TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 58 – NGÀY 21/10/2023
CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (NGÀY 22)
1/ BỐ THÍ BA LA MẬT
2/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT
3/ NHẪN NHỤC BA LA MẬT
4/ TINH TẤN BA LA MẬT
5/ THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT
Định lực (sự tập trung) và trí tuệ là những điều không thể thiếu đối với một người thực hành để đạt đến giải thoát, giác ngộ.
a/ Cách đạt 9 trạng thái tâm nhờ 6 năng lực (xem trang 300, quyển 2)
- Trạng thái tâm 1 đạt được nhờ năng lực của sự học hỏi. Năng lực học hỏi có nghĩa là khi thực hành thiền chỉ, ta phải biết mình cần nắm rõ kỹ thuật thiền như cần biết phải thiền thế nào, cần tập trung vào đối tượng như thế nào, cần biết chướng ngại của mình là gì, làm sao nhận diện được chướng ngại… Khi hiểu rõ thì thực hành thiền mới đạt kết quả.
- Trạng thái tâm 2 đạt được nhờ năng lực thiền quán. Năng lực thiền quán nghĩa là luôn suy tư về những điều vừa học, luôn nhớ phải tập trung vào đối tượng thiền.
- Trạng thái tâm 3 và 4 đạt được nhờ năng lực của niệm. Niệm nghĩa là nhớ đến đối tượng thiền để không bị đánh mất đối tượng trong lúc đang thiền.
- Trạng thái tâm 5 và 6 vượt qua được nhờ năng lực của tỉnh giác. Khi hôn trầm và trạo cử vi tế xuất hiện, nhờ năng lực của tỉnh giác (nghĩa là canh chừng mình có đang tập trung đúng vào đối tượng hay không), ta vượt qua được trạng thái tâm 5 và 6.
- Trạng thái tâm 7 và 8 vượt qua được nhờ năng lực của tinh tấn. Ở trạng thái tâm 5 và 6, ta cần phải đối trị với hôn trầm và trạo cử vi tế. Đến trạng thái tâm 7 và 8 thì hôn trầm và trạo cư vi tế không xuất hiện nhiều nữa, nên ta cần nỗ lực để luôn luôn tập trung vào đối tượng thiền, loại bỏ hoàn toàn hôn trầm và trạo cử.
- Trạng thái tâm 9 đạt được nhờ năng lực của thói quen.
+ Đến trạng thái tâm 9, hôn trầm và trạo cử sẽ không bao giờ xuất hiện nữa nhưng ta cần phải quen với trạng thái tập trung trong một khoảng thời gian dài nên cần đến năng lực của thói quen, nghĩa là làm quen với trạng thái tập trung đó để vượt qua trạng thái tâm 9. Chữ “thiền” trong tiếng Tạng có nghĩa là thói quen.
+ Lấy ví dụ về năng lực của thói quen. Trong một hoàn cảnh nào đó, ta sinh ra tâm tức giận. Nếu ta cứ nghĩ rằng mình không diệt phiền não đó đâu, không diệt được tâm sân giận/đố kị/ganh ghét đó đâu, nghĩ như vậy tức là ta không tập được thói quen diệt trừ phiền não. Trải qua rất nhiều đời trong quá khứ, ta đã quen với các phiền não như tức giận, đố kị, ganh ghét… Nếu không tập thói quen đối trị với nó thì dần dần thói quen của phiền não sẽ càng lớn và thói quen đối trị sẽ càng nhỏ, ta sẽ khó có thể nào đối trị được. Nếu tập được thói quen đối trị thì dần dần ta sẽ đối trị được với phiền não.
b/ 4 loại tiến trình tâm giúp ta thành tựu tịnh chỉ:
- 2 trạng thái tâm đầu tiên (trạng thái tâm 1 và 2) là những loại tập trung gượng ép. Để vượt trạng thái tâm 1 và 2, ta gượng ép tâm mình phải tập trung vào đối tượng thiền.
- 5 trạng thái tâm kế tiếp (trạng thái tâm 3, 4, 5, 6 & 7) là tập trung có gián đoạn. Nghĩa là khi tập trung được một tí, thì có chướng ngại khiến ta lạc mất đối tượng. Khi nhận ra đã mất đối tượng thì ta mới cố gắng tập trung trở lại vào đối tượng.
- Trạng thái tâm 8 và 9 là tập trung tự nhiên và không cần nỗ lực. Ở trạng thái tâm 8 là tập trung tự nhiên, ở trạng thái tâm 9 là không cần nỗ lực vì ta đã quen, không hề có chướng ngại nữa. Tóm lại, ở trạng thái tâm 8 và 9, ta có thể tập trung vào đối tượng một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Vì chướng ngại trong các giai đoạn này rất ít, gần như không có nên ta không cần phải nỗ lực nhiều và sự tập trung của mình cũng không bị gián đoạn nên gọi là tập trung tự nhiên, không cần nỗ lực.
- Thời nay chúng ta có rất nhiều điều bị chi phối nên không có tập trung được hoàn toàn. Ví dụ, khi đang nghĩ việc này, tâm lại nhảy sang việc khác, tâm cứ nhảy tới nhảy lui. Do đó, ta cần lưu ý đến 4 tiến trình tâm này vì nếu ta luyện được sự tập trung tốt thì làm việc gì cũng dễ dàng.
- Khi thực hành Phật pháp, chúng ta cần phải suy nghĩ nên áp dụng những gì học được vào thực tiễn cuộc sống. Các bậc thầy luyện tâm ở truyền thống Kadampa có nói: “Ở giữa nơi đông người, hãy tự soi xét chính mình”. Nghĩa là ở giữa nơi đông người, nhiều khi người ta nói những chuyện vô nghĩa, nhưng vì những chuyện vô nghĩa như thế mà tâm sinh phiền não. Những lúc như thế, ta cần quan sát tâm mình để xem tâm có bị cuốn theo phiền não. Ta cần phải giữ tâm mình luôn điềm tĩnh, không bị lay động bởi những ngoại cảnh xung quanh. Ví dụ, ai khen mình, mình cũng không tự cao. Ai chê mình, mình cũng không buồn.
c/ Tịnh chỉ thực thụ
- Tịnh chỉ thực thụ là khi ta có khinh an (tâm nhu nhuyến).
- Ví dụ, ngồi thiền lâu, ta không tập trung được vì thân đau nhức. Nếu không có đau nhức thân thể, thì thỉnh thoảng tâm tập trung mãi vào một đối tượng nên tâm bị mệt mỏi. Nghĩa là ta có những khó khăn của thân và những khó khăn của tâm. Nếu thành tựu được tịnh chỉ thì ta sẽ có khinh an, tức là sự nhẹ nhàng thoải mái của thân và tâm. Khinh an của thân là thân thoải mái hoàn toàn, không hề có khó khăn nào, không hề cản trở thiền định. Khinh an của tâm là tâm cảm thấy thoải mái hoàn toàn, không hề có khó khăn nào, không hề cản trở thiền định.
- Khinh an của thân và khinh an của tâm là an lạc đúng nghĩa, chứ không phải kiểu an lạc như ở ngoài đời, ví dụ đạt được những gì mình thích thì nói đó là an lạc. Như vậy là đã hiểu sai về an lạc. An lạc không phải là có được những gì mình muốn, mình thích thì mình vui. Niềm vui đó không phải là an lạc thực sự. Ví dụ, ta thích uống rượu và khi uống rượu xong thì nói đó là vui, là an lạc. Nhưng khi tỉnh rượu rồi, ta lại gặp những khó khăn và đau khổ như bình thường, ta sẽ không thể duy trì được an lạc đó. An lạc là từ bỏ được những khó khăn của thân và tâm, trạng thái cả thân và tâm đều nhẹ nhàng thoải mái, không hề có trở ngại gì. An lạc thực sự (ở đây được nói là khinh an) là do ta nỗ lực từ bỏ các chướng ngại hôn trầm, trạo cử trong lúc thiền định.
- Nhiều người trên thế giới thực hành thiền Tứ niệm xứ và nói rằng nói tinh túy của Phật giáo là thiền tứ niệm xứ, nói vậy là không hiểu đúng về các phương pháp thực hành trong đạo Phật. Tinh túy của đạo Phật là áp dụng các phương pháp hướng dẫn trong đạo Phật để diệt trừ phiền não và có được an lạc đúng nghĩa, khiến tâm lúc nào cũng luôn bình an. Điều này được nói trong đoạn kệ của đức Phật trong kinh Pháp Cú: “Hoàn toàn điều phục tâm chính mình, đấy là lời dạy của Phật Đà”. Đó là tinh túy của đạo Phật, nghĩa là áp dụng phương pháp từ lời Phật dạy để thay đổi được tâm mình, giúp mình thực sự loại bỏ được phiền não và đau khổ, có được an lạc lâu dài đúng nghĩa.
6/ TRÍ TUỆ BA LA MẬT
- Trí tuệ ba la mật chủ yếu để giúp ta phát sinh trí tuệ.
- Ngài Tịch Thiên nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh rằng thực hành 5 ba la mật đầu (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định) là nhằm củng cố giúp ta phát sinh trí tuệ. Mục tiêu chính yếu trong đạo Phật là thực hành tất cả mọi lời Phật dạy chủ yếu để phát sinh trí tuệ. Nhờ trí tuệ, ta mới phân biệt việc nào đúng, việc nào sai, việc nào cần làm, việc nào không làm để có thể loại bỏ được phiền não và đau khổ, có được an lạc rốt ráo. Và hơn thế nữa, ta cần thực hành những gì để ngoài giúp bản thân mình, còn giúp cho những người khác nữa, mang lại lợi lạc cho nhiều người nữa. Để làm được những việc đó, ta cần phải có trí tuệ.
- Chúng ta học về khổ trong đạo Phật không phải để bi quan mà biết rằng bản chất của cuộc đời sẽ có những cái khổ phải đối mặt như thế, để từ đó ta cần phải thay đổi quan điểm như thế nào nhằm có kết quả tốt và an lạc trong tâm mình. Đó là điều ta cần phải học và phải hiểu.
- Trên thế giới có những đau khổ, khó khăn xuất phát từ việc phân biệt giữa mình và người khác, phân biệt chủng tộc này với chủng tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác, dẫn đến chiến tranh… Đức Phật nói do chấp ngã nên có những suy nghĩ phân biệt như thế, vì suy nghĩ phân biệt nên mới có phiền não, từ đó gây ra những ác nghiệp. Nếu hiểu được về điều đó rồi thì ta thiền về vô ngã để giảm bớt những phiền não như vậy.
HỎI & ĐÁP:
Câu hỏi: Thưa Thầy, để bớt vui buồn do bám chấp vào khen chê thì quan sát tâm thế nào?
Thầy trả lời: Vui buồn do khen chê nằm trong 8 pháp thế gian. Người thế gian hay bám chấp vào những việc như ăn mặc, danh tiếng, khen chê…, dẫn đến phát sinh phiền não. Do đó, chúng ta cần tập buông bỏ dần những thứ danh tiếng không có thật đó. Nói như vậy không có nghĩa là sống trên đời không cần tiếng tốt, mà cách thực hành ở đây là khi có người ta khen hoặc chê mình thì nghĩ rằng những lời nói và danh tiếng đó thực sự không có ý nghĩa thực thụ nào làm lợi lạc cho mình, để không bám chấp vào nó. Và khi tâm bị cuốn theo những pháp thế gian, cuốn theo lời khen chê…, lúc đó ta thực sự cần tỉnh giác. Để buông bỏ sự bám chấp vào các pháp thế gian, ta cần sự tỉnh giác.