12-08-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT LAMRIM 2022

TUẦN 50 – NGÀY 12/08/2023

CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (NGÀY 20)

1/ BỐ THÍ BA LA MẬT

2/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT

3/ NHẪN NHỤC BA LA MẬT

- Có 3 loại nhẫn nhục (xem trang 247, quyển 2):

+ Nhẫn nhục đối với những người làm hại mình (nại oán hại nhẫn): Có những người làm hại mình trực tiếp hoặc làm hại gián tiếp. Dù là loại nào, chúng ta hãy thực hành nhẫn nhục trong những tình huống đó.

+ Nhẫn nhục trước hoàn cảnh khổ đau (kham thọ khổ nhẫn): Nghĩa là giữ bình tĩnh, không lay động trước những hoàn cảnh khó khăn.

+ Nhẫn nhục trong việc thực hành pháp (pháp nhẫn).

- 3 loại nhẫn nhục này được xếp loại từ dễ đến khó, nghĩa là loại nhẫn nhục đầu tiên sẽ dễ thực hành hơn loại 2 và loại 2 dễ thực hành hơn loại 3. Loại nhẫn nhục cuối cùng - pháp nhẫn là khó làm nhất. Chúng ta hãy cố gắng áp dụng thực hành 3 loại nhẫn nhục trong tuần này.

- Đầu tiên hãy học kiên nhẫn với những người làm hại mình.

+ Khi nghĩ về những người mình ghét, không thích và người hay gây khó dễ với mình, ngay lập tức chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Tâm khó chịu đó khiến ta cảm thấy tức giận hoặc đố kị người đó nhiều hơn. Vì trong tâm đã tức giận, đố kị sẵn nên ta càng cảm thấy khó chịu và sự khó chịu đó càng khiến mình ghét người đó nhiều hơn. Những phiền não đó cứ xoay vòng với nhau giống câu chuyện con gà - quả trứng.

+ Mỗi khi nghĩ đến người mình ghét, ta cảm thấy khó chịu, bức tức, thì những phiền não đó khiến tổn hại đến bản thân mình nhiều hơn là người kia tổn hại mình. Ta để cho các phiền não gây tổn hại cho tâm mình là bởi vì ta không có thực hành được nhẫn nhục với người kia. Do đó, lúc nào nghĩ đến người kia, ta có cảm thấy khó chịu, sân giận, đố kị… thì lập tức phải nghĩ rằng phiền não đó tổn hại mình nhiều hơn là người kia tổn hại mình. Đây là điểm đầu tiên ta phải thực hành. Điểm thứ 2 là hãy tự nhắc bản thân khi càng sân giận với người kia thì ta càng có thêm nhiều ác nghiệp, chứ không có tích góp được thiện nghiệp gì cả.

+ Lấy ví dụ, tay vô tình chạm vào lửa thì tay bị phỏng, khiến ta bị đau, lúc đó ta có giận ngọn lửa đó không? Lúc đó ta không có tức giận ngọn lửa vì biết rằng bản chất của lửa là gây nóng bỏng, gây phỏng. Vì biết bản chất của lửa nên ta không giận ngọn lửa. Tương tự, đối với người mình ghét, ta nghĩ rằng vì tâm người đó cũng mang phiền não nên đôi lúc người đó không tự chủ mà gây tổn hại đến mình. Biết như thế, ta hãy thực hành kiên nhẫn với người gây hại cho mình.

- Thực hành pháp cũng giống như áp dụng cách chữa bệnh, ví như tìm những khối u trong cơ thể và phẫu thuật lấy chúng ra. Có người thực hành pháp vì niềm vui, hoặc vì không có chuyện gì khác để làm, hoặc tu hành theo thói quen. Điều đó không thực sự đem đến lợi ích cho mình và không phải là thực hành pháp đúng nghĩa. Thực hành pháp đúng nghĩa là chúng ta thực hành pháp vì thấy được lợi ích của việc thực hành pháp.

- Trong tuần này hãy thực hành 3 bước thiền nhẫn nhục đối với người gây hại mình.

+ Bước 1: Mỗi khi nghĩ đến người mình ghét, hãy nghĩ rằng những phiền não như sân giận, đố kị… sẽ làm tổn hại mình nhiều hơn là người kia tổn hại mình. Người kia ở xa không làm tổn hại mình được, mà thứ trực tiếp làm tổn hại mình chính là phiền não.

+ Bước 2: Vì tâm của người kia có mang phiền não nên chuyện họ gây tổn hại mình là hoàn toàn có thể xảy ra. Bản chất của việc mang phiền não là dễ làm tổn hại người khác, vì biết như vậy nên ta không tức giận người đó làm gì.

+ Bước 3: Tự nhắc bản thân rằng càng sân giận với người kia thì ta sẽ càng có thêm nhiều ác nghiệp.

- Đối với loại nhẫn nhục thứ 2, chúng ta hãy học cách chấp nhận hoàn cảnh khổ đau.

+ Trong những hoàn cảnh khó khăn như mất người thân, bị bệnh nặng…, lúc đó tinh thần của chúng ta suy sụp nên dễ cáu gắt, nổi nóng với những thứ nhỏ nhặt xung quanh mình. Những lúc như thế, ta hãy nghĩ mình bệnh là bệnh giùm cho tất cả chúng sinh để họ không bị bệnh nữa hoặc ta gặp đau khổ như thế là ta đang gánh khổ cho tất cả chúng sinh hoặc cho người thân của mình để người thân/các chúng sinh khác được an vui, không bị khổ nữa. Nghĩ như vậy là ta có tâm chấp nhập khổ đau. Khi đã có tâm chấp nhận khổ đau thì ta sẽ dễ vượt qua khó khăn hơn.

+ Một điểm quan trọng nữa của pháp thực hành nhẫn nhục này là việc ta phát sinh tức giận trong hoản cảnh khó khăn còn gây ra các hệ lụy khác nữa. Đó là gây tổn thương cho những người thân xung quanh mình.

- Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành một cách tích cực bài tập thực hành nhẫn nhục loại 1 và nhẫn nhục loại 2. Bất cứ lúc nào cáu gắt, hãy nhớ rằng tức giận và phiền não chỉ gây tổn hại cho mình mà thôi, không có ích lợi gì cả. Ít nhất chúng ta hãy cảm nhận sự thay đổi từ pháp thực hành của mình, khi thấy sự cải thiện trong một tuần thì ta sẽ thấy hào hứng thực hành nhiều hơn. Khi bị phiền não và có suy nghĩ tiêu cực, chúng ta có thể nghĩ đến Ngài Quan Âm và phân tán tâm bằng cách đọc câu chú Om Mani Padme Hum và cầu nguyện đến Ngài Quan Âm.

- Loại thứ 3 là nhẫn nhục đối với việc thực hành pháp và đây là loại nhẫn nhục khó nhất. Khi thực hành Phật pháp, chướng ngại lớn nhất là lười biếng. Chúng ta hay nghĩ cái này dễ, thôi để ngày mai hãy làm. Cứ lần lữa như thế, cuối cùng chúng ta chẳng làm được gì cả, vì cái ngày mai đó chẳng bao giờ đến được. Cho nên, chúng ta hãy nỗ lực hơn trong việc thực hành pháp.

- Chúng ta hãy thực hành nhẫn nhục ít nhất 15 phút mỗi ngày trong một tuần. Ít nhất trong một tuần chúng ta phải tự cảm nhận được có một sự thay đổi nào đó, ví dụ khi ta thấy cơn nóng giận được giảm bớt nghĩa là pháp thực hành có hiệu quả. Nếu thực hành không thấy hiệu quả trong một tuần thì phải thay đổi cách thực hành để có hiệu quả trở lại.

PHẦN HỎI ĐÁP

1/ Câu hỏi 1: Thưa Rinpoche, làm sao để có thể thực hành nhẫn nhục với chính bản thân mình. Con cảm thấy rất buồn khi đã làm tổn thương người khác?

- Rinpoche trả lời: Đây không phải là mình tức giận với bản thân. Đầu tiên mình tức giận với người khác, sau đó mới sinh tâm hối hận với lỗi lầm đó nên cảm thấy buồn và không thể chịu nổi bản thân. Để đối trị, hãy kiên nhẫn với người khác trước, kế nữa là hãy cảm thấy yêu thương và từ bi hơn với người khác. Khi đã thực hành được như vậy rồi thì sẽ không còn tổn hại đến người khác, khi đó sẽ không còn phải buồn về những lỗi lầm gây ra nữa.

2/ Câu hỏi 2: Thưa Rinpoche, bố con vừa mất, con nên làm gì cho bố?

- Rinpoche trả lời: Bất cứ khi nào nhớ người thân qua đời, hãy đọc tụng kinh điển để hồi hướng cho người thân của mình. Điều này có thể giúp mình đối trị với nỗi buồn mất người thân, bên cạnh đó cũng cầu nguyện cho người thân. Có thể đọc tụng câu chú của Ngài Quan Âm, cầu nguyện đến Ngài Quan Âm.