23-12-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 62 - NGÀY 23/12/2023

CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT - TRÍ TUỆ BA LA MẬT

- Ở đây chúng ta học về tánh không theo quan điểm của Ngài Long Thọ, dòng truyền thừa Trí Tuệ Thâm Sâu.

- Cuốn “Giải thoát trong lòng tay” (quyển 2, trang 306) nói về cách đào luyện tuệ quán đặc biệt, nghĩa là làm sao phát triển được trí tuệ chứng tánh không. Trí tuệ chứng tánh không gọi là tuệ quán đặc biệt. Có 3 tiêu đề:

1/ Xác định tính phi hữu của bản ngã (còn gọi là nhân vô ngã)

2/ Xác định tính phi hữu của các hiện tượng (pháp vô ngã)

3/ Cách triển khai tuệ quán đặc biệt

+ Nghĩa là đầu tiên, ta học cách làm sao chứng được nhân vô ngã. Thứ 2 là làm sao để chứng được pháp vô ngã. Thứ 3 là làm sao để phát triển được trí tuệ chứng nhân vô ngã và trí tuệ chứng pháp vô ngã trong dòng tâm thức của mình.

+ Nhân vô ngã và pháp vô ngã khác nhau thế nào? Theo tư tưởng Trung Quán Ứng Thành mà chúng ta đang học, nhân vô ngã và pháp vô ngã đều giống nhau ở chỗ là tánh không và khác nhau ở đối tượng, nền tảng chứng. Ví dụ, nếu bác bỏ cái ngã trên con người của mình thì là nhân vô ngã, nếu bác bỏ cái ngã trên các pháp không phải là con người của mình như cái bàn, cái ghế, cái cột… thì là pháp vô ngã.

- “Tánh không” có nghĩa như thế nào? “Tánh” là bản chất, tính chất. “Không” là phủ định. Để biết tánh không như thế nào, ta cần phải biết tánh không đó đang phủ định cái gì? Đối tượng nào tánh không đang bác bỏ, đang phủ định? Cho nên đầu tiên, ta phải biết được đối tượng mà tánh không đang bác bỏ, sau đó mới hiểu được tánh không là gì.

- Trước khi đi vào giải thích cụ thể về tánh không, ta cần phải biết tại sao cần thực hành tánh không, tại sao cần có trí tuệ chứng tánh không? Trải qua các giai đoạn thiền tịnh chỉ, ta có được định nhất tâm. Định nhất tâm có khả năng giúp ta diệt được chướng ngại hôn trầm, trạo cử, giúp ta diệt được các phiền não trực tiếp trong tâm thức của mình như giận, buồn…. Những tâm trực tiếp nổi lên thì tịnh chỉ có khả năng diệt được, nhưng các thói quen buồn và giận, các tập khí sâu sắc thì tâm tịnh chỉ không diệt được. Các thói quen, tập khí đó xuất phát từ tâm chấp ngã. Muốn diệt chấp ngã thì cần phải có trí tuệ chứng tánh không. Chỉ có trí tuệ chứng tánh không mới có thể diệt được tất cả các phiền não và tập khí của nó.

- Muốn đạt giải thoát khỏi mọi đau khổ của luân hồi và xa hơn nữa là đạt được trí tuệ toàn tri như của đức Phật để có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh thì ở trường hợp nào đi chăng nữa, cũng cần trí tuệ chứng tánh không. Vì chỉ có trí tuệ chứng tánh không mới đối trị được tâm chấp ngã. Trong “Ba cốt tủy của đạo lộ” do tổ Tông Khách Ba biên soạn, tổ Tông Khách Ba nói rằng nếu chỉ thực hành phương tiện thôi như chỉ thực hành tâm buông xả hoặc tâm bồ đề thôi mà không thực hành trí tuệ chứng tánh không thì mãi mãi không thể đạt giải thoát và thành Phật được. Thực hành tánh không là điều tiên quyết để quyết định có thể đạt giải thoát và thành Phật được hay không.

- Bản Nhập Trung Quán Luận của ngài Nguyệt Xứng - vị tổ sư đã khai sáng Tông Trung Quán Ứng Thành - nói rằng cũng giống như con chim bay lên bầu trời thì cần cả đôi cánh, chỉ có một cánh thôi thì chim không bay lên trời được. Tương tự, để đạt giải thoát và thành Phật thì cần có cả 2 phần: phương tiện và trí tuệ. Do đó, muốn giải thoát và thành Phật thì không thể nào không có trí tuệ chứng tánh không.

- Câu hỏi đặt ra là nếu ta biết về tánh không và dùng trí tuệ của mình để phân tích và thiền về tánh không thì có chứng được tánh không hay không? Hoặc nếu chỉ dựa vào các lời nói của Phật, hoặc lời nói của các vị tổ thì có chứng được tánh không hay không? Tổ Tông Khách Ba nói rằng nếu chỉ dựa vào lý luận và lời nói của Phật và các vị tổ không thôi thì không thể chứng tánh không, bởi vì ta còn cần phải có tích góp công đức, phải có đủ phước thì mới có đủ điều kiện thuận lợi để chứng được tánh không.

- Cuộc đời của tổ Tông Khách Ba cho thấy chỉ có nương vào lời Phật dạy và dựa vào các lập luận về tánh không thôi thì không thể chứng được tánh không, mà cần phải thực hành tích lũy công đức, thanh lọc ác nghiệp, thanh lọc chướng ngại thì mới đủ thuận duyên để chứng được tánh không. Ngài Văn Thù từng hiện ra trong linh kiến của tổ Tông Khách Ba và khuyên tổ Tông Khách Ba rằng để chứng được tánh không, có 3 điều chính yếu cần thực hành:

1/ Phải luôn thỉnh cầu với Đạo sư, bất phân với Bổn Tôn.

2/ Phải thực hành tích lũy công đức và tiêu trừ ác nghiệp

3/ Phải dựa trên các bản luận, kinh văn của ngài Long Thọ và từ dòng truyền thừa của ngài Long Thọ

- Xét những tư tưởng triết học Phật giáo thì có 4 tông phái nói những ý nghĩa khác nhau về tánh không. Quan điểm tánh không mà chúng ta học ở phần này là quan điểm tánh không của Tông Trung Quán Ứng Thành do ngài Long Thọ khởi xướng. Vậy tại sao có nhiều ý nghĩa tánh không và tại sao có nhiều tông phái có nhiều tư tưởng khác nhau về tánh không? Đó là bởi vì lúc đức Phật còn tại thế thì tùy theo căn cơ của đệ tử, đức Phật đã nói rất nhiều bài pháp khác nhau. Các bài pháp ấy tóm gọn lại được chia làm 3 lần chuyển pháp luân. Ở lần chuyển pháp luân thứ nhất, đức Phật giảng cho các đệ tử Kinh Bộ Tông và Hữu Bộ Tông, Ngài chỉ nói về nhân vô ngã, chứ không nói đến pháp vô ngã. Cụ thể, Ngài nói rằng không có một cái tôi nào tồn tại độc lập tự chủ so với các uẩn, cái tôi phải phụ thuộc vào các uẩn để tồn tại. Sau đó, để phù hợp căn cơ của các đệ tử Duy Thức Tông thì đức Phật đã nói rằng có một số pháp có thực, một số pháp không có thực và Ngài đã giảng quan điểm về tánh không cho các đệ tử Duy Thức Tông sâu sắc hơn so với các đệ tử trong lần chuyển pháp luân thứ nhất. Tư tưởng này được trình bày trong kinh Giải Thâm Mật. Đó là lần chuyển pháp luân thứ 3. Ở lần chuyển pháp luân thứ 2, đức Phật chủ yếu giảng thuyết về tánh không cho các đệ tử với căn cơ thuộc về Trung Quán Tông.

- Ngài Long Thọ là người đã sáng lập nên Tông Trung Quán. Ngài Long Thọ có 2 đệ tử là ngài Thanh Biện và ngài Nguyệt Xứng. Ngài Thanh Biện sáng lập Trung Quán Y Tự Khởi và sau đó là ngài Nguyệt Xứng sáng lập Trung Quán Ứng Thành. Trung Quán Ứng Thành nói rằng tất cả các pháp đều không thực hữu, không có tự tánh, không tự tồn tại, đó là quan điểm khác biệt rất rõ ràng của Trung Quán Ứng Thành so với quan điểm về tánh không của các tông phái khác.

- Trong số các tư tưởng đó, tư tưởng sáng chói nhất và chính xác nhất theo đúng ý của Phật, theo đúng ý của ngài Long Thọ chính là tư tưởng của Tông Trung Quán Ứng Thành mà chúng ta được học trong phần này. Tư tưởng đó được trích dẫn từ nguồn gốc ở đâu để chứng minh là đúng? Thứ nhất là trích từ các bản luận của ngài Long Thọ. Ngài Long Thọ đã viết 6 bản luận để chứng minh về tánh không. Và trong 6 bản luận của ngài Long Thọ thì Ngài đã trích dẫn từ nguồn gốc từ kinh điển, từ lời Phật dạy trong kinh Bát Nhã để chứng minh những lập luận đó, cho nên những lập luận đó có tính chính xác rất cao.

- Câu hỏi đặt ra là làm sao biết rằng tư tưởng của ngài Long Thọ là chính xác? Bởi vì từ thời đức Phật còn tại thế, trong kinh Lăng Già, đức Phật nói rằng mấy trăm năm sau khi Thế Tôn nhập diệt sẽ có một vị tỳ kheo tên là Long Thọ sẽ xiển dương giáo pháp và nói đúng ý nghĩa của tánh không do Thế Tôn đã giảng dạy. Cho nên tư tưởng của ngài Long Thọ xứng đáng để chúng ta noi theo vì đã được đức Phật thọ ký. Sau đó ngài Long Thọ đã có mấy vị đệ tử. Lỗi lạc nhất trong số các đệ tử là ngài Nguyệt Xứng. Ngài Nguyệt Xứng đã giải thích các lời dạy của ngài Long Thọ rất tường tận và chi tiết, sau đó đã sáng lập ra Tông Trung Quán Ứng Thành với các lập luận xác thật và có tính thực hành rất cao. Tư tưởng đó đến thời của tổ Tông Khách Ba thì tổ Tông Khách Ba đã có những bản luận để nói rõ hơn về tánh không đó cho hàng đệ tử học theo.

- Tổ Tông Khách Ba đã sáng tác một bản luận giải về Nhập Trung Luận của ngài Nguyệt Xứng. Kế nữa, tổ Tông Khách Ba đã viết một bản luận giải về căn bản trí tuệ của ngài Long Thọ. Bản luận giải này của tổ Tông Khách Ba cùng bản luận giải 400 bài kệ lập luận về tánh không của ngài Phật Hộ rất đáng để tham khảo. Kế nữa là bộ “Minh thuyết liễu bất liễu” được tổ Tông Khách Ba sáng tác để giải thích sự khác nhau trong tư tưởng về tánh không của các tông phái. Kế nữa là bộ Đại thắng quán, là chương về trí tuệ ba la mật được nói trong Đại luận Lamrim của tổ Tông Khách Ba. Thứ 5 là Tiểu thắng quán, là chương nói về trí tuệ ba la mật trong bộ Trung luận Lamrim do tổ Tông Khách Ba sáng tác. Đây là 5 bộ luận nói về tánh không rất lỗi lạc của tổ Tông Khách Ba mà chúng ta cần tham khảo để có thể hiểu rõ quan điểm về tánh không.

- Để hiểu rõ về tánh không, ta dựa trên nhiều lập luận và nhiều nguồn gốc chứng minh từ lời của Phật và từ các bản luận của các vị tổ như 5 bản luận của tổ Tông Khách Ba, Nhập Trung Luận của ngài Nguyệt Xứng, Minh Cú Luận của ngài Nguyệt Xứng, 400 bài kệ lập luận về tánh không của ngài Phật Hộ, các bản luận của ngài Long Thọ và cả kinh điển từ thời đức Phật.

- Sau khi chứng tánh không, tổ Tông Khách Ba đã sáng tác “Xưng tán duyên khởi” để nói về trải nghiệm chứng tánh không của ngài. Sau khi tổ Tông Khách Ba nhập diệt, bản “Xưng tán duyên khởi” vẫn được lưu truyền và các đệ tử vẫn học theo. Các áng văn do tổ Tông Khách Ba soạn ra đã giúp cho nhiều hàng đệ tử sau này có cơ hội tiếp cận tư tưởng đúng đắn của ngài Long Thọ.