25-05-2014
Quan Âm Pháp

Phần 3: Gia hành thất pháp (tiếp theo). Chánh thực hành (1).

 

Quan Âm Pháp

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 3

Ngày 25 tháng 05 năm 2014

 

Hôm nay chúng ta học Quan Âm Pháp. Chúng ta sẽ nói về pháp gia hành thứ năm, thứ sáu và thứ bảy trong bảy pháp gia hành. Tôi vừa nhớ ra một việc. Tôi sẽ nói cho quý vị biết thời gian quý giá ra sao, và tôi sẽ cho một ví dụ. Trong truyền thống Tây Tạng, nói chung khi có người đang trong thời khắc nguy kịch và sắp qua đời, gia đình thường mời các vị thầy cầu nguyện cho người đó. Khoảng vài năm trước, có một sự việc đã xảy ra. Tôi sẽ nói cho quý vị biết tầm quan trọng của một giờ rưỡi đồng hồ. Lúc đó tôi đang giảng pháp trong một bệnh viện. Tôi nghĩ ở Việt Nam quý vị cũng có truyền thống tương tự, đó là thỉnh các vị thầy ban giới quy y cho người đang hấp hối. Vào thời điểm đó, tôi có chương trình giảng Pháp ở một bệnh viện. Trước khi chương trình bắt đầu, một người phụ nữ đến gặp tôi và muốn tôi truyền giới quy y cho cha của cô ấy, ông nằm trong bệnh viện đó và đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi đồng ý với cô ấy, nhưng trước hết tôi phải bắt đầu chương trình giảng Pháp ở bệnh viện. Tôi nói chương trình kéo dài khoảng 45 phút thì sẽ nghỉ giải lao trong 5-10 phút, và trong giờ nghỉ tôi sẽ truyền giới cho cha của cô ấy. Khoảng 40 phút sau thì cô ấy đến chỗ tôi, cô khóc và nói rằng cha cô đã qua đời. Bấy giờ quý vị có thể tưởng tượng sự việc đó làm tim tôi tan nát đến chừng nào. Tôi vừa nói với cô ấy tôi sẽ đến sau hơn 40 phút, nhưng cha cô đã vừa qua đời. Nếu đến trước 40 phút thì tôi đã có thể truyền giới trước khi ông mất. Vì thế, khoảng thời gian chừng một giời rưỡi đó thật sự quý báu. Khi người phụ nữ đến gặp tôi, khóc và nói rằng cha cô đã qua đời, tôi đã bị sốc. Điều đó cho thấy tôi đã không sắp xếp thời gian đúng đắn. Tôi cứ nghĩ tôi có thể đến chỗ của ông vào thời gian giải lao sau đó 40 phút để truyền giới, và tôi đã bị sốc. Tôi đã không thể nói nên lời, vì tôi đã quyết định rất sai lầm. Tôi đã nghĩ 40 phút cũng không là gì cả, và nghĩ tôi có thể truyền giới sau 40 phút. Tuy nhiên, 40 phút sau thì cha của cô đã mất. Khi cô ấy nói cha cô đã qua đời, tôi thật sự bị sốc. Tình huống đó rất lạ, và tôi đã không có gì để nói. Đó là một lần mà tôi đã quyết định rất sai lầm trong việc quản lý thời gian. Sau lần đó, tôi nhận ra mình phải quản lý thời gian rất cẩn thận. Do đó, tôi thật sự xin lỗi tất cả quý vị vì trong buổi học trước, chúng ta đã phí hai giờ đồng hồ mà không học được gì cả. Tôi thành thật xin lỗi!

 

1.3 Gia Hành Thất Pháp (Bảy Pháp Gia Hành) (tiếp theo)

e) Thỉnh chuyển pháp luân

Bây giờ chúng ta bắt đầu nói về pháp gia hành thứ năm trong bảy pháp gia hành, đó là Thỉnh chuyển Pháp luân. [Chánh văn ghi:

thỉnh chuyển pháp luân,]

Ở bước này, quý vị cần quán tưởng Đức Quán Thế Âm và thỉnh cầu Ngài chuyển bánh xe Pháp. Khi thỉnh cầu Đức Quán Thế Âm chuyển Pháp luân, kết quả của việc làm đó là chúng ta sẽ được nhận giáo pháp. Rất nhiều người có thể đã nhận nhiều giáo lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quý vị có được nhận giáo lý vào đúng thời điểm hay không. Tôi nghĩ trong các buổi trước tôi đã nói rằng ở thời Đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ dạy một câu thôi và người nghe ngay lập tức chứng ngộ. Với cùng câu đó, chúng ta nói đi nói lại nhiều lần nhưng người khác vẫn không chứng ngộ. Quý vị biết một người tên là Ương-quật-ma-la (Angulimala) không? Khi Ương-quật-ma-la đuổi theo Đức Phật để tấn công Ngài, anh ta đã hét lớn, “Đứng lại!” Đức Phật quay lại nhìn anh ta và nói, “Tôi đã dừng lại rồi. Anh mới là người chưa dừng lại.” Chỉ với câu nói đó, Ương-quật-ma-la lập tức tỉnh ngộ. Anh ta hạ vũ khí, sụp lạy ôm lấy chân Phật và chứng ngộ. Bây giờ chúng ta có thể lặp lại câu nói của Đức Phật: “Tôi đã dừng lại rồi. Anh mới là người chưa dừng lại.” Nếu ngay bây giờ tôi nói lời đó với bất cứ người nào thì sự việc tương tự cũng không xảy ra. Lý do rất đơn giản. Khi Đức Phật đưa ra lời dạy đó, Ngài dạy đúng pháp, đúng thời điểm, và dạy cho một người phù hợp. Khi đó người nghe sẽ giác ngộ rất nhanh. Đôi khi chúng ta đưa ra lời khuyên đúng đắn cho những người không phù hợp; và đôi lúc chúng ta đưa ra lời khuyên không đúng lúc.

Khi tôi còn nhỏ, tôi đã hỏi thầy và các tu sĩ lớn tuổi vì sao ở thời Đức Phật, Ngài chỉ cần giảng rất ngắn gọn và người nghe có thể chứng ngộ. Vì sao sự việc tương tự không diễn ra ngay cả khi chúng ta dạy giáo lý giống hệt như vậy. Lúc đó, thầy tôi và các vị tu sĩ lớn tuổi nói rằng thời Đức Phật còn tại thế là giai đoạn giáo pháp hưng thịnh, còn bây giờ đã là thời đại suy đồi (thời mạt pháp). Từ hồi tôi còn nhỏ đến hôm nay, tôi tin rằng [thời hiện tại] là thời giáo pháp hưng thịnh hay thời mạt pháp, điều đó tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Chúng ta phải tạo nên thời cơ và biến bản thân thành một người phù hợp, khi đó chánh Pháp sẽ giúp ích chúng ta. Một khi chúng ta không biến bản thân thành một người phù hợp và không tạo nên thời cơ thì chánh Pháp cũng không thể giúp ích chúng ta. Chỉ khi nào trong tâm ta thỉnh cầu Đức Phật ban giáo lý thì trong tương lai chúng ta mới có thể nhận được chánh Pháp vào đúng thời điểm. Do đó, ở pháp gia hành thứ năm, trong tâm ta phải thỉnh cầu Đức Quán Thế Âm chuyển Pháp luân.

 

f) Thỉnh trụ thế

Pháp gia hành thứ sáu là thỉnh Đức Phật mãi mãi trụ thế. [Chánh văn ghi:

Thỉnh trụ thế,]

Việc thỉnh Đức Phật mãi mãi trụ thế là một trong những pháp hành quan trọng nhất thuộc bảy pháp gia hành.

 

g) Hồi hướng

Pháp gia hành cuối cùng là hồi hướng, [chánh văn ghi:

Hồi hướng tất cả thiện căn cho sự giác ngộ,

Nguyện đạt được Thánh quả.]

Quý vị hồi hướng tất cả thiện hạnh của mình cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh hữu tình. Khi hồi hướng, điều quan trọng nhất là quý vị phải hồi hướng tất cả thiện đức và hành động tốt đẹp của mình cho hạnh phúc của hết thảy chúng sinh hữu tình.

Trên đây là bảy pháp gia hành, tôi nghĩ quý vị có thể đọc trong chánh văn. Khi thực hành, quý vị hãy đọc tụng phần bảy pháp gia hành. Điều quan trọng là trong lúc đọc tụng, quý vị phải cố gắng thiền quán hoặc thực hành trong tâm. Trong bảy pháp gia hành này, nếu quý vị không thể thực hành toàn bộ bảy pháp thì chỉ cần thiền quán một vài điểm cũng được.

Đến đây, những gì chúng ta đang học chỉ mới ở phần chuẩn bị trong Quan Âm Pháp. Nói chung, Quan Âm Pháp gồm ba phần: pháp hành chuẩn bị (tiền hành), pháp hành chánh yếu (chánh thực hành), và sau đó là pháp hành hoàn tất.

Bây giờ chúng ta đã học xong [ba phần đầu của] pháp hành chuẩn bị, bao gồm Quy Y, Phát Bồ Đề Tâm, và Gia Hành Thất Pháp. Tất cả những phần này đều thuộc về pháp hành chuẩn bị. Tôi nghĩ tiền hành có tất cả bảy phần. Lần trước, chúng ta đã không phiên dịch những phần theo sau Gia Hành Thất Pháp [trong nghi quỹ], do đó sau này chúng ta phải phiên dịch thêm. Một vài phần hiện không có trong nghi quỹ, tuy nhiên quý vị nên biết trong phần tiền hành chúng ta sẽ có tổng cộng bảy đề mục.

Phần thứ tư thuộc pháp tiền hành là cúng dường torma. Nếu không có torma thì quý vị có thể cúng dường bất cứ thực phẩm nào. Đặc biệt, việc cúng dường thực phẩm này là để tiêu trừ chướng ngại. Phần này tôi sẽ hướng dẫn sau khi nghi quỹ được phiên dịch.

[Bảy đề mục trong phần tiền hành gồm: (1) Quy y, (2) Phát bồ đề tâm, (3) Gia hành thất pháp, (4) Gia trì tor-ma chướng ngại bằng Om Ah Hum, (5) Thành bảo hộ, (6) Ban phước, (7) Gia trì lễ vật cúng dường. Tại thời điểm Rinpoche giảng Quan Âm Pháp tuần thứ 3, nghi quỹ chỉ mới được phiên dịch ba phần đầu gồm Quy y, Phát bồ đề tâm, và Gia hành thất pháp.]

 

Phần II: Chánh Thực Hành

Bây giờ tôi đi thẳng vào phần chánh thực hành. Phần chánh thực hành có bảy bước.

 

2.1 Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng

Bước thứ nhất nói về cách sinh khởi Đức Quán Thế Âm và tất cả chư vị bổn tôn. Bây giờ quý vị đọc hai câu đầu tiên:

HRIH, chư pháp trong trạng thái vô sở trụ, không nền tảng, không căn nguyên. Cõi đại tịnh là sự hợp nhất của pháp giới và trí tuệ.

Trước khi sinh khởi bất cứ vị bổn tôn nào, quý vị phải quán tưởng tánh không. Bước đầu tiên quý vị phải quán tưởng tánh không, và hai câu đầu của đoạn này nói về việc quán tánh không. Nói chung, khi quán tưởng một vị bổn tôn nào đó, trước hết quý vị phải quán tưởng nền tảng là tánh không, rồi sau đó quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm sinh khởi từ tánh không. Ngay thời điểm đầu tiên quý vị phải giữ tâm mình trống rỗng, không suy nghĩ gì cả. Tâm cần phải rất trống rỗng. Nói chung, khi quán tưởng bổn tôn thì có vài bước quán tưởng. Quý vị không thể nào quán tưởng bổn tôn một cách đột ngột được. Khi quý vị thực hành thật chính xác thì có từng bước để quán tưởng bổn tôn.

Thời xa xưa có một ông vua mời tất cả học giả đến và nói với họ rằng ông ta muốn biết cách tốt nhất, hiệu quả nhất, và dễ nhất để giác ngộ. Ông vua yêu cầu tất cả các vị học giả phải soạn ra một cách như vậy. Các vị học giả mang đến cho vua một bộ sách rất dày, và nói rằng họ đã tổng hợp mọi pháp thực hành và biến chúng trở thành cách tốt nhất và dễ nhất để giác ngộ. Ông vua không vui và nói rằng có nhiều sách quá, ông không có thời gian và không thể đọc hết được. Sau đó, các học giả tóm tắt lại thành một quyển sách dày và dâng lên vua. Ông vua vẫn không vui, ông nói rằng quyển sách vẫn còn rất dày nên ông cũng không có thời gian để đọc sách. Lúc đó ông vua yêu cầu các học giả tóm gọn lại trong một câu rồi cho vua biết cách tốt nhất và dễ nhất để giác ngộ. Các vị học giả nói bây giờ thì họ không thể làm như vậy, và chỉ có một học giả nói rằng ông sẽ tóm tắt thành một câu và dâng lên vua sau một ngày. Vua rất vui và nghĩ rằng bây giờ vua đã có cách tốt nhất và dễ nhất để giác ngộ chỉ trong một câu. Vua hỏi vị học giả: “Khanh có chắc là khanh sẽ làm được trong một ngày không?” Vị học giả trả lời được. Sau một ngày, vị học giả đến hoàng cung đưa cho ông vua [mảnh giấy ghi] câu nói, và vua rất vui khi nhận câu nói đó. Trong câu nói đó, vị học giả viết: “Không có đường tắt dẫn đến giác ngộ.”

Phần chánh thực hành có bảy bước. Nếu quý vị vẫn muốn có một cách ngắn gọn và dễ dàng, tôi sẽ nói giống như vị học giả kia đã nói: “Không có đường tắt để thực hành Quan Âm Pháp.” Chúng ta thực hành điều gì cũng cố gắng tìm đường dễ nhất; tuy nhiên, đôi lúc ta cần biết rằng đường dễ nhất chính là đường khó nhất. Đôi khi chúng ta cố gắng tìm đường dễ nhất nhưng nó lại trở thành đường khó nhất.

Hai câu đầu của đoạn này nói về quán tưởng tánh không. Ở hai câu này, quán tưởng tánh không là để giữ cho tâm quý vị trống rỗng. Chúng ta gặp một vấn đề là đôi lúc ta không thể giữ tâm mình trống rỗng. Chúng ta suy nghĩ quá mức đến nhiều việc không cần thiết, và điều đó cũng khiến chúng ta rất căng thẳng. Chính vì vậy, hai câu đầu của đoạn này nói về quán tưởng tánh không. Trước hết quý vị phải giữ cho tâm mình hoàn toàn trống rỗng.

Câu thứ ba của đoạn này nói về Potala:

Ngọn núi Potala trình hiện trước tâm thức một cách tự nhiên thành tựu.

Potala chính là cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Từ nơi đó, cõi tịnh độ của chư Phật, quý vị quán tưởng một tòa sen. Trên tòa sen, quý vị quán tưởng một đĩa mặt trời (nhật luân) và một đĩa mặt trăng (nguyệt luân).

[Chánh văn ghi:

Nơi giữa mạn-đà-la đượm đầy các nét đặc sắc, trên tòa sen nguyệt nhật đa sắc oai nghi.

Từ HRIH, chính ta, hùng thân của Đức Thánh Thắng Đại Bi Thiên Tự Thoát Khổ Quán Thế Âm, một mặt bốn tay, thân đứng thẳng, hai tay chắp trước ngực, hai hay còn lại cầm tràng chuỗi và nhành sen trắng. Báo thân khoác lụa trời, trang nghiêm với bảo châu tuyệt đẹp. Thân tỏa hào quan trắng đỏ, mang đầy trang sức bằng xương, mỹ lệ trong chín tịnh thái và mười ba trang sức.]

Trên đĩa mặt trời và đĩa mặt trăng, quý vị quán tưởng chủng tự HRIH. Sau đó, chủng tự HRIH chuyển hóa thành Đức Quán Thế Âm. Quý vị phải quán tưởng Đức Quán Thế Âm giống với trong hình: Ngài trong tư thế đứng và có bốn tay. Hai năm trước, ở Việt Nam có người hỏi tôi hình Đức Quán Thế Âm trong tư thế đứng và hình Ngài trong tư thế ngồi giống nhau hay khác nhau. Đức Quán Thế Âm đang đứng hay đang ngồi không phải là vấn đề lớn. Đôi lúc quý vị thấy hình Ngài đang đứng, có lúc lại thấy hình Ngài đang ngồi, không có gì khác biệt. Tôi nghĩ tôi đã từng nói rằng khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm, quý vị có thể quán tưởng theo nhiều hình tướng khác nhau.

Ở đây, đầu tiên quý vị phải giữ cho tâm mình trống rỗng. Từ tâm rỗng không có, quý vị quán tưởng một tòa sen. Trên tòa sen là đĩa mặt trời và đĩa mặt trăng, và trên cùng là chủng tự HRIH. Tiếp theo, chủng tự HRIH chuyển hóa thành Đức Quán Thế Âm. Đây là điểm quan trọng về cách thức sinh khởi Đức Quán Thế Âm. Nếu gặp khó khăn với việc quán tưởng tòa sen, đĩa mặt trời và đĩa mặt trăng thì quý vị có thể chỉ quán tưởng tánh không, và chủng tự HRIH sinh khởi từ tánh không. Quý vị có thể quán tưởng chủng tự HRIH bằng tiếng Việt. Tiếp theo, chủng tự HRIH chuyển hóa thành Đức Quán Thế Âm. Ngài trong tư thế đứng và có bốn tay, như quý vị thấy trong hình. Chánh văn mô tả Đức Quán Thế Âm giống những gì quý vị thấy trong hình. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều có hình rồi phải không?

Hiện tại khi quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm, ở những lần đầu thực hành quán tưởng thì hình ảnh sẽ không được rõ nét. Không sao cả! Lần trước, trong buổi học thiền, tôi nghĩ tôi đã nói rằng quý vị hãy thử hành thiền để xem mình có thể thiền mà không bị phân tâm trong suốt một phút hay không. Tôi đã yêu cầu quý vị thử thực hành như bài tập về nhà. Bây giờ tôi muốn biết quý vị có thể thiền mà không bị phân tâm trong suốt một phút không?

Nói chung, tôi đã nói là quý vị có thể thử xem sao. Khi có thể làm được điều đó thì quý vị hoàn tất giai đoạn thứ nhất [trong chín giai đoạn thiền chỉ]. Quý vị có thể thực hành 10 lần, hẹn giờ mỗi lần kéo dài một phút. Khi thực hành 10 lần, nếu trong 6 lần quý vị có thể tập trung vào một đối tượng nào đó mà không bị phân tâm thì quý vị đã thành tựu giai đoạn thứ nhất. Theo quan điểm khoa học và kinh nghiệm về tâm của các nhà tâm lý học, tâm con người không thể tập trung quá hai giây. Sau hai giây thì chúng ta sẽ bị phân tâm. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo thì chúng ta có thể chuyển hóa tâm và dẫn đến chuyển hóa não bộ khi quý vị hành thiền và thành tựu được giai đoạn thứ nhất của thiền chỉ (shamatha). Như tôi đã nói, chúng ta có thể thành tựu giai đoạn thứ nhất trong vòng một tuần. Nói cách khác, có thể là quý vị đã thành tựu giai đoạn thứ nhất rồi nhưng lại không biết, do đó quý vị có thể kiểm tra lại.

Bây giờ quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm có bốn tay cùng mọi đặc điểm được mô tả trong chánh văn, hoặc như quý vị thấy trong hình. Sau khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm, quý vị quán tưởng quang cảnh xung quanh Ngài. [Chánh văn ghi:

Trên đỉnh đầu được điểm với Phật Chủ Vô Lượng Quang (A Di Đà). Trên bốn cánh sen ở bốn phía, ở hướng Đông là Tôn Nương Độ Mẫu thân tỏa sắc trắng, ở hướng Nam là Diệu Quang Thiên Mẫu thân tỏa sắc vàng kim, ở hướng Tây là Kuru Ku Lê Tác Minh Thiên Mẫu thân tỏa sắc đỏ, ở hướng Bắc là Tài Nguyên Thiên Mẫu thân tỏa sắc xanh lá cây. Các thân khoác xiêm y và mang đầy trang sức.]

Quý vị có thể thấy hình Đức Quán Thế Âm trong ảnh. Ở hướng Đông là Tôn Nương Độ Mẫu (Tara Trắng hay Bạch Độ Mẫu). Tara Trắng là vị thiên của sức sống. Ở hướng Nam là Diệu Quang Thiên Mẫu. Diệu Quang Thiên Mẫu là vị thiên tiêu trừ chướng ngại tự nhiên như thiên tai. Diệu Quang Thiên Mẫu là vị thiên chuyên bảo hộ chúng sinh khỏi những tai nạn và thảm họa thiên nhiên.

Đôi lúc trong cuộc sống của chúng ta có những sự việc rất lạ lùng. Có một vị tu sĩ già, ông ấy kể tôi nghe vài chuyện về cuộc đời của ông. Một dịp nọ, ông đi máy bay từ một vùng hẻo lánh đến trung tâm Nepal. Ông đến sân bay cùng với hai tu sĩ khác. Ông ấy kể lại rằng ông đã thanh toán tiền vé máy bay, nhưng những người đi cùng ông lại chưa thanh toán vé của họ. Họ cùng nhau đến sân bay. Khi họ đến sân bay, lúc nhân viên ở sân bay nói rằng họ sẽ xuất vé cho những người bạn của ông; nhưng sau đó, họ từ chối xuất vé vì họ đã bán vé cho những người khác. Vị tu sĩ già nói rằng nếu họ không xuất vé cho bạn của ông thì ông sẽ hủy chuyến bay của mình và chờ bay chuyến tiếp theo, dù ông đã thanh toán tiền vé máy bay. Khoảng 20 phút sau, chuyến bay họ dự kiến đi đã gặp tai nạn và toàn bộ hành khách đã thiệt mạng. Cũng là vị tu sĩ già đó, một lần khác ông ấy đến Ấn Độ bằng tàu hỏa. Tàu hỏa ở Ấn Độ rất lạ thường, lúc nào người ta cũng rất hối hả và vội vã khi đi tàu. Ông ấy bị ngã xuống dưới đường ray tàu hỏa. Lúc đó có một đoàn tàu chạy ngang qua, nhưng may mắn là ông ấy rơi vào khoảng hở giữa đường ray và một bức tường nên đoàn tàu chỉ chạy lướt qua người ông. Kể từ đó, mỗi khi tôi đi tàu hỏa, tôi luôn tìm hiểu về hai điều thần kỳ. Thứ nhất, tôi tìm hiểu xem làm thế nào mà vị tu sĩ đó lại bị ngã xuống đường ray tàu hỏa, và điều thứ hai là làm thế nào ông ấy có thể sống sót. Do đó, Diệu Quang Thiên Mẫu là vị thiên bảo hộ chúng sinh khỏi tai nạn và thảm họa thiên nhiên.

Ở hướng Tây, quý vị sẽ thấy vị thiên màu đỏ là Tác Minh Thiên Mẫu (Kurukulle). Khi quý vị có một nhiệm vụ cần được hoàn thành, hoặc khi quý vị cần sức mạnh trong cuộc sống thì vị thiên này có thể ban cho quý vị sức mạnh và giúp quý vị hoàn thành nhiệm vụ rất nhanh. Bây giờ quý vị có thể thấy vị thiên màu xanh lá cây [ở hướng Bắc] đó là vị thiên tài bảo Tài Nguyên Thiên Mẫu. Quý vị có thể thấy tất cả chư thiên trong hình Đức Quán Thế Âm. Thật lòng mà nói thì tôi chưa bao giờ cầu nguyện các vị thiên này. Chẳng hạn như Tara (Bạch Độ Mẫu) là vị thiên bảo hộ thọ mạng, trong suốt cuộc đời tôi, tôi chưa từng cầu nguyện với Ngài Tara để tôi được trường thọ, nhưng tôi cầu nguyện cho cha mẹ tôi và những người bệnh. Phần lớn thời gian tôi cầu nguyện Ngài Tara cho những người khác được sống lâu. Trong suốt cuộc đời tôi, năm nay tôi đã 39 tuổi, tôi chưa bao giờ xin Ngài Tara cho tôi được sống lâu. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho người khác. Diệu Quang Thiên Mẫu là vị thiên bảo hộ chúng sinh khỏi tai nạn, nhưng tôi chưa bao giờ cầu nguyện sự bảo hộ từ Ngài. Tuy nhiên, khi người ta đi du lịch, họ thường thỉnh tôi cầu nguyện cho họ, nên tôi cũng có cầu nguyện. Về phần mình, tôi không cầu nguyện sự giúp đỡ từ Diệu Quang Thiên Mẫu cho bản thân. Vì vậy, khi cầu nguyện với bốn vị thiên này, quý vị không chỉ cầu nguyện cho bản thân mà phải cầu nguyện cho tất cả chúng sinh khác. Đó là việc chúng ta cần làm. Các bài chú có ở phần sau của nghi quỹ.

Trong hình Đức Quán Thế Âm, quý vị thấy có bốn vị thiên: một vị ban trường thọ, một vị tiêu trừ tai nạn và thảm họa thiên nhiên, một vị làm thỏa mãn mọi ước nguyện, và một vị ban tài bảo. Quý vị có thể thấy những vị thiên này trong hình. Khi quán tưởng, trước hết quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm, tiếp theo quý vị quán tưởng bốn vị thiên. Hình ảnh quán tưởng có thể sẽ không hiện lên rõ nét, nhưng quý vị phải nghĩ rằng có bốn vị thiên đang hiện diện ở đó.

Nói chung, trong cuộc sống con người, khi quý vị cảm thấy khó khăn hay tuyệt vọng, nếu có một đối tượng nào đó để cầu nguyện thì quý vị sẽ có thêm rất nhiều sức mạnh tinh thần. Tâm con người rất lạ. Khi có sức mạnh tinh thần, quý vị có thể đương đầu với mọi thử thách và vượt qua chúng rất dễ dàng. Khi tinh thần yếu đuối thì dù khó khăn rất nhỏ bé, quý vị cũng vẫn cảm thấy rất khó khăn để đương đầu với nó. Khi nhìn vào cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ có nhiều khó khăn và thử thách sẽ đến trong cuộc sống này. Trước hết, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần, nghĩa là tinh thần của chúng ta phải rất mạnh mẽ. Khi đó thì mọi việc đều có thể thành hiện thực. Thứ hai, nhìn vào cuộc sống nhân loại, có rất nhiều khó khăn hiện diện trong thế giới này, có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống của những người khác. Do đó, việc đầu tiên của một người thực hành Phật pháp là chúng ta phải cố gắng quan tâm nhiều hơn đến người khác, mang lại hạnh phúc cho người khác, và cố giải quyết khó khăn của người khác nhiều hơn để giúp đỡ họ. Nếu nhìn lại cuộc đời mình và tìm xem đâu là khoảnh khắc hạnh phúc nhất và đâu là thời gian đau khổ nhất, quý vị sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc có được khi giúp đỡ người khác vẫn hiện hữu sau một thời gian rất dài. Khi chỉ nghĩ cho bản thân, tư tưởng chỉ suy nghĩ cho bản thân đó khiến cho nỗi buồn hiện diện rất lâu. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của những người khác.

Hôm nay chúng ta sẽ đọc kinh cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm. Quý vị hãy đọc từ đầu. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho người khác, cho tất cả chúng sinh thành tựu hạnh phúc. Vài năm trước ở Chennai, một trong những thành phố lớn nhất Ấn Độ, trường đại học Madras có mời tôi đến dự một hội nghị quốc tế về hòa bình thế giới do họ tổ chức. Trong hội nghị đó tôi có nói một điều: Hòa bình không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, mà hòa bình thực thụ phải đến từ nội tâm. Nếu từ bên trong con người không có an lạc nội tâm thì chúng ta không thể kiến tạo hòa bình thế giới. Hòa bình thế giới chỉ có thể đến khi chúng ta đạt được an lạc nội tâm. An lạc nội tâm sẽ đến khi chúng ta giảm thiểu nóng giận, ganh tỵ, và mọi ác niệm khác. Khi đã có an lạc nội tâm thì việc kiến tạo hòa bình thế giới rất dễ dàng. Khi quý vị thành công trong việc giảm thiểu phiền não như nóng giận, ganh tỵ… thì an lạc nội tâm sẽ đến. Khi tâm ta an lạc thì chúng ta tạo nên hòa bình thế giới rất dễ dàng. Do đó, bây giờ chúng ta sẽ cầu nguyện cho mọi chúng sinh đều an lạc. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho họ thành công trong việc giảm thiểu nóng giận và mọi phiền não, và nguyện cho mọi chúng sinh hữu tình đều thành tựu an lạc nội tâm. Chúng ta sẽ đọc bài cầu nguyện từ đầu. Hãy cầu nguyện an lạc và hạnh phúc cho mọi chúng sinh hữu tình.

Quý vị cầu nguyện bằng tiếng Việt, còn tôi đọc tiếng Tây Tạng. Khi tụng bài cầu nguyện đến câu chú của Đức Quán Thế Âm “Om Mani Padme Hum Hrih,” quý vị hãy tụng câu chú này 100 lần. Trong bản kinh, câu chú là “Om Mani Padme Hum Hrih,” tuy nhiên quý vị chỉ cần đọc “Om Mani Padme Hum.” Sau khi tụng xong 100 lần thì chúng ta sẽ dừng. Bài kinh này cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh đạt được hạnh phúc và an lạc nội tâm. Bây giờ tôi sẽ tụng bài cầu nguyện.

[Cầu nguyện]

Cảm ơn quý vị! Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Cảm ơn tất cả quý vị rất nhiều!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @14/08/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.