TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 12 - NGÀY 16/07/2022
CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM Ở PHẠM VI NHỎ
(Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)
- Phần thực hành quan trọng trong phạm vi nhỏ là thực hành về vô thường (xem trang 490-491, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng tay).
- Khi thiền về vô thường và cái chết, cần thiền 3 điểm chính như sau:
(1) Nghĩ cái chết không thể tránh
(2) Không biết khi nào sẽ chết
(3) Khi chết, chỉ có giáo pháp mới giúp được mình.
- Trong đạo Phật hay nói đến vô thường và cái chết, mục đích là để ta hiểu rõ vô thường và cái chết là như thế nào, chứ không phải nói đến những điều tiêu cực để khiến ta bi quan, chán nản. Vì thế, ta phải nghĩ lại về cách ta hiểu về vô thường và cái chết trong đạo Phật. Ở đây hướng dẫn cách ta nhìn nhận cuộc sống này và thay đổi cách suy nghĩ như thế nào để thoát khỏi nỗi sợ hãi đó.
- Khi nghĩ cái chết không thể tránh, ta đừng nghĩ đến cái chết của bản thân (vì sẽ khiến ta hoang mang, lo lắng và bối rối) mà hãy nghĩ đến cái chết của người thân. Khi biết cái chết không thể tránh và sẽ đến bất cứ lúc nào, ta hãy tận dụng mọi thời gian, giây phút ở bên gia đình để sống thực sự vui vẻ và làm những việc lợi lạc cho những người xung quanh. Mỗi một phút giây ta còn ở cùng người thân là những giây phút rất quý báu nên ta phải trân trọng và hoan hỷ với điều đó. Bên cạnh đó, ta hãy nghĩ đến những người mình không thích. Khi nghĩ rằng cái chết của họ là chắc chắn và không biết sẽ chết lúc nào, ta sẽ giảm được tâm tức giận, hay đố kị đối với họ. Ta cũng nghĩ đến những người mình quen biết không may qua đời - những người trẻ tuổi, bằng tuổi mình, hoặc lớn tuổi hơn mình, để cảm thấy may mắn và hoan hỷ vì mình vẫn còn sống.
- Bạn có cảm thấy mình là người may mắn không? Nếu bạn nghĩ mình may mắn, nghĩa là bạn may mắn. Nếu bạn cảm thấy mình không may mắn, nghĩa là bạn đang không may mắn. Ta có may mắn hay không thì tùy thuộc vào bản thân mình có nghĩ mình được may mắn hay không. Ta thực hành bằng cách nhìn những người trẻ hơn mình, bằng tuổi, hoặc lớn tuổi hơn mình mà vì lý do nào đó họ qua đời để cảm thấy may mắn và hoan hỷ vì ta vẫn còn sống.
- Hiện tại ta vẫn cảm thấy cuộc sống có nhiều khó khăn và đau khổ là bởi vì ta không biết cách sống và thay đổi suy nghĩ làm sao để có được niềm vui, hạnh phúc. Thực hành Phật pháp là làm sao thay đổi được cách suy nghĩ trong tâm; một khi ta đã thay đổi được cách suy nghĩ rồi thì thế giới bên ngoài sẽ thay đổi theo.
- Thực hành vô thường còn có một khía cạnh khác là giúp ta vượt qua những nỗi sợ hãi. Bất cứ lúc nào ta gặp một vấn đề khó khăn, hay lo sợ điều gì đó thì nghĩ rằng việc mình đang sợ cũng là vô thường và vì vô thường nên nó sẽ thay đổi… Lưu ý, ta cần thực hành kết hợp với tâm chấp nhận hoàn cảnh. Thông thường ta chỉ chấp nhận những điều tốt, còn những hoàn cảnh khó khăn thì ta không chấp nhận được nên cứ bị phiền não quấy nhiễu. Vì thế, khi gặp hoàn cảnh khó khăn, đầu tiên ta phải học cách chấp nhận nó và nghĩ rằng vì hoàn cảnh khó khăn đó là vô thường nên sẽ thay đổi, rồi sẽ hết khó khăn, từ đó sẽ thoát khỏi nỗi sợ hãi về hoàn cảnh khó khăn đó. Đó là mức độ thứ 3 trong phần thực hành về vô thường.
- Giả sử hôm nay là ngày cuối cùng bạn còn sống, bạn sẽ làm gì? Hãy nghĩ đến 3 điều quan trọng ta mong muốn làm nếu hôm nay là ngày cuối cùng còn sống trên đời này. Hãy liệt kê 3 điều quan trọng này và cố gắng thực hiện chúng.
- Mức độ thứ 4 khi thực hành vô thường (cũng là mức độ thực hành khá chuyên sâu) là mỗi tối trước khi đi ngủ, ta nghĩ đây là khoảnh khắc cuối cùng mình còn được sống, sau đó ta cầu nguyện với Ruộng Phước để được lên cõi tịnh độ sau khi chết và bên cạnh đó ta cầu nguyện cho những người thân được bình an và vượt qua mọi khó khăn. Đến sáng ngày hôm sau thức dậy, khi thấy ta vẫn chưa chết, ta hãy phát tâm hoan hỷ và may mắn vì vẫn còn được sống.
- Ta nhận thấy hạnh phúc, niềm vui của ta ngày càng trở nên đắt giá. Khi còn nhỏ, hạnh phúc chỉ là được cho một que kem. Khi lớn lên một chút, ta thích có xe đạp và khi có được xe đạp, ta mới cảm thấy vui và hạnh phúc... Cứ thế, hạnh phúc của ta ngày càng tăng giá theo những món đồ mà ta thích. Chính ta tự làm cho niềm vui, hạnh phúc của mình trở nên đắt giá mà thôi. Khi hạnh phúc của ta càng đắt giá thì ta càng có ít niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Khi hạnh phúc, niềm vui của ta càng rẻ thì ta càng có nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn. Vì thế, mỗi sáng thức dậy, ta hãy cảm thấy mình may mắn và vui vì vẫn còn được sống. Khi liên tục thực hành như vậy, qua thời gian dần dần ta sẽ thực sự cảm thấy vui và hạnh phúc khi còn được sống. Chỉ cần nghĩ đến việc ta vẫn còn sống thì cũng đủ để cảm thấy hoan hỷ và may mắn.
- Có 3 nguyên nhân vì sao cái chết không thể tránh:
(1) Cái chết chắc chắn không thể cản (xem trang 506).
(2) Mạng sống giảm dần (xem trang 510). Mỗi ngày trôi qua, tuổi thọ của ta sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, những chướng ngại khiến ta chết thì nhiều hơn, trong khi những thuận duyên giúp ta sống lâu hơn thì rất ít.
(3) Ta có thể chết trước khi ta muốn tu tập.
- Ở một góc nhìn khác, ta nghĩ rằng cái chết không phải là sự kết thúc, mà là một khởi đầu để tiếp tục một đời kế tiếp.
- Điểm quan trọng thứ 3 là khi chết, chỉ có Phật pháp mới giúp được ta. Đến khi chết, chỉ có niềm tin và tín tâm vào đức Phật mới có thể bảo vệ ta. Điều tồi tệ nhất lúc chết là nỗi sợ chết. Sợ chết thì ai cũng có và là điều khó vượt qua nhất trong lúc chết. Chỉ có niềm tin rất lớn đối với đức Phật và Tam Bảo mới có thể giúp ta vượt qua nỗi sợ chết đó. Vậy bây giờ ta có thể chuẩn bị và thực hành như thế nào để đến lúc chết, ta giảm được nỗi sợ chết? Ta thực hành bằng cách mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy nghĩ đây là ngày cuối cùng mình còn được sống, lúc đó ta cầu nguyện Ruộng Phước/đức Phật để tăng trưởng được tín tâm đối với Tam Bảo và dần dần ta sẽ vượt qua nỗi sợ chết.
- Bài tập trong tuần: Thực hành thiền về vô thường và cái chết theo 4 mức độ:
(1) Nghĩ đến vô thường và cái chết của người thân và của những người mình không thích. Từ đó cảm thấy may mắn mình vẫn còn sống và trân trọng những giây phút được sống cạnh người thân và cũng giảm được phiền não, tâm tức giận hay đố kị đối với những người mình không thích.
(2) Nghĩ đến cái chết của những người bằng tuổi mình, trẻ tuổi hơn mình hoặc lớn tuổi hơn mình mà không may qua đời để cảm thấy may mắn và hoan hỷ vì mình còn được sống và làm được những điều lợi lạc trong lúc còn sống.
(3) Bất cứ lúc nào ta gặp một vấn đề khó khăn, hay lo sợ điều gì đó thì nghĩ rằng việc ta đang sợ hay hoàn cảnh khó khăn ta đang gặp phải cũng là vô thường. Chính vì vô thường nên nỗi sợ đó hay hoàn cảnh khó khăn đó sẽ thay đổi, từ đó ta sẽ vượt qua được nỗi sợ của mình.
(4) Mỗi tối trước khi đi ngủ, ta nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng của mình, lúc đó cầu nguyện Ruộng Phước để ta được lên cõi tịnh độ sau khi chết. Đến sáng ngày hôm sau khi thức dậy, ta cảm thấy may mắn và hoan hỷ vì vẫn còn được sống.
+ Chúng ta hãy thực hành thiền về vô thường theo 4 mức độ như trên trong khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Không cần phải thiền liên tục trong 30 phút mà ta có thể tận dụng lúc đi bộ trên đường, những lúc rãnh rỗi để thiền về vô thường và cái chết, cộng lại các thời thiền trong ngày là khoảng 20-30 phút.