TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 53 – NGÀY 02/09/2023
CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (NGÀY 21)
I/ BỐ THÍ BA LA MẬT
II/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT
III/ NHẪN NHỤC BA LA MẬT
IV/ TINH TẤN BA LA MẬT
V/ THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT: Chủ yếu hướng dẫn thiền tịnh chỉ như thế nào. Tịnh chỉ là khả năng thiền tập trung vào đối tượng trong khoảng thời gian dài mà không bị phân tâm, tán loạn.
1/ Đào luyện những điều kiện tiên quyết để đạt tâm tịnh chỉ (xem trang 266, quyển 2): Có 6 điều kiện gồm ở chỗ thích hợp (một nơi yên tĩnh, đầy đủ điều kiện để có thể thực hành thiền); ít muốn; biết đủ; giới thanh tịnh; từ bỏ những yêu cầu của xã hội; hoàn toàn từ bỏ những tư tưởng tham dục.
2/ Cách thực thụ để đạt tâm tịnh chỉ (xem trang 271, quyển 2):
- Muốn vậy, cần phải từ bỏ 5 hố sâu, tức 5 cạm bẫy khiến ta không thành tựu được tịnh chỉ. Trong đó, trở ngại chính là hôn trầm và trạo cử.
- Những phương pháp giúp thành tựu tịnh chỉ được nói trong kinh điển, cho nên khi thiền, ta phải dựa vào kinh điển để thiền, cụ thể từ các học giả Ấn Độ vĩ đại, từ truyền thừa của Học viện Nalanda.
- Lưu ý, ngồi nhắm mắt và ngồi thiền là khác nhau. Nếu ngồi nhắm mắt mà cứ nghĩ là thiền thì không đúng, bởi khi ngồi nhắm mắt, tâm mình không có tập trung hoàn toàn vào đối tượng thiền mà cứ nghĩ tới nghĩ lui nhiều đối tượng khác nhau. Đó không phải là thiền.
- Hôn trầm và trạo cử khác nhau như thế nào? Chúng ta trước hết phải hiểu hôn trầm và trạo cử có nghĩa là gì. Sau khi hiểu được rồi, ta mới có thể nhận biết mình đang bị chướng ngại hôn trầm và trạo cử. Bước kế tiếp, ta mới có thể loại trừ các chướng ngại đó.
+ Trạo cử, còn gọi là phân tâm, nghĩa là khi thiền, tâm không tập trung được vào đối tượng thiền mà cứ nghĩ đến đối tượng khác.
+ Hôn trầm nghĩa là tâm đang thiền tập trung vào đối tượng thiền, nhưng hình ảnh đối tượng thiền không còn rõ ràng, dần dần tối đen mờ mịt, cuối cùng không thấy được đối tượng thiền nữa.
- Bây giờ chúng ta hãy thực hành thiền về hình ảnh Phật Thích Ca. Đầu tiên, chúng ta nhìn và nhớ hình ảnh pho tượng Phật, sau đó nhắm mắt lại, cố gắng nhớ lại các chi tiết pho tượng ở trước mặt mình, sau đó cố gắng tập trung và giữ lại hình ảnh đó. Khi nào hình ảnh đó bị lu mờ, mất nét, trở nên tối lại, đen dần, không còn thấy gì nữa thì lúc đó ta đang bị hôn trầm. Còn khi ta đang thiền về hình ảnh pho tượng Phật mà tâm nghĩ đến đối tượng khác như thức ăn hay nhà, chẳng hạn, đó là trạo cử.
+ Lúc tập trung vào đối tượng thiền như thế, ta hãy tự tìm xem yếu điểm nào khiến mình không thể tập trung được. Lưu ý là đôi lúc mình mất tập trung mà không biết mình đang bị mất tập trung. Cho nên ta phải áp dụng kỹ thuật tỉnh thức, nghĩa là biết được rằng khi nào mình mất tập trung. Ta cần tỉnh táo quan sát khi nào mình mất tập trung thì phải ý thức được ngay.
+ Chúng ta hãy thiền trong vòng vài phút và tính số lần mình bị phân tâm và hôn trầm. Ví dụ, ta đang tập trung vào đối tượng thiền là hình ảnh Phật thì tự nhiên nghĩ về thức ăn hay ngôi nhà, dù ta đã quay trở lại vào đối tượng thiền là hình ảnh Phật nhưng vẫn tính là một lần phân tâm.
- Từ bỏ 5 hố sâu, tức 5 cạm bẫy của thiền tịnh chỉ. Có 5 cạm bẫy:
(1) Lười biếng: có 2 loại lười biếng:
+ Trì hoãn: nghĩ rằng chuyện này hôm nay không làm, để ngày mai làm cũng được
+ Lười biếng bám chấp vào các việc xấu (tà hạnh): không chịu từ bỏ những tà hạnh, không chịu sửa đổi bằng cách làm các việc tốt.
(2) Quên chỉ giáo: để thành tựu tịnh chỉ, cần làm theo những hướng dẫn, nếu hướng dẫn mà cũng quên thì không thể thiền được.
(3) Trạo cử và hôn trầm:
(4) Không điều chỉnh: khi gặp hôn trầm và trạo cử thì cần áp dụng phương pháp đối trị để loại bỏ 2 chướng ngại này. Nếu gặp hôn trầm, trạo cử mà không chịu đối trị thì sẽ không thể nào thiền đúng được.
(5) Sự tái điều chỉnh: Đang không có hôn trầm, trạo cử mà lại liên tục đối trị, đó cũng là lỗi.
- Trong 5 cạm bẫy thì cạm bẫy thứ 3 (hôn trầm và trạo cử) là lớn nhất, cần phải loại trừ.
- 4 cách đối trị với cạm bẫy lười biếng:
+ Lòng tin: do thấy được những đức tính, tức những lợi lạc của tịnh chỉ nên ta phát sinh lòng tin vào tịnh chỉ.
+ Khi thấy được những lợi lạc đó, nên khát khao muốn có được tịnh chỉ.
+ Vì khát khao muốn có được tịnh chỉ, nên kiên trì tinh tấn, cố gắng siêng năng để thực hành tịnh chỉ.
+ Tìm quả báo của tịnh chỉ, nghĩa là muốn có được kết quả tốt của tịnh chỉ.
- Trong 4 cách đối trị với cạm bẫy lười biếng thì kiên trì tinh tấn là quan trọng nhất. Ví dụ, mỗi ngày ta xác định phải thực hành thiền bao nhiêu phút thì phải cố gắng làm cho bằng được.
- Khi thiền, ta cần phải có tỉnh thức để tự nhận thức được rằng mình đang bị chướng ngại. Cho nên tuần này ta hãy rèn luyện kỹ năng tỉnh thức, nghĩa là khi ngồi thiền, ta phải tỉnh táo quan sát xem lúc nào mình đang bị phân tâm (trạo cử), lúc nào đang bị hôn trầm và đếm số lần bị phân tâm và hôn trầm.
- Khi nào có thể tự biết được rằng mình đang bị hôn trầm, trạo cử thì khi đó mới có thể áp dụng các phương pháp đối trị với hôn trầm và trạo cử và đẩy lùi 2 chướng ngại đó. Nếu không biết hôn trầm, cũng không biết trạo cử thì dẫu có học các phương pháp đối trị cũng vô ích.