24-04-2024
Lamrim 2023
Download MP3

Tóm tắt bài giảng - Ngày 14 - Luyện tâm trong các giai đoạn của đạo lộ chung với phạm vi trung bình

(Quyển 2, sách GTTLT)

- Hướng dẫn giáo pháp cho nhóm hành giả có mong cầu đạt giải thoát khỏi 6 cõi luân hồi

- Những nổi khổ căn bản trong cõi luân hồi. Trong cuộc sống lúc nào cũng có bất trắc, đau khổ; một mặt Lamrim nói về rất nhiều nỗi khổ, mặt khác Lamrim cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để đương đầu với những đau khổ đó trong luân hồi.

- 6 nỗi khổ nói chung trong luân hồi:

+ Nỗi khổ vì cõi luân hồi đầy bất trắc: đừng bao giờ kì vọng mọi thứ trong tương lai đều theo ý của mình, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi. Trong cuộc sống này, tất cả mọi thứ đều có thể xảy đến với mình và đồng thời mình cũng nên biết rằng tất cả những thứ không biết trước cũng đều có thể xảy ra với người khác. Đó là điều mình phải chấp nhận. Chúng ta đã được học về vô thường. Luôn nhớ rằng, cho dù chuyện gì xảy đến với mình thì hoàn cảnh đó sẽ không diễn ra mãi mãi như vậy, nó sẽ thay đổi.

+ Nỗi khổ vì mình không lúc nào cũng được toại ý: trong cuộc sống ta có rất nhiều mong cầu và khi không có được những gì mình muốn thì đó là nỗi khổ không toại ý. Bản chất của nỗi khổ này là vì tâm ta mong muốn có được nhiều hơn những thứ mình đang có. Nó khiến rơi vào hoàn cảnh không được toại ý. Việc mong muốn có thêm thịnh vượng, tiền bạc… thì không có gì sai lầm cả; vấn đề ở chỗ bên cạnh mong muốn có thêm nhiều tiền, chúng ta đồng thời cảm thấy không thoả mãn với những gì mình hiện đang có. Nếu muốn có thêm nhiều tiền và cũng cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có thì mong muốn đó không có gì sai lầm cả.

Rất nhiều người cảm thấy không đủ với những gì mình hiện đang có, cảm thấy đau khổ và thoả mãn, không toại nguyện với hiện trạng của mình. Đó là một nỗi khổ không cần thiết.

Tuần này: mình cần thực hành thiền quán để phát sinh tâm hạnh phúc với tất cả những gì mình hiện đang có. Ban đầu khi mới thực hành thì niềm hạnh phúc sẽ không phát sinh ngay lập tức; chúng ta cần nhìn lại những gì mình đang có và tự nói với bản thân rằng: với những gì tôi đang có thì tôi nên hạnh phúc và cảm thấy an lạc. Mình nhắc đi nhắc lại như thế nhiều lần thì tâm hạnh phúc sẽ phát sinh. Sang buổi học tiếp theo, cần báo lại với thầy mình có cảm nhận được hiệu quả hay là không với cách thực hành này.

Hạnh phúc và đau khổ phát sinh từ đâu? Tất cả đều phát sinh từ cách chúng ta nhìn nhận hoàn cảnh. Một khi biết cách thay đổi cách nhìn nhận hoàn cảnh thì hạnh phúc tự nhiên phát sinh và đau khổ tự nhiên được giảm bớt.

Trong chương trình học Lamrim sẽ không chú trọng phần trì chú mà quan trọng nhất là phải thiền quán thay đổi cách suy nghĩ và cải đổi tâm tính, từ đó thấy được hiệu quả ngay tức thì và đó là cách tiếp cận của thầy.

Cho nên tuần này, thứ nhất mình cần phải học cách làm phát sinh tâm hạnh phúc khi nhìn vào những gì mình hiện đang có. Bài tập thứ hai là mỗi khi trong tâm mình phát sinh cảm giác chán nản, căng thẳng, sợ hãi… thì chúng ta cần tự nhắc bản thân rằng tất cả mọi phiền não đó, chúng đều có bản chất vô thường và chúng sẽ không tồn tại mãi trong tâm mình và nó sẽ đi khỏi mà thôi. Khi mình cảm thấy an lạc, hạnh phúc có cần thiền quán về bản chất vô thường hay không? Tuyệt đối không, khi mình thấy an lạc, hạnh phúc tuyệt đối không cần thiền về bản chất vô thường của niềm an lạc, hạnh phúc đó. Khi tâm mình an lạc, hạnh phúc, mình có thể tạm quên 2 điều: thứ nhất là tạm quên Đức Phật, thứ hai tạm quên giáo pháp. Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời giảng dạy giáo pháp là để hướng dẫn con người vượt qua đau khổ để kiến tạo hạnh phúc trong tâm; thế thì khi mình đã có hạnh phúc trong tâm rồi thì có thể tạm quên Đức Phật. Chính Đức Phật từng nói rằng: giáo lý của Như Lai như là con thuyền để đưa người sang sông. Khi mình đã vượt được sông đau khổ rồi thì mình cần để thuyền lại chứ không bê cái thuyền theo mình lên bờ. Một chú ý khác là khi mình hạnh phúc thì không nên làm đó là uống rượu; uống rượu xong hạnh phúc sẽ trở thành đau khổ.

Khi mình đã khởi tâm tu học thì nhất định mình phải nỗ lực; thực sự thực hành những gì được học thì tâm tính của mình mới có được sự chuyển biến tích cực.

+ Nỗi khổ phải bỏ thân: mình phải tái sinh qua nhiều đời, nhiều kiếp và khi mình chết thì mình phải bỏ thân. Phần khó nhất cần đạt đến là làm sao mình không phải tái sinh nữa. Từ 1 nỗi khổ căn bản là sợ chết nó kéo theo nhiều nỗi sợ khác như là nỗi khổ sợ bệnh tật, sợ đi máy bay… Cho nên phải bỏ thân khi chết là một thực trạng khổ đau trong luân hồi. Có một sự thật cần chấp nhận là khi mình sinh ra đời thì mình liên tục tiếp đến cái chết; một ngày nào đó mình sẽ phải chết. Có nhiều người không chấp nhận được thực tế này làm tâm mình phát sinh nỗi sợ chết và nhiều nỗi sợ khác. Khi nhận thấy tâm mình phát sinh sợ hãi thì ngay lập tức thiền quán bản chất vô thường của nỗi sợ trong tâm; nỗi sợ đó đến rồi sẽ đi, nó sẽ không hiện diện mãi mãi trong tâm mình. Mình thường mắc phải khi có phiền não hay nỗi sợ trong tâm, chúng ta không biết rằng mình hay đánh đồng bản thân mình với cảm xúc phiền não đó; mình nghĩ rằng bản thân mình là nỗi sợ đó. Chúng ta cần thiền quán rằng khi nỗi sợ phát sinh trong tâm, chúng ta phải tách biệt nỗi sợ và bản thân mình ra làm 2 thứ khác nhau bằng cách nghĩ rằng: tôi không phải là nỗi sợ, tôi không phải là phiền não đang hiện diện trong tâm. Thì dần dần mình tách biệt bản thân mình và phiền não đó thành 2 thứ khác nhau thì nỗi sợ đó sẽ từ từ đi mất.

Nếu mình không kiểm soát được tâm sợ hãi của mình thì mình bắt đầu phát sinh lo sợ với rất nhiều điều nhỏ nhặt khác.