05-08-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 49 – NGÀY 05/08/2023

CHỦ ĐỀ: 6 BA LA MẬT (NGÀY THỨ 20)

Sau khi phát tâm bồ đề, chúng ta thực hành 6 ba la mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

1/ BỐ THÍ BA LA MẬT:

- Có 3 loại bố thí gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí

+ Tài thí: cho người khác tiền bạc, của cải, đồ vật…

+ Pháp thí: nói điều hay lẽ phải, chia sẻ giáo pháp với người khác

+ Vô úy thí: cho người khác sự không sợ hãi, nghĩa là che chở, bảo bọc, bảo vệ người khác hoặc cứu mạng người khác.

- Hình thức cao nhất và nhiều công đức nhất của bố thí là pháp thí, tức khuyên răn người khác làm điều hay lẽ phải, không làm điều sai.

- Cho dù thực hành loại bố thí nào thì nền tảng của bố thí là động cơ. Động cơ thực hành bố thí rất quan trọng. Bất cứ thực hành việc bố thí nào, hãy dựa trên động cơ tốt, đó là mong việc bố thí này giúp cho bản thân và chúng sinh hết khổ và thành Phật.

- Cùng thực hiện một hành động bố thí, như bố thí một phần quà thì giữa một người có động cơ tốt và một người không có động cơ thì công đức của việc bố thí mang đến cũng khác biệt rất nhiều.

- Trong tất cả mọi pháp hành, bước bắt đầu thực hành pháp dễ nhất là thực hành bố thí. Thậm chí khi ăn uống, ta nghĩ rằng phần thức ăn đó khi ăn vào sẽ bố thí cho các sinh vật, chúng sinh trong cơ thể mình. Nếu nghĩ như vậy, đó là thực hành bố thí.

- Vô úy thí là cho đi sự hết sợ, tức cho đi sự che chở, bảo bọc. Ví dụ như cứu một con cá khỏi cái chết, đó là vô úy thí. Nếu bảo vệ người khác, cứu người khác khỏi cái chết thì công đức có được rất lớn.

- Thầy đặt câu hỏi: Nếu thấy con chó cực kỳ đói, vì thương con chó, mình bắt một con cá để cho con chó ăn, vậy hành động đó có phải là bố thí không? Và hành động đó là thiện hay bất thiện? Trong toàn bộ quá trình này, có 2 hành động nên cần tách biệt ra. Việc bắt con cá là bất thiện và hành động đem đồ vật cho con chó ăn là thiện.

- Với mỗi một hành động, quan trọng là ta nhìn vào động cơ của hành động. Khi cầm con cá trên tay để cho con chó ăn mà trong tâm mình không đếm xỉa đến mạng sống của con cá thì hành động đó là sát sinh đối với con cá. Nhưng lúc ta cầm một con cá cho con chó ăn mà trong tâm mình chỉ nghĩ đến chuyện là phải kiếm gì đó cho con chó ăn vì con chó đã quá đói rồi, không ăn thì nó sẽ chết, lúc đó trong tâm cũng không hề nhận biết con cá kia còn sống hay đã chết, nghĩ là con cá đã chết rồi thì hành động đó là thiện, vì ta chỉ đơn thuần là đem một gì đó cho con chó đang đói ăn để cứu nó.

- Một ví dụ khác, khi bị bệnh cần phải uống thuốc, nếu ta uống thuốc với mục đích là để giết vi khuẩn trong cơ thể thì động cơ đó là sát sinh. Còn nếu nghĩ uống thuốc để chữa lành cơn bệnh thì hành động này không phải là sát sinh. Tất cả mọi hành động khi phân biệt thiện hay bất thiện thì phải dựa trên động cơ thực hiện hành động đó.

- Thầy đặt câu hỏi: trong 10 nghiệp đen, uống rượu có phải là ác nghiệp không? Ở đây một việc có phải là thiện hay ác và một việc có nên làm hay không là hai chuyện khác nhau. Ở trường hợp trên, uống rượu không phải là ác nghiệp nhưng uống rượu là việc không nên làm. Bản thân uống rượu không phải là ác nghiệp, vì một hành động gọi là ác nghiệp chỉ khi hành động đó gây tổn hại cho người khác. Việc uống rượu không gây tổn hại cho ai cả, không khiến cho bản thân khổ đau, nhưng khi uống rượu rồi say xỉn, ta sẽ không tự chủ được bản thân, từ đó sẽ phạm phải ác nghiệp, khiến mình đau khổ ở tương lai. Do đó, không nên uống rượu. Nếu ta đã quyết định không uống rượu thì không uống dù chỉ một giọt rượu. Việc giữ giới luật thì không có chọn con đường trung đạo để đi.

2/ TRÌ GIỚI BA LA MẬT: Có 3 loại (xem thêm trang 244)

- Giới chế ngự những hành vi bất thiện (biệt giải thoát giới): nghĩa là ràng buộc bản thân mình không làm tất cả những điều ác, không làm những điều gây hại cho người khác.

+ Đối với một người thực hành Phật pháp, không nên làm 10 điều bất thiện. Để ràng buộc không làm 10 điều bất thiện thì có giới chế ngự những hành vi bất thiện. Cần nhớ là nền tảng của người thực hành pháp dù là sơ cơ (người mới bắt đầu thực hành pháp) hay người thực hành pháp đã cao thâm là không phạm phải 10 điều bất thiện. Chúng ta hãy thực hành giống như vậy.

- Giới tích tập tất cả những điều lành: nghĩa là cố gắng làm tất cả mọi việc thiện. Vậy việc thiện nào là việc thiện lớn nhất? Đó là suy nghĩ mong muốn xua tan mọi đau khổ của tất cả mọi chúng sinh. Với bất kỳ pháp thực hành nào, ta hãy dựa trên nền tảng là mong cho mọi chúng sinh thoát khỏi đau khổ thì tất cả mọi việc thực hành pháp của mình sẽ mang công đức rất lớn.

+ Suy nghĩ mong muốn tất cả mọi chúng sinh đều thoát khổ và được hạnh phúc phải bao gồm cả kẻ thù của mình. Khi thực hành lòng từ bi, điều quan trọng là thực hành lòng từ bi bình đẳng cho tất cả mọi chúng sinh, chứ không phải chỉ thực hành lòng từ bi đối với người mình thích, đó không phải là việc mà một người thực hành pháp nên làm.

+ Bài tập thực hành: (1) Hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến những người mình ghét; (2) Nghĩ rằng mong những người mình ghét đều hết khổ và hạnh phúc. Nếu nghĩ như thế mà ta có cảm giác khó chịu trong tâm mình thì rất tốt vì là dấu hiệu cho thấy pháp thực hành đang đánh thẳng vào tâm chấp ngã của mình.

- Giới làm lợi ích cho chúng sinh: Cho dù làm bất cứ một việc gì, dù nhỏ thế nào mà việc đó mang đến lợi lạc cho người khác thì đều là giới làm lợi ích cho chúng sinh. Ví dụ, khi niệm “A Di Đà Phật”, ta nghĩ rằng cầu nguyện cho chúng sinh sẽ có được gia trì của Phật A Di Đà, đó là ta đang thực hành giới làm lợi ích cho chúng sinh.