Tóm tắt bài giảng Lamrim 2023, Tuần 5, ngày 05/04/2023.
Ngày thứ 3 của Giải thoát trong lòng tay
II. Tính vĩ đại của Larim
III. Cách thích đáng để giảng dạy và lắng nghe
A. Cách lắng nghe pháp:
1.Quán sát những việc lợi lạc của học pháp
2. Làm thế nào để chứng tỏ sự kính trọng đối với Pháp và người giảng Pháp.
Đây là một phần học rất quan trọng vì đây là cách để chúng ta nghe Pháp cho đúng. Để làm được điều này chúng ta phải có sự chú tâm, có sự tập trung hoàn toàn lúc mình nghe Pháp.
Các lớp học Phật Pháp hiện nay đều học online trên zoom và Thầy dặn dò các học trò online của Thầy nên bật video, webcam và chú tâm nghe giảng. Không nên vừa nghe giảng Phật Pháp vừa có thể làm chuyện khác như ăn, uống, …
Có những người có bật video, webcam lại bị chính hình ảnh của mình trên video làm cho phân tâm vì những người bật video, webcam nghĩ rằng không biết mình trẻ hơn hay già hơn so với thực tế hay là không?
Khi vào lớp học online cho dù có bật video, webcam hay không thì cũng đừng bị phân tâm bằng việc xem hình ảnh, xem mặt của bạn bè trong lớp. Hãy tránh làm tất cả việc đó trong lúc nghe Pháp vì điều đó chứng tỏ mình nghe Pháp không chú tâm hoàn toàn.
3. Cách thực thụ nghe Pháp
Sách “Giải thoát trong lòng tay” trình bày nội dung như sau:
- Nhắc về ba lỗi giống như ba bình chứa không xứng đáng:
+ Lỗi thứ nhất – giống như một bình chứa lật úp: hãy tưởng tượng nếu có một bình chứa bị lật úp lại thì không thể nào bỏ thức ăn đó được. Chính vì vậy khi lắng nghe giáo Pháp, một trong những điểm rất quan trọng là phải chú tâm hoàn toàn vào lời của người giảng Pháp, của vị Thầy đang giảng Pháp. Nếu chúng ta không chú tâm hoàn toàn vào lời nói của vị Thầy đang giảng Pháp thì khi ấy mình được ví như là một cái bình bị lật úp không thể nào tiếp nhận được giáo Pháp.
Khi chúng ta nghe giảng Pháp thì cần nghe đúng những gì mà vị Thầy giảng Pháp đang muốn truyền trao cho. Rất nhiều người khi nghe giảng Pháp chỉ nghe những gì mình thích chứ không muốn nghe những điều mình không thích. Tâm lý chung của con người là muốn được nghe những gì mình thích nên chỉ chú tâm đến những điều mình thích trong lời nói của người khác mà thôi. Tuy nhiên, khi lắng nghe giáo Pháp cần phải từ bỏ suy nghĩ đó, chúng ta phải lắng nghe và tiếp nhận chính xác những gì mà vị Thầy giảng Pháp đang muốn truyền trao, chứ không chỉ nghe những gì mình thích, chúng ta không thể phân tích và hiểu giáo Pháp theo cách mà mình thích.
+ Lỗi thứ hai – giống như một bình chứa hôi hám: một bình chứa hôi hám là một bình chứa có chất độc trong đó. Hãy tưởng tượng một bình chứa có chất độc, nếu cho thức ăn vào thì thức ăn đó cũng bị nhiễm độc. Giống như vậy, khi chúng ta nghe Pháp, nếu trong tâm chất chứa đầy những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực thì khi tiếp nhận giáo Pháp vào tâm, giáo Pháp cũng sẽ trở thành độc dược. Khi nghe giáo Pháp phải có tâm thanh tịnh để có thể tiếp nhận giáo Pháp.
+ Lỗi thứ ba - giống như một bình chứa bị rò rỉ: nếu một cái bình rò rỉ thì bỏ thức ăn vào trong bình đó thì dần dần thức ăn sẽ bị thất thoát ra ngoài. Cũng như vậy, nếu như mình nghe Pháp, vài hôm sau mình lại quên mất những gì mình đã nghe thì mình được ví như là bình chứa rò rỉ. Cho nên sau mỗi buổi học thì đạo tràng hãy dành 5 đến 10 phút để hồi tưởng lại tất cả những điểm quan trọng mà Thầy đã giảng trong buổi học, để có thể nhớ lâu hơn.
- Sáu thái độ tốt khi chúng ta cần huân tập trong lúc mình nghe Pháp:
Ba thái độ tốt đầu tiên chúng ta cần phải rèn luyện để có được đó là:
++ Thái độ thứ 1: khởi tâm xem mình như là người bệnh;
++ Thái độ thứ 2: khởi tâm xem giáo Pháp như là thuốc;
++ Thái độ thứ 3: khởi tâm xem vị Thầy giảng Pháp như là một người lương y;
Rất nhiều người trong chúng ta có sức khỏe tốt và nghĩ rằng hiện tại mình không bị bệnh gì cả, tuy nhiên nếu chúng ta nhìn kỹ vào trong tâm của mình thì thật sự chúng ta mang rất nhiều tư tưởng tiêu cực, rất nhiều phiền não trong tâm. Điều đó chứng tỏ mình không có thân bệnh nhưng mình đang có tâm bệnh. Đối với việc học Phật Pháp, chúng ta phải xem mình là người có mang bệnh mà chủ yếu là tâm bệnh và chúng ta hãy xem giáo Pháp như là thuốc chữa bệnh.
Ai là người phải cần phải uống thuốc? Chỉ có người bệnh mới cần phải uống thuốc mà thôi. Khi mình hoàn toàn khỏe mạnh thì mình không cần uống thuốc, cho nên giáo pháp là thuốc chữa bệnh, chúng ta cần đến giáo Pháp để chúng ta chữa lành bệnh trong tâm của mình và khi mình đạt đến trạng thái mà trong tâm không còn bất cứ một chứng bệnh nào, hoàn toàn không còn phiền não thì đó là kết quả tốt nhất mình có thể đạt được từ việc tu hành giáo Pháp. Ngày xưa Đức Phật đã nói rằng giáo pháp của Ngài như là một chiếc thuyền, khi mà một người qua sông đã leo lên chiếc thuyền để qua sông và đã đi đến được bờ bên kia của con sông rồi thì người đó buộc phải để lại chiếc thuyền ở bờ sông chứ không có vác thuyền đi theo. Tương tự như vậy, giáo Pháp hiện nay như thuốc để chữa bệnh phiền não, đến một lúc nào đó nếu trong tâm của mình không còn phiền não nữa thì chúng ta không cần thực hành Pháp nữa, chúng ta có thể bỏ qua các Pháp thực hành bởi vì tâm mình đã hết phiền não.
Chúng ta cần phải khởi tâm xem giáo Pháp giống như là thuốc để chữa bệnh. Cần phân biệt thuốc chữa thân bệnh và giáo Pháp. Đó là:
· Không có ai cảm thấy vui vẻ khi uống thuốc chữa bệnh, tuy nhiên khi chúng ta thực hành giáo Pháp thì nhất định chúng ta phải có cảm giác hân hoan, có cảm giác vui thích. Nếu chúng ta không có cảm giác phấn khởi, vui thích khi thực hành giáo Pháp thì kết quả sẽ không đến.
· Khi mình mang bệnh mặc dù không thích uống thuốc nhưng mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải uống thuốc để hết bệnh. Tuy nhiên khi thực hành pháp chúng ta phải có được tâm hoan hỉ, tâm vui thích khi thực hành, nếu như không có tâm phấn chấn, vui thích khi thực hành pháp thì chúng ta không thể nào tu tập được trong thời gian dài. Nếu chúng ta cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn ép buộc bản thân mình tiếp tục Pháp tu thì mình sẽ không còn sự vui thích trong Pháp hành của mình. Do đó, khi mình học giáo pháp mình cần phải có động lực rằng chúng ta tu tập giáo pháp là để giải thoát khỏi tất cả những phiền não trong tâm của mình, khi đạt được trạng thái tâm không còn phiền não nữa thì mình có khả năng giúp đỡ tất cả những người xung quanh, những người thân của mình và những chúng sinh khác thoát được phiền não. Đó chính là mục đích chính mà mình cần có lúc mình học giáo pháp. Chỉ khi nào mình phát được động lực tu tập giáo pháp là để làm lợi lạc cho nhiều người khác khi đó chúng ta mới thực thụ cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi khi chúng ta tu tập giáo pháp.
Bài tập trong tuần này:
- Hãy phát khởi được động lực tu tập giáo pháp là để làm lợi lạc cho những người khác;
- Thầy giao lại bài tập của tuần trước đó là tìm 05 khuyết điểm của bản thân mình.
Nếu chúng ta không thể nào tự mình tìm ra 05 khuyết điểm của bản thân thì hãy nhờ những người thân trong gia đình chỉ ra 05 khuyết điểm của mình. Mình phải thấy được khuyết điểm của bản thân mới cải thiện được, hãy nỗ lực tìm ra 05 khuyết điểm của bản thân Sau khi tìm ra được 05 khuyết điểm thì hãy xem đâu là nguyên nhân khiến cho mình có 05 khuyết điểm đó và đa phần 90% trường hợp các khuyết điểm của bản thân đều đến từ bản ngã của mình, từ tâm chấp ngã. Khi mình tìm ra được 05 khuyết điểm của bản thân rồi thì mình sẽ biết được cách dùng giáo pháp để đối trị các khuyết điểm này.
++Thái độ thứ 4: khởi tâm xem việc thực hành Pháp giống như chữa bệnh, xem rằng việc thực hành Phật Pháp chính là quá trình mình chữa lành những phiền não trong tâm của mình.
++Thái độ thứ 5 không quan trọng bằng thái độ thứ 6.Xem thêm sách GTTLT
++ Thái độ thứ 6 : khởi tâm mong chánh Pháp được tồn tại lâu dài vì chánh Pháp là liều thuốc để chữa căn bệnh phiền não cho chúng sinh, chánh Pháp có thể làm lợi lạc cho rất nhiều chúng sinh
B. Cách giảng dạy giáo Pháp
Là một phần quan trọng được trình bày trong sách “Giải thoát trong lòng tay”.
Thầy nói rằng trong đạo tràng chúng ta có ai nuôi chó, mèo hay các con vật làm thú cưng thì ngoài việc chúng ta chăm sóc, thương yêu những con thú đó không chỉ bằng việc cung cấp thức ăn hàng ngày mà chúng ta nghĩ rằng mình sẽ làm lợi lạc cho tất cả những con thú đó trong đời này và cả đời sau bằng cách cho những con thú đó nghe Pháp, đọc sách “Giải thoát trong lòng tay” cho chúng nghe với tâm nguyện rằng khi những con thú nghe những âm thanh như thế sẽ nhận được lực gia trì và khi những con thú đó qua đời nó đi vào cõi trung ấm nó sẽ biết được tất cả những điều đó và nó nhận được lợi lạc. Đó là những cách tối thiểu chúng ta có thể giúp những con thú mình nuôi trong nhà, cụ thể khi mình tụng Kinh, trì chú thì tất cả những con côn trùng nhỏ nhất cũng đều nhận được lực gia trì.
Đặc biệt khi tất cả người thân trong gia đình mình có thời gian tụ hội lại với nhau thì chúng ta hãy đề cập đến giáo Pháp, nói về những điều tốt đẹp.Thời gian chúng ta gặp nhau lại đi nói xấu người khác, nói về những khuyết điểm của người khác, sẽ dẫn đến cãi vã. Tuy nhiên, nếu nói quá nhiều về giáo Pháp có thể làm cho họ bị nhức đầu. Vậy nên hãy chia sẻ những trải nghiệm mình có được từ việc học “Giải thoát trong lòng tay”, những điều hay mình học được mà cảm thấy có ích cho họ.
Ngoài việc nỗ lực chia sẻ những gì được học trong lớp thì hãy cố gắng cười nhiều hơn với người thân, thậm chí nếu mình không có lý do gì vui vẻ để cười cũng hãy cười một cách thoải mái. Khi mình cười thì mình phát tán năng lượng tích cực và cả nhà cùng cười với mình. Nếu chúng ta nói về những khuyết điểm của người khác thì chúng ta sẽ tạo ra rất nhiều cảm xúc sân giận ở trong gia đình. Mặt khác, nếu chúng ta chỉ thảo luận về những điều mình mong muốn, về những mục tiêu mình muốn có trong cuộc đời này và nói nhiều về chuyện đó sẽ tạo rất nhiều tư tưởng tham lam ở trong gia đình mình.
Do đó, khi nói về cách giảng dạy Pháp Thầy cũng đang hướng dẫn cho chính đạo tràng cách có thể chia sẻ giáo Pháp:
- Bước thứ 1 là chia sẻ giáo Pháp với người thân trong gia đình;
- Bước thứ 2 là tụng, đọc Kinh sách; đọc “Giải thoát trong lòng tay” và đọc lớn tiếng một chút để cho tất cả những người thân trong gia đình, những con thú cưng, các loài côn trùng trong gia đình đều có thể được hưởng lợi.