TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 10 – NGÀY 02/07/2022
CHỦ ĐỀ: BẢY PHÁP GIA HÀNH – NƯƠNG TỰA BẬC THẦY
(Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)
- BẢY PHÁP GIA HÀNH (dâng lời cầu nguyện 7 phần), gồm:
(1) Đảnh lễ
(2) Cúng dường
(3) Sám hối
(4) Hoan hỷ
(5) Thỉnh chuyển pháp luân: nghĩa là thỉnh đức Phật giảng pháp. Ta nghĩ rằng ở phía trước mặt có Ruộng Phước, trên Ruộng Phước có các vị Phật và ta thỉnh các vị Phật giảng pháp cho mình. Khi thực hành như thế, ta sẽ tạo nhân duyên tốt, để đời này và các đời sau có cơ hội thuận duyên gặp được chánh pháp.
(6) Thỉnh cầu Ruộng Phước đừng nhập Niết Bàn
(7) Hồi hướng
+ Trong lời cầu nguyện 7 phần, 4 phần đầu tiên là quan trọng nhất (đảnh lễ, cúng dường, sám hối, hoan hỷ).
- CẦU NGUYỆN RUỘNG PHƯỚC:
+ Sau khi dâng lời cầu nguyện 7 phần, chúng ta hãy cầu nguyện Ruộng Phước. Có 3 điểm quan trọng khi thực hành cầu nguyện Ruộng Phước (trang 355, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay)
(1) Cầu nguyện cho tất cả mọi phiền não, suy nghĩ sai lầm, lệch lạc trong tâm đều được loại trừ.
(2) Cầu nguyện cho những suy nghĩ đúng đắn (chánh kiến) sẽ được phát sinh trong tâm mình.
(3) Cầu nguyện cho tất cả các chướng ngại trong việc thực hành Phật pháp của mình được loại bỏ.
+ Có 3 chướng ngại khi thực hành Phật pháp:
(1) Chướng ngại bên trong: bệnh tật trên thân khiến ta không thực hành pháp được.
(2) Chướng ngại bên ngoài: điều kiện bên ngoài, hoặc ai đó gây khó khăn cản trở ta thực hành pháp.
(3) Chướng ngại bí mật: tính lười biếng khiến ta không thực hành pháp được.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Ruộng Phước để loại bỏ tất cả mọi chướng ngại đó.
+ Bất cứ lúc nào nhận thấy ta đang suy nghĩ tiêu cực thì hãy nghĩ đến Ruộng Phước và cầu nguyện Ruộng Phước giúp ta xóa tan và đẩy lùi tất cả suy nghĩ tiêu cực đó. Ví dụ, lúc ta tức giận ai đó, hãy nghĩ đến Ruộng Phước, cầu nguyện Ruộng Phước giúp cho cơn tức giận và tất cả mọi phiền não của ta được loại trừ. Hoặc những lúc ta sợ hãi/bất an hoặc đang trong hoàn cảnh khó khăn, ta cũng có thể nghĩ đến Ruộng Phước và cầu nguyện Ruộng Phước cho ta sức mạnh chiến thắng nỗi sợ hãi/bất an đó, giúp ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn và tâm không còn những suy nghĩ tiêu cực nữa.
+ Khi nghĩ đến Ruộng Phước, nếu có thời gian, chúng ta hãy thực hành lời cầu nguyện 7 phần; nếu không có thời gian, chúng ta hãy cầu nguyện với Ruộng Phước 3 điều quan trọng như trên.
+ Trong cuộc sống hằng ngày, ta gặp rất nhiều người, có thể ta sẽ khởi tâm tức giận, hờn ghét, hay đố kị người này, người kia. Trong những lúc đó, khi nhận ra ta có suy nghĩ tiêu cực trong tâm thì hãy lập tức nhớ đến Ruộng Phước và cầu nguyện Ruộng Phước cho ta sức mạnh để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực như thế. Sau khi cầu nguyện như vậy, ta nghĩ rằng các vị Phật trên Ruộng Phước sẽ chấp nhận lời cầu nguyện của mình và gia trì cho mình. Sau khi nghĩ Ruộng Phước đã chấp thuận lời thỉnh cầu của mình, hãy nghĩ rằng trên Ruộng Phước có rất nhiều vị Phật, từ thân các vị Phật sẽ có những bản sao y hệt như vậy, bằng ánh sáng hào quang chiếu đến, hòa tan hoàn toàn vào người mình. Khi đó, ta nhận được trọn vẹn sự gia trì từ các vị Phật trên Ruộng Phước, giúp ta vượt qua tất cả phiền não và chướng ngại. Khi cầu nguyện cho người khác, ta cũng thực hành tương tự như vậy, nghĩ rằng có bản sao của các vị Phật từ Ruộng Phước phóng ra và hòa tan hoàn toàn vào cơ thể của người mà ta đang cầu nguyện, giúp họ vượt qua khó khăn, chướng ngại, bệnh tật…
+ Thử nghiệm hiệu quả của việc cầu nguyện Ruộng Phước: Ta chuẩn bị 2 cây giống hệt nhau. Đối với một cây, mỗi ngày ta tưới nước, chạm vào cây đó và cầu nguyện với Ruộng Phước. Ta nghĩ từ Ruộng Phước có ánh sáng hào quang mạnh mẽ chiếu đến cây, giúp cây sinh trưởng tốt. Đối với cây còn lại, ta chỉ tưới nước bình thường, mà không cầu nguyện với Ruộng Phước. Sau một thời gian, ta kiểm tra sự tăng trưởng của 2 cây có khác biệt như thế nào. Thông thường những người thực hiện thử nghiệm này cho biết việc cầu nguyện có tác động rất tích cực đối với cây. Nếu năng lực cầu nguyện có hiệu quả tích cực đối với cây thì chắc chắn cũng sẽ có tác động rất tích cực lên bản thân mình.
+ Bất cứ lúc nào có suy nghĩ tiêu cực trong tâm thì đó là thời điểm tốt nhất để cầu nguyện. Lúc nào tâm cảm thấy bất an thì đó là thời điểm tốt nhất để thực hành pháp.
+ BÀI TẬP TRONG TUẦN: Thực hành cầu nguyện với Ruộng Phước bằng cách thử nghiệm trên 2 cái cây, hoặc thực hành cầu nguyện cho bản thân. Ta nghĩ rằng có ánh sáng màu trắng từ Ruộng Phước phóng ra tan hoàn toàn vào cơ thể mình, giúp ta vượt qua mọi bệnh tật, sau đó dùng bàn tay chạm vào các phần bị đau trên cơ thể, nói với các tế bào trên cơ thể mình hãy hồi phục. Ta cũng có thể cầu nguyện cho người thân tương tự như vậy.
- NƯƠNG TỰA ĐẠO SƯ:
+ Làm sao để tìm được một vị thầy chân chính? Muốn có vị thầy đúng đắn thì đầu tiên, bản thân ta phải là một học trò đúng đắn trước. Một khi đã phát tâm làm một học trò đúng đắn, lúc đó ta sẽ tìm được một vị thầy chân chính.
+ Vị thầy chân chính cần phải có những phẩm tính nào?
(1) GIỚI: Đầu tiên, một vị thầy chân chính phải tuân thủ giới luật, tức những nguyên tắc đúng đắn. Nếu vị thầy không tuân thủ những giới luật đúng thì làm sao hướng dẫn cho học trò con đường thực hành pháp đúng đắn. Đây là một phẩm tính đặc biệt quan trọng ở vị thầy chân chính, nghĩa là vị thầy phải thực hành được những điều mà mình giảng dạy cho học trò, chứ không thể nói và dạy những điều mà mình không làm.
(2) ĐỊNH: Vị thầy chân chính phải có định, tức sự tập trung trong việc giảng dạy.
(3) TUỆ: Vị thầy phải có trí tuệ, tức phải tinh thông kinh điển, giáo lý trong đạo Phật thì mới có thể giảng dạy cho học trò.
+ Học trò cần có những phẩm tính nào? Một phẩm tính quan trọng của học trò là phải có tính kiên định và xác quyết. Nghĩa là người học trò cần phải tự quyết định điều mình muốn theo thật tâm của mình, chứ không phải quyết định vì nghe theo người này, người kia, rồi sau đó lại thay đổi quyết định của mình. Ngoài ra, học trò cần phân tích rõ ràng và quan sát kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Một khi đã quyết định rồi, hãy tập tính kiên định, không thay đổi quyết định của mình.
+ Đặc biệt trong việc thực hành pháp, ta cần có quyết định đúng đắn và tính kiên định. Một khi đã có được quyết định và niềm tin trong chuyện thực hành Phật pháp thì hãy giữ quyết định và niềm tin của mình thật vững vàng.
+ Điểm mấu chốt trong mối quan hệ thầy - trò là học trò phải hiểu vị thầy của mình và tin tưởng thầy; vị thầy phải có lòng từ bi với học trò.
+ Những tình huống nào học trò không nên tin vị thầy? Khi vị thầy nói những điều không đúng với Phật pháp và nói những gì mà bản thân thầy không thực hành, đó chính là thời điểm học trò nên đưa ra nghi vấn với vị thầy và không nên tin thầy. Còn một khi lời thầy dạy phù hợp với giáo pháp và bản thân thầy cũng thực hành những điều đã dạy cho học trò thì lúc đó nên đặt niềm tin với vị thầy và cố gắng thực hành theo những điều thầy dạy.