04-03-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022 - TUẦN 32

Chủ đề: Vọng tưởng phát sinh như thế nào?

(Ngày thứ 15, trang 58, quyển 2)

A. Nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - các giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử:

(1) Vọng tưởng (phiền não) phát triển bằng cách nào

(2) Nghiệp được tích lũy bằng cách nào

(3) Người ta bỏ thân thọ thân bằng cách nào

- Vọng tưởng phát triển bằng cách nào, gồm 4 tiêu đề nhỏ:

+ Nhận ra vọng tưởng

+ Các giai đoạn vọng trưởng phát triển

+ Nguyên nhân của vọng tưởng

+ Những lỗi lầm của vọng tưởng

- Những nguyên nhân khiến ta vẫn còn trong luân hồi là do nghiệp và phiền não.

- Phạm vi trung bình là phát sinh tâm mong cầu giải thoát. Khi tâm không còn phiền não nữa, không còn bị những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực nữa thì trạng thái đó là giải thoát.

- Để nhận diện các phiền não nào cần loại bỏ thì có 6 căn bản phiền não (xem thêm trang 62). Đây là 6 phiền não chính yếu nhất, từ những phiền não chính yếu này sẽ phát sinh ra các phiền não khác. Khi bị dính vào một trong 6 phiền não căn bản này thì ta sẽ không bao giờ có an lạc trong nội tâm.

1/ THAM (BÁM CHẤP)

+ Một khi tham/bám chấp vào điều gì đó thì tâm sẽ không an lạc. Nguyên nhân chính yếu khiến ta vẫn còn trong luân hồi là do ta còn tham/bám chấp.

+ Tham khác với mong muốn. Ta có thể có những mong muốn nhưng phải cố gắng loại trừ tâm tham. Ta nên có mong muốn vì nhờ mong muốn này mong muốn kia, ta mới làm được việc này, việc kia, mới hoàn thành được công việc. Nhưng chỉ dừng lại ở việc mong muốn thôi, chứ không bám chấp.

+ Phân biệt giữa tham và muốn khác nhau thế nào: ví dụ, ta muốn uống cà phê, ta chọn cà phê là ưu tiên hàng đầu, nếu có cà phê thì uống cà phê, còn không có cà phê thì ta có thể chọn uống trà hoặc thức uống khác. Còn bám chấp là nhất định phải uống cà phê, không uống cà phê là không được. Tâm đã bám chấp vào cà phê rồi thì uống cái gì khác cũng không thấy ngon.

2/ GIẬN DỮ

+ Có nhiều nguyên nhân khiến ta tức giận. Một trong những nguyên nhân đó là ta không đạt được điều mình muốn, không được thỏa mãn.

+ Phiền não luôn có những khuyết điểm và những tai hại mang đến cho mình. Về giận dữ, ta dễ dàng thấy được tai hại của nó là làm cho tâm ta không bao giờ an lạc. Nhưng nói đến tâm tham/bám chấp, rất khó có thể nhận ra những lỗi lầm của tâm tham/bám chấp. Bởi vì khi tham/bám chấp cái gì, lúc đó ta rất thích, rất muốn có nó và hướng tới nó toàn tâm toàn ý. Cho nên lúc bám chấp cái gì thì rất khó để nhận thấy lỗi lầm của tâm tham/bám chấp. Cho nên đối trị với tâm tham khó hơn đối trị với giận dữ.

3/ TÂM KIÊU MẠN:

+ Đôi lúc những thành công nho nhỏ, ta cũng dễ phát sinh tâm kiêu ngạo, nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác. Thỉnh thoảng ta mang tâm kiêu mạn quá lớn thì những lời chỉ trích, phê bình cho dù rất nhỏ thôi cũng dễ dàng làm tổn thương mình rất lớn.

+ Điều quan trọng khi học Phật pháp là phải nhìn vào bên trong, quán chiếu nội tâm xem mình đang có những loại phiền não nào và loại phiền não nào đang mãnh liệt hơn các loại phiền não còn lại, từ đó tìm cách đối trị.

+ Có một số phương pháp kiểm soát, giảm dần các phiền não này. Đầu tiên để đối trị với phiền não, cần phải có tỉnh thức. Ví dụ, để đối trị với tâm giận dữ, ta phải tỉnh thức để biết rằng mình đang tức giận. Sau khi đã tỉnh thức, đã nhận diện được rằng mình đang tức giận, thì sang bước 2, ta hãy tập trung vào hơi thở, cứ hít vào thở ra, đếm hơi thở liên tục đến 7 lần (có thể không đếm hơi thở), ta chỉ tập trung vào hơi thở, không có nghĩ đến vấn đề khiến mình tức giận nữa. Sau khi đã bình tâm lại, thì sang bước 3, ta nghĩ rằng bất kỳ ai tức giận đều sẽ không có hạnh phúc. Hãy nghĩ liên tục về thông điệp này, rằng bất cứ ai tức giận đều sẽ không có hạnh phúc.

+ Cách đối trị với tâm tham/bám chấp là nghĩ đến vô thường. Ta nghĩ rằng bản thân mình cũng sẽ thay đổi, chết đi, không thể sống mãi mãi được và nghĩ người khác cũng như vậy, nghĩ những đồ vật mà mình bám chấp cũng thay đổi, cũng sẽ mất đi. Hãy nghĩ vô thường cho tất cả.

+ Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành đối trị với phiền não mãnh liệt nhất trong tâm mình. Ví dụ, nếu có ai nghĩ rằng tâm kiêu mạn trong họ đang mãnh liệt hơn, thì trong tuần này hãy thực hành đối trị với tâm kiêu mạn. Tâm kiêu mạn xuất hiện khi ta so sánh bản thân với người khác, nghĩ rằng ta có năng lực, đức tính, trí tuệ cao hơn người khác, có nhiều tài sản hơn người khác… nên sinh ra tâm kiêu mạn. Để đối trị với tâm kiêu mạn, ta hãy nghĩ tất cả mọi chúng sinh đã từng có công ơn với mình trong quá khứ, hoặc đã từng là cha là mẹ của mình, nên nhiệm vụ của ta là mang đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh, phụng sự cho tất cả mọi chúng sinh.

4/ VÔ MINH

+ Vô minh chính yếu đang nói ở đây là vô minh về chân như, tức không biết bản chất chân thật của tất cả các pháp. Vô minh là nguyên nhân gốc rễ của tất cả các phiền não khác. Để chặt đứt vô minh, ta cần phải phát sinh trí tuệ hiểu biết về tánh không.

+ Vô minh ở đây là không biết rõ về thực tại, đó là bởi vì ta thiếu trí tuệ hiểu biết rõ về thực tại. Trí tuệ hiểu biết rõ về thực tại có được nhờ phân tích, nhận định, phán đoán những điều xung quanh có hợp lý hay không. Nhưng do chúng ta không dùng tâm mình để nhận định, phán đoán và phân tích nên dễ sinh ra phiền não.

5/ TÂM NGHI

+ Tâm nghi sẽ mang đến phiền não cho mình, như nghĩ rằng không có nghiệp quả, không có Tam Bảo, v.v... Lưu ý là không phải tâm nghi hoặc nào cũng mang đến phiền não cho mình. Ví dụ, một vấn đề đang sai trái ta nghi ngờ nó đúng hay sai thì tâm đó giúp ta phân tích nhận rõ vấn đề. Còn nếu ta nghĩ không biết nghiệp quả có hay không rồi cho rằng nghiệp quả chắc là không có, hay cho rằng chắc Tam Bảo không có, tâm nghi đó khiến ta phiền não. Tâm nghi hoặc được nói ở đây là tâm nghi mang phiền não.

+ Trong tâm trí con người chúng ta, lúc nào cũng có nghi hoặc. Những nghi hoặc đó lại là điều tốt, bởi vì nhờ tâm nghi nên mới tiến tới phân tích, nhận định rõ vấn đề của mình. Nhưng tâm nghi cùng cực lại không tốt như gặp chuyện gì cũng nghi ngờ, dù là chuyện rất nhỏ.

+ Cuộc sống rất cần hy vọng vì những hy vọng giúp mình nhìn về mặt tươi sáng của cuộc sống, mình sẽ không bị áp lực, sẽ có nhiều động lực sống hơn. Nhưng nếu trong tâm có quá nhiều nghi vấn ở mặt tiêu cực của cuộc sống thì cuộc sống sẽ rất khó khăn, đau khổ đối với mình.

+ Niềm tin cần phải có bằng chứng, cần có những lý do xác đáng để có thể tin được nên hãy tin với những bằng chứng và những lý do xác đáng. Nếu không có bằng chứng và lý do xác đáng thì ta có thể không tin. Chuyện không tin một người không phải là ác nghiệp. Không tin chỉ là lý do của bản thân thôi. Thầy nói rằng Thầy tin tưởng nhất về vô thường, nghiệp quả, về tâm từ bi đối với mọi chúng sinh sẽ mang đến cho mình lợi lạc như thế nào vì tất cả những điều này đều có bằng chứng rất xác đáng để có thể chứng minh được rõ ràng.

6/ KIẾN CHẤP SAI LẦM

+ Kiến chấp sai lầm là những quan điểm sai lầm

- Bài tập về nhà trong tuần: Thực hành đối trị với 6 phiền não căn bản.