30-09-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 56 – NGÀY 30/09/2023

CHỦ ĐỀ: 9 TRẠNG THÁI TÂM (NGÀY 21)

- Điều kiện thiền tốt gồm 2 đặc điểm chính yếu là địa điểm và thời gian.

+ Thời gian: thiền vào mỗi sáng sớm sẽ dễ có kết quả hơn

+ Địa điểm: tìm những nơi yên tĩnh sẽ giúp dễ dàng tập trung hơn khi thiền.

+ Lúc thiền, cần chuẩn bị tư thế tốt vì tư thế tốt và thoải mái sẽ giúp thời gian thiền lâu và có kết quả tốt.

+ Để các vật dụng hành thiền như nệm ngồi, chuỗi… ở những nơi dễ nhìn thấy nhằm nhắc mình phải ngồi thiền, phải làm các việc thiện…

- Thực hành thiền 5 phút: Nghĩ rằng có hình ảnh một pháp tòa của Phật Thích Ca Mâu Ni hiện lên trước trán mình, cách mình một cánh tay. Trên pháp tòa đó có Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế ngồi hoa sen, 2 tay trong ấn thiền định, tay phải đặt trên tay trái đặt ở trên chân phía trước rốn. Ngài mỉm nụ cười nhẹ. Khi mắt mình nhìn thấy Ngài, ta phát sinh tâm hoan hỷ. Nghĩ rằng thân của Phật Thích Ca có màu vàng kim, tỏa ra hào quang lấp lánh. Lưu ý, chúng ta không cần phải quán tưởng kích cỡ đối tượng thiền (hình ảnh Phật) quá to, mà làm sao có thể thấy trọn vẹn được toàn bộ hình ảnh Phật trong tầm mắt của mình. Cố gắng tập trung giữ hình ảnh Phật Thích Ca trong vòng 5 phút. Khi nào bị lạc mất đối tượng thiền, tâm không còn giữ đối tượng mà nhảy sang đối tượng khác thì quay trở lại đối tượng thiền. Phần thiền này giúp rèn luyện khả năng tập trung chuyên nhất của mình vào đối tượng thiền, đó gọi là thiền tịnh chỉ.

- Các chướng ngại trong thời thiền:

+ Chướng ngại đầu tiên là nghĩ đến đối tượng mà đối tượng không hiện ra. Một lý do là từ sáng đến giờ có nhiều công việc xáo trộn tâm thức của mình nên bây giờ khó tập trung được vào đối tượng thiền. Chúng ta có thể khắc phục bằng cách ngồi thiền vào lúc sáng sớm mới thức dậy, vì khi đó tâm thức còn tỉnh táo, sẽ giúp mình dễ thiền hơn.

+ Chướng ngại thứ 2 là trạo cử. Nghĩa là hình ảnh đối tượng thiền đã hiện lên trước tâm thức của mình rồi nhưng tâm lại không giữ được đối tượng thiền mà cứ nhảy sang đối tượng khác.

+ Chướng ngại thứ 3 là hôn trầm. Nghĩa là ta đang tập trung vào đối tượng thiền nhưng hình ảnh đối tượng cứ đen, mờ dần rồi mất hút, cảm thấy buồn ngủ.

- Để khắc phục các chướng ngại, ta cần phải phát triển kỹ năng chánh niệm. Nghĩa là cần nhớ đúng các chi tiết của đối tượng thiền và khi nhắm mắt thiền, ta có thể gợi nhớ lại đối tượng thiền trước tâm thức của mình đúng hệt như đã học thuộc lòng các chi tiết của đối tượng thật. Kỹ năng thứ 2 là tỉnh giác (chánh tri), nghĩa là biết đúng. Trong lúc đang thiền, những lần đầu vì ta không tỉnh giác nên tâm sẽ không biết mình đánh mất đối tượng. Do đó, cần rèn kỹ năng tỉnh giác để khi tâm vừa nhảy ra ngoài, ta sẽ biết được ngay và lập tức quay trở lại tập trung vào đối tượng thiền.

- Diễn giải bức hình mô phỏng các tiến trình thiền tịnh chỉ và tâm thức phát triển như thế nào. Bức hình có đánh số từ 1 đến 9, tương ứng với 9 trạng thái tâm là 9 quá trình tâm thức phát triển thông qua phương pháp rèn luyện tịnh chỉ để cuối cùng có được sự tập trung chuyên nhất.

+ Vị tu sĩ trong bức hình này là thiền giả. Tay trái vị tu sĩ cầm sợi dây thừng tượng trưng cho chánh niệm, tay phải cầm rìu tượng trưng cho chánh tri (tỉnh giác). Tỉnh giác nghĩa là tâm canh chừng mình đang còn tập trung hay đã nghĩ sang đối tượng khác mất rồi, một khi nhận biết đã lạc mất đối tượng thì phải quay trở lại tập trung vào đối tượng thiền.

+ Trong bức hình, con voi đi phía trước người tu sĩ. Con voi tượng trưng cho tâm mình, con khỉ ở phía trước đang dẫn con voi theo, con khỉ tượng trưng cho trạo cử. Trạo cử nghĩa là tâm bị tán loạn nhảy hết chỗ này sang chỗ khác giống như một con khỉ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, vì tán loạn chi phối khiến tâm mình chạy theo những tán loạn đó.

+ Thời nay, chúng ta hay nuông chiều tâm mình, tâm muốn làm gì thì mình làm việc đó, khi có được kết quả mong muốn thì tâm mình được vui. Nhưng theo quan điểm đạo Phật, nuông chiều tâm như thế sẽ gây ra nhiều tai hại vì tâm thức bây giờ rất nhiều phiền não, phiền não khiến mình bám chấp muốn cái này cái kia, cứ thả rông tâm mình theo những điều nó muốn thì từ phiền não sẽ phát sinh nhiều thứ tai hại hơn. Do đó, cần có phương pháp điều phục tâm mình để nó không chạy theo phiền não nữa. Việc thực hành thiền chỉ sẽ giúp điều phục tất cả những tán loạn để khiến tâm ở yên một chỗ, không chạy theo phiền não nữa thì khi đó, tâm mình mới an lạc.

+ Trạng thái tâm 1: gọi là tập trung gượng ép, còn gọi là nội trụ. Nghĩa là tâm đang không tập trung vào đối tượng thiền được, cứ nhảy ra bên ngoài nên cần kéo tâm tập trung vào đối tượng thiền. Phương pháp để làm được chuyện đó là cần có tỉnh giác, nghĩa là quan sát xem tâm đang tập trung vào đối tượng thiền, hay đang tập trung vào đối tượng bên ngoài. Nếu đang tập trung vào đối tượng bên ngoài thì cần kéo tâm tập trung trở lại vào đối tượng thiền.

+ Ở trạng thái tâm 1, ta đã có thể phát hiện tâm có những lỗi gì và tinh tấn nỗ lực khắc phục lỗi của tâm để tâm có thể tập trung vào đối tượng thiền thì đến trạng thái 2, ta có điều phục được tâm một chút xíu, tuy không hoàn toàn nhưng vẫn có được sự kiểm soát tâm nhiều hơn so với trạng thái tâm thứ nhất. Cho nên, trong bức hình trạng thái tâm 2, con voi có chút xíu trắng trên đầu, nghĩa con voi có một phần được thuần phục rồi, trong khi ở trạng thái tâm 1, màu của con voi hoàn toàn đen, nghĩa là hoàn toàn điên dại và chưa được thuần phục.

+ Ở trạng thái tâm 3, vị tu sĩ đang cầm sợi dây và đang trói được vào con voi, voi tượng trưng cho tâm của mình. Ở trạng thái tâm 2, vị tu sĩ không thể trói được con voi và đang chạy theo con voi, nghĩa là ở trạng thái tâm 2, tuy có thể tập trung vào được đối tượng, nhưng hễ tập trung được một chút thì tâm lại nhảy sang đối tượng khác, ta cứ mãi chạy theo kéo tâm mình trở lại. Đến trạng thái tâm 3, năng lực tập trung của mình đã tốt hơn một chút xíu, khi nào tâm vừa mất đối tượng, vừa nhảy sang đối tượng khác thì lập tức ta kéo tâm về liền, không để tâm chạy xa nữa. Do đó, ở trong hình, vị tu sĩ đã cột được con voi, khiến con voi nghe lời một chút xíu chứ không chạy hoang như ở hình trạng thái tâm 2.

+ Trong hình số 3, ta thấy trên lưng con voi có con thỏ, con thỏ tượng trưng cho hôn trầm. Đầu tiên, ta hoàn toàn không tập trung được vào đối tượng của mình, tâm cứ nhảy ra những đối tượng bên ngoài khác. Cho nên ở trạng thái tâm 2, ta đã tập trung được một chút vào đối tượng thiền, khi đó xảy ra trường hợp là ta tập trung được chút xíu thì đối tượng dần dần mờ, đen rồi mất luôn. Đó là hôn trầm. Hôn trầm chỉ xuất hiện khi ta đã giữ được đối tượng, lúc đó đối tượng từ từ mờ dần rồi mất đi. Hôn trầm xuất hiện ở trạng thái tâm 3.

+ Ở trạng thái tâm 4, vì có nỗ lực lớn nên khoảng cách giữa vị tu sĩ và con voi thu gần hơn. Con voi, con khỉ và con thỏ sẽ dần dần trắng hơn. Màu trắng tượng trưng cho mức độ mình thuần phục tâm của mình và thuần phục các chướng ngại hôn trầm, trạo cử nhiều hơn.

+ Đến trạng thái tâm 5, nhờ tinh tấn nỗ lực khắc phục các trở ngại nên con khỉ, tượng trưng cho trạo cử, tức tâm tán loạn không còn lôi kéo mình được nữa nên vị tu sĩ đang đứng trước con voi và con khỉ. Lúc này vị tu sĩ đã có thể kiểm soát được tâm mình. Ở trạng thái tâm 4 trở về trước, vị tu sĩ đứng sau, nghĩa là tâm bị phiền não lôi kéo mình đi, nhưng ở trạng thái tâm 5 thì ta đã có thể điều phục tâm của mình, không bị phiền não lôi kéo mình nữa và các chướng ngại như hôn trầm, trạo cử tuy có nhưng không quấy nhiễu mình nhiều nữa.

+ Từ trạng thái tâm 5 lên trạng thái tâm 6, 7, 8, dần dần vị tu sĩ đã điều phục được tâm của mình, các chướng ngại như hôn trầm trạo cử dần dần được thuần phục. Đến trạng thái tâm 8, ta thấy không còn hôn trầm, trạo cử nữa, con voi trắng nhẹ nhàng khoan thai đi theo vị tu sĩ nghĩa là vị tu sĩ hoàn toàn điều phục được tâm mình. Đến trạng thái tâm 9 chính là kết quả của tịnh chỉ, lúc này ta đã có được một tâm thức rất nhẹ nhàng.

- Khi thành tựu được tịnh chỉ, ta có thể thiền tập trung vào đối tượng trong suốt một thời gian dài, mà không gặp chút xíu nào trở ngại về thân và tâm. Khi đạt tâm tịnh chỉ, ta đã có được năng lực tập trung nhất định. Lúc đó ta có thể thiền về tâm bồ đề, thiền về vô thường, về tánh không... Có được năng lực tập trung nhất định của thiền chỉ rồi thì kết hợp các pháp thiền quán kia, ta có thể dễ dàng phát sinh được trí tuệ.

- Trong một thời thiền, cần có đủ 3 phần: động cơ tốt của thời thiền, sau đó thực hành thời thiền cho tốt và cuối cùng, hồi hướng cho thời thiền. Khi đó ta có đủ được tất cả mọi pháp hành tinh túy của đạo Phật trong một thời thiền.