TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 29 - NGÀY 17/12/2022
CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM VỚI PHẠM VI TRUNG BÌNH (TỨ THÁNH ĐẾ)
- Tứ Thánh Đế là bài pháp đầu tiên đức Phật giảng sau khi Ngài đạt được giác ngộ. Ngài giới thiệu về Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thật Cao Quý) như sau:
(1) Khổ đế: là những gì ta cần phải biết
(2) Tập đế: là nguyên nhân của khổ, là những gì ta cần phải loại bỏ
(3) Đạo đế: là những gì ta phải tu tập, phải thiền, phải thực hành
(4) Diệt đế: là những gì ta phải chứng đắc
- Phạm vi nhỏ: Điều cốt lõi là ta nghĩ về hạnh phúc, an lạc của đời này và đời sau. Muốn có an lạc như thế, ta phát tâm quy y nương tựa Tam Bảo và nghĩ về các khía cạnh nghiệp đen và nghiệp trắng, từ đó từ bỏ nghiệp đen và tích tập nghiệp trắng để có được hạnh phúc, an lạc ở đời này và đời sau.
- Phạm vi trung bình: Giống như phạm vi nhỏ, ta cũng mong muốn có được an lạc ở đời này và đời sau nhưng cho dù thoát khổ ở các cõi ác nhưng ở các cõi lành vẫn tiềm ẩn nguy cơ chịu khổ. Do đó, ở phạm vi trung bình, ta phát tâm thoát hết khỏi tất cả mọi đau khổ của luân hồi.
- Trong luân hồi, dù sinh ra làm một chúng sinh ở cõi nào đi chăng nữa thì cũng có nguy cơ tiềm ẩn các đau khổ. Nguyên nhân của đau khổ đó chính là tập đế. Để loại bỏ khổ, cần phải loại bỏ nguyên nhân của khổ. Nếu không diệt trừ được nguyên nhân của khổ thì khổ lúc nào cũng lặp đi lặp lại, lúc nào cũng xảy ra cho mình. Cho nên, không thể loại trừ được hết khổ nếu không loại trừ hết các nguyên nhân của khổ.
- Trong cuộc sống, có những thời điểm ta cảm thấy bất an. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, ta thường làm những việc khác để không phải nghĩ đến nỗi bất an đó. Phương pháp này có thể giúp ta quên đi nỗi buồn lúc đó nhưng về rốt ráo, đó không phải là phương pháp tốt nhất. Tương tự như việc uống thuốc giảm đau chỉ để cắt cơn đau thôi, chứ không cắt được nguyên nhân gốc rễ gây ra căn bệnh, cơn đau đó. Phương pháp thứ 2 có thể giúp ta loại trừ bất an trong tâm là thiền. Cụ thể là áp dụng phương pháp thiền chánh niệm để quan sát tâm mình xem vì sao ta bất an, xem những nguyên nhân nào khiến ta bất an hoặc không vui và xem những nguyên nhân khiến ta bất an hay không vui có chính đáng hay không, từ đó tìm cách loại trừ các nguyên nhân đó.
- Nhập Bồ Tát Hạnh của tác giả Tịch Thiên có đoạn nói rằng: “Nếu vấn đề của mình có cách giải quyết thì cần gì phải lo âu. Còn vấn đề của mình không có cách giải quyết thì lo âu có ích gì”. Ta phải dùng trí tuệ để quan sát, phân tích xem vấn đề của mình có phương pháp giải quyết hay không. Nếu ta đã biết có phương pháp giải quyết thì không có gì để lo lắng. Còn nếu quan sát vấn đề của mình và thấy rằng không hề có phương pháp để giải quyết thì bây giờ có lo cũng không ích gì nên cũng không cần phải lo. Do đó, khi tâm bất an, ta phải dùng thiền định và trí tuệ để quan sát tâm mình, tìm kiếm các nguyên nhân khiến ta bất an và tìm cách loại trừ các nguyên nhân như thế, nhờ đó sẽ giúp ta đẩy lùi bất an.
- Đã sinh ra trong luân hồi, dù không khó khăn về thân thể thì cũng khó khăn về tinh thần, ít nhiều bị dày vò bởi các mong muốn, phiền não trong tâm nên ta không thể nào an lạc được hoàn toàn. Bởi vì trong cõi luân hồi, có những đau khổ như thế nên ta tìm cách thoát khỏi chúng để có được sự an lạc. Đó là lý do đức Phật giảng về Tứ Thánh Đế. Đức Phật chỉ ra một thực tại là trong luân hồi này có đau khổ và có nguyên nhân của khổ và Đức phật cũng chỉ ra con đường thoát khỏi những đau khổ đó.
- Giải Thoát Trong Lòng Tay nói về những đau khổ chung của sinh tử luân hồi (trang 16, quyển 2). Có 6 loại khổ gồm (1) Đầy bất trắc; (2) Không toại ý; (3) Nỗi khổ phải bỏ thân; (4) Nỗi khổ liên tục vào thai; (5) Nỗi khổ lăn lóc lên xuống; (6) Nỗi khổ không ai cứu giúp.
+ Khổ đầu tiên là cõi luân hồi đầy bắt trắc. Nghĩa là cuộc đời này không có gì chắc chắn. Ví dụ công việc không chắc chắn, chẳng biết khi nào thành công, cũng không biết khi nào thất bại. Có những người hôm nay là thân thuộc thì trong tương lai có thể trở thành kẻ thù. Những gì ta không hề mong muốn nhưng lại cứ xảy ra cho mình. Ta cũng không biết khi nào bệnh, khi nào sẽ chết đi...
+ Khổ thứ 2 là không được toại ý, nghĩa là không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ biết đủ. Ta may mắn có được điều mong muốn thì lại mong muốn nhiều hơn. Ví dụ có xe đạp thì lại muốn có xe máy, khi có xe máy rồi thì lại muốn có ô tô... Trong luân hồi này, bởi vì phiền não, trong đó có tâm tham khiến ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có.
+ Khổ thứ 3 là nỗi khổ phải bỏ thân: Ta sống hết cuộc đời này, rồi sẽ phải chết đi. Sau khi bỏ thân ở đời này, ta tái sinh ở cõi khác tùy theo nghiệp ác/nghiệp thiện của mình. Ta liên tục chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần ở trong luân hồi này.
+ Khi chúng ta phải bỏ thân qua nhiều đời, đời này chết đi sang đời khác, lúc sinh ra ở một đời tái sinh mới, ta cũng phải đi một mình; lúc chết đi, ta cũng đi một mình. Lúc đó gia đình, bạn bè hay tài sản cũng không giúp được gì cho ta. Điều duy nhất giúp được ta là Phật pháp. Lúc đó, nếu ta có quy y Tam Bảo, có niềm tin vào đức Phật cùng với những thiện hạnh mà ta đã tạo được thì mới giúp ta có được đời tái sinh kế tiếp tốt đẹp hơn.
+ Trong cõi luân hồi, những đau khổ và an lạc đều có cao, thấp. Ví dụ so với cõi súc sinh, chúng sinh ở cõi người sung sướng hơn. Nhưng ngay trong cõi người, cũng có sự cao, thấp khác nhau, như có người giàu, có người nghèo...
+ Trong cõi người, bất cứ ai cũng phải trải qua nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử. Những gì mình mong muốn thì không có được, gọi là cầu bất đắc khổ. Những gì mình không mong muốn, hay những nghịch cảnh lại luôn diễn ra cho mình, gọi là oán tắng hoại khổ. Bên cạnh đó, ta cũng không làm được theo ý mình mà phải sống một cuộc đời theo suy nghĩ của người khác, theo cách nhìn của xã hội..
- Những phiền não như vậy từ đâu mà có? Đó là do chấp ngã, chấp vào cái tôi của mình, chỉ mong muốn cái tốt cho mình, không muốn cái xấu cho mình. Từ tâm chấp ngã sinh ra rất nhiều phiền não, khiến ta không thể nào an lạc. Khi có những phiền não như vậy, ta phải bình tâm suy nghĩ xem những phiền não như thế từ đâu có? Ví dụ, ta hay nóng giận, vậy cơn nóng giận từ đâu mà có? Việc đổ lỗi hoàn toàn cho người khác có hợp lý hay không? Nếu bình tâm suy nghĩ, đổ lỗi như thế là không hợp lý vì trong hoàn cảnh đó, có nhiều yếu tố khiến một người nóng giận. Cho nên có nhiều yếu tố, nhiều điều kiện kích động tạo ra phiền não trong tâm, trong đó nếu xét kỹ, có những yếu tố là về phía mình. Do đó, ta hoàn toàn có thể chủ động dẹp bỏ những yếu tố từ phía mình, từ đó nguy cơ bị phiền não sẽ giảm xuống.
- BÀI TẬP TRONG TUẦN: Bất cứ lúc nào ta có tâm ghen tị, hay đố kỵ với người khác, hãy bình tĩnh và dùng chánh niệm để ý thức rằng ta đang ganh tức với người kia, phân tích xem tâm ganh tức đó có giúp cho ta có được những điều mong muốn hay là nó đang hủy hoại chính ta. Sau đó, ta hãy suy nghĩ làm sao loại bỏ những tâm như thế để phiền não không quấy rầy mình nữa.
- Thiền thường có 2 loại: Một là nghĩ đến hình ảnh một vị Phật và tập trung vào hình ảnh đó, gọi là thiền tập trung. Hai là thiền phân tích, nghĩa là quan sát tâm mình, đi tìm nguyên nhân gây ra phiền não và tìm cách loại trừ phiền não đó ra khỏi tâm mình. Khi ta thiền để xem vận dụng phương pháp như thế nào để có thể diệt phiền não, cách thiền như thế gọi là thiền về đạo đế, nghĩa là phương pháp để thoát khổ. Khi dùng phương pháp thoát khổ và thực sự áp dụng phương pháp đó loại trừ thành công được phiền não ra khỏi tâm mình, lúc đó tâm an lạc trở lại. Trạng thái an lạc lúc đó gọi là diệt đế, nghĩa là đã diệt được phiền não, có được an lạc, còn gọi là Niết bàn.