17-09-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 21 - NGÀY 17/09/2022

CHỦ ĐỀ: PHÁT TRIỂN LÒNG TIN VÀO NHÂN QUẢ (Ngày thứ 13)

- Hãy khởi động cơ tốt trước khi học: phát tâm quy y nương tựa vào Tam Bảo và phát tâm bồ đề rằng những việc tốt mình làm sẽ không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho cả những người xung quanh, gia đình, bạn bè và xã hội...

- Phần chính trong phạm vi nhỏ là thực hành nghiệp quả: làm việc tốt để tích lũy thiện hạnh và xa lánh tất cả mọi việc xấu để có được an lạc, hạnh phúc và tránh kết quả đau khổ.

- Ta cần phải thực hành nhân quả và xem thực hành nhân quả là nền móng cho tất cả các pháp thực hành của mình. Bởi vì nếu một pháp thực hành không được xây dựng trên nền mỏng vững chắc thì sẽ không có kết quả hữu ích. Để có trình tự thực hành vững chắc, đầu tiên ta cần phát khởi niềm tin vào nghiệp quả. Có nghĩa là ta phải hiểu sâu sắc về nghiệp quả. Khi có được nền móng vững chắc, các pháp thực hành cao dần theo trình tự sẽ dễ dàng và vững chắc hơn.

- Nghiệp quả vận hành như thế nào? Nghiệp nói chung là hành động. Theo quan điểm của Phật giáo, một người làm ra một hành động nào đó thì hành động đó đầu tiên phải xuất phát từ động cơ, tức suy nghĩ của người đó. Động cơ sẽ thúc đẩy một người hành động. Dựa vào tính chất của hành động đó là tốt hay xấu để xác định kết quả sẽ là tốt hay xấu. Nếu hành động đó là tốt thì kết quả của hành động đó sẽ mang lại sự an lạc, hạnh phúc, còn nếu hành động đó là xấu sẽ tạo ra kết quả là sự đau khổ, khó khăn.

- Nghiệp quả phải dựa trên quy luật nhân quả. Nếu mỗi người chúng ta làm việc tốt sẽ có kết quả tốt, nếu làm việc xấu thì sẽ có kết quả khó khăn, đau khổ, tương ứng với tính chất của hành động mà chúng ta đã tạo.

- Nghĩ về nhân quả tổng quát (xem thêm trang 639, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay):

(1) Nghiệp cố định: Phật dạy rằng bất cứ nghiệp nào tạo ra sẽ đem lại hậu quả tương ứng. Nghĩa là tạo nghiệp xấu sẽ có kết quả đau khổ, khó khăn, nếu tạo nghiệp tốt sẽ có kết quả là niềm vui, an lạc, hạnh phúc. Đây là khía cạnh cố định của nhân quả.

+ Chúng ta đã làm rất nhiều việc tốt nhưng bên cạnh đó cũng đã làm rất nhiều việc xấu. Lúc chín quả thì nghiệp tốt và nghiệp xấu cho ra kết quả đan xen với nhau và ta không biết chúng đan xen như thế nào. Ví dụ, ta đang phải hứng chịu kết quả của những việc xấu, tức ta đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cũng chính nhờ kết quả của những việc tốt ngày trước ta đã tạo mà giúp cho hoàn cảnh khó khăn đó của ta tạm thời lắng dịu xuống và ta có được một chút hạnh phúc, an lạc. Như vậy, kết quả của việc tốt và việc xấu đan xen thế nào thì ta không biết, mà chỉ biết một điều là ta không thể né tránh được tất cả kết quả của việc tốt và việc xấu đã làm. Trong cuộc đời này, ta có thể đã làm được những việc tốt nên bây giờ chín mùi ra kết quả tốt và các điều kiện thuận lợi mình đang có. Còn những hoàn cảnh khó khăn, những điều xấu mà ta gặp phải là do các việc xấu ngày trước mình đã làm.

+ Hiểu về nghiệp cố định cho ta bài học rằng phải luôn cố gắng làm việc tốt để có thiện nghiệp và luôn cố gắng từ bỏ những việc xấu để tịnh hóa những ác nghiệp.

(2) Nghiệp có sức tăng trưởng lớn: nghĩa là một việc làm nho nhỏ có thể góp phần tạo ra một kết quả ảnh hưởng lớn lao. Do đó, ta không nên xem thường bất kỳ một việc tốt nho nhỏ nào vì nếu những việc tốt nho nhỏ đó trải qua thời gian làm liên tục thì sẽ tạo thói quen tích cực và đem lại thiện hạnh lớn lao. Đồng thời, vì nghiệp có sức tăng trưởng lớn nên ta cũng không được xem thường bất kể việc xấu nào dù là việc xấu nho nhỏ. Đừng nghĩ làm việc xấu nho nhỏ này sẽ không có hậu quả gì nhiều nhưng nếu làm việc xấu với động cơ xấu rồi lại thỏa mãn với việc xấu của mình thì dần dần sẽ thành thói quen. Cứ như thế, việc xấu sẽ tích góp và sau đó sẽ cho ta kết quả khó khăn, đau khổ lớn lao.

+ Bài học về nghiệp có sức tăng trưởng lớn là không xem thường việc tốt dù nho nhỏ vì việc tốt dù nhỏ nếu làm thường xuyên sẽ cho kết quả lớn lao nên ta phải luôn nỗ lực làm bất kỳ việc thiện nào dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, ta cũng không được xem thường những việc xấu dù nho nhỏ, vì những việc xấu dù nho nhỏ, tưởng chừng như vô hại mà nếu tạo thói quen cho bản thân sẽ mang đến những đau khổ và khó khăn rất lớn. Vì thế, ta phải luôn nỗ lực từ bỏ việc xấu dù là nhỏ nhất.

(3) Bất cứ gì ta đã gặp đều do đã tạo nghiệp tương ứng: Một khi đã tạo việc tốt hay xấu thì ta sẽ gặp kết quả tương ứng. Ví dụ, ta đã làm việc xấu nào đó nên bây giờ ta phải gánh chịu đau khổ. Hoặc trong hoàn cảnh khó khăn, cho dù có nhiều người bị tổn hại, nhưng nếu không có tạo nghiệp xấu để phải gánh chịu khó khăn đó thì cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn, cũng sẽ không bị tổn hại vì khó khăn đó.

(4) Nghiệp đã tạo sẽ không có tự nhiên mất đi: Cho dù nghiệp tốt hay xấu, một khi đã tạo thì chắc chắn sẽ chín mùi, tức sẽ cho kết quả tương ứng. Kinh Phật nói rằng “Nghiệp của chúng sinh không tiêu mất, trải qua hàng trăm kiếp, khi có điều kiện và đúng thời, nghiệp sẽ chín thành kết quả”. Cho nên nghiệp đã tạo ra sẽ không bao giờ mất đi cho dù có trải qua thời gian dài bao lâu đi chăng nữa.

- CÁC BÀI HỌC ĐƯỢC ĐÚC KẾT:

(1) Cơ chế nghiệp quả chi phối chúng ta theo cách là nếu làm việc tốt sẽ có kết quả tốt và nếu làm việc xấu sẽ chịu kết quả xấu. Do đó, phải luôn nỗ lực làm việc tốt và tránh việc xấu.

(2) Đừng xem thường việc tốt nho nhỏ vì nó có khả năng tăng trưởng và cho ra kết quả lớn, đồng thời phải cố gắng từ bỏ việc xấu dù là nhỏ nhất vì ngay cả việc xấu nhỏ cũng có sức tăng trưởng lớn.

(3) Đối với việc tốt, cần có động cơ thanh tịnh trước khi thực hiện bất kỳ việc tốt nào và sau khi làm, hãy hồi hướng để tích góp thiện hạnh và giữ thiện hạnh không bị mất đi. Đối với việc xấu đã làm, nếu lỡ làm việc xấu và biết mình đã làm việc xấu thì phát tâm sám hối, ăn năn và quyết không tái phạm việc xấu đó nữa, đồng thời cố gắng làm việc thiện để bù đắp. Nhờ cách làm như vậy, thói quen xấu dần dần giảm bớt, dẫn đến ác nghiệp cũng dần dần nhỏ lại, không còn sức tăng trưởng lớn, sau này sẽ không cho ra kết quả khó khăn và đau khổ lớn nữa.