28-04-2024
Lamrim 2024
Download MP3

Tóm tắt bài giảng - Giới thiệu về Lamrim và tác giả Atisha

Hôm trước Thầy có đề cập tới một số điểm chung của Giải Thoát trong lòng tay.

Giải thoát trong lòng tay, ngày 1 và 2 có nhắc tới tác giả, đó là Ngài Atisha. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã giảng rất nhiều, lúc đó Ngài không hệ thống lại trình tự thực hành. Khi người thực hành đạo Phật do không biết trình tự thực hành từ đầu đến cuối, nên biết gì đó, thì chỉ làm mỗi điều đó từ năm này qua năm khác, lặp đi lặp lại, sau bước đó mình cần thực hành tiếp bước gì thì không biết, không biết mọi điểm tổng quát tất cả các điểm thực hành trong Phật pháp.

Thầy hỏi: ai là người dại dột nhất? là người làm lặp đi lặp lại và hy vọng có kết quả khác. Nếu mình thực hành đạo Phật, và làm mỗi một việc và mong rằng việc đó cho mình nhiều kết quả khác nhau, thì việc này không là việc khôn ngoan. Nên là khi thực hành đạo Phật, nếu mình biết được hệ thống và trình tự sẽ làm gì thì mình sẽ tiến bộ rất nhanh trong con đường thực hành của mình.

Hôm trước Thầy có nói loại thực hành tốt nhất là mình biết nhiều kỹ thuật thiền khác nhau, ít nhất mình nên biết 100 kỹ thuật thiền khác nhau. Điều đó có nghĩa là mình biết bước 1 làm thế nào, bước tiếp theo làm thế nào, mình cần thay đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình huống như thế nào, nếu biết được như thế thì mình biết có được phương pháp Thiền rất tốt, mình có thể linh hoạt biến chuyển theo từng tình huống, còn nếu như mình chỉ mỗi một phương pháp, lặp đi lặp lại thì mình không thể nào trông mong có nhiều kết quả khác nhau từ một phương pháp.

Chắc mình có nghe qua lời khuyên tụng câu chú hay bài kinh đó 100 ngàn lần, việc làm như thế rất ư là không có hiệu quả cao, vì nếu mình lặp đi lặp lại mỗi một việc thì nó chỉ cho mình một kết quả thôi, không thể nào cho mình nhiều kết quả khác nhau được, nếu mình trông mong nhiều kết quả khác nhau từ một việc làm lặp đi lặp lại thì có vẻ khó xảy ra. Nếu mình làm lặp đi lặp lại một việc thì khó có nhiều kết quả khác được. kết quả tốt hơn thì mình cần kỹ thuật tốt hơn để áp dụng. Nên, Tổ Atisha, học giả Ấn Độ, đã tổng hợp tất cả giáo pháp của Đức Phật trở thành một hệ thống có trình tự và hệ thống này là tổng hợp tất cả lời giảng và tất cả pháp thực hành từ Đức Phật giảng dạy. Mục đích chính của tất cả pháp thực hành trong đạo Phật là giúp ta thay đổi và chuyển hóa tâm thức của mình, chủ yếu là giúp mình luyện tâm. Nên khi mình luyện tâm và chuyển hóa tâm thức của mình được thì sẽ có được nhiều kết quả khác nhau. Một khi mà mình không thể chuyển hóa tâm thức của mình được thì dù mình có thực hành nhiều cách mấy thì cũng trở nên vô nghĩa, không giúp ích được gì cả. Nếu mình thay đổi được tâm thức mình thì có thể thay đổi được nhiều vấn đề, nếu mình không thay đổi được tâm thức mình thì sẽ không thay đổi được vấn đề gì cả.

Trong lớp học Phật pháp, không có độ tuổi nhất định, giảng như thế nào để mọi người cùng hiểu thì rất là khó.

Mục đích chính của đạo Phật là thay đổi tâm thức của mình, và việc thay đổi và chuyển hóa đó cần phải thực hành theo trình tự, bởi vì tâm thức mình giống như con khỉ bị điên. Lớp còn nhớ Thầy kể một câu chuyện: có một vị Thầy hướng dẫn cho một anh học trò ngồi Thiền và nói thiền bất cứ điều gì cũng được, nhưng đừng suy nghĩ về con khỉ. Vì khi mình cố gắng không nghĩ về con khỉ thì mình cứ nhớ tới hình ảnh con khỉ, tâm của mình cũng giống vậy. Tâm thức của mình 5 năm trước so với hiện tại thì có thay đổi gì lớn không? 5 năm trước, những gì mình nghĩ là đúng thì bây giờ có thể nó thành là sai. Hiện tại nếu mình nghĩ nó đúng thì vài năm sau có thể mình nghĩ nó là sai. Điều đó cho thấy là mình không thể nào tin vào lối suy nghĩ hiện tại của mình, vì cách suy nghĩ của mình cũng thường xuyên thay đổi nên mình cũng khó có thể tin vào lối suy nghĩ của mình. Nên là tâm thức của mình, giống con khỉ bị điên, để thuần phục con khỉ bị điên thì mình cần biện pháp có hệ thống, có thứ lớp, dần dần mình mới có thể thuần phục và chuyển hóa con khỉ điên đó. Hệ thống thứ lớp để luyện tâm đó thì gọi là Lamrim. Hệ thống này do Ngài Atisha tổng hợp lại từ giáo pháp của Đức Phật.

Thầy kể lớp nghe câu chuyện thế này: có một người thiền rất miên mật, lâu năm rồi, nói nếu có động đất thì cũng không lay động được động tâm của anh ta. Trong một lần ngồi thiền thì có động đất xảy ra và anh ta không hay biết và vẫn tiếp tục ngồi thiền. sau trận động đất, mọi người hỏi tại sao anh không hay biết gì về trận động đất, anh ta trả lời bởi vì tôi đang nhập định sâu, không biết gì về động đất, ngay cả động đất cũng không lay chuyển được định lực của tôi. Anh ta có đi đến chỗ nào cũng nói với mọi người tôi thiền rất sâu, ngay cả động đất cũng không lay chuyển được định lực của tôi. Câu nói này đến tai của một vị Thiền sư, và vị Thiền sư mới gửi một bức thư cho người này, vị Thiền sư viết chỉ vỏn vẹn hai chữ: “Đồ ngu”. Khi người này nhận bức thư đó, mở ra xem thì rất là tức giận vì bị chửi là “đồ ngu”, nên người này lập tức cưỡi lên lưng ngựa và đến gặp vị Thiền sư ngay tức khắc, vị Thiền sư ở một nơi rất xa, cách vài tiếng đi đường, người này mãi miết đi đến gặp vị Thiền sư và nói rằng: tôi có làm gì ông đâu mà sao ông chửi tôi là đồ ngu. Thế là vị Thiền sư mới nói với anh ta rằng: trận động đất không thể nào lay chuyển được định lực của anh, mà sao chỉ có 2 chữ “đồ ngu” thôi mà khiến anh chạy từ bên kia sang bên đây. Nên là anh ta đã thất bại. Anh ta thất bại vì không điều phục được tâm của mình. Khi mình không điều phục được tâm mình thì mình sẽ dễ bị lay động.

Thầy kể câu chuyện khác: Có 1 vị Thiền sư nọ thiền trong hang núi rất lâu, suốt 9 năm và tóc của vị này mọc ra rất dài vì trong nhiều năm không cắt tóc. Sau một buổi khi vừa xuất định sau thời thiền, vị Thiền sư thấy một bên tóc của mình bị chuột gặm mất, nên rất tức giận và la lên: ta sẽ giết mi, con chuột kia. Nếu tức giận như vậy thì thiền suốt 9 năm để làm gì, thậm chí một cơn tức giận cũng không kiểm soát được thì thiền 9 năm để làm gì? Cho nên là những phương pháp thiền điều phục tâm, giống như điều phục tức giận và phiền não khác, thì đều được hướng dẫn trong Lamrim. Đức Phật đã giảng rất nhiều về giáo pháp, nhưng Ngài không giảng hệ thống theo trình tự thực hành. Sau đó có một vị Tổ rất lỗi lạc, tên Atisha, Ngài đã hệ thống lại tất cả giáo pháp trở thành một hệ thống có trình tự thực hành. Trong Lamrim, ta sẽ học được nhiều phương pháp thiền có thể điều phục được phiền não của mình. Nên, giáo pháp của Đức Phật chủ yếu là để ta điều phục được tâm mình, chuyển hóa được tâm mình, từ đó thay đổi được cuộc sống của mình. Khi điều phục được tâm mình, thì sẽ thay đổi rất tích cực, mình có nhiều suy nghĩ tích cực trong tâm. Khi mình có suy nghĩ tích cực rồi thì cuộc sống mình sẽ thay đổi tích cực theo. Hiện tại, mình có nhiều suy nghĩ tiêu cực, khi mình suy nghĩ tiêu cực rồi thì nhìn thấy chỗ nào cũng đều suy nghĩ tiêu cực. Cho nên mình sẽ bị nhiều phiền não. Thầy ví dụ: mình đi trên đường, gặp một người lạ tặng mình bông hoa, và nói lời yêu thương mình, thì mình có tin không? Có thể 50-50, nửa tin nửa ngờ. Có 1 người, mình đi trên đường, tới nói với mình là ghét mình, thì mình có tin không? 90% là mình sẽ tin. Nên là, khi có người nói yêu thương mình, mình tin 50% thôi, khi có người nói ghét mình, mình tin tới 90%. Điều đó có nghĩa là trong tâm mình nghĩ điều tiêu cực nhiều hơn. Vì mình nghĩ điều tiêu cực nhiều hơn nên mình có xu hướng tin vào điều tiêu cực, nên ai có nói điều xấu với mình là mình tin liền, và ai có nói điều tốt thì mình chỉ tin có 50% thôi.

Có một người muốn học thiền và đến gặp một vị thiền sư, xin muốn ngồi thiền cùng với Thầy, có được không? Thầy bảo được. Sau khi ngồi thiền được một lúc, người này mới bảo với Thiền sư, nãy giờ con ngồi thiền thì Thầy thấy con trông như thế nào? Vị thiền sư trả lời: tôi thấy anh ngồi Thiền giống như một Đức Phật. Lúc này vị Thiền sư cũng hỏi lại: thế tôi ngồi thiền thì anh thấy tôi trông như thế nào? Người này trả lời: con xin thành thật với Thầy, Thầy trông giống như một đống rác. Khi đó vị Thiền sư chỉ mỉm cười mà thôi. Anh ta về và kể với vợ câu chuyện đó, khi đó vợ anh ta bậc cười và nói với anh ta: Thầy ngồi thiền mà thấy anh giống Phật bởi vì tâm Thầy có Phật, còn anh ngồi thiền thấy Thầy giống đống rác, tâm anh chỉ có rác mà thôi. Tâm mình cũng giống vậy. Tâm mình có nhiều suy nghĩ xấu, suy nghĩ tiêu cực, mình nhìn bên ngoài chỗ nào cũng xấu, cũng tiêu cực hết, làm sao mình có thể thấy được điều tốt đẹp bên ngoài khi tâm mình đang có đầy những điều xấu?

Có một người phụ nữ đến gặp một vị Thầy xin ý kiến con ở nhà hay cãi nhau với chồng, nên cứ mỗi lần gặp nhau, chuyện nhỏ thôi cũng khiến vợ chồng cãi lộn? Thầy có cách gì để giúp con bớt cãi nhau với chồng con không? Vị Thầy mới đưa cho người phụ nữ này một tràng hạt và nói: khi nào Cô chuẩn bị cãi nhau với chồng, Cô lấy sợi chuỗi ngậm vô miệng, và lấy hàm răng cắn sợi chuỗi đó, lúc đó sẽ không có cãi nhau nữa. Cô ấy đem sợi chuỗi về. Một tháng sau, gặp Thầy, kể: thưa Thầy, xâu chuỗi Thầy đưa con rất là linh nghiệm, mỗi lần sắp có chuyện cãi nhau với chồng thì con ngậm xâu chuỗi đó, con cắn hạt chuỗi ở giữa hai hàm răng, thì quả thật là suốt một tháng nay hai vợ chồng ít khi nào cãi nhau, hình như sợi chuỗi này rất linh, nó có gia trì, hay hiệu ứng linh nghiệm đặc biệt nào phải không Thầy? Lúc này Thầy mới trả lời: sợi chuỗi này không có gì linh nghiệm cả, sợi chuỗi này chỉ là giúp cô ngậm miệng lại, không cãi nhau với chồng.

Cho nên, luyện tâm là phương pháp thực hành giúp mình it đi suy nghĩ xấu, mang vào tâm mình nhiều suy nghĩ hay và tích cực. Khi trong tâm mình không còn suy nghĩ tiêu cực, không còn bất kỳ phiền não nào nữa thì lúc đó người ta gọi là giác ngộ, thành Phật rồi. Thầy nói tuần này mình đọc câu chuyện ngày 1 và 2 trong sách Giải thoát trong lòng tay. Đây là bài tập của tuần này.

Hôm nay, Việt Nam có kỳ nghĩ lễ dài, mọi người hãy ăn mừng. Ăn mừng có thể là:

- Mọi người cứ vui với nhau thôi, không cần thức ăn hay chuẩn bị gì đặc biệt, thậm chí chỉ cần lon Coca (Coca không đường thì tốt hơn) thì cũng có thể ăn mừng được rồi.

- Cười nhiều với nhau hơn, thậm chí mình không cần lý do đặc biệt gì, cứ nói chuyện bình thường, thỉnh thoảng thì cười với nhau, đó là điều rất hay và cần làm. Khi mình cười thì mọi người xung quanh sẽ cười chung với mình, còn khi mình khóc thì chỉ có mình mình khóc. Nên mình cười nhiều hơn với mọi người.

- Quây quần với gia đình, chia sẻ những câu chuyện vui, tích cực, cười nhiều hơn.

Thầy nói đôi lúc mình không nhớ các bài học hay để chia sẽ với gia đình, thì mình kể những câu chuyện vui mà Thầy kể cho gia đình cũng được. Nếu mình kể mà khiến gia đình mình vui trong vài phút thì đó là thành công rồi. Thầy nghĩ cuộc sống mình ngắn ngủi, không có nhiều thời gian để chia sẽ với nhau, nên lúc nào có cơ hội thì hãy chi sẽ với nhau những điều hay, điều tốt và hãy lan tỏa những điều vui, nụ cười với nhau, thì đó là cách ta có thể tận dụng tốt những cơ hội bên nhau.