TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 34 – NGÀY 18/03/2023
Chủ đề: Những lỗi lầm của vọng tưởng – Nghiệp được tích lũy cách nào
(Ngày thứ 15 – tiếp theo)
A/ Những lỗi lầm của phiền não
- Trước khi bước vào buổi học, chúng ta hãy thiền vài phút. Thông thường tâm ta hay hướng ra các đối tượng bên ngoài, bây giờ hãy cố gắng đừng nghĩ đến các đối tượng bên ngoài mà hướng tất cả mọi chú ý vào trong tâm mình. Đức Phật dạy rằng nếu nghĩ nhiều về quá khứ, ta sẽ đau buồn, còn nghĩ về tương lai thì bị lo âu. Để tâm bớt lo âu, đau buồn, chúng ta hãy hướng tâm tập trung vào những điều đang diễn ra ở ngay thời điểm hiện tại. Chúng ta hãy ngồi đúng tư thế thiền, nhắm mắt lại và bắt đầu quan sát khắp cơ thể mình từ đầu đến chân, ví dụ trên đầu đang có cảm giác nhẹ nhàng, an lạc hay đau bệnh thì cũng cứ quan sát thôi, không làm gì cả. Cứ như vậy, chúng ta quan sát xuống đến 2 hốc mắt, lỗ mũi, miệng, cổ, vai, lưng… dần dần quan sát khắp cơ thể mình. Trong quá trình tập trung quan sát khắp cơ thể, nếu có cảm giác đau, bệnh tật, hay có cảm giác khó chịu nào thì hãy thở ra một hơi nhẹ nhàng, nghĩ rằng tất cả mọi bệnh tật, mọi năng lượng xấu thoát ra hết khỏi cơ thể mình qua hơi thở, sau đó hít vào một hơi, nghĩ rằng tất cả mọi năng lượng tốt, mọi may mắn đi hết vào cơ thể mình. Sau khi cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng trở lại, chúng ta hãy nhớ lại các việc trong ngày như hôm nay có những việc gì vui vẻ, hay những chuyện khiến mình bực bội, tức giận. Khi nhận diện được các cảm giác khó chịu hay tức giận..., ta hãy buông bỏ tất cả. Khi buông bỏ được rồi thì tâm sẽ an lạc trở lại. Đức Phật nói rằng cần nhận diện phiền não trước tiên, rồi tìm nguyên nhân dẫn đến phiền não, từ đó tìm giải pháp diệt phiền não.
- Trong cuộc đời con người, luôn có những chuyện khiến ta khó chịu, bất an. Bất an có 2 loại, gồm bất an trên thân (sống ở quốc gia nghèo đói, không có ăn, không có mặc, hoặc bị bệnh tật hoành hành...), bất an trên tâm (tâm lúc nào cũng bị quấy nhiễu bởi những nỗi lo lắng). Nguyên nhân chính gặp khó khăn trong cuộc sống là do phiền não trong tâm. Ta phải thấy được những lỗi lầm của phiền não (trang 78, quyển 2). Đó là phiền não khiến cho bản thân mình và người khác không vui. Cho nên một khi nhận diện được phiền não thì ta phải tìm cách diệt trừ phiền não đó và tâm sẽ an lạc trở lại.
- Khi nghĩ về những lỗi lầm, khuyết điểm của phiền não, trước tiên hãy nghĩ những khuyết điểm trong đời này, nghĩa là trong đời này, những phiền não như tức giận, ganh tị, đố kị sẽ làm ta không vui và phá hủy các công việc của mình. Những lỗi lầm, khuyết điểm của phiền não trong đời sau là phiền não sẽ kích động các việc làm xấu của mình, khiến ta tạo ra ác nghiệp và do những ác nghiệp đó, ta phải gánh chịu những hậu quả xấu ở đời sau.
- Phiền não xấu sẽ là động cơ kích động các việc làm khác của mình. Nếu làm các việc xấu ác, như phạm 10 điều bất thiện sẽ khiến ta rơi xuống các cõi ác. Nếu ta có được tâm an vui, thì tâm an vui kích động ta làm những việc tốt, nhờ những thiện hạnh đó mà ta được tái sinh vào các cõi lành ở đời sau, được hưởng an vui và hạnh phúc. Đó là cơ chế mà phiền não hoặc an vui kích động khiến ta tạo ra ác nghiệp hay thiện nghiệp.
B/ Nghiệp được tích góp như thế nào?
- Con người ai cũng đến thời điểm chết. Chết có nhiều nguyên nhân như do bệnh tật, tai nạn v.v… Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết là do phiền não trong tâm, khiến dễ sinh bệnh trên thân hơn, nên cái chết đến gần hơn. Lúc chết là do tâm mình quyết định, ví dụ hằng ngày chúng ta làm những việc thông qua thân, khẩu, ý, tạo những thói quen thiện hay ác. Tâm ngay lúc chết sẽ quyết định chúng ta có lên được cõi lành hay sẽ chịu đau khổ ở cõi ác ở đời kế tiếp.
- Bất cứ ta làm việc thiện hay làm ác thì cũng sẽ gieo vào tâm thức hạt giống thiện và hạt giống ác. Làm nhiều việc thiện thì sẽ quen nhiều với hạt giống thiện, làm nhiều việc ác sẽ quen nhiều với hạt giống ác. Đến lúc chết, thói quen nào lớn thì nghiệp đó sẽ được kích hoạt; nếu thói quen thiện lớn hơn thì các nghiệp thiện được kích hoạt, khiến đời sau được sinh vào cõi lành. Nếu thói quen ác nhiều hơn thì lúc chết, nghiệp ác được kích hoạt và khiến ta chịu đau khổ ở cõi ác ở đời tái sinh kế tiếp. Do đó, chúng ta phải tích tập được thói quen thiện, tránh làm ác.
- Trong Tứ Thánh Đế (4 sự thật cao quý), đầu tiên học về Khổ đế, tức bản chất của luân hồi là khổ đau, đặc biệt là kiếp người này phải chịu nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử. Đến lúc chết cũng gặp nhiều trở ngại, khi tìm đời tái sinh kế, ta không chủ động được mà bị ác nghiệp chi phối. Do đó, bản chất của luân hồi này là khổ.
- Những nỗi khổ như thế trong luân hồi từ đâu mà có? Nguồn gốc là do nghiệp và phiền não. Trong nghiệp và phiền não, thì phiền não hoành hành mãnh liệt nhất. Bởi vì phiền não là động lực kích động mình làm các việc xấu ác, từ việc xấu ác đó ta phải lãnh hậu quả là chịu đau khổ ở cõi ác. Vậy gốc rễ phiền não từ đâu mà có? Đó là do vô minh. Từ vô minh lại sinh ra các phiền não khác. Muốn chấm dứt vô minh, ta phải có trí tuệ bằng cách thực hành tánh không. Phát sinh trí tuệ mới loại trừ hết vô minh, từ đó mới loại trừ được phiền não. Khi chấm dứt tất cả đau khổ trong luân hồi này thì tâm ở trạng thái không còn đau khổ nữa gọi là Niết bàn. Đó chính là Diệt đế. Để thành công có được Diệt đế, có được giải thoát thì bằng cách thực hành Đạo đế.
- Phương pháp thực hành ở phạm vi trung bình là phải nhận diện được các đau khổ trong đời này. Từ chỗ nhận thấy nguồn gốc của các đau khổ là nghiệp và phiền não, ta mới nhận diện các phiền não của mình là gì. Khi nhận diện phiền não thì đề ra các phương pháp loại trừ phiền não. Khi thực hành các phương pháp để loại trừ phiền não là ta đang thực hành con đường giải thoát. Khi thực hành thành công con đường giải thoát thì ta sẽ có được giải thoát. Đó là Tứ Thánh đế trong phạm vi trung bình.
- Hiểu như thế nào là thực hành pháp? Có 2 cách hiểu:
+ Cách hiểu thứ nhất là cách hiểu của các bậc thầy luyện tâm. Các bậc thầy luyện tâm theo truyền thống Kadam thời xưa ở Tây Tạng nói như thế này: Thực hành pháp là cần phải nhận diện được phiền não của mình, từ đó tìm ra được phương pháp diệt trừ phiền não đó để phiền não không còn cơ hội quấy phá, phiền nhiễu mình nữa. Cách hiểu về thực hành pháp như vậy rất giống chuyện ở thời đại hiện nay, đó là làm sao để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc, phải tìm thấy chỗ nào khiến ta bị phiền não, nhận diện được phiền não rồi thì mới tìm ra phương pháp để loại trừ phiền não. Thực hành Phật pháp là làm sao để có thể kiểm soát được phiền não của mình.
+ Cách hiểu thứ 2 là tìm hiểu xem nếu muốn an lạc hạnh phúc ở đời sau và nhiều hơn nữa là muốn giải thoát, ta cần phải thực hành những gì. Cụ thể, ta phải tìm hiểu về đau khổ, tìm hiểu về nguồn gốc của đau khổ là nghiệp và phiền não, tìm hiểu những phương pháp nào có thể khống chế và dứt bỏ được phiền não đó, tìm hiểu xem nếu thoát được đau khổ và hết được phiền não thì có được giải thoát như thế nào và cố gắng áp dụng trong cuộc đời này để thực hành các phương pháp đó để tuyệt đối loại trừ phiền não và có được giải thoát. Thực hành theo nghĩa đó cũng gọi là thực hành pháp. Bài giảng hôm nay về Tứ Thánh đế là nằm trong cách hiểu thứ 2 về thực hành pháp.
- Để chuẩn bị cái chết an lành thì lúc chết, ta nghĩ đến những việc thiện đã làm, từ đó kích hoạt các thiện nghiệp của mình để có được đời tái sinh tốt. Muốn vậy, ta nên chuẩn bị ngay từ bây giờ, hãy nghĩ cái chết như một giấc ngủ. Bây giờ ta hãy thực hành theo cách là trước khi đi ngủ, nhắm mắt lại nhớ đến hình ảnh đức Phật, nhớ đến những việc thiện đã làm, cũng như nhớ đến những điều thiện trong Phật pháp. Nhờ thực hành như vậy sẽ giúp ta có được thói quen tốt, có được sự chuẩn bị tốt cho lúc chết.