NƯƠNG TỰA MỘT BẬC THẦY
Việc nương tựa một bậc thầy có 4 tiêu đề: (trang 377, quyển 1)
- Lợi ích của việc nương tựa một bậc thầy
- Những tai hại do không nương tựa một bậc thầy
- Tận tụy với thầy trong ý nghĩ
- Tận tụy với thầy trong hành vi
- Đối với việc thực hành Phật pháp, có 3 điều quan trọng: thứ nhất là chúng ta phải nương tựa với người nói pháp, thứ 2 là bản thân mình nghe pháp. Sau khi đã nghe pháp thì điểm quan trọng thứ 3 là thực hành pháp.
- Có 1 đoạn quan trọng ở trang 376-377 nói về tầm quan trọng của việc phải nương tựa một bậc thầy tâm linh: “Bạn có thể thấy những người thợ trong các nghề như nghề mộc, nghề điêu khắc… trước hết phải học tập với một bậc thầy rồi sau mới có thể tự lập. Bởi thế bạn cũng phải nương tựa một bậc thầy tâm linh để biết đúng con đường làm thỏa mãn hi vọng vĩnh cửu của mình, con đường đưa bạn lên ngang hàng chư Phật. Một số người nghĩ có thể xem sách không cần thầy, nhưng kỳ thực là cần phải nương tựa một bậc thầy có khả năng”.
- Điều quan trọng cốt yếu là ngay từ đầu chúng ta phải tìm một vị thầy có đầy đủ phẩm tính có thể hướng dẫn chúng ta thực hành đúng Phật pháp và thực hành phải có kết quả đúng như mình mong muốn. Nếu tìm một vị thầy không có đủ hiểu biết để hướng dẫn chúng ta đi trọn con đường tu tập thành Phật thì chắc chắn chúng ta không thể nào tu tập thành Phật được.
- Có rất nhiều loại thầy hướng dẫn cho chúng ta nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên, chúng ta phải nhìn vào mục đích của bản thân trước. Ví dụ, nếu mục đích của chúng ta là Tiểu Thừa, thì tìm một vị thầy có thể hướng dẫn hoàn tất con đường thực hành như của Tiểu Thừa. Nếu mục đích là Đại Thừa, thì trong Đại Thừa gồm có tu hành theo kinh điển và có thực hành theo Kim Cang Thừa. Nếu muốn thực hành theo kinh điển của Hiển giáo, thì tìm vị thầy hoàn toàn có đầy đủ khả năng hướng dẫn mình theo con đường đó. Còn muốn thực hành theo Kim Cang Thừa thì tìm vị thầy có khả năng hướng dẫn chúng ta theo con đường Kim Cang Thừa. Vì thế, đầu tiên là cần phải nhìn vào mục đích và động cơ của mình trước, xem mình muốn thế nào thì cần phải tìm vị thầy có đầy đủ phẩm tính hướng dẫn hoàn thành các mục đích và động cơ ban đầu của mình.
- Có rất nhiều loại thầy có thể hướng dẫn cho mình hoàn thành nhiều loại mục đích khác nhau nhưng ở đây GTTLT đang nói đến vị thầy có đầy đủ phẩm tính và có khả năng hướng dẫn chúng ta tiêu trừ mọi đau khổ, mọi chướng ngại để thành Phật. Chính là vị thầy tâm linh nói đến trong cuốn sách này. Đó là vị thầy Đại Thừa. Chúng ta muốn thoát khỏi mọi khổ đau và phiền não và muốn tất cả mọi chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau và phiền não thì dựa trên mong muốn đó, chúng ta tìm một vị thầy Đại Thừa giúp mình hoàn thành mục tiêu đó. Và vì muốn hoàn thành nhanh chóng có thể chỉ trong một đời này, nên chúng ta muốn tìm một vị thầy Kim Cang Thừa có thể hướng dẫn mình nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đó.
- Để tìm một vị thầy hướng dẫn chúng ta hoàn thành mục tiêu mong muốn, đầu tiên, cần phải quan sát vị thầy có đầy đủ phẩm tính như vậy hay không. Đối với một vị thầy có khả năng hướng dẫn chúng ta tu tập, cần có những phẩm tính như đức hạnh thực hành pháp, những hiểu biết của vị thầy đó, giữ đúng đạo đức (giới), sự tập trung của vị thầy đó đối với việc giảng dạy học trò (định), có trí tuệ, am hiểu sâu sắc về Phật pháp (tuệ). Đó là những phẩm tính về giới - định - tuệ. Sau khi đã quan sát vị thầy đó có đầy đủ phẩm tính đó rồi (quan sát từ xa), chúng ta tìm cơ hội tiếp cận gần với vị thầy đó, thì mới hiểu rõ vị thầy đó có đủ phẩm tính hướng dẫn mình thực hành hay là không. Khi đã hiểu rõ vị thầy đó, thì quá trình vị thầy đó hướng dẫn tâm linh cho mình mới thuận tiện về sau. Lưu ý là quá trình đi tìm vị thầy phù hợp rất mất nhiều thời gian, có thể 1 năm hay nhiều năm.
- Nếu chỉ là tìm hiểu kiến thức trong kinh điển thì chúng ta không nhất thiết phải nương tựa một bậc thầy, mà có thể học hỏi từ bạn bè, những người xung quanh - những người mà chúng ta thấy có đầy đủ phẩm tính, sự am hiểu về kinh điển. Nếu học hỏi từ họ, chúng ta cũng có khả năng hiểu biết ý nghĩa trong kinh điển. Nhưng để thực hành được những điều ấy, nhất là nói đến Kim Cang Thừa, để thực hành Kim Cang Thừa thì không thể nương vào bạn bè xung quanh mà phải nương tựa một vị thầy có đầy đủ phẩm tính.
- Sau khi đã quan sát, tiếp cận làm quen để xem vị thầy có phù hợp với mình hay không, chúng ta phải hiểu biết rõ vị thầy đó. Sau khi đã xem vị thầy đó là vị thầy tâm linh thì những bước tiếp theo sau - nương tựa một bậc thầy và giữ mối quan hệ thầy trò như thế nào - cũng rất quan trọng đối với việc thực hành pháp.
IVA1.2.1. LỢI ÍCH CỦA VIỆC NƯƠNG TỰA MỘT BẬC THẦY
- Lợi ích thứ nhất của việc nương tựa một bậc thầy là bạn có thể tiến gần hơn đến Phật quả: Ở đây gồm 2 ý là bạn sẽ tiến gần đến phật quả hơn nếu thực hành những chỉ giáo của thầy; và bạn tiến gần đến Phật quả hơn nhờ cúng dường phụng sự bậc thầy.
- Khi nương tựa vị thầy, thầy sẽ hướng dẫn mình lộ trình tu tập để tiến gần hơn đến Phật quả. Lấy ví dụ về vị tổ Milarepa. Tổ Milarepa đã đạt Phật quả ngay trong 1 đời nhờ luôn tín tâm phụng sự bậc thầy. Vì thế, khi trong tâm chúng ta đã chấp nhận một vị thầy là thầy của mình thì phải nghe lời chỉ bảo của vị thầy đó. Nếu không làm theo, thì sẽ mắc lỗi là không có nương tựa vị thầy đúng cách. Nếu không có tận tụy đúng cách thì chúng ta sẽ không có nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc nương tựa một vị thầy.
- Chuyện nương tựa một vị thầy không phải chỉ có Kim Cang Thừa mới quan trọng mà ngay cả đối với Đại Thừa khi thực hành kinh điển cũng rất quan trọng. Trong kinh điển cũng nói rõ, những vị Bồ Tát cũng cần nương tựa bậc thầy để có được trải nghiệm chứng ngộ phát triển trong tâm thức (Đọc thêm câu chuyện của vị Bồ Tát Sadàprarudita, gọi là Bồ Tát Thường Khóc ở trang 380, quyển 1).
Nếu gặp được vị Phật, thông thường, chúng ta sẽ nghĩ vị Phật ấy hơn thầy mình, nhưng trên thực tế, cách nghĩ như vậy là không đúng. Giống như câu chuyện Bồ Tát Thường Khóc, dù có cơ hội gặp vô số vị phật nhưng ông vẫn không thỏa mãn, vì cái ông cần là một vị thầy tâm linh có thể hướng dẫn ông tu hành không chỉ mỗi đời này mà tất cả những đời sau cho đến khi thành Phật. Với tâm nguyện đó, sau khi tìm được vị thầy tâm linh, ông đã chăm chỉ tận tụy phụng sự thầy và cúng dường thầy. Kết quả là ông đã có được phước và trí tuệ rất lớn từ việc tận tụy với bậc thầy, sau đó ông có chứng ngộ rất cao trên con đường tu tập của mình. Nhờ nương tựa, tận tụy với vị thầy nên khi vừa nghe pháp vị thầy đó, trong khoảnh khắc ông đã vượt lên đến Bồ Tát địa thứ 8, mà không cần phải trải qua một thời gian rất lâu là 1 a-tăng-tỳ kiếp. Ở đây nói rằng việc nương tựa một vị thầy tâm linh rất quan trọng vì giúp chúng ta tiến gần Phật quả hơn. Giống như câu chuyện của tổ Milarepa, nếu nương tựa vị thầy đúng cách và tận tụy với bậc thầy thì sẽ sớm hoàn thành mục tiêu của mình là thành Phật.
- Bạn tiến gần đến Phật quả hơn nhờ cúng dường phụng sự bậc thầy: Muốn đạt Phật quả, chúng ta phải tích lũy vô lượng công đức và trí tuệ. Sự tích lũy này không gì hơn là cúng dường bậc thầy. Có 3 cách để cúng dường, tôn kính bậc thầy là qua thân, qua lời nói và qua ý nghĩ. Chúng ta có thể tích lũy vô lượng công đức qua việc cúng dường, ở đây là cúng dường bậc thầy của mình. Chỉ cần cúng dường lên vị thầy một phần nhỏ thôi nhưng với tâm chân thành, thành kính hết mực thì công đức có được từ cúng dường bậc thầy còn lớn hơn cả cúng dường chư Phật và Bồ Tát mười phương. Công đức cúng dường cho bậc thầy là lớn hơn tất cả.
- Lợi ích thứ 2 của việc nương tựa bậc thầy là làm chư Phật hoan hỷ: Đức Phật ra đời để dạy pháp nhưng bản thân chúng ta chưa đủ phước để trực tiếp gặp một vị Phật và nghe giáo pháp từ vị Phật đó. Vị thầy của chúng ta trong đời này là người phù hợp với phước duyên của mình. Từ vị thầy đó, chúng ta có thể nghe, hiểu được và thực hành được lời dạy của Phật, nên cần nương tựa vị thầy phù hợp với phước duyên của mình để thực hành những lời dạy của Phật.