07-01-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 30 – NGÀY 07/01/2023

CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM VỚI PHẠM VI TRUNG BÌNH

- Điều quan trọng của việc thực hành Phật pháp là học và hiểu được những lời Phật dạy. Đức Phật nói với các đệ tử rằng con đường giải thoát Như Lai chỉ dạy cho đệ tử không phải là do năng lực của Như Lai khiến tất cả các đệ tử hết khổ, Như Lai không thể nào dùng tay xua hết đau khổ của tất cả mọi chúng sinh mà Như Lai chỉ có thể chỉ ra con đường thực hành đưa đến giải thoát. Chúng sinh phải tự thực hành và tịnh hóa ác nghiệp của mình, tích tập các thiện hạnh, từ đó mới có thể đạt được giải thoát.

- Để học và thực hành Phật pháp có kết quả, đầu tiên ta khởi tâm quy y và nương tựa Tam Bảo. Quy y có 2 lợi ích: một là có tín tâm và nương tựa vào đức Phật là vị thầy giúp chỉ ra cho mình con đường giải thoát; hai là khi nương theo con đường đó để thực hành thì chắc chắn sẽ có kết quả không sai lệch, đó chính là kết quả giải thoát. Bên cạnh quy y, ta phát tâm bồ đề. Phát tâm ở đây là động cơ thực hành.

- Động cơ thực hành ở phạm vi trung bình là giải thoát khỏi luân hồi. Giải thoát khỏi luân hồi có ý nghĩa là vì thấy vòng sinh tử cứ sinh ra chết đi trong luân hồi này, thấy cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ, tâm luôn bị quấy nhiễu bởi phiền não nên ta muốn giải thoát tất cả mọi ràng buộc, muốn loại bỏ mọi khó khăn, đau khổ trong luân hồi. Vậy khó khăn, đau khổ trong luân hồi là từ đâu mà phát sinh? Nếu loại trừ được các nguyên nhân dẫn đến đau khổ, khó khăn thì sẽ không có kết quả sinh ra. Đức Phật giảng các nguyên nhân đó trong Tập Đế (sự thật thứ 2 trong Tứ Thánh Đế). Theo đó, có 2 nguyên nhân dẫn đến đau khổ là nghiệp và phiền não (nghiệp tập và phiền não tập). Ta phải thấy dược tất cả mọi lỗi lầm và khuyết điểm của phiền não để từ đó loại trừ được phiền não và tịnh hóa được những ác nghiệp thì khi đó mới giải thoát khỏi luân hồi.

- Những phương pháp để loại trừ phiền não được nói đến trong sự thật thứ 4 là Đạo Đế. Khi loại trừ được nguyên nhân của khổ thì sẽ không còn bị khổ nữa. Khi đã áp dụng Đạo Đế để loại trừ các nguyên nhân của khổ rồi thì tâm không còn khổ nữa, khi đó chứng được Niết bàn.

- Chính yếu của Đạo Đế được đúc kết trong bài kệ mà đức Phật đã giảng:

“Một việc ác nhỏ cũng không làm

Thực hành tất cả mọi điều thiện

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình

Đây chính là giáo pháp của Phật đà”

+ Bài kệ này nói lên bản chất của Đạo Đế, tức những gì chúng ta cần phải thực hành để đạt được giác ngộ. Cụ thể là cần thực hành 3 điểm chính: Giới - Định - Tuệ. Giới là thực hành các nguyên tắc để ràng buộc bản thân không làm các điều ác, chỉ làm các việc thiện. Định là thực hành sự tập trung vào các pháp thực hành. Tuệ là khi thực hành các pháp, cần phải phân tích để phát sinh trí tuệ. Định và Tuệ sẽ được học chi tiết hơn ở phạm vi lớn.

+ “Một điều ác nhỏ cũng không làm”: Đầu tiên là phải thực hành giới trước, tức thực hành các nguyên tắc và kỷ luật ràng buộc bản thân để không làm các điều ác.

+ “Thực hành tất cả các việc thiện”: Ta phải thiền về tất cả các việc thiện, tất cả các đề mục thiền quán cần phải thiền như tịnh chỉ, thiền về Tứ niệm xứ… để có thể phát sinh ra tâm giải thoát và giác ngộ. Phần này sẽ được nói nhiều hơn ở phạm vi lớn khi học về thiền định.

+ “Hoàn toàn điều phục tâm chính mình”: Tất cả các phiền não phát sinh trong tâm đều do chấp ngã mà ra. Để dẹp bỏ chấp ngã, ta phải dùng trí tuệ vô ngã. Có như vậy, ta mới có thể điều phục các phiền não của mình, từ đó đạt được giải thoát và giác ngộ.

+ “Đây chính là giáo pháp của Phật đà”, có nghĩa là tất cả những gì Phật dạy cho ta để thực hành đều được gom ở 3 điểm chính yếu là thực hành về Giới, thực hành về Định và thực hành về Tuệ. Giới - Định - Tuệ là 3 phần thực hành chính và căn bản nhất trong tất cả mọi thực hành của đức Phật.

- Giữ giới rất quan trọng, vì từ giữ Giới mới phát sinh ra Định, Tuệ. Nếu muốn tu Định, tu Tuệ mà không giữ Giới thì sẽ không thể nào có được kết quả tốt. Giới gồm giới trên thân, giới trên khẩu và giới trên ý. Nếu giữ các giới liên quan đến thân thì khi đó thân được an lạc. Nếu giữ các giới liên quan đến lời nói thì tránh được tai tiếng, không bị người khác nói xấu, tức được an lạc về lời nói. Nếu giữ các giới liên quan đến ý, nghĩa là không nghĩ điều xấu, điều ác, thì được an lạc về ý, sẽ không có phiền não phát sinh trong tâm. Nhờ giữ giới mới tạo ra nền tảng vững chắc từ đó phát triển các phần thực hành kế tiếp nữa.

- Để hoàn thành tốt việc giữ giới, cần phải biết 4 cửa phạm giới, tức 4 điều kiện khiến ta dễ mất giới (xem thêm trang 107, quyển 2 Giải Thoát Trong Lòng Tay).

(1) Cửa thứ nhất là vô minh. Muốn giữ giới, trước hết ta cần biết phải giữ những giới nào. Chẳng hạn, Tỳ kheo tăng có 253 giới phải giữ. Những ai quy y Tam Bảo cần phải giữ 5 giới của cư sĩ. Những ai thực hành giới từ bỏ 10 điều bất thiện thì phải giữ giới từ bỏ 10 điều bất thiện… Đó là những giới mà ta cần ràng buộc bản thân để không phạm. Đức Phật nói rằng người trí ít nghiệp. Bởi vì nhờ trí tuệ, họ không có vô minh về các giới, nên biết đâu là ác, đâu là thiện, từ đó bỏ ác, làm thiện; nếu lỡ làm ác thì họ biết phải thực hành thế nào để tịnh hóa ác nghiệp. Cho nên đầu tiên phải loại bỏ cửa thứ nhất là vô minh.

(2) Cửa thứ 2 là bất kính. Ở đây là bất kính với các giới, nghĩa là xem thường các giới. Ví dụ, ta đang muốn giữ giới từ bỏ 10 bất thiện, bây giờ lỡ nói dối mà nghĩ rằng nói dối một chút chắc sẽ không ảnh hưởng gì. Nghĩ như vậy là ta đang bất kính, không tôn trọng các giới đang giữ, nghĩa là không có tâm kiên trì cố gắng giữ giới cho bằng được. Nếu không có tâm kiên trì cố gắng đó thì rất dễ phạm giới.

+ Tất cả mọi thực hành phật pháp đều bắt nguồn từ giữ giới, khi đó mới thực hành Phật pháp đúng và có kết quả tốt. Ta thường nghĩ rằng thực hành Phật pháp thâm sâu phải giống như các vị nhập thất trên núi cao, phải từ bỏ tất cả mọi điều thế gian. Đó chỉ là hình tướng bên ngoài. Nếu có lên núi cao nhập thất từ năm này sang năm khác mà không giữ giới thì cũng không có thực hành được Phật pháp. Nếu ở trong đời thường, chỉ bằng việc giữ giới thôi là đã thực hành Phật pháp tốt.

+ Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, Ngài Tịch Thiên nói rằng nếu ta giữ giới tốt thì ngay cả khi ngủ, giới cũng sẽ liên tục phát triển. Khi giới tăng trưởng sẽ đem đến kết quả thiện liên tục không ngừng nghỉ. Nếu ta giữ giới tốt thì tất cả thực hành phía sau sẽ có nền tảng vững chãi và tăng trưởng liên tục không ngừng.

(3) Cửa thứ 3 là vọng tưởng. Trong tâm mình, vọng tưởng nào đang mãnh liệt nhất mà ta không áp dụng biện pháp đối trị, cứ để nó tự do sinh sôi thì vọng tưởng đó sẽ trở thành chướng ngại khiến ta dễ phạm giới. Ví dụ một người có thói quen ganh tị người khác. Khi thấy ai đó có gì hơn mình thì người này lập tức ganh tị, ghen tức người đó. Tâm ganh tỵ là điều kiện lớn khiến người đó dễ phạm giới. Do đó, ta cần phải quan sát xem phiền não nào đang là trở ngại khó khăn lớn nhất của mình, từ đó suy nghĩ phương pháp đối trị để điều phục phiền não đó, ít nhất là kiểm soát nó để nó không khiến mình phạm giới.

(4) Cửa thứ 4 là buông lung. Chẳng hạn, ta đang giữ giới nào thì không được lơ là, mà phải tập trung vào việc giữ giới đó. Chánh niệm là phương pháp đối trị với sự lơ là. Nếu chánh niệm tốt thì khi tâm khởi lên, ta sẽ trói chặt tâm lại, để tâm không chạy xa theo những phiền não. Cần phải luôn phòng hộ tâm mình, vì nếu để tâm chạy theo thói quen và không có chú ý, thì phạm giới lúc nào, ta cũng không biết. Nếu không biết, ta sẽ không có sử dụng được phương pháp đối trị để tịnh hóa được giới đang sai phạm. Sự lơ là, bất cẩn là một trong những điều kiện khiến ta dễ phạm giới.