn? Tại sao khổ? Tâm cảm nhận được nỗi buồn nỗi khổ vì trước đó đã cảm nhận được niềm hạnh phúc, niềm vui, nếu tâm không thấy vui thì sẽ không thấy buồn và ngược lại nếu không thấy buồn thì cũng không thấy vui. Sau này khi học về Tánh không, về nhân vô ngã, pháp vô ngã thì ngay tại thời điểm phát hiện ra cảm xúc, niềm hạnh phúc, nỗi khổ trong tâm tự thân chúng nó không có thực, bản thân chúng không thực sự tồn tại. Quan điểm của bản thân thoát ra khỏi khái niệm về vui, về buồn thì đó chính là giải thoát. Cũng như vậy, khi hiểu được vô ngã, chứng ngộ được bản thân của cái chết cũng như quá trình được sinh ra đời, bản thân của sinh - tử không có tự tính, không có thực có và chứng ngộ được hai điểm đó thì ngay thời điểm đó chúng ta giải thoát khỏi sinh tử. Đức Phật đã nói tất cả các pháp đều là giả dối, không có tự tính. Tất cả những pháp thực hành chi tiết về Tánh không sẽ được học ở cuối phần Phạm vi lớn trong sách “Giải thoát trong lòng tay”.
Phương pháp hiện tại của chúng ta là chạy trốn khỏi đau khổ trong cuộc đời, tuy nhiên phương pháp rốt ráo nhất là nếu chúng ta phát hiện ra bản thân đau khổ không có tự tính, không có thực sự tồn tại, bản chất nó là không, thì ngay lập tức chúng ta thoát khỏi mọi khái niệm về đau khổ và đau khổ không còn làm mình phiền não được. Đức Phật đã dạy rằng tất cả các pháp về bản chất của chúng là không có thật, không có tự tính, không thực có, cho nên khi hiểu được tánh không, thấy được bản chất rỗng không của tất cả các pháp trong đó có đau khổ thì ngay lập tức thoát khỏi tất cả các cảm xúc đau khổ, phiền não mà không cần phải trốn chạy nữa.
Để thực chứng được Tánh không, thì không có cách dễ dàng và để diệt trừ nỗi khổ trong luân hồi thì có nhiều cách trong đó cách rốt ráo nhất diệt trừ tận gốc của đau khổ là hiểu được Tánh không. Ngay tại thời điểm chứng được Tánh không thì phát hiện ra tất cả nỗi khổ không có tự tính, không thực có và cái chết cũng không có tự tính. Ngay lập tức những khái niệm về đau khổ hoặc chết hoàn toàn biến mất ra khỏi tâm trí, thậm chí những khái niệm đó không còn tồn tại nữa thì làm sao chết và khổ có thể ảnh hưởng đến. Tại thời điểm một người chứng ngộ được Tánh không thì tất cả các pháp từ trước đến ngay thời điểm đó phát hiện ra tất cả chỉ là một sự trình hiện giả dối, không có thật và bởi vì hiểu được rằng tất cả các pháp đều trình hiện giả dối nên không sợ chết, không bị phiền não. Chỉ có một vấn đề đối với người chứng được Tánh không đó là người chứng được tánh không có thể sẽ không còn cảm thấy thức ăn có vị ngon nữa bởi vì đối với người chứng được tánh không thì tất cả các pháp đều không có xấu, không có tốt, không ngon, không dỡ thì thức ăn đối với người đó đều như nhau.
Những gì Thầy hướng dẫn trong lớp học hôm nay về Tánh Không đó là những khái niệm về thực hành cao nhất trong thực hành Phật giáo. Sau khi Đức Phật đã thành đạo và hiểu được Tánh Không rồi, khi Ngài nói chuyện với một người phàm phu (chưa hiểu được tánh không) nếu Đức Phật nêu ra quan điểm trực tiếp của ngài về cái thấy của Ngài về Tánh không sau khi được giác ngộ thì rất khó cho người kia hiểu được Đức Phật bởi vì người kia có thể nghĩ rằng những quan điểm trực tiếp về Tánh không mà Phật nói ra, như là một quan điểm của người điên. Người phàm phu không thể nào hiểu trực tiếp trí tuệ của Đức Phật, khi giao tiếp với những người chưa thành tựu thì Đức Phật thường giao tiếp với những người khác ở mức độ thấp hơn rất nhiều. Trong quá trình học về Tánh không có những lúc dần dần cảm nhận, thấy các pháp, mọi sự việc bên ngoài đều không có thực tính, không có tự hữu, không có thật. Tuy nhiên phải cẩn thận đó chỉ là cảm giác hời hợt bên trên mà thôi và tự trong đáy lòng vẫn còn y nguyên chấp vào ngã. Đó là lý do tại sao còn phiền não trong tâm. Người khác vẫn có thể làm mình nổi giận. Cần phải chú ý vấn đề này, cái cảm giác về bản chất không của các sự vật chỉ là một cái cảm giác hời hợt mà thôi.
Có một câu nói rất hay thế này, nếu sống độc cư một mình quá lâu thì có hai trường hợp xảy ra: thứ nhất có thể bị điên hoặc là giác ngộ, lằn ranh giữa hai tình huống bị điên và giác ngộ chỉ khác nhau ở chỗ là có thực hành và chứng được Tánh không hay là không. Nếu sống một mình thực hành và chứng được Tánh không sẽ đi đến giác ngộ, nếu sống một mình không thực hành và không chứng Tánh không thì sẽ bị điên. Ngày hôm nay Thầy chỉ nói sơ lược về Tánh không và các pháp tu cặn kẽ hơn để có thể dần dần hiểu được Tánh không sẽ được học ở cuối sách “Giải thoát trong lòng tay”.
Điểm xuất phát của bài học hôm nay là đau khổ trong luân hồi và để diệt được khổ thì có nhiều cách trong đó cách rốt ráo nhất là hiểu được Tánh không, vì nguyên nhân của khổ là do ác nghiệp, để diệt khổ thì phải diệt hết ác nghiệp, nguyên nhân khiến tạo ác nghiệp đó chính là tâm ái ngã, để diệt được các ác nghiệp cần phải tận diệt được tâm ái ngã và để tận diệt được tâm ái ngã cần phải diệt được tâm chấp thật (tâm chấp cái ngã là có thật). Để hiểu được cái ngã không có thật, diệt được tâm chấp thật đó, phải hiểu được vô ngã (tức là tánh không).
Trong cuộc sống, thường cảm thấy mệt mỏi, chán chường hoặc phát sinh phiền não, chứng tỏ tâm bị quá tải. Gặp các tình huống đó, vì cuộc sống diễn ra không như mong muốn, khoảnh khắc hiểu được Tánh không rồi sẽ thấy tất cả những tham vọng, mong muốn cũng không có thật, khi này tâm hoàn toàn tùy thuận theo tất cả những gì đang diễn ra xung quanh và sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Một người đã chứng được Tánh không tâm hoàn toàn không có kỳ vọng gì về những gì đang diễn ra xung quanh. Đó là những điểm về Tánh không mà Thầy hướng dẫn cho lớp.
Nếu vẫn chấp vào thức ăn ngon thì đừng nên thực hành Tánh không, để thực hành tốt thì phải xem tâm của con người hoạt động như thế nào. Khi mình đói bụng và khi mình no bụng hãy thử ăn cùng một món ăn thì cảm giác về món ăn đó ở hai thời điểm đó rất là khác nhau. Cùng một món ăn thử lúc đói và thử lúc no vị giác khác nhau, vị giác thay đổi là do món ăn hay do bản thân. Giả sử vị ngon tồn tại thì tồn tại ở đâu, tồn tại trong thức ăn, tồn tại trong tâm hay tồn tại trong lưỡi, cho nên khi ăn món gì mà cảm nhận được vị ngon hãy đặt ra câu hỏi cái vị ngon đó đang tồn tại ở đâu? trong thức ăn, trong tâm hay tở lưỡi? Nếu cảm thấy chán chường, mệt mỏi hoặc buồn rầu thì tất cả những phiền não, những cảm xúc chán chường, nỗi buồn rầu đó đến từ đâu? Tất cả những phiền não đó đều phát sinh từ trong tâm và biển mất vào tâm. Do vô minh, do ngu si nên để các phiền não đánh lừa tâm một cách dễ dàng.
Những gì trình hiện trước tâm của một người chứng Tánh không, hoàn toàn không trình hiện được trước tâm của một người chưa chứng Tánh không và những gì hiện tại đang tri nhận tất cả những gì trình hiện trước tâm của một người phàm phu chưa chứng Tánh không thì những thứ tương tự không thể nào trình hiện trước tâm của một người đã chứng Tánh không. Người thực sự chứng được Tánh không rồi sẽ hiểu được cách suy nghĩ, cảm nhận của người chưa chứng Tánh không vì trước khi chứng Tánh không đã từng trải qua giai đoạn vô minh, còn vô minh. Người chưa chứng Tánh không không thể nào hiểu được cảm giác của người hiện đang chứng Tánh không, tuy nhiên không có con đường nhanh để chứng ngộ được Tánh không.