TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 27 – NGÀY 26/11/2022
CHỦ ĐỀ: THANH LỌC BẢN THÂN BẰNG 4 NĂNG LỰC
A. Sau khi suy nghĩ về nghiệp quả, hãy thay đổi cách hành xử (xem trang 688, Giải Thoát Trong Lòng Tay)
- Mục đích của người thực hành theo phạm vi nhỏ là muốn có được cuộc sống sung túc, hạnh phúc ở đời này và đời sau. Và ta biết rằng nếu làm nghiệp thiện, sẽ có được kết quả là hạnh phúc, an lạc; nếu làm nghiệp ác thì kết quả sẽ là đau khổ. Do đó, để không bị đau khổ và có được hạnh phúc, ta cần phải thay đổi cách hành xử làm sao tăng trưởng thiện nghiệp và từ bỏ ác nghiệp.
- Để thay đổi cách hành xử, đầu tiên ta cần phải biết đâu là những bất thiện nghiệp để tránh và cần làm những gì để có được thiện nghiệp. Nếu điều ác là gì mà ta cũng không biết thì làm sao bỏ ác? Nếu việc thiện là gì mà ta cũng không biết thì làm sao làm thiện? Do đó, ta cần phải biết làm gì để bỏ ác và làm gì để tăng trưởng thiện hạnh.
- Tổ Tsongkhapa nói rằng nếu ta phát tâm mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau nhưng ta chỉ quy y Tam Bảo mà không thay đổi cách hành xử thì ác nghiệp vẫn còn, thiện nghiệp sẽ không tăng trưởng, vậy lấy cái gì để có được hạnh phúc? Ta cần phải hiểu rõ nghiệp quả, làm gì để có thêm nhiều thiện hạnh và làm gì để giảm bớt nghiệp ác thì mới có được cuộc sống hạnh phúc, sung túc.
- Có một câu chuyện về pháp thực hành của một vị thầy. Vị thầy này luôn nỗ lực giảm bớt việc ác của mình, ngay cả suy nghĩ bất thiện cũng phải giảm, đồng thời cố gắng tăng trưởng thiện hành. Cách thực hành của vị thầy như sau: mỗi ngày nếu có nghĩ hoặc làm bao nhiêu việc thiện, vị thầy sẽ bỏ hòn đá trắng vào rổ; còn nghĩ hoặc làm bao nhiêu việc bất thiện thì bỏ hòn đá đen vào rổ. Đến cuối ngày, sẽ đếm lại số hòn đá trắng và hòn đá đen trong rổ. Ban đầu số hòn đá đen rất nhiều so với hòn đá trắng. Nhưng thông qua học hỏi, hiểu biết và thực hành, dần dần ở trong rổ, số đá trắng đã nhiều hơn đá đen. Cũng giống như vậy, ta phải cố gắng thực hành để mỗi ngày làm việc thiện nhiều hơn là làm việc ác và phải biết cách tịnh hóa ác nghiệp, khi đó ta mới có được kết quả là hạnh phúc và không phải chịu khổ đau. Bất cứ lúc nào phiền não hoặc ý nghĩ làm việc ác xuất hiện, ta phải tìm phương pháp loại trừ ngay, đừng để ý nghĩ xấu day dưa trong tâm thức của mình, vì như thế sẽ tạo thói quen xấu.
- Ta cần ghi nhớ 10 điều bất thiện và hãy tập trung tỉnh thức để biết lúc nào ta đang chuẩn bị làm điều bất thiện và khi làm điều bất thiện đó, ta phải nghĩ kết quả của điều bất thiện đó sẽ là làm cho ta gặp khó khăn và đau khổ trong tương lai nên hãy chặn đứng nguyên nhân gốc rễ là từ bỏ điều bất thiện đó. Khi từ bỏ như vậy, ta sẽ có được thiện hạnh và chấm dứt được thói quen làm việc ác. Nếu ta luôn tỉnh thức, quan sát bản thân để chặn đứng ngay lập tức những phiền não phát sinh trong tâm thì càng ngày thói quen giảm nghiệp bất thiện sẽ càng tăng và thiện nghiệp sẽ ngày càng tăng trưởng.
- Trong cuộc sống, ta thường gặp những hoàn cảnh khó khăn. Khi ấy, hãy nghĩ những khó khăn đó là kết quả của những việc làm bất thiện trong quá khứ. Hiểu được như vậy, ta quyết tâm từ bỏ tất cả những việc bất thiện trong hiện tại để tương lai không phải rơi vào những hoàn cảnh khó khăn đó. Đối với những nghiệp ác đã lỡ làm trong quá khứ, ta cần phát tâm ăn năn, hối hận và quyết không tái phạm những ác nghiệp đó nữa.
- Để có quyết tâm lớn, ta phải nghĩ về hậu quả của việc xấu và nghĩ đến kết quả tốt của việc thiện. Thiện hạnh cho ta hạnh phúc và sung túc bao nhiêu thì việc xấu sẽ khiến ta đau khổ và khó khăn bấy nhiêu. Ta phải liên tục suy nghĩ về những điểm này thì mới phát sinh được trải nghiệm sâu sắc, từ đó mới thực sự quyết tâm từ bỏ việc xấu và làm nhiều việc tốt.
- Từ trước đến này ta đã phạm phải rất nhiều việc xấu, vậy làm thế nào để làm sạch hết các nghiệp xấu để không phải chịu hậu quả khó khăn và đau khổ do ác nghiệp đã tạo. Ta cần biết rằng điểm tốt duy nhất của việc xấu là chúng có thể được tịnh hóa, nghĩa là nghiệp xấu có thể được thanh lọc để không gây đau khổ cho mình nữa.
- Xem thêm trang 690 Giải Thoát Trong Lòng Tay có câu chuyện về tướng cướp Vô Não đã giết 999 người và hoàng tử A Xà Thế phạm tội giết hại vua cha nhưng sau khi được khai sáng đã biết hối hận và biết cách thanh lọc ác nghiệp, sau đó chứng được quả vị giải thoát. Trong 10 bất thiện nghiệp, giết người là nghiệp nặng nhất. Tướng cướp Vô Não đã giết 999 người nhưng vẫn có thể thanh lọc được ác nghiệp và có thể tu tập để thành A-la-hán. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được giống vậy. Chỉ cần với tâm hối hận lớn vì chuyện xấu đã làm, biết áp dụng biện pháp để thanh lọc nghiệp ác và sau đó làm thêm nhiều thiện hạnh để bù đắp nghiệp xấu đã làm thì không ác nghiệp nào không thể được thanh lọc.
B. Thanh lọc ác nghiệp bằng 4 năng lực
- Đầu tiên là quyết tâm không làm việc xấu nên đối với những chuyện xấu trong tương lai, ta cố gắng hạn chế và dẫn đến từ bỏ. Còn những việc xấu đã lỡ làm trong quá khứ, ta tịnh hóa những ác nghiệp này bằng 4 năng lực:
(1) Năng lực thứ nhất là từ bỏ việc ác. Ví dụ biết sát sinh sẽ mang hậu quả lớn nên bây giờ phát tâm từ bỏ, nghĩa là từ nay về sau sẽ không sát sinh nữa. Đối với những việc sát sinh trước đây lỡ làm hoặc từ dây về sau có vô tình phạm phải nghiệp sát sinh thì hãy áp dụng năng lực thứ 2.
(2) Năng lực thứ hai là tạo thiện hạnh để bù đắp những chuyện xấu từng làm.
(3) Năng lực thứ ba là phải có tâm hối hận về những bất thiện nghiệp đã tạo và quyết tâm không bao giờ tái phạm.
(4) Năng lực thứ 4 (xem trang 693, Giải Thoát Trong Lòng Tay)
- Thực ra, khi nghĩ sâu sắc về tất cả các ác nghiệp, ta sẽ thấy việc làm hại chúng sinh khác hóa ra là làm hại chính mình. Ví dụ, nếu tạo nghiệp sát sinh, thì tương lai ta sẽ dễ bị bệnh, dễ bị người khác sát hại, tổn thương, tuổi thọ ngắn đi. Cho nên bây giờ ta hại chúng sinh khác, thực ra là hại chính ta. Còn khi ta bố thí, giúp người khác để người khác có cuộc sống tốt, thọ mạng lâu dài thì cũng giống như đang giúp chính mình vì nhờ công đức đó, ta cũng có cuộc sống tốt và thọ mạng lâu dài như vậy.
- Khi ta làm thiện hạnh, không quan trọng là vật chất nhiều hay ít, mà quan trọng là giúp đỡ và bảo bọc được những kẻ yếu thế hơn mình. Điều này sẽ mang lại công đức rất lớn và khi công đức đó trổ quả sẽ cho ta kết quả tốt đẹp khó có thể tưởng tượng được. Cho nên, việc thiện không chỉ mang đến cho ta hạnh phúc đời này và đời sau mà còn giúp thanh lọc ác nghiệp trước đó đã gây tạo. Ta phải luôn lưu ý đến điều đó.